Bấm vào đây để nghe tiết mục này
Rightclick to download this audio
Thưa quý thính giả, tuần qua diễn tiến được giới truyền thông quốc tế lưu tâm theo dõi nhiều là tình hình biến động tại đảo quốc Haiti trong vùng biển Caribê. Thứ nhất là do vị trí địa dư gần Hoa Kỳ và Tổng thống xứ này từng được Washington trợ giúp đưa về nắm quyền lực sau khi bị đảo chánh quân sự hồi năm 1991. Thứ nhì là do Haiti từng là thuộc địa của Pháp, và mới hôm đầu tuần, Ngoại trưởng Dominique de Villepin đề nghị đưa quân sang Haiti tái lập trật tự.
Trước tiên, chúng tôi xin trình bày về tình hình Haiti. Nhật báo Mỹ The Washington Times trong bài quan điểm hôm qua viết rằng sau hai tuần bạo loạn đẫm máu, Haiti sắp rơi vào một cuộc nội chiến mới. Tổng thống Jean-Bertrand Aristide kêu gọi quốc tế trợ giúp, nhưng chưa nước nào biết cần phải làm gì để giải quyết vấn đề.
Theo tờ The Washington Times thì đây không phải là lần đầu tiên, mà trong suốt 200 năm qua kể từ khi Haiti giành được độc lập, xáo trộn chính trị là khung cảnh thường xuyên của tiểu quốc này. Những giai đoạn bình yên ngắn ngủi của Haiti chỉ do sự chiếm đóng của quân ngoại quốc, hoặc phải chịu ách cai trị của một nhà độc tài tàn bạo mà thôi.
Hôm thứ Ba, Ngoại trưởng Pháp Dominique de Villepin đưa ra đề nghị cử quân lực sang Haiti tái lập trật tự, mở đường cho đàm phán chính trị. Lý do chủ yếu là vì nước này từng là thuộc địa của Pháp trong nhiều thế kỷ trước.
Nhật báo Le Quotidien Permanent hôm qua nêu câu hỏi là liệu Pháp có phải can thiệp vào Haiti như Ngoại trưởng Dominique de Villepin đề nghị hay không ?
Bài báo viết rằng trong những năm qua, Tổng thống Haiti Jean-Bertrand Aristide đã trở thành một loại độc tài tệ hại, phá hủy hết các định chế dân chủ của xứ này và cai trị đất nước một cách tùy tiện. Đồng thời lại sử dụng những nhóm võ trang để kiểm soát dân chúng không khác gì dưới thời nhà độc tài trước là Jean-Claude Duvalier.
Tờ Le Quotidien Permanent viết thêm rằng thế rồi nhà tu xuất Jean-Bertrand Aristide cũng theo vết chân của ông Duvalier, sử dụng đến 95% ngân sách quốc gia vào việc bảo vệ an ninh cá nhân và sống xa hoa, trong khi đại đa số dân Haiti chết đói.
Nhân vật cầm đầu phe phiến quân nổi dậy kỳ này không xa lạ gì với Tổng thống Aristide, hắn là Louis-Jodel Champlain, từng đứng đầu đơn vị mật vụ truy bức phe đối lập dưới thời nhà độc tài là tướng Cédras khi ông này đảo chánh ông Aristide trước khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton can thiệp.
Hiện thời, cả phe phiến quân lẫn phe chính phủ đều nhận tài trợ từ các tổ chức buôn lậu ma túy, đặt căn cứ trên đảo Hispaniola từ thời đánh đuổi thực dân.
Tờ báo Pháp kết luận rằng chỉ mới có 50 người Haiti chết vì bạo động trong hai tuần qua, trong khi dưới thời tướng Cédras đã có lúc giết cả 3,000 người chỉ trong một tuần. Vậy thì Pháp có cần phải can thiệp vào lúc này như Ngoại trưởng Dominique de Villepin đề nghị hay không ?
