Thư ngỏ của một sinh viên bình thường trong một đất nước không bình thường
2006.03.01
Kính gửi: thầy Nguyễn Minh Hiển – Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo
Đồng kính gửi: các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước các cơ quan báo chí, truyền thông
Sao gửi: các bạn thanh niên, sinh viên, học sinh
Trước hết, em xin được gọi thầy Nguyễn Minh Hiển là thầy, mặc dù thầy chưa hề dạy dỗ em một ngày nào. Là cựu sinh viên năm thứ nhất của Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh và hiện đang du học tại Pháp, em muốn gửi đến thầy lá thư này để nói lên những suy nghĩ về tình trạng giáo dục, đặc biệt là giáo dục chính trị ở Việt Nam, với mong muốn rằng nó sẽ góp phần nhỏ bé vào công cuộc đổi mới giáo dục, và rộng hơn là đổi mới chính trị ở Việt Nam.
Có rất nhiều điều vô lý và không đúng với thực tế trong việc giảng dạy môn giáo dục công dân và các môn chính trị ở Việt Nam. Em xin nêu ra ở đây một vài sự việc mắt em thấy, tai em nghe ở các nước tư bản, thực dân, đế quốc như trong sách vở nhà trường. Mong là thầy sẽ giải đáp những những câu hỏi của em trong bài viết, và cũng chỉ ra cho em thấy suy nghĩ của em sai lầm hay đúng đắn ở chỗ nào.
Tại Việt Nam, chương trình giáo dục công dân cấp II và cấp III dạy rằng ở các nước tư bản, nhân dân lao động bị bóc lột đến cùng cực. Những người công nhân phụ trách công đoàn thì bị «mua chuộc» bằng cách được trả lương cao hơn. Điều này hoàn toàn sai và ngược lại, công đoàn ở Pháp rất mạnh và tập hợp được nhiều người lao động. Khi có tranh chấp với giới chủ, các cuộc đình công được tổ chức chặt chẽ và gây ảnh hưởng rất rộng. Mọi người đều có quyền đình công, chỉ cần đăng kí ngày giờ sẽ có cảnh sát theo bảo vệ. Bất kì ai khi làm việc cũng đều được trả mức lương cơ bản thấp nhất khoảng 7 euros/1h, trung bình một tháng khoảng 1000 euros, đủ để trả tiền nhà và tiền ăn.
Nhìn lại Việt Nam, mức lương cơ bản quá thấp (khoảng 400 000 VNĐ) không đủ để công nhân trả tiền nhà và phục hồi khả năng lao động, sản xuất. Các cuộc đình công của công nhân đã và hiện đang diễn ra để đòi quyền lợi cho mình lại bị Nhà nước lên án là phạm pháp, cho là họ bị kích động, xúi giục. Đối với em, đó là thái độ không đúng đắn của một Nhà nước đại diện cho quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
Trong môn học kinh tế chính trị, sách giáo khoa nói rằng kinh tế là hạ tầng kiến trúc, còn chính trị là thượng tầng kiến trúc, và kinh tế quyết định chính trị. Thế nhưng ở nước ta, thực tế là chính trị quyết định kinh tế. Ngay sau khi thống nhất đất nước năm 1975, Đảng và Nhà nước đã thi hành chính sách kinh tế ngăn sông cấm chợ để tiến nhanh lên chủ nghĩa xã hội. Khi nhận ra sai lầm để tiến hành công cuộc đổi mới thì vẫn lại là «kinh tế thị trường theo định hướng chủ nghĩa xã hội», với kinh tế quốc doanh làm chủ đạo, còn thành phần kinh tế tư nhân thì yếu và thiếu. Chính vì lý do đó mà Việt Nam không theo kịp đà tiến của các nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, v.v…
Kể cả với nhịp độ tăng trưởng nhanh nhưng không bền vững hiện nay, Việt Nam cũng không thể bắt kịp các nước khác. Không bền vững ở đây có nghĩa là phá hoại môi trường, bán tài nguyên thô, tham nhũng, vay nợ nước ngoài chồng chất và sử dụng kém hiệu quả. Như thế, chính Đảng và Nhà nước đã không làm đúng những gì mình dạy là «kinh tế quyết định chính trị», mà vẫn luôn «chủ quan, duy ý chí».
