1968: TRẬN MẬU THÂN Ở HUẾLời giới-thiệu: Qua hai bài duyệt xét lại lịch-sử và triển-vọng của Quân-đội Nhân-dân Việt-nam, chúng ta đã được biết một phần thâm-cung bí-sử của quân-đội mà có lúc đã được xem là hùng mạnh nhất Đông-Nam-Á. Những sự đấu đá và chia rẽ ở cấp chỉ-huy cao nhất của Quân-đội Nhân-dân Việt-nam mà chúng ta đã lược qua cho thấy là sự đoàn-kết mà người ngoài đôi khi tưởng là đã làm nền tảng cho sự hiệu-lực trong chiến-đấu của "bộ đội cụ Hồ" xem ra chưa chắc đã là sự thật. Và cũng vì những sự chia rẽ và đấu đá đó mà chiến-cuộc đôi khi bị ảnh-hưởng, có lúc khá nặng nề. Như ở Việt-nam, ta có câu "Miền Nam đi trước về sau," ngụ ý là kháng-chiến chống Pháp đã nổ ra ở Nam-bộ từ 1945, cả năm trước ngày "toàn-quốc kháng-chiến" 19-12-1946, nhưng rồi lại "về sau" theo nghĩa là phải đợi đến năm 1975 Việt-nam mới thống nhất. Sau đây Tâm Việt nghiên cứu để xét thử tại sao đã có hiện-tượng đó và ảnh-hưởng của nó lên trên các giai-đoạn của cuộc chiến ra sao...Hiện-tượng đấu đá trong Quân-đội Nhân-dân Việt-nam không phải là một hiện-tượng mới mẻ gì. Nó đã có từ ngay những năm đầu cách mạng mùa Thu rồi sau đó vào thời kháng-chiến chống Pháp vì nó dựa lên trên một đặc-tính mà không ít người Việt chúng ta mắc phải, tính nghi ngờ. Sự nghi ngờ không những đã đưa chúng ta đến chỗ giết anh em, nhất là nếu người anh em của ta lại thuộc một đảng chính-trị khác. Cho nên bắt chiếc Tào Tháo, Đảng CSVN đã dựng lên thành một nguyên-tắc khi họ đưa ra khẩu-hiệu "Thà giết lầm còn hơn là tha lầm."Chính nguyên-tắc này đã cho phép người CSVN thẳng tay giết hàng trăm hàng ngàn những người anh em trong các đảng phái Quốc gia, rồi dẫn đến cả những chuyện khôi hài đầy dẫy trong thời kháng Pháp như là bắt bỏ tù những người nào mặc áo hay có mùi xoa màu tam tài, tức ba màu xanh trắng đỏ của lá cờ Pháp. Hoặc chỉ cần bị bắt gặp cầm một cái gương nhỏ là cũng có thể bị nghi ngờ là chuẩn-bị làm dấu hiệu cho tàu bay quân-sự Pháp bắn xuống thường-dân hay các đoàn đi di tản, mà lúc bấy giờ gọi là đi "di cư."Nhưng cái nghi ngờ không chỉ giới-hạn ở người ngoài, người dân thường hay người khác đảng. Cái nghi ngờ, khi còn cộng thêm ganh ghét vào đó nữa, trở nên một thứ độc-tố đã xén ngay cả vào hàng ngũ của chính Đảng CSVN như trường-hợp của tướng Nguyễn Sơn, người được coi là một trong những tướng giỏi nhất của Việt-nam nhưng lại không có chỗ đứng trên quê hương của mình. Theo Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam in ra ở Hà-nội cách đây ba năm thì tướng Nguyễn Sơn đã tham-gia cách mạng từ sớm, được Nguyễn Ái Quốc giới-thiệu sang học trường Võ-bị Hoàng Phố rồi gia-nhập Đảng CS Trung-hoa, tham-gia khởi nghĩa Quảng-châu, làm tới chủ-nhiệm chính-trị quân-đoàn, rồi thành ủy-viên Ban Chấp hành Trung-ương Đảng CS nước Cộng-hòa xô-viết Trung-hoa, ủy-viên chính-phủ Trung-cộng, tham-gia cuộc Vạn lý trường chinh của Mao Trạch-đông, làm báo chống Nhật ở ngay nước người. Năm 1945 ông về nước, được chỉ-định làm chủ-tịch Ủy-ban kháng-chiến hành chính Nam-bộ, rồi hiệu-trưởng Trường lục-quân trung-học Quảng-ngãi, cục-trưởng Cục Quân-huấn thuộc Bộ Tổng-tham-mưu với chức-vụ cuối cùng là khu-trưởng Khu 4. Trong thời-gian này ông rất được lòng các văn-nghệ-sĩ có dịp tiếp-xúc