Thật vậy, đại sứ Hoa Kỳ tại Haiti, ông James Foley hôm thứ Ba tại thủ đô Port-au-Prince của xứ này đã tổ chức họp báo, cho biết xáo trộn hiện nay là do nạn tham nhũng của chính quyền, do sự tàn bạo của cảnh sát, và nghiêm trọng hơn, là do chính quyền từng sử dụng các băng nhóm võ trang như một công cụ cai trị, mà giờ đây họ trở lại chống chính phủ. (audio clip)
Pháp vốn là chủ nhân cũ của đảo quốc Haiti, nên báo chí Pháp hết sức quan tâm đến tình hình nơi đây, nhất là sau khi Ngoại trưởng Dominique de Villepin đưa ra đề nghị điều quân đến tái lập trật tự.
Phần lớn báo chí địa phương của Pháp đều nhắc tới vấn đề Haiti. Hôm thứ Tư, nhật báo L’Alsace nêu câu hỏi rằng tại Haiti liệu nước Pháp có thể đóng vai trò đã từng trải qua tại Côte d’Ivoire không, tức là tách rời các phe lâm chiến và tổ chức cho người dân địa phương đạt giải pháp chính trị cho họ ?
Dù rằng Ngoại trưởng de Villepin nhấn mạnh rằng nước Pháp có đủ phương tiện, về cả quân sự lẫn viện trợ nhân đạo, để làm điều đó, nhưng ký giả Patrick Fluckiger nhắc rằng vùng biển Caribê không giống như Phi châu. Haiti nằm kề cận Cuba và căn cứ hải quân Guantanamo của Hoa Kỳ tại đó, vì thế nên để cho Washington lo liệu, dù rằng họ vừa tỏ ra hờ hững với đề nghị của Ngoại trưởng Dominique de Villepin.
Đã vậy, phía chính phủ Haiti dù tuyệt vọng phải kêu cầu quốc tế trợ giúp, nhưng lại muốn giữ nguyên chế độ, không muốn thay đổi. Tuyên bố tại thủ đô Port-au-Prince, thủ tướng Yvon Neptune cho biết các trợ giúp kỹ thuật mà Haiti yêu cầu, phải không được dùng để cổ võ hay khuyến khích điều gì khác. (audio clip)
Còn nhật báo Ouest-France hôm qua đăng bài nhận định của ký giả Julien Redon viết rằng ngoài Cộng hòa Dominique vốn chia sẻ một hòn đảo Hispaniola với Haiti, còn ít nhất là hai nước khác phải quan tâm đến tình hình của Haiti. Thứ nhất là Hoa Kỳ, đang lo lắng về làn sóng thuyền nhân tỵ nạn Haiti có thể đổ vào Florida, và Washington cũng không muốn thấy một chế độ mới nắm quyền ở Haiti bằng bạo lực. Thứ nhì là Pháp, ngoài danh nghĩa là chủ nhân cũ, còn có mối tương lân về ngôn ngữ với Haiti.
Thế nhưng đề nghị của Ngoại trưởng Dominique de Villepin có tính khả thi hay không ? Nhật báo Ouest-France cho rằng không. Việc đưa 3,000 quân Pháp từ các nước lân cận như Martinique, Guadeloupe và Guyane sang Haiti không khó, thế nhưng mục tiêu chủ yếu là viện trợ lương thực và chăm sóc y tế cho người dân địa phương xem chừng không thể nào thực hiện được. Lý do là xứ này thiếu vắng hẳn mọi cơ chế hạ tầng cơ sở.
Tổng thống Jean-Bertrand Aristide sau khi được ông Bill Clinton giúp đưa về, nhằm ngăn ngừa những cuộc đảo chánh quân sự có thể xảy ra trongtương lai, ông Aristide đã giải thể toàn bộ quân đội, thay vào đó là một lực lượng bán quân sự trung thành với ông. Do đó, câu nói trứ danh cũ của Bernanos xem chừng vẫn còn linh nghiệm. Đó là “thiếu đi một người lính, sẽ có thêm hàng trăm tên sát nhân.”
