Việt Nam Bị Trung Quốc Khuất Phục

Lời giới thiệu: Hôm Thứ Sáu, viên chức Hiệp hội các nước Đông Nam Á ASEAN đã tiết lộ rằng lãnh đạo ASEAN sẽ cùng lãnh đạo ba xứ Đông Á kia là Trung Quốc, Nhật Bản và Đại Hàn, nhân thượng đỉnh ASEAN cuối năm tại Manila, vận động thành lập một diễn đàn Đông Á để cùng giải quyết các vấn đề an ninh và chính trị trong khu vực. Đây là một tin mừng vì tới nay, các nước Đông Á thiếu hẳn một cơ chế có thẩm quyền giải quyết các vấn đề trên, như vụ khủng hoảng Đông Timor đã cho thấy. Nhưng, về thực chất, chưa ai rõ Việt Nam sẽ giữ tư thế gì trong cơ chế đó, khi xu hướng gần đây cho thấy Hà Nội tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của Bắc Kinh trong các vấn đề đối ngoại. Diễn đàn Kinh tế xin đề cập tới xu hướng đó riêng về lãnh vực kinh tế, qua bài nhận định của Nguyễn An Phú sau đây...Hai năm vừa qua là hai năm đen tối cho Hiệp hội ASEAN, chẳng những vì khủng hoảng kinh tế bùng nổ trong vùng, mà vì mấy tôn chỉ của tổ chức này đã thành lạc hậu trong một bối cảnh có quá nhiều đổi thay. Đề cao chế độ tự do mậu dịch và đòi phát triển vùng mậu dịch tự do Đông Á, Malaysia lại là nước xé rào và kiểm soát tư bản để ngăn ngừa khủng hoảng và tháng qua lại quyết định không giảm thuế suất nhập nội trên phụ tùng xe hơi nhằm bảo vệ dự án xe hội nội hóa loại Proton của họ. Tôn chỉ gọi là không xen vào nội tình nước bạn của ASEAN cũng thành tật vô tình và bất nhẫn khi dân Đông Timor bị tàn sát mà ASEAN không dám phê phán hợi viên Indonesia. Khi Liên hiêp quốc và nhất là Úc phải đứng ra bảo vệ hòa bình Đông Timor, các xứ ASEAN đành nhập cuộc mà cò kè trả giá và còn đả kích Úc Đại Lợi đằng sau khẩu hiệu đầy mặc cảm Á châu. Trong khi đó, các nước ASEAN lại quên là họ có thoát cơn khủng hoảng cũng nhờ sự trợ giúp của các nước công nghiệp Tây phương và Quỹ Tiền tệ IMF. Vấn đề thành rắc rối hơn khi xét tới quan hệ tay ba giữa ASEAN, Hoa Kỳ và Trung Quốc. Các nước ASEAN đều sợ Bắc Kinh nên cần tới sự bảo vệ của Hoa Kỳ, mà lại ham bán hàng cho Hoa lục, nên không muốn quan hệ Mỹ-Hoa thêm suy đồi sau những mâu thuẫn bùng nổ từ sáu tháng nay. Trong vụ tranh chấp với Bắc Kinh về quần đảo Trường Sa, Malaysia và Việt Nam thì cúi đầu theo quan điểm Trung Quốc, chỉ Philippines còn dám lên tiếng chống đối. Vì vậy, nội tình ASEAN không nhất trí và sự nhu nhược của họ là yếu tố bất ổn, mà cũng là nguồn cổ vũ cho Bắc Kinh. Nếu Jakarta tiếp tục bị trừng phạt vì vụ Đông Timor, Bắc Kinh sẽ có lợi vì đang mời Indonesia mua võ khí của họ nếu hết được Mỹ cung cấp. Quả vậy, từ ít lâu nay giới quan sát Đông Á nói tới thế hợp tác giữa Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia và Indonesia. Điều đó mà xảy ra, nội tình ASEAN càng dễ phân hóa, và việc các nước này trông cậy vào cơ chế ASEAN như lực đối trọng với Bắc Kinh đã thành phù phiếm.Về thực tế, Việt Nam còn có thể trở thành con cờ của Trung Quốc trong nội bộ ASEAN nếu người ta theo dõi một số diễn biến gần đây. Về lý luận, Hà Nội rập khuôn theo Trung Quốc trong quan điểm về cải cách, và y như Bắc Kinh, họ đang trì hoãn đổi mớ cơ chế kinh tế để bảo vệ quyền lực của đảng mặc cho kinh tế bị suy thoái và giảm phát, y như trường hợp đang xảy ra tại Hoa lục. Trong chi tiết, Hà Nội cũng áp dụng biện pháp hạ lãi suất và giảm giá để kích cầu như Bắc Kinh, với hậu quả tương tự là tiêu thụ và sản xuất không tăng, chỉ có tồn kho ứ đọng vì hàng hóa của doanh