Bảy ước mơ kinh tế buổi đầu năêm

Hôm nay là Mùng Một Tết Kỷ Mão, Diễn đàn Kinh tế trân trọng gửi tới quý thính giả lời cầu chúc thịnh vượng và thắng lợi, với một số ước nguyện kinh tế cho năm mới, do Nguyễn An Phú biên soạn sau đây. Vào buổi đầu năm ai cũng mong điều tốt đẹp nhất cho mình và cho người. Giữ đúng thông lệ đó, bài nhận định đầu năm về kinh tế sẽ không nói về các lý do khiến nền kinh tế Việt Nam chưa phát triển cho đúng khả năng và nguyện vọng chính đáng của người Việt, mà tập trung trình bày những yêu cầu có thể giải phóng tiềm lực kinh tế của quốc gia. Vì bao trở ngại quá lớn xuất phát từ hệ thống chính trị hiện tại, bảy yêu cầu này có thể chỉ là những nguyện ước kinh tế đầu năm mà thôi... Nguyện ước đầu tiên liên hệ tới đường hướng phát triển quốc gia. Dù nhà cầm quyền có cố biện bác, thì kinh tế thị trường vẫn là hình thái sinh hoạt có lợi nhất cho đại đa số người dân, hơn hẳn mọi hình thái khác. Điều đó, ai cũng thấy nếu so mức sống dân cư trước và sau đổi mới kinh tế. Vì vậy, nhà cầm quyền nên sòng phẳng với mình và chân thật với dân, để công nhận ưu điểm của kinh tế thị trường và lùi dần khỏi cái gọi là "định hướng xã hội chủ nghĩa". Chỉ với quan niệm đúng đắn, người ta mới có chánh sách đúng đắn. Ước nguyện thứ hai là đã công nhận ưu điểm của kinh tế thị trường, nhà cầm quyền phải có quyết định thích hợp. Ưu tiên nhất là việc nâng cấp nền móng luật pháp. Kinh tế tự do mà thiếu luật lệ công khai, có sức cưỡng hành minh bạch và bình đẳng thì xã hội chỉ có tham nhũng tự do. Với chế độ chính trị hiện tại, chỉ đảng viên mới có thế tham nhũng tự do, cho nên kinh tế chẳng phát triển mà xã hội bị nạn bất công và đảng mất hết uy tín. Nguyện ước thứ ba và phù hợp với lý luận của chế độ về, nào là quyền làm chủ tập thể nào là mục tiêu nước giàu dân mạnh, là nhà cầm quyền phải để các thành phần ngoài khu vực xã hội chủ nghĩa được quyền làm ăn bình đẳng với quốc doanh. Chính là tư doanh, với sức cần cù và biến báo bén nhạy, sẽ tạo ra của cải vật chất và công ăn việc làm cho toàn xã hội. Nguyện ước thứ tư là, cùng hệ thống luật lệ được cải thiện, hành chánh phải được kiện toàn. Nếu không có luật lệ được xác minh và hành chánh có hiệu năng, dân sẽ không thể làm ăn mà cả dự án ưu tiên hiện nay là phát triển nông thôn và nông nghiệp cũng sẽ khó thành hình. Đại đa số dân cư tại nông thôn sẽ không thể thăng tiến cuộc sống nếu bộ máy hành chánh vẫn tiếp tục bị chồng chéo, vừa cồng kềnh tốn kém vừa vô dụng bất công. Nguyện ước thứ năm, là nhà cầm quyền nhìn xa hơn hiện tại để từ bỏ sách lược bảo vệ quốc doanh và bảo hộ mậu dịch. Khủng hoảng Châu Á xảy ra chẳng vì tự do giao dịch hàng hoá hay tư bản mà vì thiếu luật lệ và giám sát. Hậu quả khủng hoảng sẽ còn tác động vào Việt Nam, nhưng nếu duy trì sách lược cũ, chế độ chẳng ngăn được hậu quả đó mà chỉ thụ động chống đỡ trong thế bảo vệ ngày một tốn kém hơn. Việt Nam phải chủ động đi ra, và vừa cải tổ cơ chế vừa giải tỏa sự cấm đoán hiện hành để nâng cao sức cạnh tranh của toàn dân. Nhà cầm quyền nói tới hội nhập vào kinh tế khu vực mà vẫn khép kín kinh tế quốc dân trong vòng kiểm soát của mình thì chẳng khác vừa tống ga vừa đạp thắng, giải pháp dễ nhất để làm lật cỗ xe kinh tế.Nguyện ước thứ sáu là nhà cầm quyền có đủ bản lãnh chính trị để làm một cuộc giải phẫu dù đau lòng mà cần thiết: đó là thanh toán ung nhọt của hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước. Vào buổi đầu năm, chẳng ai mong điều không may, nhưng, nếu không cấp tốc cải cách ngân hàng và doanh nghiệp, Việt Nam sẽ gặp khủng hoảng tài chánh. So với nguy cơ phá sản dây chuyền có thể nổ ra nay mai, thì vụ sụp đổ hệ thống hợp tác xã tín dụng trước đây ở trong Nam chỉ như bệnh ngoài da. Người dân không thể bị mất mát oan uổng như vậy vì lề lối quản lý cẩu thả của hệ thống nhà nước.Nguyện ước thứ bảy là đảng cộng sản Việt Nam biết từ bỏ ảo vọng duy ý chí và chấp nhận quy luật khách quan ngay trong nội bộ. So với lân bang trong vùng, các chuyên gia kinh tế hay kỹ thuật của đảng có thể còn ở vào trình độ thấp, và đây không hẳn đã là lỗi họ. Nhưng, so với hệ thống lãnh đạo hiện nay, họ vẫn là thành phần có trình độ chuyên môn nhất. Cho nên, đảng cần lắng nghe tiếng nói của họ. Cụ thể hơn, đảng cần áp dụng quy luật khoa học về quản trị nhân lực, là tùy việc giao người, chớ đừng tùy người giao việc. Tùy người giao việc vẫn là lối quyết định đề bạt hay thăng thưởng căn cứ trên những yếu tố như quan hệ, đảng tịch hay lập trường tư tưởng, mà bất cần tới yếu tố chuyên môn. Lối bổ nhiệm thiếu khoa học đó sẽ làm bộ máy quản lý vĩ mô không thể cải tiến, người có khả năng sẽ nản chí, hoặc sa ngã vào phản ứng ích kỷ, trong khi kẻ bất tài hoặc tham ô vẫn có cơ hội tung hoành đục khoét, miễn là được lòng đảng. Cuộc sống của người dân là điều quá quan trọng, để có thể bị đảng hy sinh vì quan điểm sai lầm, lý luận lạc hậu, hoặc sự nể nang trong đảng vì phe phái vây cánh. Bảy điều nguyện ước trên đây có thể là những đòi hỏi quá lạc quan, nhưng, trong buổi đầu Xuân, người ta vẫn có thể tin vào hồn thiêng của sông núi và tổ tiên, để giới lãnh đạo của thế hệ này biết trở về với quyền lợi tối thượng của dân tộc, thay vì cứ bám lấy quyền lực đang quay trong chân không, trước sự lầm than của dân chúng./.Nguyễn An Phú