1968 VÀ 1972: NHỮNG TỔN-THẤTLời giới-thiệu: Năm 1968 được tất cả các sử-gia thuộc mọi phía xem là một năm bản lề trong chiến-tranh Việt-nam. Ngày hôm nay, với thời-gian lui lại, ở ngay tại Việt-nam cũng có một sự công-nhận rộng rãi là những tổn-thất của phía Cộng-sản là quá nặng đứng về mặt quân-sự và chính-trị, nhìn gần như từ mọi khía cạnh. Nói cách khác, nếu Tổng-thống Hoa-kỳ Lyndon Johnson đã cương-quyết hơn trong việc yểm-trợ cho Đại-tướng Westmoreland ở Việt-nam thì cục-diện cuộc chiến có thể đã thay đổi hoàn-toàn.Sở dĩ ta đến được kết-luận này là vì một số lý-do như được trình bầy dưới đây, dựa hoàn-toàn trên những tài-liệu xuất phát từ trong nước mà nhiều năm sau mới được tiết-lộ. Tâm Việt đã nghiên-cứu khá cặn kẽ những tài-liệu này để trình bầy lại một toàn-cảnh xác-thực hơn là những hình ảnh tuyên-truyền của đôi ba bên, không những không giúp gì cho sự hiểu biết đích-thực mà sẽ còn tiếp-tục làm cho chúng ta hiểu lầm vấn-đề....Người ta nói chiến-tranh Việt-nam khác với mọi cuộc chiến xảy ra trước đó ở một điểm: đây là chiến-tranh đầu tiên trong lịch-sử loài người mà được truyền hình đi khắp thế-giới gần như tức-thời. Vì hình ảnh được phát đi mau lẹ nên người ta dễ có những nhận-định tức-thì, dựa vào cảm-tính, chứ không nhất-thiết đã dựa lên những hiểu biết cặn kẽ hơn về bối-cảnh của những hình ảnh đó.Có thể nói không ít người trên thế-giới khi nghĩ đến chiến-tranh Việt-nam đã mường tượng ngay trong đầu một số hình ảnh nối đuôi nhau: ông Hồ Chí Minh với chòm râu dê đọc Tuyên ngôn Độc-lập, ông Ngô Đình Diệm mặt tròn bầu bĩnh đi chân chữ bát, Thượng-tọa Quảng Đức tự-thiêu, Tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn một người mặc thường-phục áo ca-rô, cô bé Kim Phúc chạy trần truồng vì bom na-pam, rồi các chuồng cọp, hình ảnh Mỹ-lai, những hình ảnh người dân bám vào trực-thăng di tản hay thuyền-nhân đói khát trên biển cả mênh mông. Xem những hình ảnh này, người ta được biết những ghê khiếp rùng rợn của chiến-tranh song cuối cùng chỉ là của một bên còn bên kia thì hoàn-toàn mờ nhạt.Do vậy nên mới có những sự chênh lệch trong việc đánh giá đôi bên. Trường-hợp hình ảnh tướng Loan bắn một người trông như thường-dân thì rõ ràng là khủng khiếp song có mấy ai ở ngoài Việt-nam mà biết được là các cảm-tử-quân Cộng-sản khi vào thành để làm công việc khủng-bố đều mặc thường-phục và chính người bị bắn vừa giết nguyên một gia-đình cảnh-sát của tướng Loan?Chuyện Mỹ-lai cũng vậy. Khi những hình ảnh đầy máu me đàn bà, con trẻ, ông già được in màu lên trên tạp-chí Life (tức "Đời sống") ở Mỹ thì lập-tức phản-ứng quần-chúng rất dữ dội đối với Trung-úy Calley, người chỉ-huy trực-tiếp chịu trách-nhiệm, và chiến-tranh ở Việt-nam. Song 106 người bị chết oan ở Mỹ-lai chỉ bằng khoảng 1 phần 60 số người bị phía "bộ-đội cụ Hồ" thảm-sát ở Huế trên đường họ rút lui để trở về rừng.Sự chênh lệch về quan-niệm phổ-thông lúc bấy giờ trên thế-giới đã mang lại