Bấm vào đây để nghe bài bình luận này
Rightclick to download this audio
Người ta còn nhớ là hồi tháng 7 năm ngoái, hơn một nửa triệu người ở Hồng Kông đã xuống đường biểu tình để chống lại một dự luật có tính cách hạn chế dân chủ do nhà cầm quyền Đặc Khu Hành Chính Đổng Kiến Hoa đề nghị. Ngay sau đó, dự luật được tạm gác lại, dường như do quyết định của nhà cầm quyền Trung Quốc tại Bắc Kinh lúc đó không muốn trực diện đối đầu với phong trào dân chủ đang lên ở Hồng Kông.
Bắc Kinh bề ngoài lùi bước nhưng thực ra chỉ là lùi bước chiến thuật và những biến chuyển trong tuần vừa qua cho thấy rõ là nếu Trung Quốc để cho Hồng Kông có dân chủ thì cũng phải là dân chủ dưới sự kiểm soát của chính quyền Trung Ương. Trần Sơn Nam hôm nay có bài nhận định sau đây về vấn đề này như sau.
Với kết quả bất ngờ là đã huy động được hơn nửa triệu người xuống đường hồi tháng 7 năm ngoái để chống lại một dự luật có tính cách hạn chế dân chủ của nhà cầm quyền (Đặc Khu Hành Chính Hồng Kông dưới quyền điều khiển của ông Đổng Kiến Hoa), và buộc nhà cầm quyền phải tạm gác lại bản dự luật, những người tranh đấu cho dân chủ ở Hồng Kông lúc đó có lẽ đã tưởng rằng có thể, từ kết quả đã đạt được, đẩy mạnh phong trào dân chủ để Hồng Kông sớm có một chính quyền do người dân thực sự bầu ra.
Thực tế từ ngày ấy đến nay cho thấy rằng con đường tiến tới dân chủ không dễ dàng và vẫn còn nhiều chông gai.
Trước hết về quyết định của Đặc Khu Hành Chính tạm gác lại bản dự luật về an ninh, người ta được biết là Đặc Khu chỉ có quyết định này sau khi ông Đổng Kiến Hoa, người cầm đầu Đặc Khu, đã bay về Bắc Kinh để thỉnh thị ý kiến của chính phủ Trung Ương. Mới lên cầm quyền từ hồi tháng ba năm ngoái, giới lãnh đạo Bắc Kinh những ngày ấy rõ ràng là chưa hoàn toàn nắm vững tình hình. Không muốn phải trực tiếp đối đầu với một phong trào dân chủ đang lên ở Hồng Kông có thể lan rộng ra trên lục địa và gián tiếp chỉ thị cho ông Đổng Kiến Hoa phải tạm hòa hoãn, điều đó phải được hiểu là lẽ đương nhiên. Thực ra thì đây chỉ là một bước lùi chiến thuật và những diễn biến những ngày vừa qua ở Bắc Kinh chứng tỏ điều này.
Để đối phó với những đòi hỏi của phong trào dân chủ là tới năm 2007 (nghĩa là chỉ còn hai năm nữa) phải có bầu cử trực tiếp để bầu lên người cầm đầu Đặc Khu Hành Chính và Hội Đồng Lập Pháp, cách đây gần hai tuần, ông Donald Tsang, một giới chức cao cấp của Đặc Khu Hành Chính, đã được gửi tới Bắc Kinh để tham khảo ý kiến của chính phủ Trung Ương về vấn đề này.
Sau hai ngày tại thủ đô Bắc Kinh, ông Donald Tsang đã đưa ra lời tuyên bố là những ngày làm việc của ông và phái đoàn đã mang lại kết quả tốt đẹp. Người ta chưa được rõ những kết quả này cụ thể ra sao thì như một gáo nước lạnh, một bản tuyên bố chính thức của chính phủ trung ương được Tân Hoa Xã đưa ra, nhắc nhở một lời khuyến cáo trước đây của nhà lãnh tụ Đặng Tiểu Bình theo đó Hồng Kông phải do những người “yêu nước” cầm đầu, “yêu nước” ở đây dĩ nhiên có nghĩa là không đi ngược lại chính quyền trung ương.
Bản tuyên bố còn được giải thích thêm là mặc dầu Đạo Luật Căn Bản (Basic Law) được ký kết giữa Trung Quốc và Anh Quốc ký năm 1997 (ngày Hồng Kông được trao trả lại cho Trung Quốc) nhìn nhận Hồng Kông là một Đặc Khu Hành Chính theo mô thức “một quốc gia, hai thể chế”, một quốc gia phải được hiểu là quan niệm căn bản, làm nền tảng cho hai thể chế, do đó quan điểm của chính phủ trung ương sẽ là quan điểm quyết định về thể thức chọn lựa người cầm đầu Đặc Khu và Hội Đồng Lập Pháp.
Ngoài ra, đạo luật căn bản cũng chỉ nói tới những cuộc bầu cử trực tiếp bắt đầu từ năm 2007, chứ không nói rõ gì hơn. Bản tuyên bố này được đưa ra thứ bẩy, rồi tiếp theo lại là một lời đe dọa ngày thứ hai mới đây của một nhân vật cao cấp ở Bắc Kinh, phụ trách vấn đề liên lạc với Hồng Kông, ông Wen Wei Po, theo đó Bắc Kinh sẽ bắt buộc phải hành động nếu trong tương lai phe dân chủ thắng thế và chiếm đa số tại Hội Đồng Lập Pháp.
Những lời cảnh cáo trên đây, nhắm vào những người tranh đấu cho dân chủ ở Hồng Kông, như vậy không thể nào rõ ràng hơn nữa và cho thấy rằng lùi một bước để tiến lên hai bước vẫn là sách lược thông thường của những nhà cầm quyền Cộng Sản. Hơn nữa, một khi đã nói đến mô thức “một quốc gia, hai thể chế”, một mô thức mà Bắc Kinh đã đề nghị cho cả Đài Loan, thì sự thận trọng của nhà cầm quyền đối với tương lai của Hồng Kông chỉ là điều tất nhiên, dầu có làm cho những người tranh đấu cho dân chủ ở Hồng Kông thất vọng chăng nữa.
Về phương diện này, giới quan sát quốc tế nhận định rằng, mặc dầu không công khai chống lại nguyên tắc tổng tuyển cử trực tiếp, giới lãnh đạo Trung Quốc muốn kiểm soát những biện pháp cởi mở về chính trị ở Hồng Kông để tiến trình ăn nhịp được với những biện pháp rồi đây sẽ được thực hiện trên toàn diện lãnh thổ Trung Quốc, cũng như ăn nhịp được với chính sách đã được hoạch định đối với Đài Loan. Tất cả chỉ với mục đích bảo toàn sự ổn định cần thiết cho công cuộc phát triển về mặt kinh tế để đối phó với xu hướng toàn cầu hóa và những mốc thời gian đã được đặt ra bởi Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc thứ 16 như Thế Vận Hội năm 2008 hay Hội Chợ Thế Giới năm 2010.