Kết hôn với người nước ngoài, hạnh phúc hay không? (Phần 1)
2004.06.01
Thưa quí thính giả và các bạn trẻ, hiện tượng người Việt kết hôn cùng người nước ngoài ngày nay không còn là chuyện hiếm. Người ta thấy càng ngày càng nhiều những chàng rể Tàu, Tây, Mỹ, Nhật sánh duyên cùng những cô gái Việt; rồi những anh chàng Việt đưa một cô dâu nước ngoài về ra mắt gia đình…
Bấm vào đây để nghe tiết mục này Rightclick to download this audio
Báo chí và dư luận nói nhiều về tình trạng ‘cơm không lành canh không ngọt’ của nhiều cuộc hôn nhân giữa hai người khác chủng tộc, hay tệ hơn là chuyện gả bán đến nổi các cô dâu người Việt phải sa vào những cảnh huống bơ vơ, vô vọng chốn đất khách quê người.
Trong chương trình hôm nay, Gia Minh mời các bạn và quí vị cùng nghe ba cô gái Việt có chồng ngọai nói về cuộc sống gia đình của họ, cái nhìn của xã hội cũng như suy nghĩ của các cô về tình yêu với người không cùng chủng tộc.
Trước hết là tâm sự của bạn Linh hiện có chồng Đài Loan và đang sinh sống ở thành phố Cao Hùng. Quê của Linh tại Việt Nam ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Cuộc sống của tại Cao Hùng của Linh thế nào? Nhận xét của cô về các cô gái Việt ở Đài Loan ra sao và lý do mà Linh phải chọn lấy chồng xa xứ là gì? Sau đây là tâm sự của cô: “Nhà chồng đối xử cũng tử tế. Nhiều cô gái Việt qua đây không làm tròn bổn phận còn đi đánh bài, quan hệ bồ bịch. Còn bản thân vẫn thường về Việt Nam. Lý do lấy chồng Đài Loan vì sống ở Việt Nam làm không đủ để giúp đỡ gia đình.” (audio clip)
Minh Thu là cô gái Hà Nội từng vào Sài Gòn lập nghiệp một mình. Trong quá trình làm việc với các công ty nước ngoài, cô gặp được người chồng hiện nay của cô. Sau khi hết hạn công tác tại Việt Nam, chồng cô về Anh quốc và Minh Thu cũng đi theo. Khác với trường hợp của Linh mà quí vị và các bạn vừa nghe, thì Minh Thu và chồng gặp gỡ nhau qua công việc và đến với nhau bằng tình yêu và sự quyết định độc lập của hai người. Minh Thu nói về suy nghĩ của cô trong vấn đề hôn nhân dị chủng: “Tự thân thấy khoảng cách không lớn; nếu biết thiết lập sự đối thọai giữa hai người thì dễ vượt qua. Tại Việt Nam thì người có chồng ngọai gặp nhiều áp lực vì quan hệ cộng đồng ở Việt Nam còn lớn.” (audio clip)
Câu chuyện thứ ba mà Gia Minh muốn thưa cùng các bạn và quí vị là chuyện của bạn Hiền Võ và chồng là Eddie. Hiền là người Việt nhưng lớn lên tại Mỹ. Cô cùng cha mẹ đi vượt biên và đến Mỹ khi Hiền mới lên năm. Như thế có thể nói Hiền được lớn lên trong môi trường nước Mỹ. Đến tuổi cập kê cô gặp Eddie và hai người đến với nhau. Vừa qua thì hai vợ chồng có dịp sang Việt Nam để làm việc.
Sau đây là chuyện kể của Hiền về con đường nên duyên chồng vợ cùng chàng trai bản xứ và một số kinh nghiệm khi hai vợ chồng về lại Việt Nam làm việc: “Gặp nhau tại trường và gia đình không có gì ngăn trở. Lo về cách giáo dục con cái sau này. Ở Việt Nam vẫn có cái nhìn lệch lạc về người con gái lấy chồng ngọai quốc vì nghĩ những cô này dựa dẫm chồng. Cơ hội tiếp xúc để có thể gặp gỡ người nước ngoài hiện nay ở Việt Nam nhiều hơn.” (audio clip)
Các bạn trẻ và quí thính giả vừa nghe tâm tình của ba cô gái Việt có chồng người nước ngoài. Có thể nói cả ba trường hợp đều hạnh phúc trong tổ uyên ương của họ. Trong một chương trình khác, Gia Minh sẽ trình bày về những đôi uyên ương Việt Nam và người nước ngoài không may ‘gãy cánh’ vì không thể chung tay xây nên tổ ấm gia đình như mong ước ban đầu.
Mục Nhịp Sống Trẻ kỳ này xin tạm dừng tại đây, hẹn gặp lại quí vị và các bạn trẻ trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do.