nghiệp nhà nước bán không chạy. Hậu quả là tại cả hai nước, ngân hàng bị chìm trong nợ, xí nghiệp quốc doanh tiếp tục lỗ lã và thất nghiệp tăng đều. Trong các xứ Đông Á bị khủng hoảng, chỉ có Trung Quốc và Việt Nam vẫn chưa tuột xuống tới đáy, và tình hình năm tới sẽ còn đen tối hơn năm nay. Nhưng, Hà Nội không chỉ học Trung Quốc cách xử lý về kinh tế, đảng Cộng sản Việt Nam còn như tuân thủ theo mệnh lệnh của Bắc Kinh trong quan hệ đối ngoại của mình. Điển hình là Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã không ký sau ba năm thảo luận công phu. Nguồn tin ngoại giao và từ trong chính phủ ở Hà Nội đã phơi bày điều đó ngày một rõ hơn. Bản tin hôm 18 của thông tấn xã AFP và bài viết tuần này của tạp chí nổi tiếng The Economist đều nói tới sức ép rất mạnh của Bắc Kinh vào bộ Chính trị và Trung ương đảng của Hà Nội khiến Hiệp định không được ký vào lúc chót, dù Hà Nội đã phó thự bản sơ thảo và hẹn sẽ ký nhân hội nghị APEC tại New Zealand vào tháng 9. Việc thường vụ Bộ chính trị Phạm Thế Duyệt bất thần qua Bắc Kinh cùng Lý Thụy Hoàn lên tiếng đề cao mấy nguyên lý lạc lõng của chủ nghĩa Mác càng cho thấy Hà Nội quyết định đình chỉ cải tổ để củng cố quyền lực đảng. Xuyên qua các biến cố đó, ta thấy Bắc Kinh không muốn Hà Nội cải tổ quá nhanh, mà càng không muốn Việt Nam bình thường hóa quan hệ mậu dịch với Mỹ trước khi Trung Quốc giải quyết xong hồ sơ gia nhập tổ chức Mậu dịch Thế giới WTO. Làm gì, Hà Nội cũng phải cư xử như chư hầu, đàn em.Khi kiểm điểm sự thể, ta có thể kết luận những gì? Đầu tiên, lãnh đạo đảng Cộng sản ở Hà Nội chỉ thấy quyền lợi của họ là trọng nên cưỡng lại trào lưu hội nhập vào kinh tế thế giới và trì hoãn việc đổi mới kinh tế. Thứ hai, sau khi từ khước ký kết Hiệp định Thương mại, tức là làm mất tiềm năng xuất cảng tới gần một tỷ của kinh tế quốc dân, nhà cầm quyền vẫn cố nói nước đôi là họ sẽ ký trong tương lai. Điều đó chỉ phô bày thêm tính ngoa ngụy của lãnh đạo và gây thêm bất mãn trong dân chúng. Thứ ba, và là điều bi đát nhất, trong mục tiêu bảo vệ quyền lực của mình, Hà Nội đang thi hành chỉ thị Bắc Kinh, để xứ sở tiếp tục tụt hậu và không thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Trung Quốc. Nhìn trên quan điểm quyền lợi dân tộc, đây là một lỗi lầm rất nặng, làm hai chữ độc lập của họ đã thực tế trở thành vô nghĩa.Tổng kết lại, trong thời gian tới đây, các nước Á châu đều khó tránh khỏi bị cuốn hút vào tranh chấp quyền lợi của ba nước lớn là Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản. Giải pháp khôn ngoan nhất của các nước ASEAN là giữ thế cân bằng với cả ba để tìm lợi ích tối đa cho mình. Dường như ASEAN hết có khả năng đó vị sự chia rẽ bên trong. Riêng với trường hợp Hà Nội, có lẽ đảng Cộng sản Việt Nam đã chọn cho mình chỗ tựa là Bắc Kinh, trong khi kinh tế và quyền lợi quốc gia lại đòi hỏi những phương tiện tài chánh và kỹ thuật của các xứ tự do và kỹ nghệ, bằng cách hội nhập vào luồng trao đổi mậu dịch với các thị trường tự do. Trong giả thuyết lạc quan nhất, Hà Nội sẽ tiếp tục đi sau Trung Quốc vài chục năm, khi các xứ khác đều tiến nhanh hơn ra khỏi tình trạng chậm tiến. Trong giả thuyết bi quan mà ngày càng trở nên thực tế hơn, Trung Quốc có thể sẽ bị khủng hoảng lớn vì chặn đà cải tổ ngay giữa giòng. Khi đó, cái gọi là sự ổn định của Hà Nội ngày nay chỉ báo hiệu nhiều bão tố nguy ngập cho xứ sở, và trước nhất, cho người dân miền Bắc./.