Họa vô đơn chí cho 2002

Lời giới thiệu: Năm 2002 vừa mở đầu đã gặp ngay vụ Argentina, khi mà trong mươi ngày xứ này đã có ba Tổng thống với việc Tổng thống lâm thời Adolfo Rodriguez Saa từ nhiệm sau khi nội các của ông từ chức. Từ nạn suy sụp kinh tế, Argentina bị khủng hoảng chính trị và hậu quả sẽ cực kỳ bất lợi cho các nước đang phát triển nếu một xứ khác cũng bị khủng hoảng trong vài tháng tới, là xứ Turkey xưa gọi là Thổ Nhĩ Kỳ. Từ nhiều tháng nay, Diễn đàn Kinh tế đã dự báo rủi ro khủng hoảng của hai xứ đó, giờ đây, nguy cơ này có thể trở thành hiện thực. Bài nhận định của Nguyễn An Phú về nguy cơ khủng hoảng đó...Việc Tổng thống lâm thời Argentina là Adolfo Rodriguez Saa không hoàn tất được một nhiệm kỳ có vài tháng, mà phải từ chức sau một tuần cầm quyền là thảm kịch cho xứ này. Đành rằng vụ khủng hoảng này gây khó khăn cho các xứ khác, nhưng một vụ vỡ nợ của xứ Turkey trong thời gian tới còn có hậu quả khó lường cho toàn thể các nước nghèo, trong đó có Việt Nam. Giả thuyết bi quan nhất là, riêng về địa hạt kinh tế, năm 2002 có thể còn tệ hơn năm 2001 vừa kết thúc, vì dù kinh tế Mỹ có thể hồi phục từ giữa năm 2002 trở đi, Hoa Kỳ chưa chắc đã chống đỡ nổi tình hình, và Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF có khi sẽ trôi vào những khó khăn không lối thoát, nếu phải tung tiền cấp cứu nhiều nơi một lúc.Nói về tình hình tổng quát thì ba khối kinh tế giàu mạnh nhất địa cầu hiện đều bị suy thoái, như Nhật Bản, hoặc suy trầm, như Hoa Kỳ và Âu Châu. Vì cả ba đầu máy tăng trưởng cho kinh tế toàn cầu đều trì trệ cùng lúc, nên kinh tế thế giới hiện đang bị lây nạn suy thoái. Giữa lúc đó, khủng hoảng bùng nổ tại Argentina với việc dân chúng xuống đường biểu tình cướp phá, khiến chính quyền của Tổng thống Fernando de la Rua sụp đổ, và ông de la Rua phải từ chức hôm 20 tháng 12. Sau 48 giờ thi hành thủ tục pháp lý, ông Adolfo Rodriguez Saa được cử làm Tổng thống lâm thời để đến mùng ba tháng Ba tới, Argentina sẽ bầu Tổng thống mới, cầm quyền hết nhiệm kỳ nguyên tắc của de la Rua, tới tháng 10 năm 2003. Thuộc đảng Công Lý trong phe đối lập theo xu hướng Peronist, Adolfo Rodriguez Saa được đảng đưa lên vì là một Thủ hiến được tái đắc cử nhiều nhất và nhờ thành tích thuế khóa trong tỉnh của ông. Lên nhậm chức, Tổng thống Saa đưa ra chương trình cải cách quá lớn cho một người chỉ cầm quyền có hai tháng. Ông bãi bỏ chánh sách kinh tế khắc khổ của chính quyền de la Rua, thuộc đảng Cấp tiến và tránh phá giá đồng Pesos bằng một loại tiền mới là đồng Argentino, được phát hành để thanh toán lương bổng công nhân viên chức. Biện pháp cứu vãn của ông chưa thấy có kết quả thì sự chống đối của dân chúng và các Thủ hiến đã khiến nội các gồm đảng viên Peronist của