với ông nhờ ở một cái óc rộng rãi và tính ân cần hiếu khách. Một người như vậy mà đến năm 1950 lại được đem trả về Trung-quốc, nơi mà ông đã có lúc lên đến chức phó-cục-trưởng Cục điều lệnh Quân Giải phóng Trung-quốc với quân-hàm là thiếu-tướng. Nhưng Nguyễn Sơn còn may mắn hơn Nguyễn Bình, tư lệnh bộ-đội Nam-bộ kiêm phó-chủ-tịch Ủy-ban kháng-chiến hành chính Nam-bộ (nghĩa là phó cho tướng Nguyễn Sơn), lên đến chức Trung-tướng. Dù tham-gia cách mạng yêu nước từ sớm khi còn là học-sinh và dù như có rất nhiều thành-tích chiến-đấu can trường, như tham-gia lãnh-đạo khởi nghĩa giành chính-quyền ở Hải-phòng, Đồ-sơn, Kiến-an, Hải-dương v.v., ông vẫn bị nghi ngờ vì gốc Việt-nam Quốc-dân-đảng nên mặc dù trong giai-đoạn 1946 đến 1948 ông đã có công "thống nhất các lực lượng vũ trang Nam Bộ," ông vẫn đã bị "hi sinh trên đường đi công tác" vào tháng 9-1951 theo như ghi chú của Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam. Có điều nguồn tin này không chịu nói rõ, đó là Pháp biết được hành tung của tướng Nguyễn Bình cũng là nhờ có người ở trong Đảng CSVN phản-bội ông mà cung-cấp tin cho Pháp dội bom đúng chỗ. Cái chết của Đại-tướng Nguyễn Chí Thanh sau này ở miền Nam, vào năm 1967 do Mỹ ném bom chết, cũng có những nghi vấn tương-tự như cái chết của Trung-tướng Nguyễn Bình trước đó gần 20 năm.Có người cho rằng đặt vấn-đề về những cái chết đó là quá đáng, ngụ ý những cái chết đó có thể chỉ là chuyện ngẫu-nhiên, không nhất thiết do có ai phản-bội hay "đồng chí" nào đâm sau lưng. Nhưng nếu những cái chết đó mà còn không đáng nghi ngờ thì làm sao giải-thích được nhiều cái chết bí-hiểm ngay ở Hà-nội như cái chết của tướng Đinh Đức Thiện, em ruột của Lê Đức Thọ, mà ở Hà-nội người ta đồn là do ngay người trong nhà, một đứa cháu, bắn chết trong một bữa tiệc? Hoặc hai cái chết liền nhau của hai đại-tướng Hoàng Văn Thái và Lê Trọng Tấn vào năm 1986, khi những ông này sắp sửa được cất nhấc lên làm bộ-trưởng Bộ Quốc-phòng, hay cái chết trong tù của Thượng-tướng Chu Văn Tấn vào năm 1984 dù như ông đã là một trong những người có công nhất bảo vệ cách mạng Việt-minh khi nó còn trong trứng nước?Phải hiểu được như thế, phải rõ về những động-lực ở đằng sau bộ mặt Đảng và chính-quyền Hà-nội thì ta mới biết được tại sao một chiến-dịch như vụ tổng-công-kích Mậu-thân đã thảm-bại như đã xảy ra cách đây 30 năm hơn.Với Nguyễn Chí Thanh, ông tướng hiểu biết nhất miền Nam vào lúc bấy giờ, bị hy sinh vào giữa năm 1967 và Võ Nguyên Giáp bị gạt sang bên-dù như lúc bấy giờ miền Bắc chỉ có hai ông ấy là đại-tướng 5 sao-thì hiển-nhiên, quyết-định và trọng-trách về vụ Mậu-thân chỉ có thể rơi vào tay Lê Duẩn, một nhà dân-sự duy ý chí nhưng là một tay mơ trong việc quân. Do đó nên vụ tổng-công-kích Mậu-thân đã sai từ trong căn-bản, từ những bước dựng kế-hoạch đến những bước thực-hiện, đến những sai lầm chiến-lược như giết dân lành trên một qui-mô chưa từng có trong toàn-bộ cuộc chiến 30 năm chống Pháp rồi chống Mỹ ở Việt-nam. Vì duy ý chí nên mới có những lệnh "bám trụ" ở Huế chống lại tất cả những suy nghĩ duy lý mà người chỉ-huy tại chỗ có thể có được. Đó là thảm-kịch của ngay chính bộ-đội CS ở Huế mà ta thấy được tiết-lộ trong những hồi-ký về Huế mà ta đã được đọc