không những chỉ một dư-luận bất lợi cho quân-đội miền Nam, nó còn dẫn đến những toan tính sai lầm cực kỳ nguy hiểm nơi những nhà lãnh-đạo ở miền Bắc nữa. Việc quyết-định đánh vào Tết Mậu-thân là một điển-hình của lối suy nghĩ duy ý-chí của Lê Duẩn vào lúc bấy giờ và kết-quả là qua mấy trận đánh năm ấy, hầu như toàn-bộ hạ-tầng-cơ-sở chính-trị của phía Cộng-sản ở miền Nam đã bị lộ và tiêu diệt chưa kể là hầu hết các đơn-vị quân-đội, tức Giải-phóng-quân của Mặt trận Dân-tộc Giải phóng miền Nam, đã bị triệt hạ nhân dịp này hoặc tan rã sau đó.Sau những kinh-nghiệm đau thương đó, không trách là nhiều thành-phần Cộng-sản ở miền Nam đã xem vụ Mậu-thân như là một sự phản-bội của Hà-nội đối với phong-trào của họ ở miền Nam. Sau năm 75, đến khi miền Nam tiếp-tục bị chèn ép qua nhiều hình-thức khác nữa thì ta không nên lấy làm lạ là những người như Trương Như Tảng thì bỏ hàng ngũ trốn sang Pháp, hay Câu-lạc-bộ những người kháng-chiến cũ đã chủ-yếu qui-tụ lại những thành-phần Cộng-sản miền Nam cũ, như Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, Nguyễn Văn Trấn và thậm chí cả Trần Văn Trà, Đỗ Trung Hiếu v.v. Những người này quay ra dị-ứng với Hà-nội tới mức Nguyễn Hộ trong Quan Điểm và Cuộc Sống chủ-trương phế bỏ hẳn chủ-thuyết Cộng-sản để mà thẳng thắn theo tư-bản hay Nguyễn Văn Trấn chủ-trương lập Việt-nam thành một nước liên-bang với miền Bắc cứ theo Cộng-sản nếu họ muốn nhưng miền Nam thì phải tự do hơn.Với huyền-thoại bị xóa bỏ về một miền Nam tự-lực tự-cường đứng lên chống cường-quyền nên không lạ là chiến-tranh Việt-nam, sau năm 1968, chủ-yếu đã trở thành một chiến-tranh qui-ước giữa hai quân-đội lớn, Quân-đội Nhân-dân ở miền Bắc đối đầu với Quân-lực Việt-nam Cộng-hòa ở miền Nam. Quân Giải phóng trong căn-bản, sau năm 1968, đã bị gạt ra khỏi phương-trình cán cân lực-lượng giữa đôi bên. Cũng chính vì thế mà bắt đầu từ năm 1969, Hoa-kỳ cũng đã có thể bắt đầu rút quân ra khỏi miền Nam để bắt đầu chương-trình mệnh danh là "Việt-nam-hóa," nghĩa là để cho quân-đội miền Nam đương đầu một mình với quân-đội miền Bắc mà không sợ bị uy-hiếp quá đáng. Và Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972 đã chứng tỏ là quân-đội miền Nam hoàn-toàn đủ sức đẩy lui một đội quân hùng mạnh nhất mà miền Bắc có thể gởi vào: hơn 40 nghìn bộ-đội chính-quy Bắc-Việt đã băng qua sông Bến-hải để tràn xuống Huế, 7 trung-đoàn khác bao vây và đánh An-lộc chưa kể những vụ giao-tranh ở Kontum, v.v. song 4000 quân miền Nam đã biến An-lộc trở thành một địa-danh lừng lẫy mà có lúc đã được so sánh với trận Stalingrad trong Thế-chiến II cũng như ít tháng sau thì, ở vùng 1 chiến-thuật, quân-đội miền Bắc đã bị đẩy lui qua sông Thạch-hãn."