Những miền đất quê hương (phần 2)

Bấm vào đây để nghe tiết mục này

Rightclick to download this audio

Tiếp nối chủ đề “Những miền đất quê hương”, kỳ này chúng ta băng qua sông Gianh, từng là lằn chia cách thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Rồi đến con sông Bến Hải …

Ngang qua dòng sông Bến Hải, là cầu Hiền Lương. Chẳng rõ ai đặt cho địa danh này của lịch sử Việt Nam cái tên trái khoáy đó. Thật ra thì chiếc cầu nhỏ bé ấy nào có tội tình gì! chỉ vì nằm trên vĩ tuyến 17, nơi mà các chính khách ấn định để buông bức màn sắt xuống vào tháng Bảy năm 1954 ! thành ra định mệnh oan khiên đã khiến nó trở thành nơi chia cắt biết bao gia đình trong suốt 21 năm trường.

Nỗi đau thương này, mời quý vị nghe Hoàng Oanh diễn tả trong bản “Chuyến đò vĩ tuyến” của Lam Phương. (audio clip)

Từ lằn ranh Bến Hải, tỉnh đầu tiên ở phía Nam là Quảng Trị. Tỉnh này nghèo xơ xác, đất cày lên sỏi đá. Đã vậy, vị trí ở tuyến đầu đã khiến Quảng Trị trở thành nơi diễn ra những trận đánh dữ dội trong cuộc chiến quốc-cộng. Rồi đến Huế, đất Thần Kinh. Có nhiều bài ca về Huế, trong chương trình hôm nay thì Thy Nga mời quý vị nghe giọng hát của Mai Thúy Hằng qua bản “Cố đô tôi nhớ”. (audio clip)

Quý vị đang nghe bản “Cố đô tôi nhớ” Phạm Mạnh Đạt phổ từ ý thơ Vũ Hối và Hồ Mộng Thiệp.

Từ Huế qua đèo Hải Vân vào Đà Nẵng. Dọc theo biển thì có các cảnh đẹp như phá Tam Giang, được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh dùng làm bối cảnh cho một câu chuyện tình thời chiến, trong ca khúc “Chiều trên phá Tam Giang”.

Anh cũng ghi lại các chiến địa vùng cao nguyên trung phần như Dakto, Pleime, Charlie, … qua những nhạc bản về đời lính.

Bên ngoài thành phố Đà Nẵng về phía Nam, là Ngũ Hành Sơn. Cảnh núi đặc biệt này được ghi trong bản “Năm cụm núi quê hương” anh binh sĩ mất một cánh tay trong chiến tranh. Trở về quê, anh nguyện xây dựng lại cuộc sống với bàn tay còn lại, năm ngón như các cụm núi Ngũ Hành vững chãi của quê hương.

Theo bờ biển xuống nữa là vùng Qui Nhơn được đề cập đến trong các ca khúc viết về Hàn Mặc Tử, chàng thi sĩ vương lụy tình ái nhưng kém may mắn. Rồi tới Tuy Hòa

Đi trên quốc lộ xuyên Việt, chúng ta có thể thấy trên một ngọn núi đá, hình tượng như người phụ nữ bế con vì thế núi này còn được gọi là “ núi Vọng Phu”. Một nơi nữa ở Việt Nam hình như cũng có cảnh đó, nhưng chính “Hòn Vọng Phu” là tại Đồng Đăng tỉnh Lạng Sơn, như đã nói vào kỳ trước.

Và có lẽ không ai diễn tả niềm u uẩn của người thiếu phụ ngóng đợi chồng đi chinh chiến, hay cho bằng Nguyễn Đức Quang trong nhạc bản “Chiều qua Tuy Hòa”, anh viết ... những chiều mây vắt ngang lưng đèoVọng Phu đưa mắt cũng buồn theo ...”

Dọc vùng duyên hải này, Đại Lãnh được coi là bờ biển đẹp nhất Việt Nam. Xuống chút nữa thì có Hòn Chồng, một trong những thắng cảnh của Nha Trang

Từ Nha Trang xuống Phan Rang, rẽ sang hướng Tây, leo đường dốc núi, qua đèo Ngoạn Mục, là tới Đà Lạt và vùng cao nguyên trung phần. Âm điệu của núi rừng tây nguyên, ta có thể nghe trong các nhạc bản như “Em hát thương ai”, “Đôi mắt Pleiku”, “Ly cà-phê Ban Mê”, … của Nguyễn Cường.

Nhạc sĩ Phạm Duy thì qua bản “Còn chút gì để nhớ” nói lên tình cảm của một anh lính trẻ, lồng trong khung cảnh một thị trấn nhỏ miền núi. Và bao trùm lên tất cả là tính cách mong manh của đời sống giữa thời chiến cho nên bài hát này được rất nhiều người mến chuộng.

Trong âm thanh ca khúc “Còn chút gì để nhớ” do Anh Dũng trình bày, Thy Nga xin tạm dừng chương trình. Buổi nay, quý vị đã nghe trích các bản “Tình trăng Bến Hải” với Hùng Cường,“Chuyến đò vĩ tuyến” và “Tuy Hòa quê anh” qua giọng ca Hương Lan, “Cố đô tôi nhớ” do Mai Thúy Hằng trình bày, và “Nha Trang” với Bảo Thiên … Kỳ tới, mời quý vị vô Nam.