Trong môn học Chủ nghĩa Mác Lênin, phần chủ nghĩa duy vật biện chứng, em được dạy là «vật chất có trước và vật chất quyết định ý thức», và «con người có khả năng hiểu được tự nhiên». Đây là những điều đến bây giờ khoa học vẫn còn tranh cãi.
Nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận, một bộ óc lớn của Việt Nam đang làm việc tại Mỹ, trong quyển sách «Giai điệu bí ẩn» đã được phát hành ở trong nước lại cho rằng con người không bao giờ hiểu được tự nhiên. Nếu thế giới quan khoa học của ông sai thì làm sao ông có thể trở thành một nhà khoa học tên tuổi tầm cỡ thế giới.
Trong khi những nhà khoa học trong nước được trang bị chủ nghĩa Mác Lênin lại không thể tìm ra hoặc tìm ra rất ít những cái mới. Vậy thì theo thầy, chúng ta có nên dạy và áp đặt cho học sinh, sinh viên những điều vẫn còn đang tranh cãi hay không ?
Ngoài ra, Mác đã nói «Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân, cần phải hủy diệt», Lênin coi tôn giáo là «một trong những thứ đê tiện nhất đã từng có trên trái đất này», điều 4 Hiến pháp cũng ghi là chúng ta «theo chủ nghĩa Mác Lênin», nhưng hiện nay báo chí nói nhiều về cán bộ Đảng viên cao cấp dùng xe công để đi chùa, chính những người Đảng viên còn không tin vào «vô thần» như vậy thì làm sao lại bắt sinh viên tin được.
Hơn nữa, khi chúng ta thực hiện điều 4 Hiến pháp thì làm sao có thể thực hiện điều 70 Hiến pháp về tự do tôn giáo. Theo em, cần phải xem xét lại nghiêm túc vấn đề này. Không thể có chuyện văn bản pháp luật cao nhất nước lại chồng chéo như vậy được, và cũng không thể dạy một đằng lại đi làm một nẻo.
Trở lại môn giáo dục công dân, thầy cô dạy là «Đảng Cộng sản là đại diện cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội», điều 4 Hiến pháp cũng ghi như vậy. Đối với em, đây là một tiên đề vì nó không có gì để chứng minh.
Em đã tìm khắp các web site của Đảng và Nhà nước nhưng không thể tìm thấy một tí thông tin gì liên quan đến giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay. Họ gồm bao nhiêu phần trăm dân số, tỉ lệ nam nữ thế nào, trình độ học vấn trung bình đến đâu, lương trung bình là bao nhiêu, ước mơ, nguyện vọng của họ là gì, đã có những cuộc điều tra toàn diện nào về công nhân Việt Nam hay chưa?
Như vậy, Đảng không hiểu và không biết gì về giai cấp công nhân lại tự cho mình là đại diện trung thành của giai cấp đó. Ngoài ra, theo số liệu của Liên Hiệp Quốc (UNDP) về Việt Nam, 74% dân số sống ở nông thôn, như vậy giai cấp công nhân không thể chiếm hơn 20% dân số, và đại diện của giai cấp công nhân có thể đại diện cho cả dân tộc Việt Nam hay không ?
Mặt khác, theo em, điều 4 Hiến pháp lại mâu thuẫn với ngay điều 2 và điều 3 Hiến pháp, vì điều 2 ghi là «tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân» và điều 3 ghi là Nhà nước «bảo đảm thực hiện công bằng xã hội», còn điều 4 lại ghi Đảng «là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội».
Thưa thầy, làm sao có công bằng xã hội khi chỉ có một Đảng độc quyền lãnh đạo? Trên thực tế, tổng bí thư là người có quyền lực cao nhất nước, cao hơn cả chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội, nhưng trong Hiến pháp lại không có một dòng nào quy định quyền và nghĩa vụ của ông đối với nhân dân!
Nhân dân không bầu ra Tổng bí thư thì việc ông không có trách nhiệm với dân cũng là điều dễ hiểu. Ngay cả Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp cũng có tới gần 100% là Đảng viên, điều này có bình thường không khi chỉ có 2 triệu Đảng viên trên 84 triệu dân Việt Nam?
