Nhà văn Văn Quang: Thu hút nguồn lực Việt kiều đừng làm thành màn trình diễn


2005.02.09

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Thông tin từ trong nước cho biết có hơn 250 ngàn Việt kiều từ khắp nơi về Việt Nam trong dịp tết Ất Dậu. Với chủ đề Việt kiều và Mùa Xuân, Nam Nguyên phỏng vấn nhà văn Văn Quang, một nhân vật chế độ cũ chọn ở lại Việt Nam sau thời gian dài cải tạo tập trung.

Lồng đèn nhỏ màu đỏ dùng để trang trí nhà trong những ngày Tết. Photo AFP

Ông Văn Quang có nhiều tác phẩm trước năm 1975, hiện nay ông vẫn sáng tác và cộng tác với một số báo chí truyền thông hải ngọai. Mời quí thính giả theo dõi cuộc phỏng vấn.

"Thành phố bỏ tôi"

Nam Nguyên: Kính chào ông Văn Quang, hiện nay ông đang ăn tết ở Lộc Ninh?

Nhà văn Văn Quang: Vâng, thật ra thì phải nói thế này, thành phố bỏ tôi chứ không phải tôi bỏ thành phố. Là bởi vì cái tuổi của tôi già rồi bây giờ đi ra đường không dám đi xe gắn máy, mỗi ra đường là mỗi lần sợ vì cứ thấy xe nó muốn đâm sầm vào người mình.

Còn tối thì không muốn đi đâu cả kể cả việc đi ăn đi uống đi chơi chỗ này chỗ kia, cũng không muốn đi nữa. Thành ra tôi kiếm một chỗ ở xa, rất xa không ai chọn ở Lộc Ninh, tôi chọn Lộc Ninh để dưỡng già. Ở đây đất đai rẻ, nhân công cũng rẻ, làm một căn nhà trong một con đường nhỏ, mình sống thoải mái thoáng đãng hơn. Nhưng mà trong khi đó tôi vẫn tiếp tục các công việc thường lệ của mình.

Mỗi người có một mục đích riêng

Nam Nguyên: Từ Noel cho đến tết Ất Dậu này, ông có nhiều thân nhân từ nước ngoài về thăm, ông cũng tiếp xúc nhiều Việt kiều là bạn bè cũ. Vậy thì theo ông Việt kiều về nước đông như vậy là vì cái động cơ nào… họ có phải là những người đi du lịch ?

Nhà văn Văn Quang: Theo tôi đó là việc tất yếu thôi, người ta đi lâu năm thì người ta về, và về một lần thấy không sao thì họ về nữa. Một cách khách quan mà nói, ở Việt Nam bây giờ an ninh hơn nên họ về.

Như vậy họ về đông là bình thường, còn mục đích về thì mỗi người có một mục đích riêng, nhưng phần đông tôi thấy là họ nghĩ đến người thân đến gia đình còn ở Việt Nam là trước hết. Điều thứ hai là những người có tiền thì họ nghĩ đến du lịch, theo tôi yếu tố lớn nhất vẫn là yếu tố gia đình, cái thứ hai mới là người ta đi du lịch.

Tốc độ phát triển không tương xứng

cảnh quan cũ đã in quá sâu đậm trong lòng rồi. Sự thương nhớ tưởng tượng về quê hương của họ, vẫn là những hình ảnh đó, vẫn cái góc phố đó nó phải như thế… mới là Saigon.

Nam Nguyên: Chúng tôi được nghe nhiều người nói là họ cảm thấy không hài lòng vì, sau nhiều năm trở về chốn cũ thì cảnh quan thay đổi nhiều. Hình như là tốc độ phát triển quá nhanh đã làm thay đổi những hình ảnh vẫn còn in đậm trong tâm tư Việt kiều khi họ rời khỏi Việt Nam. Ông thấy điều này thế nào?

Nhà văn Văn Quang: Cái đó hoàn toàn đúng nhất là với lứa tuổi 40, hay 50 trở lên. Đối với họ cảnh quan cũ đã in quá sâu đậm trong lòng rồi. Sự thương nhớ tưởng tượng về quê hương của họ, vẫn là những hình ảnh đó, vẫn cái góc phố đó nó phải như thế… mới là Saigon.

Bây giờ về, nhới hồi xưa đó là cái quán cóc thì bây giờ mọc lên một toà building. Thứ hai nữa là những cái cảnh quan ấy thay đổi nhưng là thay đổi hơi lam nham, chỗ này thay đổi rất tráng lệ thì chỗ kia lại rất lam nham.