sau này. Về bàn tay của Lê Duẩn táy máy vào chuyện quân-sự trong vụ Mậu-thân thì ta còn có chứng-từ của Hoàng Văn Hoan, vào lúc bấy giờ là Uỷ-viên Bộ Chính-trị. Vì mâu thuẫn với cánh Lê Duẩn, ông đào thoát và tỵ nạn ở Trung-quốc vào năm 1979. Dù như sau đó ông bị xử tử vắng mặt, ta cũng không thể cho rằng ông đã hoàn-toàn bịa đặt khi ông viết như sau trong hồi-ký cách mạng của ông, cuốn Giọt Nước Trong Biển Cả:"Lê Duẩn đánh giá sai lực lượng ta và lực lượng địch trong chiến dịch Mậu Thân... Quân ta phải rút lui với một sự thiệt hại rất nặng về người, về binh lực và vũ khí."Hoàng Văn Hoan còn cho biết cặn kẽ hơn:"Trong một cuộc hội nghị Trung ương năm 73 sau khi quân Mỹ đã rút hết khỏi miền Nam, mấy đồng chí quân sự có tham gia chiến dịch Mậu Thân đều phát biểu rằng, chiến dịch Mậu Thân kéo dài đã mang lại những tổn thất rất lớn là cơ sở nông thôn cũng như thành thị đã bị phá hoại nghiêm trọng. Nhiều cơ sở đến nay vẫn còn chưa khôi phục lại được. Có đồng chí sợ nói miệng có thể lại bị xuyên tạc, nên đã viết lời phát biểu thành văn bản, trịnh trọng đọc ở diễn đàn rồi giao văn bản cho Đoàn Chủ tịch."Để biết những "đánh giá" của Lê Duẩn và các tướng ở Hà-nội lúc bấy giờ "sai" đến đâu thì ta đã có chứng-từ của Lê Minh, nguyên Tư lệnh chiến-trường và Bí-thư Thành-ủy Huế. Trước khi ra đi, anh được Đảng giao trọng-trách như sau: "Về chiến dịch, anh là chỉ huy trưởng; về mặt Đảng, anh là Trưởng ban công kích và khởi nghĩa của toàn Khu" (nghĩa là từ phía Nam sông Hiền-lương đến đèo Hải-vân).Theo anh kể lại trên tờ Sông Hương số 29 năm 1988 thì "7 giờ tối ngày mồng Một Tết Mậu Thân," anh và đoàn quân của anh "bắt đầu rời cửa rừng, quân đi lặng lẽ trong đêm tối." Mấy ngày đầu, cuộc tiến quân khá nhanh: hôm mồng 2, "lá cờ Mặt trận [đã] treo trên đỉnh Kỳ đài Huế... Đến ngày thứ ba thì giải phóng nhà lao Thừa Phủ; toàn thành phố đã bị ta chiếm lĩnh, ngoại trừ Mang Cá và một số ổ đề kháng... Ngày thứ bảy Mỹ mới bắt đầu nổ súng." Như vậy, ngay theo như lời chứng của Lê Minh, sáu ngày đầu trận Mậu-thân ở Huế, sự giao-chiến đã hoàn-toàn chỉ xảy ra giữa Quân-đội Nhân-dân Việt-nam ở Bắc vào do Lê Minh chỉ-huy và quân-lực Việt-nam Cộng-hòa, không hề có quân của Mặt trận Giải phóng Miền Nam ở bên phía Cộng-sản hay quân-đội Mỹ bên phía đồng-minh tham-gia trong thời-gian này.Vẫn theo lời kể của Lê Minh thì đến ngày thứ năm vào Huế, "tôi và Nam Long (Phó Tư lệnh) đi kiểm tra chiến trường." Ở cánh Bắc, tình-hình ra vẻ vững vàng, "chỉ bị thiếu đạn. Riêng Trung đoàn 6 thì thiếu nặng: súng trường chỉ còn 12-15 viên, súng máy còn trên 100 viên. Đạn trợ chiến còn rất thấp, không đuợc nửa cơ số. Toàn bộ thương vong trong nội thành đã lên tới 300. Cánh Nam, thương binh của ta không nhiều, mà tù binh thì đông, và còn thiếu đạn hơn nữa. Tất cả các hướng đều báo cáo về Bộ Chỉ huy cũng một việc thôi: Đạn!... Tôi báo cáo về Bộ Tổng: Xin đạn... Hết sạch đạn, đó là ngày thứ 5."