Chương trình giáo dục giới tính cho thanh thiếu niên tại Việt Nam


2004.08.06

Vấn đề giới tính, tình dục từ lâu ở Việt Nam, vẫn bị nhiều ngùơi cho là chuyện riêng tư không nên đề cập, nói đến ở chốn đông người. Tuy nhiên, trong thực tế các bạn trẻ ngay từ tuổi vị thành niên cho đến tuổi thanh niên nay có nhiều cơ hội tiếp xúc với đối tượng khác phái. Bên cạnh đó thông tin về tình dục cũng như hình ảnh quan hệ nam nữ lại nhan nhản trên mọi phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là mạng Internet.

Bấm vào đây để nghe tiết mục này
Rightclick to download this audio

Trong Mục Nhịp Sống Trẻ kỳ này Gia Minh mời quí vị theo dõi ý kiến của một số cán bộ phụ trách chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản, cũng như tâm tình của chính các bạn về chuyện được cho là khó nói đó.

Xã hội theo truyền thống Đông Phương của Việt Nam, khi mở cửa đón nhận những luồng văn minh Tây Phương, đã gặp phải những vấn đề như tự do luyến ái… Do tập quán lâu ngày, giới trẻ chưa được chuẩn bị kỹ luỡng, từ đó nảy sinh những hậu quả được đáng báo động như tình trạng nạo phá thai, lây nhiễm các bệnh xã hội.

Thống kê cho thấy Việt Nam hiện nay là một trong ba quốc gia có tỉ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới. Từ thực tế đó, nhà cầm quyền Việt Nam và nhiều tổ chức phi chính phủ đưa ra các chương trình về giáo dục, tuyên truyền ý thức sức khỏe sinh sảnh cho vị thành niên và thanh niên trong nước.

Chuyên viên Cẩm Linh thuộc chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản tại Hà Nội có đánh giá về nhận thức của thanh thiếu niên và cho biết về họat động mà cô đang tham gia trong lĩnh vực này tại đó: "50% có hiểu biết thôi, còn lại tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng mỗi người. Chương trình tuyên truyền giáo dục nhưng cũng hạn chế."

Quỹ Dân Số của Liên Hiệp Quốc cũng tiến hành một dự án tương tự tại Việt Nam. Bác sĩ Lê Quang Thọ, cán bộ phụ trách chương trình nhánh ở Phú Thọ, cũng cho biết về công việc và một số đánh giá về hiệu quả thu lượm được trong việc tuyên truyền giáo dục sức khỏe sinh sản cho giới trẻ trong khu vực ông phụ trách như sau: "Bắt đầu từ tháng 9 năm 2000, và thu được một số kết quả như sự tham gia của các ấp. Tuy nhiên để có thể trao đổi cởi mở thì phải đến năm 2010 mới có thể đạt được)

Song song với những họat động của các chương trình trợ giúp như quí vị và các bạn vừa nghe, các cơ quan, đoàn thể trong nước cũng đang cố gắng tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân và thanh thiếu niên về vấn đề giới tính, sức khỏe sinh sản.

Vào trung tuần tháng bảy vừa qua, diễn dàn sức khỏe sinh sản vị thành niên Bắc- Trung- Nam được tổ chức ở Đà Nẵng với sự tham dự của hơn 700 đại biểu thanh niên, vị thành niên từ nhiều tỉnh thành cả nước về tham dự.

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Thiện Truởng, phó chủ nhiệm Ủy ban Dân Số- Gia Đình và Trẻ em, thì những chương trình làm được còn khiêm tốn so với yêu cầu thực tiễn.

Điều đó cũng đúng như trong thừa nhận của một bạn nữ tại thành phố Hồ Chí Minh sau đây: " Ở trường được giáo dục rất ít, thành thị có điều kiện hơn nông thôn."

Một thanh niên ở Vĩnh Phúc cũng có ý kiến tương tự: "Có tăng lên, biết sử dụng bao cao su, nông thôn còn theo quan niệm cũ, ở thành thị thì quan hệ dễ dàng hơn."

Trong khi đó thì một bạn nữ tại Cần Thơ cho biết về hiệu quả của những chương trình tuyên truyền mà bạn tham gia ở trường học cũng như xã hội: "Qua những buổi học, ngọai khóa thì nay có hiểu biết hơn và trao đổi cho nhau nên quan hệ lành mạnh."

Thưa quí thính giả và các bạn, thống kê của Hội Kế họach Hóa Gia Đình Việt Nam cho thấy hiện nay có 5% các em gái sinh con trước tuổi 18, 15% sinh con trước 20 tuổi. Hơn một phần ba trẻ vị thành niên và thanh niên có quan hệ tình dục trước hôn nhân. Số trẻ em mắc bệnh lây qua đường tình dục chiếm trên 1%.

Những con số thống kê mà Gia Minh vừa đưa ra đã kết thúc Mục Nhịp sống Trẻ kỳ này, hẹn gặp lại quí vị và các bạn trẻ trong chương trình tuần tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.