Tất nhiên chúng ta có thể nói vì Đảng viên là những người ưu tú nhất của dân tộc nên họ được bầu, nếu sự thật là như vậy thì Việt Nam đã trở thành con rồng châu Á từ lâu rồi, và chắc chắn bây giờ chúng ta không thể thua các nước láng giềng Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore…, xa hơn nữa là Hàn Quốc. Em không tin trí tuệ Việt Nam lại thua kém trí tuệ các dân tộc khác.
Bất kỳ một nền giáo dục nào cũng phải dạy cho học sinh, sinh viên tinh thần sáng tạo, óc phê phán và đổi mới. Nhưng theo em, nền giáo dục Việt Nam đã thực hiện rất tồi chức năng này, thể hiện qua việc nhồi nhét những kiến thức không đúng và không hợp thời. Chúng em chỉ được học cách nhớ và vâng lời, hoàn toàn không thể nói trái lại sách giáo khoa và có ý kiến khác với thầy cô, chính vì vậy nên bài viết của Phi Thanhi lại trở thành một hiện tượng, trong khi đó là một điều bình thường ở một đất nước bình thường. Chúng em được học những tư tưởng thù hận và nghi kị đối với các nước tư bản, phải tiêu diệt, đào mồ chôn họ chứ không được học cách sống chung trong hòa bình, hợp tác và phát triển.
Ngày 11/09/2001, khi cả thế giới bàng hoàng và đau đớn khi hai tòa nhà WTC ở New York bị tấn công, em đã nhảy lên vui mừng vì «đế quốc Mỹ» bị trừng phạt. Tính «ác» trong người em trỗi dậy nhưng em lại cho đó là suy nghĩ đúng đắn, theo những gì được dạy dỗ. Đến bây giờ em vẫn không hiểu tại sao lúc đó em có thể suy nghĩ như vậy.
Hiện nay, khi các nước tư bản đầu tư vào Việt Nam, bạn bè của em có những người trong các lớp cảm tình Đảng, có những người là sinh viên xuất sắc, họ lúc nào cũng nghĩ rằng tư bản muốn làm «diễn biến hòa bình» để lật đổ chính quyền nhân dân, bóc lột, đô hộ dân mình. Họ không biết rằng thời đại tư bản nguyên thủy man rợ đã qua lâu rồi và bây giờ là kinh tế thị trường văn minh.
Hợp tác với nhau là hai bên cùng có lợi chứ không hề có chuyện bên nào bóc lột bên nào. Nếu anh dở thì anh được lợi ít hơn hoặc thiệt thòi hơn. Như vậy, nền giáo dục đang dạy cho học sinh, sinh viên những điều sai lầm: cứ nghĩ rằng «đất nước ta giàu đẹp, nhân dân ta anh hùng», còn tư bản là bóc lột, man rợ, chống phá chúng ta.
Khi vào WTO, Việt Nam sẽ đương đầu với nền kinh tế hùng mạnh của các nước như thế nào khi thế hệ trẻ không hiểu gì về mình, không hiểu gì về người ? Điều đó làm giảm sức cạnh tranh của Việt Nam và em cho rằng đó là có tội đối với Tổ quốc.
Trong giảng đường đại học, sinh viên không được bày tỏ công khai những suy nghĩ của mình về chính trị nếu ý kiến đó trái với đường lối của Đảng, ngay cả khi Đảng đã chứng minh rằng mình cũng có thể sai lầm qua việc cải cách ruộng đất hoặc chủ trương ngăn sông cấm chợ.
Các diễn đàn của thanh niên Việt Nam, lớn nhất là Trái Tim Việt Nam online (www.ttvnol.com) bị cấm bàn về chuyện chính trị «nhạy cảm».
Tại sao thế hệ trẻ quan tâm đến vận mệnh đất nước thì lại bị cấm đoán? Ở đây, em cho rằng Đảng và Nhà nước đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng khi hạn chế quyền tự do ngôn luận của nhân dân. Điều 69 Hiến pháp ghi là «công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí», «có quyền hội họp, lập hội» nhưng thực tế hoàn toàn không đúng như vậy.
Đến giờ này Việt Nam vẫn chưa có báo chí tư nhân, báo đài đều thuộc Nhà nước và chịu sự kiểm soát của ban tư tưởng văn hóa trung ương, như vậy làm sao bảo đảm được quyền tự do ngôn luận của dân? Làm sao có thể dạy cho chúng em Đảng mang lại tự do cho nhân dân trong khi chính chúng em thấy chúng em không có quyền được tự do nói?