Được làm vua, thua làm giặc," đó là một câu ở cửa miệng người xưa. Do vậy nên thắng xong chiến-tranh, Hà-nội chỉ muốn đưa ra một hình ảnh rất một chiều về Quân-đội Nhân-dân Việt-nam, một quân-đội mà hình như thần thánh tới mức không thua trận nào cũng như không có người chết.Ta hãy giở bản Dự thảo Tổng kết kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam do Ban Tổng-kết của Viện Lịch-sử Quân-sử Việt Nam viết ra năm 1987 thì khắc rõ. Trang 59, về kết-quả của vụ Mậu-thân, bản Dự-thảo cho những con số hoang-đường như sau: "Trên toàn miền Nam trong đợt Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa này, ta tiêu diệt và làm tan rã hàng mảng lớn quân ngụy: 147.000 tên chết và bị thương, 200.000 tên đào ngũ, rã ngũ. Sinh lực Mỹ cũng tổn thất nặng: 43.000 bị thương và chết, một khối lượng rất lớn phương tiện chiến tranh và vật chất của địch bị phá hủy, chiếm 34% dự trữ chiến tranh của chúng." Đến đợt 2 vào tháng 5-1968, cuốn sách lại cho là "chiến trường Nam Bộ đã loại 49.800 địch ([trong đó] có 17.700 Mỹ)" v.v. Trong khi đó, trong toàn-bộ cuốn sách không đâu thấy nói đến tổn-thất của chính phía Cộng-sản - dù như đây là tài-liệu nội-bộ.Tuy giấu diếm như vậy song nhóm tác-giả cũng đã để hở một vài số-liệu nói lên tất cả sự mất mát về phía Cộng-sản và Quân-đội Nhân-dân. Trong phụ-lục cuốn sách có một bảng mang tên "Quân số MB [Miền Bắc] tăng cường cho miền Nam" về mặt "tân-binh" cho thấy là riêng năm 1968 đã có hai đợt đôn quân từ miền Bắc: đợt đầu là 141.081 "tân-binh" đưa từ miền Bắc vào và đợt sau là 336.914 người nữa, tổng-cộng là gần nửa triệu người trong năm đó. Rồi đến năm 72 lại có hai đợt lớn nữa: 152.974 cộng 335.477, tổng-cộng lại gần nửa triệu nữa. Nếu phía Cộng-sản không có thương vong thì những người này đi đâu?Sự thực chính ra đã khác hẳn. Theo như những con số chính-xác từ phía Mỹ và đồng-minh thì trận Mậu-thân, phía Cộng-sản chết khoảng 45 nghìn người, bị bắt làm tù-binh gần 7 nghìn người, trong khi phía Việt-nam Cộng-hòa chỉ mất có khoảng 4 nghìn người chết và Mỹ hơn 1000 người. Một sự xác-nhận gián-tiếp về sự chênh lệch này cũng đã đến từ ngay miệng ông Võ Nguyên Giáp: Được nhà báo người Ý tên Oriana Fallaci hỏi trong một cuộc phỏng vấn tại Hà-nội rồi về sau có được in lại trong sách Interviews with History ("Phỏng vấn Lịch-sử") là "người ta cho rằng phía Cộng-sản đã mất nửa triệu người trong chiến-tranh" thì chính ông Giáp cũng đã không phủ-nhận điều này mà còn cho đó là cái giá phải trả thôi. Không trách đã có lúc có những làng ở miền Bắc trắng xóa những vành khăn tang và cho đến ngày hôm nay, số phụ nữ ở miền Bắc vẫn đông hơn hẳn số đàn ông trong hầu hết các địa-phương.Vẫn biết, người xưa có câu, "Nhất tướng công thành, vạn cốt khô," nhưng rồi thí quân như miền Bắc đã làm trong chiến-tranh, trong trận Mậu-thân, thí luôn cả anh em của họ ở trong Mặt trận và Quân-đội Giải phóng, thì không trách những hậu-quả lâu dài của cuộc chiến cho đến ngày hôm nay - hơn 30 năm sau - cũng vẫn chưa thể dứt được.Trong kỳ tới, chúng ta sẽ xét là những hậu-quả đó như thế nào, thuộc loại vấn-đề nào và nó có ảnh-hưởng gì đến tinh-thần của Quân-đội Nhân-dân Việt-nam không?