Xuất khẩu Lao động


2002.12.31

Lời Giới Thiệu: So với mươi năm về trước, trong năm 2003 này, số nhân công lao động được các nước xuất khẩu sang nước ngoài có thể tăng từ gấp bốn tới gấp năm. Riêng Việt Nam thì trong hai năm tới, số lao động xuất khẩu từ năm vạn sẽ tăng lên nửa triệu, nghĩa là gấp 10. Nhân dịp đầu năm dương lịch, với viễn ảnh các xứ nghèo đang tích cực tìm ngoại tệ bằng cách xuất khẩu lao động, Diễn đàn Kinh tế thảo luận về vấn đề này với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa...

Hỏi: Vì sao lao động xuất khẩu lại là một vấn đề, nhất là kể từ năm tới?

Đáp: Bước vào năm 2003 và trong mươi năm tới, một số quốc gia Á châu sẽ tận lực sử dụng nhân công lao động nhập khẩu từ các nước khác để giải quyết yêu cầu sản xuất của họ, vì vậy số lao động xuất khẩu sẽ tăng mạnh kể từ năm tới. Riêng Việt Nam thì số này có thể tăng gấp 10 trong vòng có hai năm tới thôi. Mặt trái của vấn đề là trong khi yêu cầu nhân công gia tăng như vậy thì hệ thống luật lệ lao động còn quá thô sơ và không bắt kịp đà tăng trưởng đó. Hậu quả là nhân công được xuất cảng ra ngoài đã không được bảo vệ đúng mức, thậm chí bị khai thác ở cả hai đầu ra vào, trước sự thờ ơ của mọi người. Điều đó có được tổ chức lao động quốc tế ILO báo động mà chưa được quan tâm đúng mức, vì các chính quyền ở cả hai phía xuất nhập đều né trách nhiệm đối với thành phần lao động ở nước ngoài.

Hỏi: Theo tổ chức Lao động Quốc tế ILO thì trong năm 2003 này sẽ có 10 triệu nhân công Á châu được gửi ra nước ngoài lao động, hoàn cảnh của họ sẽ như thế nào để tổ chức này phải lên tiếng báo động như vậy?

Đáp: Trước nhất, trong số 10 triệu này, chỉ phân nửa là được đăng ký chính thức nghĩa là được một sự bảo vệ nào đó trên nguyên tắc. Phân nửa còn lại là thuộc diện "bán chính thức", thực tế là lao động chui, không hiện hữu về mặt pháp lý để có thể được bảo vệ. Họ sẽ bị khai thác ở cả hai đầu, bởi kẻ bán lẫn kẻ mua sức lao động của họ. Vấn đề đáng chú ý là vì cả thành phần gọi là lao động chính thức còn không được bảo vệ, huống hồ lao động chui, là thành phần bị bóc lột trắng trợn nhất.

Hỏi: Đầu tiên, vì sao lại có hiện tượng xuất khẩu lao động như vậy?

Đáp: Vì trình độ phát triển không đồng đều khiến một số quốc gia có mức tăng trưởng cao thiếu hẳn nhân công giải quyết một số yêu cầu về sản xuất nên sẵn sàng nhập cảng thành phần lao động đó. Phía bên kia, cũng vì trình độ phát triển thấp, nhân công tại một số quốc gia nghèo trông đợi sẽ lãnh đồng lương khá hơn khi đi qua phục vụ các nền kinh tế có trình độ sản xuất cao hơn. Bình quân thì mức lương có thể gấp năm mức lương nội địa có thể lãnh trong nước, vì vậy, người ta mới muốn tìm việc ở xứ khác. Đó là bài toán của công nhân. Các quốc gia nghèo cũng muốn xuất khẩu lao động đó vì hai lý do, thứ nhất là giải tỏa áp suất trên thị trường lao động để giảm bớt thất nghiệp; thứ hai là nhà nước có thể trưng thu một khoản ngoại tệ không nhỏ trên đồng lương của lao động xuất khẩu. Thí dụ như Viện Nghiên cứu Tài chính Quốc tế đã ước lượng là trong năm 2001, các nước nghèo thu được chừng 65 tỷ đô la nhờ xuất khẩu lao động, trong số đó có 25 tỷ là tại Á châu. Riêng Việt Nam thì đã có chỉ tiêu thu nhập một năm cỡ hai tỷ đô la nhờ việc xuất khẩu này.

Hỏi: Phải chăng hiện tượng ấy bùng phát quá nhanh nên các chính quyền Á châu chưa kịp thiết lập những luật lệ cần thiết để bảo vệ lao động?

Đáp: Chẳng những các nước liên hệ mà các tổ chức quốc tế cũng vậy. Đầu tiên, Á châu đi sau các nước Tây Âu, thậm chí Nam Mỹ hay cả Phi châu khi chưa thống nhất với nhau về các tiêu chuẩn luật lệ, nghĩa là cả luật và lệ, liên quan tới lao động nhập khẩu. Các nước cũng rất chậm đạt thỏa ước song phương về quy chế đối xử với nhân công từ xứ khác vào lao động ở xứ mình. Thí dụ như năm 1990, ta đã có Công ước Quốc tế về việc Bảo vệ quyền Lao động từ Nước ngoài và 19 quốc gia đã ký vào công ước này, nhưng trong số đó không có một xứ Á châu hay Trung Đông nào. Hậu quả là từng nước có thể đã có hệ thống luật lệ và tiêu chuẩn lao động như giờ giấc, lương bổng hay điều kiện lao động áp dụng cho toàn quốc, nhưng lại chẳng có những điều khoản tương xứng cho dân lao động của nước ngoài.