Xã hội sống trong sợ sệt, ai muốn yên thân thì cứ tụng những điều được học và được tuyên truyền. Thế hệ trẻ trở nên thờ ơ với vận mệnh đất nước vì có quan tâm cũng không được nói, có nói thì cũng không được lắng nghe. Bây giờ chỉ còn các cựu chiến binh, các vị lão thành cách mạng góp ý cho Đảng và Nhà nước. Khi thế hệ này mất đi đất nước sẽ ra sao?
Thưa thầy, em cho rằng tình hình hết sức nghiêm trọng rồi. Nếu cứ tiếp tục kiểu giáo dục và cấm đoán này, Việt Nam sẽ ngày càng tụt hậu.
Trong chương trình học cũng dạy chúng em là chủ nghĩa xã hội đi vào giai đoạn thoái trào do phạm một số sai lầm cũng như do sự chống phá của «các thế lực thù địch». Thế nhưng người bạn của em đang du học ở Nga đã hỏi chính những người Nga và họ không cho là như vậy. Không có thế lực thù địch nào ở đây cả.
Khi dân đói khổ quá thì phải vùng lên để xây dựng một chính quyền mới tốt đẹp hơn, hoàn toàn không đúng như sách giáo khoa đã ghi là «nhân dân Liên Xô đã bước đầu xây dựng được chủ nghĩa xã hội». Những người bạn Rumani trong trường em cũng kể lại cho em nghe những tội ác man rợ do chủ tịch Đảng cộng sản Rumani Xô-xếc-cút gây ra.
Những người bạn Cuba kể cho em nghe về việc mất tự do dân chủ ở đất nước mình khi chỉ có một chủ tịch Đảng cộng sản cầm quyền hàng chục năm và đàn áp những người bất đồng chính kiến. Ở nước Bắc Triều Tiên, những người cộng sản thực chất là gia đình trị theo kiểu phong kiến, cha truyền con nối. Ở Campuchia, những người cộng sản Khmer Đỏ đã phạm phải tội ác diệt chủng. Ở Trung Quốc, trong thời kỳ «cách mạng văn hóa», Mao Trạch Đông đã cho giết hàng chục triệu người. Còn ở Nga, chính những người trong Đảng cộng sản Liên Xô đã nói rằng Stalin là một tên bạo chúa, giết đồng đội, đồng chí và nhân dân để thỏa mãn tham vọng của mình. Thế nhưng em được học trong sách giáo khoa là :
« …Việt Nam có Bác Hồ Thế giới có Stalin Việt Nam có tự do Thế giới có hòa bình… » < (Tố Hữu)
Khi nghị quyết 1481 của châu Âu ra đời, thực chất là do những nước đã từng sống dưới chế độ cộng sản đề nghị như Hungary, Cộng hòa Séc và các nước vùng Baltic, trong đó có cả cựu đảng viên cộng sản các nước đó. Hoàn toàn không phải là các thế lực cực hữu làm chuyện này như báo chí trong nước miêu tả. Đây không phải là một cuộc chiến ý thức hệ như tuyên truyền mà đây là lẽ phải, là luật pháp, vì giết người nghĩa là vi phạm pháp luật và phải bị trừng trị.
Ở nước ta, sau cải cách ruộng đất chiếm đoạt tài sản của dân và gây nên cái chết của bao nhiêu người, những người chịu trách nhiệm chỉ việc lên tiếng xin lỗi là xong, không hề bị trừng trị theo pháp luật, dù những người chứng kiến sự kiện đó vẫn còn sống đến bây giờ.
Thầy ơi, liệu sinh viên chúng em còn tin vào những gì được học và dạy dỗ không khi thực tế toàn chứng minh những điều ngược lại? Và làm sao chúng em có thể tin vào một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa khi những người vi phạm pháp luật không bị đem ra tòa? Một nền giáo dục không trung thực sẽ không thể đào tạo ra những con người trung thực.
Chúng em cũng được dặn dò phải «xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc» nhưng cũng lại phải «trung thành với chủ nghĩa Mác Lênin và chủ nghĩa xã hội». Đối với em đây là việc rất khó vì truyền thống dân tộc ta là nhân nghĩa, khoan dung.
