Thế Giới Tuần Qua (Dec. 08, 1999)

Lời giới thiệu: Thời sự thế giới tuần qua đã chuyển từ chuyện mậu dịch không thành, qua bế tắc của Hội nghị cấp Bộ trưởng của tổ chức WTO, sang chuyện ổn định chưa kết quả, qua việc tổng thống Boris Yeltsin của Nga gắng bước khỏi giường bệnh để họp bàn với chủ tịch Giang Trạch Dân của Trung Quốc, và việc tổng thống Abdurrahman Wahid của Indonesia đang đối phó với những khó khăn ở trong nước và ngay trong nội các của ông. Giữa khung cảnh đó, dư luận thế giới ít ai để ý tới chuyến thăm viếng Việt Nam của thủ tướng Chu Dung Cơ của Bắc Kinh. Do nhiều cây bút phụ trách với phần biên tập của Thành Chung, Thế giới Tuần qua sẽ tổng kết về các biến cố trên...Tháng chín vừa qua, khi tổng thống Mỹ Bill Clinton thông báo tại hội nghị cấp cao của tổ chức APEC, tức là Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu Thái bình dương, rằng ông sẽ đề nghị một đợt đàm phán mới về tự do mậu dịch cho thiên niên kỷ tới, dư luận đã tin rằng ông Clinton muốn được hậu thế nhớ tới như người đã đẩy mạnh tiến trình tự do hóa mậu dịch cho thế kỷ 21. Thế nhưng, Hội nghị cấp Bộ trưởng kỳ ba của Tổ chức Mậu dịch Thế giới WTO, nơi mà ông Clinton muốn phát động vòng đàm phán mới, đã tiến hành từ mùng 1 đến mùng 4 trong khói mù, ở ngoài và ở trong hội trường. Khói mù ở ngoài là do cả chục ngàn người biểu tình chống đối, ở trong là do các mâu thuẫn ngổn ngang giữa 135 quốc gia hội viên của WTO. Điều đáng buồn là ông Clinton đã tỏ vẻ ủng hộ đám biểu tình, và đề nghị các nước tham dự cùng thảo luận về những vấn đề họ nêu ra. Kết quả là vụ biểu tình bên ngoài và những bế tắc bên trong hội nghị lẫn thái độ khó hiểu của ông Clinton đã được đại đa số các quốc gia đang phát triển, tức là các nước nghèo, coi là phản ứng ích kỷ và cục bộ của Hoa Kỳ. Họ không nhượng bộ trước những đòi hỏi của các nước kỹ nghệ hóa, và bên cạnh, những mâu thuẫn không thể hòa giải về mậu dịch giữa chính các nước kỹ nghệ như Hoa Kỳ, Âu châu và Nhật, đã khiến Hội nghị WTO bế mạc mà không đạt được điều tối thiểu là nghị trình thảo luận về những vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới. Kết thúc hội nghị, các quốc gia đang phát triển, nhất là tại Á châu, đều phàn nàn thái độ của Hoa Kỳ, nhất là của chính quyền Clinton, về vấn đề mậu dịch này. Một số viên chức tham gia hội nghị cho rằng Hoa Kỳ đã cố tình gây ra vụ biểu tình rối loạn để tác động vào chương trình nghị sự trong hội trường. Dù chẳng cực đoan như vậy, nhiều dư luận khác từ các nước Á châu thì tin rằng tổng thống Mỹ đã ngả theo lập trường các nghiệp đoàn và các tổ chức môi sinh thuộc cánh tả nhằm tranh thủ hậu thuẫn của họ cho phó tổng thống Al Gore hiện đang tranh cử tổng thống và cần sự ủng hộ của phe tả. Hậu quả của việc đó là Hoa Kỳ đã đòi hỏi những điều kiện quá khắt khe về lao động và mậu dịch, nên gây thêm khó khăn cho các nước đang phát triển và làm Hội nghị không đạt kết quả.Trong khi chú ý tới những biến cố vây quanh hội nghị WTO thì dư luận như đã lãng quên tình trạng giao tranh gay gắt tại Chechnya, nơi mà 250 binh sĩ Nga đã bị thiệt mạng trong một vụ phục kích đẫm máu. Chính quyền Nga đã ra tối hậu thư cho biết là họ sẽ thanh toán mục tiêu Grosny, là thủ phủ của Chechnya, và sẽ không nương tay với lực lượng Hồi giáo ly khai mà họ gọi là quân khủng bố. Tuy nhiên, giới quan sát về tài chánh cũng để ý tới thái độ cứng rắn của các nước Âu châu và Hoa Kỳ đối với nước Nga vì chiến cuộc tại Chechnya, qua việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF chưa dứt khoát về việc tháo khoán thêm 640 triệu đô la trong ngân khoản viện trợ bốn tỷ rưỡi cho Nga. Cùng lúc đó, tin từ Moscow cho biết là tổng thống Boris Yeltisn đã đột nhiên rời bệnh viện để xuất ngoại. Ông Yeltsin bị xưng phổi sau khi rời Hội nghị về an ninh Âu châu ngày 21 tháng trước, và phải nhập viện từ tuần trước. Nay ông bất ngờ rời bệnh viện để qua Ukraine gặp tổng thống Leonid Kuchma mới tái đắc cử và để dự thượng đỉnh bán chính thức với chủ tịch Giang Trạch Dân của Trung Quốc, từ mùng ngày đến mùng 10 này, 10 ngày trước cuộc bầu