Hỏi: Thế các công đoàn có thể làm gì cho những trường hợp đó?

Đáp: Thứ nhất, tổ chức công đoàn vẫn còn quá yếu tại quá nhiều quốc gia, thứ hai, chính công đoàn từng nước lại coi lao động nhập khẩu là một sự đe dọa và còn vận động chính quyền của mình kỳ thị loại lao động đó.

Hỏi: Trong trường hợp đó, thế giới có làm áp lực để các nước thiết lập chế độ bảo vệ lao động nhập khẩu chăng?

Đáp: Dĩ nhiên là có, với hậu quả trái ngược. Luật lệ càng chặt chẽ đối với việc sử dụng lao động nhập khẩu lại càng khiến các doanh nghiệp cần nhân công nước ngoài tránh khai báo, để kín đáo hoặc lén lút dùng nhân công nhập cảnh phi pháp, tức là nhập cảng lao động chui. Và điều đáng chú ý là vì hoàn cảnh đó có hai thành phần lao động bị bóc lột tàn tệ nhất, đó là phụ nữ và thiếu nhi. Thành phần này bị buôn bán như nô lệ, có khi còn bị đẩy vào kỹ nghệ bán dâm, là điều người Việt ta ngày càng thấy rõ hơn.

Hỏi: Về trường hợp Việt Nam, tình hình có bi đát như ở các xứ kia chăng?

Đáp: Bi đát hơn nhiều, vì nói đến chuyện buôn bán sức lao động, ta có người mua và người bán, mà cả hai đều trục lợi, trong khi công nhân bị trấn lột ở cả hai đầu. Từ vài năm nay, thế giới đã nghe nói đến những trường hợp lao động Việt Nam bị bóc lột, công nhân Việt Nam bị hành hiếp ở nước ngoài. Nhưng, từ nguyên xứ, chính các công ty xuất khẩu tại Việt Nam đã cho phép điều đó, hoặc kiếm lợi nhờ điều đó. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chẳng phải là không biết vậy, nhưng bên trong không dẹp được sự lạm dụng và bóc lột, bên ngoài cũng chẳng có khả năng can thiệp để cứu giúp lao động của mình. Công nhân xuất khẩu của ta bị lột từ gốc, ở nhà, khi phải chạy rất nhiều tiền để kiếm việc làm ở ngoài; ra đến ngoài thì bị khai thác, hành hạ và đây là hiện tượng đã được quốc tế chú ý, các tổ chức nhân quyền tố giác... Nhà nước có biết cũng làm ngơ, vụ nữ công nhân của ta bị bóc lột tại West Samoa năm kia là một điển hình.

Hỏi: Vì sao nhà nước lại để xảy ra tình trạng này?

Đáp: Các nhà kinh tế ưa nói chuyện trừu tượng thì đề cập tới vấn đề thất nghiệp của Việt Nam, với gần tám triệu người đang tìm việc trong một dân số gần 80 triệu. Xuất khẩu chừng nào là bớt thất nghiệp chừng đó, huống hồ là khi nhà nước lại trưng thu một khoản tiền đáng kể trên đồng lương của công nhân xuất khẩu. Nhiều giới chức của bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có thấy ra điều bất công đó, nhưng luật lệ còn quá thô sơ và viên chức nhà nước không kiểm soát nổi tình hình. So với các nước Á châu vốn đã đi chậm hơn nhiều xứ khác về luật lệ bảo vệ lao động, Việt Nam còn chậm hơn mà lại có những giấc mơ lớn lao hơn nên tình hình mới bi đát. Nhưng, bi đát hơn cả là sự kiện các công ty xuất khẩu lao động đã hầu như ngang nhiên hoành hành, với rất nhiều lệ phí thu từ gốc, đi cùng những hứa hẹn về đồng lương rất cao ở bên ngoài. Rốt cuộc, họ đem con bỏ chợ, và cho phép các công ty bất lương ở bên ngoài bóc lột nhân công của ta.

Hỏi: Không có giải pháp nào cho tình hình như vậy sao?

Đáp: Dĩ nhiên là có giải pháp, nhưng có muốn áp dụng hay không mà thôi. Bên ngoài, các tổ chức quốc tế và cả cộng đồng người Việt ở nước ngoài có thể theo dõi, báo động hoặc tố giác những trường hợp bóc lột hành hiếp nhân công của ta. Nhưng, bên trong, chính quyền phải quan tâm và kiểm soát để tránh lạm dụng. Và sau cùng, trong trường kỳ, giải pháp hay hơn cả vẫn phải là giải tỏa những cấm đoán để tư doanh có thể phát triển và tạo ra công ăn việc làm trong nước hầu khỏi phải nhìn vào việc xuất khẩu lao động như một nguồn lợi kinh tế lâu dài.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.