Trong phiên xử ngày hôm qua Toà án thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt ông Trần Kuê 19 tháng tù. Trước đó dư luận quốc tế, qua báo chí, qua những lời phản kháng của người Việt ở nước ngoài, nhiều tổ chức phi chính phủ tranh đấu bảo vệ nhân quyền như Ký giả Không biên giới, Uỷ ban bảo vệ ký giả, Ân xá Quốc tế v.v…, đã chỉ trích rằng vụ án này là một sự sắp xếp để dàn cảnh công lý, không phải là một vụ xét xử công bằng theo tiêu chuẩn quốc tế. Chúng tôi phỏng vấn luật gia quốc tế Trần Thanh Hiệp về việc này. Ông Trần Thanh Hiệp từng là thành viên luật sư đòan Tòa thượng Thẩm Sài Gòn và luật sư đòan Paris.
Bấm vào đây để nghe bài bình luận này
Rightclick to download this audio
Hỏi: Vì sao và dựa theo luật lệ nào mà hệ thống tư pháp Việt Nam cải tội danh của hai ông Trần Khuê và PQD từ tội gián điệp thành tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ?
Đáp: Hai ông Trần Khuê và Phạm quế Dương bị bắt từ cuối tháng 12 năm 2002 tại Saigon, thoạt đầu bị kết tội "làm gián điệp", chiếu điều 80 của Bộ luật hình sự mà hình phạt là tù chung thân nếu không là tử hình. Nhưng phút chót, nhà cầm quyền VIỆT NAM đã áp dụng điều 258 của Bộ luật hình sự để cải tội danh "gián điệp" thành "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước". Tội này có thể bị phạt tới 7 năm tù. Để tránh bị cho là chủ quan, tôi xin viện dẫn lời của một nhân vật quốc tế nhận định về việc này.
Trước ngày hôm qua là ngày xử ông Khuê, ông Sidiki Kaba, Chủ tịch Liên Ðoàn Quốc tế Nhân quyền phát biểu rằng: "Một lần nữa, những phiên tòa xử ông Trần Khuê và ông Phạm Quế Dương sẽ không tuân thủ các tiêu chuẩn luật quốc tế trong việc xét xử công minh, vì không có luật sư biện hộ, phiên tòa không công khai, người xét xử không độc lập mà lại còn thiên vị, v.v... Ấy là chưa kể tính cách tùy tiện trong việc giam giữ hai can cứu Trần Khuê và Phạm Quế Dương từ 17 tháng qua".
Hỏi: Nhưng vì sao có thể nói là việc giam giữ và kết án là tùy tiện? Ai cũng hiểu rằng ông Trần Khuê hẳn đã có những hành động nghiêm trọng nào đó khiến cho Nhà Nước Việt Nam phải bắt giữ và truy tố. Thế những hành động đó nghịêm trọng ra sao?
Đáp: Có nghiêm trọng thì chỉ nghiêm trọng đối với hệ thống cầm quyền của Việt Nam mà thôi. Trên thực tế ông Trần Khuê chỉ hành xử chính đáng quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận và sử dụng các phương tiện công khai mà Nhà nước Việt Nam đã cho phép để nói lên quan điểm cùng các điều trần tố của mình.
Tháng 9 năm 2001, cả hai ông TK và PQD cùng làm đơn xin phép lập hội tư nhân nhằm chống tham nhũng, Ngày 2.8.2002, hai vị cùng với 21 nhân sĩ đất Thăng Long đã ký Kiến nghị yêu cầu Ðảng Cộng sản và Nhà nước phải đẩy mạnh hơn nữa việc chống tham nhũng. Ông cũng đốc thúc Đảng và Nhà nước tôn trọng Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước Quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã tham gia ký kết, bãi bỏ Nghị định Quản chế Hành chính 31/CP, đồng thời thành lập Tòa án Hiến pháp để phân giải, xét xử mọi bất công xã hội, bảo vệ các điều quy định trong Hiến pháp. Đó là những sự kiện mà theo nhà cầm quyền Việt Nam thì đã cấu thành tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ…. " để truy tố và đem ra xét xử ông Trần Khuê.