ông từ chức và ông cũng đành ra đi.Về căn bản, biện pháp cứu nguy tuần qua không thể cứu vãn được gì mà sẽ lập tức gây lạm phát phi mã, và vật giá gia tăng làm đồng Argentino lập tức thành giấy lộn, khiến cho sau cùng Argentina vẫn phải phá giá và từ bỏ chính sách hối đoái thiết lập năm 1989, là giàng giá đồng Pesos vào đồng đô la Mỹ sau khi xứ này bị lạm phát kinh hoàng là 5.000% một năm. Chính vụ lạm phát đó mới khiến Argentina áp dụng chế độ hối đoái này, và khi kinh tế suy trầm liền bốn năm, chế độ đó mới gây áp lực cho nền tài chính Argentina, vốn mắc nợ tới hơn 130 tỷ đô la và mặc nhiên vỡ nợ sau khi cựu Tổng thống de la Rua tuyên bố tạm ngưng trả nợ. Nay khủng hoảng kinh tế làm tan rã hệ thống lãnh đạo của cả liên minh cầm quyền được bầu lên năm 1999 và của đảng Peronist hiện đang lãnh trách nhiệm cầm quyền vì giữ đa số trong Quốc hội. Đảng này hiện phải hứng chịu hậu quả của chính sách kinh tế mà chính họ đã áp dụng từ 1989 đến 1999.Nhưng, qua năm 2002, khủng hoảng tại Argentina sẽ chẳng thấm vào đâu nếu ta so sánh với những gì có thể xảy ra tại một xứ khác là Turkey tại Cận Đông. Quốc gia này là nước Hồi giáo duy nhất của Minh ước Bắc Đại Tây Dương NATO và hiện đứng trong mặt trận quốc tế chống khủng bố. Từ một năm nay, tình hình nội bộ có bất ổn vì bất đồng giữa Tổng thống và Thủ tướng. Nguy hơn vậy là với 115 tỷ ngoại trái vào đầu năm 2001, Turkey mắc nợ nước ngoài còn nhiều hơn Argentina nếu so với tổng sản lượng nội địa GDP. Vụ động đất năm 1999 và vụ phá sản ngân hàng năm 2000 khiến công quỹ mất toi 50 tỷ đô la, trong khi kinh tế suy thoái và thất nghiệp gia tăng. Đó là tình hình đầy bất lợi cho Turkey trong năm 2001.Năm qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF lặng lẽ can thiệp để cứu vãn tình hình và tránh cho Turkey nguy cơ vỡ nợ. Nhưng giải pháp mà IMF đang bố trí chưa đủ đảm bảo kết quả, nhất là đòi hỏi thời gian áp dụng trong hai ba năm tới mà thôi, như lời tuyên bố của bà Anne Krueger, đệ nhất phó Tổng giám đốc IMF. Giải pháp gọi là "dàn xếp" của IMF cho phép quốc gia mắc nợ tạm hoãn trả nợ trong khi chấn chỉnh lại nền tài chính. Muốn vậy, IMF có thể đề nghị biện pháp xóa nợ giảm lãi và một kế hoạch triển hạn hoàn trái dễ dãi hơn cho các khoản nợ còn lại. Theo kế hoạch đó, các chủ nợ tư nhân sẽ phải hoặc triển hạn đòi nợ hoặc xóa nợ rất nhiều hầu tránh cho con nợ khỏi bị khủng hoảng mà mất hết cả vốn lẫn lời. Giải pháp đó, vì vậy, trông cậy vào các nhà đầu tư trên thị trường để khỏa lấp thực tế phá sản và vỡ nợ của Turkey. Quốc gia này không phải là một nước nhược tiểu bé nhỏ của thế giới thứ ba. Turkey có nền kinh tế đứng hàng thứ 16 của thế giới và nằm trong khu vực giao lưu giữa Âu với Á Châu và nhất là trong vùng Balkans