Rủi ro của giảm phát kinh tế
1999.03.01
Trong tuần qua, Diễn đàn Kinh tế đã trình bày về nguy cơ giảm phát kinh tế toàn cầu, ngoài kinh tế Hoa Kỳ. Đề tài nói trên khiến nhiều người quan tâm muốn tìm hiểu thêm về hiện tượng này. Vì vậy, hôm nay chúng ta sẽ theo dõi tiếp những rủi ro của giảm phát và những biện pháp đối phó qua bài nhận định của Nguyễn An Phú sau đây. Một cách hết sức giản lược, giảm phát xảy ra khi giá tiêu thụ không tăng, dù chậm và ít, mà lại sụt. Vì từ quá lâu, loài người chỉ chuyên chú đối phó với nạn lạm phát, khi tiền tệ lưu hành quá nhiều so với số hàng khả dụng, cho nên trước nguy cơ lạm phát, người ta có thể sẽ đối phó kém hoặc điều chỉnh sai, và rủi ro giảm phát mới càng dễ xảy ra. Suy từ kết luận trên đây, người ta có thể đảo ngược lý luận, rằng để chống lại nạn giảm phát thì chính phủ cứ việc in thêm tiền, hoặc tăng lương hay hạ thuế cho dân chúng. Vấn đề nói trên sẽ được tìm hiểu trong bài nhận định tuần này... Đầu tiên và để nhắc lại nguy cơ giảm phát mà nhiều trung tâm nghiên cứu kinh tế bắt đầu đề cập tới, ta cần thấy vài chỉ dấu đáng lo ngại sau đây. Thứ nhất la trong năm 98 vừa qua, giá sản xuất trên toàn cầu đã sụt đáng kể, nhất là ở các nước công nghiệp hóa. Sau đó, giá tiêu thụ cũng bắt đầu sụt, từ sáu tháng qua, tại Âu Châu nhất là Pháp Đức, và lương bổng tại Nhật cũng sụt chừng 4% trong năm qua. Tại Hoa lục và Hong Kong, người ta bắt đầu chứng kiến nạn sụt giá, hoặc giảm lạm phát, trước khi lan rộng sang nhiều nước đang phát triển còn lại. Cùng với nạn thương phẩm mất giá gần một nửa, hiện tượng sụt giá đang lây lan một cách đáng ngại. Tới nay, người ta chưa thấy mức độ sụt giá trầm trọng như đã xảy ra thời 1929, trước khi cuộc tổng khủng hoảng bùng nổ, nhưng, chưa ai biết là thế giới có tránh nổi một sự suy sụp tệ hại như vậy hay không, trong vài năm tới. Trước đây, người ta sợ nạn lạm phát vì hiện tượng đó dễ xảy ra khi chính quyền ưa phóng tay in tiền ra xài để lấy lòng dân hoặc để hốt phiếu. Cho nên trước nguy cơ trái ngược, ta có thể nghĩ tới giải pháp dĩ độc trị độc, tức là in tiền ra xài, thì hiện tượng hàng ứ đọng có thể sẽ dứt và hàng hết sụt giá. Tuy nhiên, giải pháp dễ dãi đó thực ra chưa chắc đã công hiệu nếu người ta xét vào những nguyên nhân phức tạp của nạn giảm phát. Nếu giảm phát xảy ra do kết quả của khoa học, kỹ thuật và toàn cầu hóa khiến năng suất gia tăng và hàng sản xuất ra nhiều hơn số cầu, khi mà nhu cầu của dân chúnh nhất thời lại được thỏa mãn và bị bão hòa, thì việc tin tiền như vậy có thể là giải pháp. Nhưng, ở các xứ có hối suất cố định vì neo giá tiền tệ vào một ngoại tệ khác thì việc in tiền có thể làm sụt giá đồng bạc và gây ra nhiều thất quân bình phức tạp hơn. Thứ nữa, với các nền kinh tế như Nhật