Quan điểm Truyền thông Quốc tế (Ngày 27-2-2004)

Bấm vào đây để nghe tiết mục này

Rightclick to download this audio

Thưa quý thính giả, kỳ này mục Quan điểm Truyền thông Quốc tế xin gởi đến quý vị những nhận xét của báo giới về một số diễn biến đáng chú ý. Mở đầu là về dịch cúm gia cầm và một số việc liên quan, kế đến là tình hình bất ổn tại đảo quốc Haiti có thể thúc đẩy một làn sóng người tỵ nạn ra biển khơi.

Tuần này, khi sự bùng phát của dịch bệnh cúm gia cầm đã tạm lắng dịu ở Việt Nam và Thái Lan, nhật báo The Nation phát hành ở Bangkok hôm nay lên tiếng chỉ trích cách ứng xử của chính phủ Thaksin Shinawatra.

Trước tiên là sự hoang mang của dân chúng. Một mặt thì chính phủ loan báo rằng thịt gia cầm vẫn an toàn cho người tiêu dùng, đồng thời mỗi ngày vẫn có hàng chục ngàn gà vịt bị tiêu hủy để chống bệnh lây lan. Việc giết gà vịt hàng loạt đã khiến các tu sĩ Phật giáo và những người quan tâm bảo vệ sinh thái phải lên tiếng than phiền. (audio clip)

Nhật báo The Nation hôm nay viết rằng Thái Lan là nước giết nhiều gia cầm nhất để chống dịch, thế nhưng không một cơ quan nhà nước nào dám xác định là có khoảng bao nhiêu con gà hay vịt bị virút H5N1 tấn công. Đó là chưa nói tới sự lúng túng của họ, không giải thích nổi khi dịch bệnh mới bùng phát.

Mới đây, bộ trưởng Khoa học và Kỹ thuật Chetta Thanajaro còn đề nghị giết tất cả những loài chim di trú mỗi khi một nước nào phát hiện có mầm bệnh cúm gia cầm. Tờ báo Thái cho là viên chức này thiếu kiến thức, lý do là Trung tâm Sức khỏe Đời sống Hoang dã ở Hồng Kông đã bắt cả 6 ngàn con chim di trú mà chỉ tìm được 1 con có virút khi nó chết bên ngoài một trại gà bị cúm hoành hành. Các viên chức nhà nước khác lại đề nghị giết hàng chục ngàn con cò trong tỉnh Suphan Buri dù rằng chúng đã hết di trú theo mùa về Ấn Độ từ cả mười thế hệ qua.

Tờ The Nation kết luận rằng tại sao loài người nhìn nhận một nghi can vẫn vô tội cho đến khi Tòa kết án, mà lại không thể cho loài vật hưởng các nguyên tắc đó để chúng cũng có quyền sinh sống trên quả đất như loài người đang hưởng.

Nhật báo Hồng Kông The South China Morning Post hôm nay cũng cho rằng biện pháp giết toàn bộ gia cầm tại đặc khu hành chánh không giải quyết được tình trạng lây lan của virút.

Bài báo viết rằng chuyên gia về cúm gia cầm Robert Webster cảnh cáo là Hồng Kông có giết hết gà vịt đi nữa cũng không thể triệt hết mầm virút H5N1 nếu nạn buôn lậu gà vịt từ Hoa Lục sang vẫn còn tiếp tục. Mà nạn đó có thể còn mạnh hơn do Hồng Kông không còn thịt gia cầm để bán. Do đó, bất cứ biện pháp hữu hiệu nào cũng phải có sự cộng tác của cả tỉnh Quảng Đông lẫn Hồng Kông.

Bước sang tình hình biến động tại tiểu quốc Haiti trong vùng biển Caribê Trung Mỹ. Thưa quý vị, tình hình bạo động nơi đây khởi đầu hôm mùng 5 tháng Hai vừa qua khi phe nổi dậy chiếm thành phố Gonaives ở phía Tây Haiti. Họ phản đối cuộc bầu cử đầy gian lận do phe Tổng thống Jean-Bertrand Aristide tổ chức và đòi ông này từ nhiệm. Từ đó, nhiều thành phố khác đã lần lượt rơi vào tay phe đối lập trong sự mừng rỡ của dân chúng. (audio clip)

Nhật báo The Denver Post của Hoa Kỳ hôm thứ Ba đã lược lại lịch sử đầy biến động của cựu thuộc địa này kể từ 200 năm qua sau khi họ thoát khỏi ách thực dân Pháp.

Cận đại là tình hình đó đã khiến Tổng thống Bill Clinton phải điều Thủy quân Lục chiến sang Haiti hồi năm 1994 để giúp Tổng thống tân cử Aristide nhậm chức. Bài báo này chế diễu rằng trước đó, hồi năm 1915, Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson dù không kết án Haiti ủng hộ khủng bố, hoặc phát triển võ khí hủy diệt hàng loạt, nhưng do dân chúng Haiti bị chính nhà cầm quyền của họ giày xéo, và ông lo rằng Haiti sẽ rơi vào tay một thế lực châu Âu thêm lần nữa.