Hỏi: Như thế theo ông thì vụ án này có những đặc điểm nào? Và hành động của nhà cầm quyền Việt Nam có những nét gì khác thường?
Đáp: Khó có thể chối cãi rằng thật ra vụ án này không phải là một vụ án bình thương đối với những hành vi phạm pháp, mà thực chất là một cuộc đàn áp. Cũng phải nói thêm rằng, tuy ông Trần Khuê chính thức bị bắt và bị giam từ cuối tháng 12-2002, nhưng tháng 10 năm 2001, ông đã bị quản chế tại gia, một hình thức giam giữ tiền hình sự. Mặt khác, ngoài những xâm phạm quyền tự do nhân thân, tự do tinh thần, ông Trần Khuê còn bị thiệt hại nặng nề về mặt vật chất. Mỗi lần vào nhà ông Trần Khuê để lục soát, CA đã tịch thu hết những dụng cụ ông thường dùng cho việc nghiên cứu hay diễn tả tư tưởng của minh như máy vi tính, radio, phóng ảnh, chụp ảnh v.v…
Hỏi: Nhưng còn về mặt thi hành luật pháp thì tòa án đã áp dụng điều 258 luật hình sự như thế nào để kết án ông Trần Khuê?
Đáp: Nhà cầm quyền Việt Nam cần đàn áp ông Trần Khuê như tôi đã nói, nên dùng công cụ toà án và hình luật của mình, và đã phải giải thích khiên cưỡng, rất tuỳ tiện điều 258 Bọ luật Hình sự, theo đó "Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đế 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến ba năm… ".
Nhưng mà dù chỉ nói về pháp lý thuần túy, tôi cũng cho là nếu muốn nói rằng ông Trân Khuê đã "lợi dụng các quyền tự do dân chủ liệt kê trong điều 258 đó, thì trước hết phải chứng minh rằng ông Trần Khuê đã được hưởng những thứ tự do đó. Đồng thời ông đã sử dụng chúng quá lạm, đến mức xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi của tổ chức, công dân v.v…
Cả thế giới đều biết rằng hiện nay ở Việt Nam chưa hề có những quyền tự do mà Nhà nước Việt Nam viện dẫn để truy tố và trừng trị ông Trần Khuê. Lại nữa, Nhà cầm quyền Việt Nam giải thích như thế nào là "xâm phạm lợi ích của Nhà nước "?
Thế còn lợi ích của dân chúng thì sao? Trường hợp Nhà nước vì lợi ích riêng của mình mà đi ngược lại lợi ích của dân thì người dân có được quyền tỏ bày sự bất mãn hay không? Trên đây chỉ là một vài trong nhiều điểm mà chắc chắn là nhà cầm quyền Việt nam không thể làm sáng tỏ trong vụ án Trần Khuê những vẫn trừng trị ông dù rằng họ phải nương tay vì áp lực quốc tế.
Hỏi: Còn về bản án 19 tháng tù mà tòa tuyên phạt ông Trần Khuê, thì so ra cũng là nhẹ, vì ông đã bị giam 18 tháng nay. Thế phải chăng đây là một bước nhân nhượng của chính quyền Việt Nam trong lãnh vực nhân quyền?
Đáp: Bản án này là một yếu tố thực tế về vụ án Trần Khuê, mà điều đáng lưu ý là : Nhà cầm quyền Việt Nam đã điều chỉnh chính sách đàn áp nhân quyền của mình trước áp lực quốc tế và trong chừng mực vừa đúng để tránh gây ra những phản ứng quá mạnh của dư luận nay. Nhưng vẫn là một chính sách đàn áp, không phải là chính sách thăng tiến và bảo vệ nhân quyền theo đúng qui phạm quốc tế về nhân quyền.
Hỏi: Xin cảm ơn luật gia Trần Thanh Hiệp.