Văn hóa Việt Nam là sự tổng hòa tinh hoa của ba hệ tư tưởng lớn : Phật, Nho, Lão và sau này có thêm đạo Thiên Chúa. Đạo Phật với tư tưởng từ bi, hỉ xả. Đạo Nho với Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín và suy nghĩ xả thân cho đất nước. Đạo Lão với tinh thần trung dung, coi thường danh lợi. Đạo Thiên Chúa với tình yêu bao la cho con người. Nhưng chủ nghĩa Mác Lênin lại là «bạo lực cách mạng», phải đào mồ chôn người khác, và phải luôn nuôi trong đầu những ý nghĩ hận thù. Chúng ta đâu có xứng đáng là con cháu Nguyễn Trãi với việc sử dụng bạo lực để đàn áp người trái ý kiến với mình. Nguyễn Trãi dạy rằng:
«Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn Lấy chí nhân để thay cường bạo.» (Bình Ngô đại cáo)
Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, đồng bào miền Nam bị kềm kẹp, áp bức quá nên phải bỏ nước ra đi, gây nên sự kiện «thuyền nhân» gây xúc động và căm phẫn cho toàn thế giới, đến nỗi có cả một từ riêng để chỉ về sự kiện này là «boat people». Điều này hoàn toàn trái với tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi và lòng nhân đạo, tình yêu nước thương nòi được dạy trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Di chúc của Bác cũng dặn dò phải miến thuế nông nghiệp cho dân một năm nhưng những người lãnh đạo lại giấu đi, không làm theo lời Bác. Ngay cả những người lãnh đạo cao nhất của Đảng đã không làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì làm sao có thể bắt chúng em tin theo và thực hành theo tư tưởng ấy?
Với tư cách là công dân của nước Việt Nam, một người sinh viên vẫn đang là một thành viên của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, em có những kiến nghị như sau để cho thầy và các vị lãnh đạo xem xét
Về mặt giáo dục:
1. Bỏ lối dạy học theo kiểu AQii, chúng ta không thể nói chúng ta là «cái mới, cái tiến bộ» khi chúng ta là một trong những nước nghèo nhất, tham nhũng nhất thế giới, vẫn đang phải ngửa tay xin tiền viện trợ từ chính các nước tư bản. Cần dạy cho thế hệ trẻ biết vị trí đúng đắn của nước mình đối với quốc tế để thấy được cái nhục của nghèo khó và lạc hậu và từ đó biết vươn lên.
2. Bãi bỏ các môn học chính trị không thiết thực và không đúng đắn nữa trong bối cảnh hiện nay. Đó là các môn Triết học Mác Lênin, Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Nếu có dạy Triết học thì nên chỉ ra cái hay, cái chưa hay của tam giáo Nho, Phật, Lão, đạo Thiên Chúa, chủ nghĩa Mác Lênin và các triết gia phương Tây để tránh cho thế hệ trẻ cái nhìn phiến diện, một chiều. Nếu muốn dạy tư tưởng Hồ Chí Minh thì trước hết phải thực hiện những gì trong tư tưởng Hồ Chí Minh như tự do, dân chủ, đa nguyên, đa đảng. Không thể nói mà không làm, không thực hiện nhưng bắt người khác phải nghe theo.
3. Tôn trọng những ý kiến khác biệt của học sinh, sinh viên, không áp đặt, không bắt học thuộc lòng những thứ không cần thiết, gây hại như chủ nghĩa Mác Lênin vì điều đó giết chết sự sáng tạo và óc suy nghĩ độc lập của thế hệ trẻ.
4. Học tập cách làm sách giáo khoa và hệ thống phân ban của các nước tiên tiến. Sau bao nhiêu năm đến giờ này nước ta vẫn chưa có một bộ sách giáo khoa tốt, vẫn phải sửa đi sửa lại. Còn phân ban thì lúc bỏ lúc làm, gây lãng phí rất lớn tài sản và sức lực của nhân dân.