Nhật báo Mỹ The Washington Times hôm qua chỉ trích rằng sau cuộc đảo chánh hồi năm 1991 tại Haiti, Tổng thống Bill Clinton đã điều động 20,000 quân Mỹ sang giúp nhà lãnh đạo thiên Mácxít là ông Aristide trở lại chức vụ Tổng thống Haiti, bất chấp sự tàn bạo và nạn tham nhũng của chế độ ông này.
Tình trạng tham nhũng và bạo tàn đó ngày càng gia tăng, nên việc Hoa Kỳ can thiệp lần nữa không có gì để lý giải. Tuy nhiên còn hai lý do nhân đạo nổi bật mà Washington không thể làm ngơ.
Thứ nhất là một cuộc tàn sát rộng lớn sẽ xảy ra tại Haiti nếu không có sự can thiệp từ bên ngoài. Và thứ hai là khi việc giết chóc lẫn nhau trở nên không ngăn chận được thì chắc chắn làn sóng thuyền nhân từ Haiti sẽ ồ ạt đổ vào bang Florida của Hoa Kỳ, vốn chẳng cách bao xa.
Thế nhưng cũng một tờ báo Mỹ khác lại cho rằng Washington sẽ không làm gì cả để giúp Haiti, bất kỳ là tình hình tệ hại đến đâu.
Tờ The Washington Post hôm qua viết rằng thêm một lần nữa, một quốc gia nhỏ bé và nghèo có những quan hệ gắn bó với Hoa Kỳ, lại lâm vào tình thế tuyệt vọng. Và thêm một lần nữa, chính quyền Bush lại thối lui, bỏ mặc trách nhiệm ràng buộc, để việc cứu giúp cho những nước khác.
Bài báo nhắc lại hồi mùa Hè năm ngoái, Tổng thống Bush đã từ chối không giúp đỡ chấm dứt cuộc khủng hoảng đẫm máu tại Liberia dù chỉ cần vài trăm quân nhân Mỹ. Giờ đây, ông và chính quyền Hoa Kỳ vẫn bình chân như vại, để mặc Haiti với 7 triệu rưỡi dân và cách nước Mỹ chỉ 600 dậm, rơi vào tình trạng vô chính phủ.
Điển hình nhất là lời tuyên bố của Ngoại trưởng Colin Powell đưa ra hôm thứ Ba tại Washington, rằng Hoa Kỳ đang cộng tác không những với Liên Hiệp Quốc và Tổ chức các Quốc gia Châu Mỹ La Tinh, mà còn cả với các nước khối Pháp thoại, nhất là với Pháp, nhằm tìm một giải pháp chính trị cho Haiti. (audio clip)
Nhật báo The Washington Post kết luận rằng rõ ràng là ông Aristide phải chịu trách nhiệm về việc ông sử dụng bạo lực để trấn áp đối lập và đã phản bội những người từng giúp ông với hy vọng xây dựng dân chủ.
Tuy nhiên tình hình xáo trộn hiện nay tại Haiti cũng có phần do lỗi của Hoa Kỳ. Sau khi đưa ông Aristide trở lại nắm quyền hồi năm 1994 và giải tán đội quân từng cai trị Haiti bằng chế độ độc tài, Hoa Kỳ đã không theo cho đến kết cuộc. Các đơn vị Mỹ được rút lui chỉ sau mới hai năm, trong khi cho tới nay lực lượng Hoa Kỳ vẫn còn lưu lại Bosnia và Kosovo những tám và năm năm.
Tờ The Washington Post cho rằng việc Hoa Kỳ thoái thác và đùn đẩy trách nhiệm giúp Haiti cho Liên Hiệp Quốc và Pháp là hành vi tháo chạy không thể tha thứ được.