Bản hiện tại, khi lãi suất tụt đến gần số không, ta lại gặp hiện tượng khác. Đó là biện pháp tiền tệ hết công hiệu kích thích kinh tế, như con bệnh đã quá suy nhược để có thể tiêu hóa chất bổ. Thí dụ dễ hiểu là tình trạng quá suy sụp khiến người dân tin là giá sẽ còn sụt nay mai nên chưa dám tiêu xài ngay trong hiện tại. Thuật ngữ kinh tế gọi đó là bẫy xập thanh khoản, tiền mặt thừa ứ mà chưa ai muốn tiêu, trong khi giá vẫn sụt, sản xuất vẫn xuống và biện pháp giải phóng tiền tệ cũng vô hiệu như ta đẩy một sợi dây. Ngày hôm nay, nhiều giới nghiên cứu kinh tế đang lo là một phần khá lớn của kinh tế toàn cầu có thể trôi vào trạng thái suy nhược đó, y hệt như kinh tế Nhật bị suy thoái dù các chính phủ nối tiếp đã bảy lần hạ thuế hoặc bơm tiền để khuyến khích tiêu thụ và sản xuất. Cho nên, để đối phó với nguy cơ đáng sợ đó, người ta nói tới nhiều biện pháp khác nữa. Tại Nhật Bản, giới lạc quan đã tin rằng nếu cải tổ toàn bộ cơ cấu kinh tế để tiền tiết kiệm dư thừa sẽ được đưa vào đầu tư, và nếu chấn chỉnh hệ thống tài chánh bằng cách đắp vốn cho các ngân hàng thì ngân hàng sẽ yên tâm cho vay rộng rãi hơn. Giải pháp này chưa thấy công hiệu trong thực tế. Giải pháp khác là chính phủ vay mượn nhiều hơn để gia tăng công chi và kích thích sản xuất. Rủi ro của giải pháp này là nhà nước sẽ có ngày vỡ nợ. Như Hoa lục hiện cố vét tiết kiệm của dân để bơm vào hệ thống quốc doanh, với rủi ro là quốc doanh sẽ có lúc phá sản, và dân sẽ nổi loạn. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo nói trên, nhiều kinh tế gia còn nói tới giải pháp bất thường khác, là chủ động tạo ra lạm phát, tức là gây ấn tượng trong dân rằng vật giá sẽ tăng trong tương lai và đồng tiền sẽ mất giá. Vì sợ lạm phát khiến đồng tiền mất giá, người ta sẽ ra khỏi phản ứng ghim tiền thủ thân hiện nay, để bắt đầu chi tiêu nhiều hơn. Nhờ đó, kinh tế sẽ khởi sắc và nạn giảm phát sẽ thoái lui. Cho tới nay, giải pháp này được đa số các nhà kinh tế và giới lãnh đạo coi là... kỳ cục vì từ 70 năm nay, người ta chỉ lo lạm phát sẽ xảy ra chứ ít ai nghĩ tới việc cố tình tạo ra lạm phát để cứu nguy kinh tế. Cũng vì sự trớ trêu đó mà nhiều người mới lo rằng giảm phát càng dễ xảy ra trong tương lai. Điều đáng lo đó có thể đã được thấy tại các nước kỹ nghệ hoá và nhất là bảy cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới. Khi tình hình đã suy thoái như vậy, chỉ có Hoa Kỳ đã ba lần hạ lãi suất vào mùa Thu vừa qua mặc dù kinh tế Mỹ đang có sức tăng trưởng mạnh nhất. Trong khi các xứ kia, nhất là Âu Châu với đồng Euro vừa khai sinh, lại chỉ nhìn vào thành quả chống lạm phát và giữ giá đồng tiền của họ, mà chưa có biện pháp thích ứng là nới lỏng chánh sách tiền tệ và thuế khóa, khi thời cơ còn thuận tiện./ Nguyễn An Phú