Thưa quí thính giả và các bạn trẻ, nghề tiếp viên hàng không từng là một nghề được giới trẻ ưa thích vì những yêu cầu đặc biệt, cũng như môi trường làm việc cũng khác hẳn so với nhiều ngành nghề trên mặt đất. Tuy thế nay tình hình có còn như trước không?
Bấm vào đây để nghe tiết mục này
Rightclick to download this audio
Trong chương trình kỳ này Gia Minh mời quí vị và các bạn cùng nghe tâm sự của một cựu tiếp viên hàng không và một người vừa tập tễnh bước vào nghề; cũng như một số nhận xét đối với đội ngũ tiếp viên Việt Nam hiện nay.
Thưa quí vị, do đặc trưng riêng của nghề tiếp viên hàng không, nên để có thể tham gia vào nghề này những ứng viên phải có một số tiêu chuẩn đặc biệt về ngọai hình, thể lực cũng như nhân dáng.
Một cựu tiếp viên cho biết thời của chị những yêu cầu hàng đầu đó là: "Hồi đó mê làm tiếp viên lắm. Còn điều kiện thì phải đủ 21 tuổi. Và cao nhất là 25 thôi. Mặt phải dễ nhìn, chiều cao tối thiểu là 1 mét 55. Thấp là không được dù có xinh và giỏi đến mấy thì cũng không được chọn. Thí sinh phải biết hai ngọai ngữ, rồi trả lời những câu hỏi ứng xử về tình huống đặc biệt." (audio clip)
Bạn Trần Huyền Trang, người hiện theo học khóa đào tạo tiếp viên hàng không tại thành phố Hồ Chí Minh thì cho biết về những vòng thi mà bạn phải trải qua: "Em vừa tốt nghiệp phổ thông và thi đậu vào trường hàng không. Em phải qua một cuộc kiểm tra thể lực và kỳ thi khó nhất là ngồi lên ghế xoay để kiểm tra tiền đình." (audio clip)
Như các bạn và quí thính giả đều rõ, môi trường làm việc của các tiếp viên hàng không là đi theo các tuyến bay để phục vụ hành khách. Trong số này có nhiều đối tượng khá nhau, già có trẻ có, người trong nước, người ngọai quốc… Do đó có những khóa huấn luyện đặc biệt dành cho họ như lời kể của người từng tham gia cống tác tiếp viên trước đây: "Có những khóa huấn luyện đi bay, xử lý những tình huống bất ngờ, chữa lữa, hộ sinh…." (audio clip)
Lịch học hiện nay của Trần Huyền Trang như sau: "Rất bận rộn. Em chỉ học tiếng Anh thôi, dù có muốn học nhiều ngọai ngữ nữa nhưng không có thời gian. Lịch trình huấn luyện kéo dài bốn tháng, sau đó sẽ tham gia bay." (audio clip)
Đối với người từng hành nghề tiếp viên thì những kỹ năng và kinh nghiệm thu thập được trong thời gian đi bay giúp ích cho chị nhiều trong cuộc sống hiện nay: "Những điều học được khiến mình có thể trở nên nhanh nhạy và linh họat trong cuộc sống." (audio clip)
Riêng người học viên trường hàng không hiện nay thì có những nhận định về nghề nghiệp như sau: "Vì thích nên theo nghề, dẫu rằng nghề này cũng có nhiều tai tiếng như tiếp viên đi buôn lậu v.v…. Theo ý kiến riêng thì hòan thành nhiệm vụ là tốt. Không có ý định theo mãi nghề mà khoảng 5 năm sau thì chuyển nghề khác để có thời gian lo cho gia đình." (audio clip)
Đúng như phát biểu của bạn Huyền Trang vừa rồi thì có những người vì lạc lòng, mờ mắt trước những cám dỗ của kim tiền nên để mình rơi vào vòng xóay của những họat động bất chính mà cơ hội đi bay dễ dàng tạo ra.
Chính những đặc lợi riêng mà nhà cầm quyền dành cho giới tiếp viên hàng không trước đây, từng tạo ra một số hình ảnh không đẹp và tai tiếng cho người làm trong ngành. Nhưng nay nhờ vào chính sách tuyển sinh mở, công khai mà tình hình đó được cải thiện, như trong phát biểu của một hành khách thường đi máy bay trong nước: "Thực sự có nhiều cải thiện về thái độ của đội ngũ tiếp viên hiện nay. Chỉ có một yếu tố cần tiếp tục cải tiến là khả năng ngọai ngữ của họ." (audio clip)
Một người từng xa xứ lâu ngày, trong một chuyến về thăm quê cũng có nhận xét về những cô tiếp viên Việt Nam: "Có khác xưa trong cách đối xử với hành khách." (audio clip)
Thưa quí thính giả và các bạn trẻ, xu hướng chọn nghề thay đổi theo thời gian. Có lúc nghề này được cho là thời thượng, lắm người mơ ước được làm như nghề tiếp viên một thời ở nước ta. Tuy nhiên, chọn nghề không thể theo ‘mốt’ mà phải phù hợp khả năng, trình độ của mỗi người.
Mục Nhịp Sống Trẻ kỳ này xin tạm dừng tại đây, hẹn gặp lại quí vị và các bạn cũng vào giờ này tuần sau.