Tổng thống Woodrow Wilson đã điều Thủy quân Lục chiến Mỹ sang Haiti và họ đã lưu lại đó cho đến năm 1934. Họ đã giúp xây dựng đường xá, cầu cống, trường học và bệnh viện. Họ còn tổ chức cuộc bầu cử vào năm 1918 và chính phủ mới đã ban hành Hiến pháp, vốn một phần được soạn thảo bởi Tổng thống Franklin Roosevelt, lúc đó còn là trợ lý bộ trưởng Hải quân Hoa Kỳ.

Nhật báo The Denver Post cho biết rồi quân Mỹ phải rút lui sau khi bị đánh lén liên tục, bỏ lại một nước Haiti hoang tàn vì nội chiến, vì độc tài cho tới ngày nay.

Tình hình Haiti bi quan đến nỗi Tổng thống Jean-Bertrand Aristide ao ước chỉ được quốc tế giúp vài chục quân cảnh là đã có thể vãn hồi trật tự. Ông nói với báo chí quốc tế tại thủ đô Port-au-Prince: (audio clip)

Thế nhưng quốc tế không giúp dù Pháp từng ngỏ ý sẵn sàng điều quân của họ từ các nước lân cận như Martinique hay Guyane sang.

Nhật báo The Washington Post hôm qua chỉ trích chính phủ Bush đã trốn tránh trách nhiệm tại Haiti, không làm tròn nghĩa vụ lịch sử của Hoa Kỳ là đáp ứng mọi bất ổn trong vùng Tây bán cầu.

Bài nhận định trên tờ này viết rằng sự tắc trách về chính sách đối ngoại của chính quyền Bush đã khiến Hoa Kỳ lơ là trong nhiều vùng trên thế giới suốt 3 năm qua, đặc biệt là châu Mỹ La Tinh.

Thế nhưng về Haiti thì quả là đáng kinh ngạc. Vốn là một quốc gia đau thương từng nhiều lần được Hoa Kỳ can thiệp bằng quân sự để trợ giúp. Mới nhất là hồi năm 1994. Nhật báo The Miami Herald hôm đầu tuần cũng nêu lên quan ngại mà người Mỹ nào cũng thấy. Đó là khả năng một làn sóng người Haiti tỵ nạn sẽ tràn vào đất Hoa Kỳ.

Bài quan điểm này viết rằng tình thế đã chín mùi cho làn sóng người tuyệt vọng đổ xô ra biển khơi để mong tìm sự an toàn bên những bờ biển xa. Thế nhưng điều đáng sợ nhất là Tổng thống Bush đóng sập cánh cửa hy vọng cho những người đáng thương đó. Ông tuyên bố thẳng thừng là dân Haiti chớ nên hy vọng. (audio clip)

Nhật báo The Miami Herald viết rằng điều đáng sợ nhất sắp xảy ra. Chính phủ Mỹ sẽ không thèm thanh lọc dù chỉ giả vờ, sẽ xua đuổi người tỵ nạn trở về Haiti để chịu truy bức, hoặc giết chết, ngay trên quê hương họ. Hoàn toàn trái với Công ước Quốc tế về quyền Tỵ nạn mà Hoa Kỳ từng ký kết năm 1951.

Tình trạng đó khiến cộng đồng 15 quốc gia trong vùng biển Caribê gọi chung là CARICOM lo lắng. Đại diện khối này, Ngoại trưởng K.D Knight của Jamaica trình bày trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc rằng cần sự can thiệp của định chế quốc tế này ngay lập tức mới có thể cứu vãn được tình hình. Ông nói: (audio clip)

Nhật báo The Daily Gleaner phát hành tại thủ đô Kingston của Jamaica cho biết vốn là láng giềng của Haiti, Jamaica sẵn lòng đón nhận người tỵ nạn Haiti. Thế nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, vào khi kinh tế đang suy sụp và Jamaica đang bị bệnh AIDS cùng Lao phổi hoành hành, thì phí tổn lo cho người tỵ nạn Haiti không thể nào gánh nổi, nếu không có sự trợ giúp của các cường quốc như Hoa Kỳ, Canada và nhất là Pháp, vốn từng là chủ thuộc địa cũ.

Một nhận xét khác mà tờ Daily Gleaner của Jamaica nêu lên là những gì đang xảy ra tại Haiti cũng có thể sẽ xảy ra tại Jamaica, nếu tình trạng tham nhũng và tội ác lan tràn như hiện nay không được chận đứng. Người Jamaica sẽ phải cố tránh hết sức, đồng thời cũng phải cưu mang những kẻ không còn sự lựa chọn nào khác hơn là trốn ra khỏi xứ họ.