Về mặt chính trị, xã hội:
1. Một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh không thể chỉ có một Đảng lãnh đạo vì như thế rõ ràng là bất công, độc tài và lạm dụng quyền lực. Đảng cộng sản cần phải chứng tỏ mình là sự lựa chọn của nhân dân qua bầu cử thật sự tự do, thật sự công bằng, thật sự dân chủ. « Vàng thật không sợ lửa », nếu « ý Đảng » chính là « lòng dân » thì dân sẽ bầu cho Đảng lãnh đạo. Khi đó Đảng sẽ có cơ hội đập tan cáo buộc là độc tài, và « các thế lực thù địch » sẽ không thể « lợi dụng chiêu bài nhân quyền, dân chủ » để chống phá.
2. Xây dựng Nhà nước Pháp quyền thật sự chứ không phải Đảng quyền như từ bấy lâu nay. Đừng chỉ có nói mà phải thực sự tôn trọng các quyền căn bản của con người, chẳng hạn như quyền tự do ngôn luận. Phải lắng nghe và tiếp thu ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân. Chấm dứt việc bưng bít thông tin một cách có hệ thống. Ngừng ngay việc kiềm chế báo chí thông qua Ban tư tưởng văn hóa trung ương.
3. Nghiêm chỉnh thi hành việc chống tham nhũng, lãng phí, cửa quyền để khôi phục lại lòng tin của nhân dân, bắt đầu bằng việc kê khai tài sản. Phải để có tự do báo chí và tự do thành lập hội như đã quy định trong Hiến pháp nhằm hỗ trợ hiệu quả việc chống « quốc nạn » này.
Trên đây là những suy nghĩ và kiến nghị của em, sau khi đã hiểu trọn vẹn lời dạy của Bác Hồ « Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào » và « thật thà, dũng cảm ». Khi đọc những bài báo của tiến sĩ Lê Đăng Doanh, bác Nguyễn Trung, anh Phan Thế Hải và các vị lão thành cách mạng khác, em cũng muốn bày tỏ cho thầy và các vị lãnh đạo thấy suy nghĩ của mình, vì thế hệ sinh viên du học chúng em phải mang kiến thức, tư tưởng tiến bộ ở phương Tây về để xây dựng đất nước.
Em hy vọng rằng dân tộc chúng ta lại làm được điều thần kỳ như Nhật Bản và Hàn Quốc, cả một dân tộc vì cái nghèo, cái hèn mà đứng lên, chứ không tự ru ngủ mình vì quá khứ oanh liệt đã qua.
Cuối thư, em chúc thầy sức khỏe và sự tỉnh thức. Rất mong nhận được phúc đáp của thầy trong thời gian nhanh nhất.
Ngày 22 tháng 02 năm 2006 Sinh viên năm thứ tư – ngành công nghệ thông tin Nguyễn Tiến Trung tgnn169@hotmail.fr
Chú thích: i Nữ sinh Phi Thanh trong kì thi học sinh giỏi văn đã nêu lên tình trạng dạy và học vẹt môn văn. Sự kiện này đã gây xôn xao dư luận trong một thời gian dài. ii AQ là nhân vật nổi tiếng của nhà văn Lỗ Tấn. Đặc điểm nổi bật nhất của nhân vật này là luôn sử dụng « phép thắng lợi tinh thần », chẳng hạn như « nó đánh mình nghĩa là nó đánh cha nó ».
Các tin, bài liên quan
- Kiến nghị của nhà báo Phan Thế Hải về Dự thảo Báo cáo chính trị Ðại hội X (phần 5)
- Kiến nghị của nhà báo Phan Thế Hải về Dự thảo Báo cáo chính trị Ðại hội X (phần 4)
- Kiến nghị của nhà báo Phan Thế Hải về Dự thảo Báo cáo chính trị Ðại hội X (phần 3)
- Kiến nghị của nhà báo Phan Thế Hải về Dự thảo Báo cáo chính trị Ðại hội X (phần 2)
- Tiểu sử Nhà báo Phan Thế Hải
- Kiến nghị của nhà báo Phan Thế Hải về Báo cáo Chính trị Đại hội X (phần 2)
- Kiến nghị của nhà báo Phan Thế Hải về Báo cáo Chính trị Đại hội X (phần 1)
- Kiến nghị 5 điểm của nhà báo Phan Thế Hải cho Dự thảo Báo cáo chính trị (phần 1)
- THƯ NGỎ CỦA PHƯƠNG NAM GỬI GIỚI LÃNH ĐẠO VIỆT NAM