cử Quốc hội. Vì lý do sức khỏe của Boris Yeltisn, thượng đỉnh Nga-Hoa này cũng như nhiều chuyến công du quốc tế khác của ông đã bị hoãn nhiều lần trong năm nay. Những tin tức bất lợi về tình hình chiến cuộc tại Chechnya cũng như phản ứng chống đối của Tây phương lẫn các nước Hồi giáo dường như đã là sức ép khiến ông phải ra khỏi giường bệnh để đi thăm Trung Quốc và Nhật Bản như đã được thông báo. Chưa ai rõ là ông Yeltsin sẽ đi khất nợ vì được 640 triệu của IMF, hay đi bán võ khí để kiếm tiền hoặc muốn mở chiến dịch tranh thủ hậu thuẫn của Trung Quốc và có thể của cả Nhật Bản trong chuyến thăm viếng Tokyo đã được Nga dự báo là sẽ hoàn thành nội trong tháng này.Người ta biết Trung Quốc đang muốn tạo thế liên kết với Nga để quân bình ảnh hưởng quá mạnh của Mỹụ, và Bắc Kinh cũng chẳng muốn quốc tế bình nghị về vấn đề đàn áp phong trào ly khai trong một nước, như Nga đang bị khi tiêu diệt lực lượng Hồi giáo tại Chechnya. Lý do là vì Bắc Kinh cũng ị các vấn đề tương tự tại Tân Cương hay Tây Tạng. Và đây là lý luận mà Bắc Kinh chắc chắn đã nói với tổng thống Indonesia Abdurrahman Wahid khi ông thăm viếng Trung Quốc tuần qua. Vấn đề của Indonesia còn nguy kịch hơn bài toán Tân Cương của Trung Quốc hay Chechnya của Nga, vì sau khi trao trả độc lập cho Đông Timor, Indonesia đang phải đối phó với áp lực ly khai của dân chúng tại Aceh, Irian Jaya, và mới nhất, tại miền Đông Kalimantan. Đồng bệnh dễ tương lân, Trung Quốc có thể cố tranh thủ cảm tình của Indonesia khi nhắc tới phản ứng can thiệp của các xứ khác vào tình hình Đông Timor trong mùa Thu vừa qua.Còn lại, một số dư luận cho rằng Bắc Kinh muốn liên kết với Nga để chia mỏng khả năng đối phó của Hoa Kỳ hơn là để tìm mua võ khí. Quả vậy, việc Bắc Kinh có mua võ khí Nga cũng chỉ có ảnh hưởng giới hạn mà thôi, như chủ tịch Giang Trạch Dân tuyên bố hôm 12 tháng trước tại Đại hội Toàn quân của bộ Tổng tham mưu, rằng sau khi nổ hai quả bom và phóng một vệ tịnh, Trung Quốc phải nghĩ đến khả năng tự túc trong yêu cầu quốc phòng của mình. Chưa kể là một giới chức cao cấp đã viết từ cuối tháng 10 trên tờ Đại Công Báo, rằng họ không thể loại bỏ giả thuyết là Nga không bán những loại chiến cụ tối tân nhất, và cíA bán võ khí cho Bắc Kinh rồi Nga sẽ phải thông báo chi tiết kỹ thuật về các loại chiến cụ đó cho Mỹ để khỏi gây thêm sứt mẻ trong quan hệ với Tây phương!Trong mối quan hệ rất phức tạp như vậy giữa các nước, mà quyền lợi đất nước phải là yếu tố chỉ đạo, người ta mới để ý tới chuyến thăm viếng Việt Nam của thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ. Viên Tổng lý Quốc vụ viện Bắc Kinh đã tới Việt Nam theo ngả đặc biệt là vào Nam trước, để thăm viếng doanh gia người Hoa ở trong Nam, rồi mới ra Hà Nội nói chuyện với lãnh đạo đất nước là tổng bí thư Lê Khả Phiêu, thủ tướng Phan Văn Khải và chủ tịch Quốc hội Đông Đức Mạnh. Dư luận còn được biết là ông Lê Khả Phiêu đã phải hủy chuyến thăm viếng nước Pháp để ở nhà chờ đón Chu Dung Cơ cho thêm phần long trọng vì mục tiêu của chuyến đi được thông báo là để tăng cường đoàn kết trước nhất giữa hai đảng Cộng sản, sau đó mới là giữa hai quốc gia. Điều đáng chú ý hơn cả là sau bốn ngày thăm viếng, đôi bên đã không có một bản tuyên bố chung, và Thỏa ước giải quyết những mâu thuẫn trên bộ mới chỉ đạt thỏa thuận nguyên tắc chứ chưa được ký kết. Người ta chưa thể biết rõ nội dung của cuộc gặp gỡ, nhưng chắc chắn là phía Hà Nội đã muốn tham khảo ý kiến Bắc Kinh, rằng việc ký kết Hiệp định Thương mại với Mỹ có là điều nên hay không. Lý do là trước đây, hình như Bắc Kinh khuyên là không nên, vì vậy lãnh đạo Hà Nội đã không dám ký hồi tháng Chín để khỏi làm đàn anh phật ý. Thế rồi Bắc Kinh lại ký thỏa ước WTO với Mỹ hồi tháng 11, nên Hà Nội mới cảm thấy như mình bị lỡ trớn. Dù sao, với việc nhà cầm quyền Hà Nội ngày càng nương tựa vào Liên bang Nga về võ khí, có khi là lỗi thời và đắt giá, và càng nhờ cậy vào Trung Quốc để tìm giải pháp ổn định tình hình mà khỏi phải cải cách, dư luận có cảm tưởng là đảng Cộng sản Việt Nam đang có những chọn lựa tai hại cho thế kỷ tới...