đầy bất ổn. Các ngân hàng Âu Châu hiện làm chủ hơn 40 tỷ đô la ngoại trái của xứ này và nếu Turkey vỡ nợ thì cả sinh hoạt kinh tế tại Cận Đông lẫn hệ thống tài chính ngân hàng Âu Châu đều bị ảnh hưởng nặng. Trong khung cảnh bấp bênh đó, người ta lại chưa thấy triển vọng hồi phục gì về lâu về dài. Turkey nhập khẩu tới 98% cho yêu cầu xăng dầu, và 40% là xuất khẩu cho Âu Châu, một thị trường đang suy thoái co cụm. Ngành dệt may thường đem lại chừng một phần ba số thu nhập xuất khẩu của Turkey thì sẽ bị sức ép rất mạnh của sản phẩm Trung Quốc sau khi xứ này gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới WTO. Và muốn cải tổ để da diện hóa cơ cấu xuất khẩu thì Turkey cần rất nhiều đầu tư nước ngoài. Với thực trạng vỡ nợ không khai báo hiện nay, Turkey có ít hy vọng thu hút nổi tiền đầu tư cho nhu cầu đó. Đồng thời, cảnh ngộ "cái khó nó bó cái khôn" cũng gây áp lực cho Turkey. Một đàng, IMF đòi hỏi Turkey phải chấn chỉnh tài chánh, đàng kia, chính quyền bị quá nhiều đòi hỏi về xã hội, nên ngân sách năm 2002 vừa phê chuẩn, dù có gọi là khắc khổ cũng dự chi chừng 18 tỷ nhiều hơn số thu nhập ngân sách, tương đương với 10% GDP. Cho đến nay, IMF cố châm thêm tiền để cứu Turkey, như bơm thêm hơn ba tỷ đô la cuối tháng 11, nâng tổng số tiền vay của Turkey lên quá 13 tỷ. Đồng thời, IMF cũng chuẩn bị một tín khoản nữa, chừng 16 tỷ đô la, để bổ xung bội chi ngân sách, chủ yếu là để giúp Turkey có tiền trả nợ đáo hạn. Các khoản tín dụng trên có thể làm giảm sức ép trước mắt, nhưng cũng khiến Turkey thêm mắc nợ. Vào đầu năm 2001, ngoại trái xứ này được ước lượng khoảng 58% của GDP, còn cao hơn tỷ lệ 46% của Argentina khi xảy ra vụ vỡ nợ tuần qua. Trong năm 2001, kinh tế Turkey bị suy thoái mất 8% và Ngân hàng Thế giới dự báo tới cuối năm, khoản ngoại trái lên tới gần 70% GDP; đấy là chưa kể các khoản nợ trong nước mà Bộ Tài chính của Ankarra cho là lên tới 80% GDP. Một con nợ khác mà gặp cảnh đó thì có thể đã phá sản, nhưng Turkey còn tồn tại được là nhờ IMF trợ giúp.Sự trợ giúp này chẳng thể kéo dài, nếu không, chính IMF sẽ gặp khó khăn vì cứ phải bơm tiền như gió vào nhà trống cho một nền kinh tế chưa có hy vọng hồi phục. Khi năm 2002 này mở màn, người ta có Argentina đã phá sản và đang bị khủng hoảng, nếu Turkey cũng bị vỡ nợ và khủng hoảng năm nay thì chẳng những mặt trận chống khủng bố sẽ bị một lỗ hổng đầy bất lợi, mà các thị trường tài chánh từ Âu sang Á sẽ bị chấn động nặng, chưa kể là nội bộ Turkey có khi bị loạn vì sắc tộc Kurd đòi quyền tự tri. So sánh với những gì đang xảy ra tại Argentina thì nguy cơ khủng hoảng của Turkey còn có hậu quả kinh hoàng hơn, vì vị trí địa dư chiến lược của xứ này trong vùng Cận Đông, bên cạnh những lò xung đột nguy kịch nhất.