Đoạn khác, bài viết cho biết: "Đánh giá tình hình chung, thấy hầu hết các cơ quan địch đều đã bị đập nát, chỉ trừ lực lượng sư đoàn 1 Ngụy ở Mang Cá và một số ổ đề kháng. Như vậy nếu chiếm thành phố, phá hoại và gây ảnh hưởng chính trị thì đã đủ liều lượng; còn thế tấn công dứt điểm thì rõ ràng là khó rồi. Cuộc họp này [nghĩa là của Bộ Chỉ-huy chiến-trường] quyết định đề nghị ta rút ra khỏi thành phố." Đến ngày thứ 10, "chúng tôi xác định là đến đây, nhiệm vụ chiến trường riêng của chúng tôi đã hoàn thành," song vẫn theo lời Lê Minh, "cấp trên" của anh ta lại quyết-định ngược lại. "Anh Trần Văn Quang (Thường vụ Khu ủy) xuất trận. Anh... ra ngay Bộ Chỉ huy trực tiếp chỉnh đốn lại binh lực trong một ngày... gom nhặt hết lực lượng quyết đánh vỡ Mang Cá. Nhưng địch đã đủ thì giờ tổ chức Mang Cá thành một ổ đề kháng lớn, do chính Ngô Quang Trưởng chỉ huy. Ta đánh từ 9 giờ đến 12 giờ đêm, thương vong nhiều nhưng trận đánh không mang lại hiệu quả.""Chúng tôi điện về Bộ Tổng: 'Chúng tôi hết đạn, chỉ làm kế hoạch được từng buổi. Ký tên: Bảy - Tín - Minh (tức anh Quang, anh Chưởng - Chính ủy - và tôi). Khoảng 5 tiếng đồng hồ sau, chúng tôi nhân được điện trả lời từ Hà nội: 'Cấp trên sẽ chi viện đủ cho các anh hoàn thành nhiệm vụ. Ký tên: Văn - Dũng - Thảo (tức các anh Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng và Song Hào). Tiếp đó một điện khác của Bộ Tổng Tham mưu cho biết đã có 2 E [nghĩa là 2 trung-đoàn] bộ binh, 1 E trợ chiến, và đường 559 sẽ tiếp tế các loại đạn dược khí tài xuống..."Chúng tôi được điện, lại tiếp tục đào công sự, lập chính quyền cấp tỉnh... nhưng mãi đến ngày thứ 15 vẫn chưa thấy gì hơn. Ngày thứ 15, địch triển khai ở đây 4 sư đoàn tinh nhuệ: 3 sư Mỹ và 3 lữ ngụy, chưa kể sư đoàn 1... Cho đến ngày thứ 20, vẫn chưa ai dám bàn chuyện rút vì lệnh kia chưa thủ tiêu. Ngày thứ 21, chúng tôi báo cáo về Bộ, vẫn không thấy trả lời. Chúng tôi quyết định rút, bởi vì bây giờ dù quân chi viện có vào nữa thì cũng không thay đổi được tình thế."Vậy, theo ngay Lê Minh, Bộ Tổng-tham-mưu của miền Bắc, nghĩa là những cấp chỉ-huy quân-sự cao-cấp nhất lúc bấy giờ, những Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng và Song Hào, đã đánh lừa ngay chính quân-đội của mình. Và chính quân-đội này, dù kiên trì tới đâu, cũng chỉ bám ở Huế được trong sự tuyệt vọng có 21 ngày với chưa đầy một tuần thực-sự làm chủ tình-hình, chứ không hẳn đã ở được "25 ngày chiếm giữ" như ông Bùi Tín viết trong Mây Mù Thế Kỷ. Cuối cùng, Lê Minh đã phải viết một cách xót xa đến hàng ngàn thường-dân bị bộ-đội miền Bắc thảm-sát ở Huế: "Tôi thấy cần phải nói đến một điều đáng buồn... Rốt cuộc là đã có những người bị xử lý oan trong chiến tranh. Dù lý do thế nào thì trách nhiệm vẫn thuộc về lãnh đạo, trong đó có trách nhiệm của tôi. Nhiệm vụ bây giờ của cách mạng là phải minh oan cho gia đình, con cái những người đã chết trong hoàn cảnh như vậy."Người cầm đầu chiến-dịch Huế Mậu-thân còn biết nhắc đến một sự hối cải và nhận lãnh trách-nhiệm phần mình. Ông đã đặt ra "nhiệm vụ của cách mạng" một cách khá minh bạch, nhưng thử hỏi chính-quyền tự cho mình là cách mạng đã làm được gì để chuộc lại những tội tầy đình của mình trong vụ thảm-sát Mậu-thân ở Huế, một vụ người Việt giết người Việt mà con số lớn gấp khoảng 60 lần vụ Mỹ-lai. Trong mấy bài tới, chúng tôi xin tiếp-tục trình bầy về Quân-đội Nhân-dân, những khủng-hoảng lãnh-đạo và đường hướng chỉ-đạo ở trong đó cũng như tình-hình xuống cấp thê thảm về mặt trang-bị, tinh-thần, và cập-nhật-hóa hiểu biết.