Thành ra họ không hài lòng về chuyện đó là đúng, bởi vì thành phố được phát triển không theo đúng qui củ của nó. Thí dụ phát triển nhiều xe thì lại không có đường, đường xá phát triển không kịp.

Người phát triển thì nhà không có đủ để ở, phải chui rúc. Đại khái như thế họ không bằng lòng là đúng rồi. Ví dụ về quê họ tưởng là thấy cây đa cũ con đò xưa, nhưng bây giờ hcỗ đó là cái buyn đinh, bến đò thì trở thành bến tàu lam nham chuyện nọ chuyện kia. Tốc độ phát triển không tương xứng với sự xây dựng của nó.

Thế hệ thứ hai, thứ ba

Nam Nguyên: Thưa ông có nói tới lứa tuổi 40, 50 thế nhưng giới trẻ có người mới lần đầu về Việt Nam, hoặc rời khỏi Việt Nam lúc rất nhỏ không có ấn tượng gì nhiều. Với họ thì sao?

Nhà văn Văn Quang: Đối người trẻ thì thế hệ thứ hai thứ ba, thí dụ những đứa con tôi. Về Việt Nam ở một đôi chỗ chúng thích thú với cảnh quan, vì chúng vẫn nghĩ rằng Việt Nam còn lạc hậu lắm. Thế nhưng thật ra chúng chỉ đi tới những thành phố, những trung tâm du lịch thì thấy thế thôi.

Nếu đi về vùng quê thì chúng sẽ thấy một cái hình ảnh khác hẳn. Theo tôi hầu hết giới trẻ đi về Việt Nam thì họ không đi tới những vùng thôn quê như ở chỗ tôi chẳng hạn, thì cho là có một vài cái hay. Ví dụ họ đi vịnh Hạ Long, Sa Pa, Hà Nội, họ nhìn thấy những thắng cảnh đẹp nhưng họ không nhìn sâu nhìn sát được các vấn đề ở Việt Nam đâu.

Không nên bỏ những nếp cũ

Nam Nguyên: Trở lại việc cảnh quan thay đổi do tốc độ phát triển, nhưng cũng có một điểm không phải là do tốc độc phát triển mà do quyết định của con người.

Mình là người Saigon cũ thì thấy cái truyền thống chợ hoa Nguyễn Huệ, nó là một cái rất riêng của người miền Nam, và nó là cái rất riêng của người Saigon. Bỏ đi những cái nếp cũ như thế là một điều rất là uổng phí.

Chẳng hạn như chợ Hoa Nguyễn Huệ từng có nửa thế kỷ và mọi người rất là yêu thích, thế nhưng bảy tám năm nay chính quyền TP.HCM chấm dứt chuyện này dời chợ hoa tết đi chỗ khác, mất hẳn một cái nét rất đặc trưng của Saigon. Thay vào đó là phố đi bộ dành cho tham quan không bán hoa. Ông nghĩ thế nào về chuyện này?

Nhà văn Văn Quang: Mình là người Saigon cũ thì thấy cái truyền thống chợ hoa Nguyễn Huệ, nó là một cái rất riêng của người miền Nam, và nó là cái rất riêng của người Saigon. Bỏ đi những cái nếp cũ như thế là một điều rất là uổng phí.

Tôi thấy là vẫn có thể tổ chức chợ hoa ở đường Nguyễn Huệ mà vẫn có thể tổ chức một phố đi bộ ở chỗ khác. Nghĩa là khôi phục chợ hoa Nguyễn Huệ mà vẫn có thể có những chợ hoa 23/9, Tao Đàn chẳng sao cả . Giữ lại cái cũ nó vẫn có cái đẹp sâu sắc của nó. Tôi đã từng viết về những điều này trong các bài báo của tôi.

Thu hút lượng Việt kiều

...trông mong vào du lịch là ngon ăn nhất, còn hơn là thương mại. Thương mại nhiều khi vỡ mặt. Nhưng mà Việt kiều về nước thì chỉ có mang tiền về thôi, dĩ nhiên là đất nước có khá lên cũng có một phần lớn của Việt kiều, đó là chuyện tất yếu.

Nam Nguyên: Đời sống khá lên rồi, nhưng Việt kiều về nước hàng trăm nghìn người, chắc hẳn họ cũng có đóng góp trên ý nghĩa kinh tế chứ? Ông nghĩ sao?

Nhà văn Văn Quang: Tất nhiên là như vậy, nước nào cũng vậy trông mong vào du lịch là ngon ăn nhất, còn hơn là thương mại. Thương mại nhiều khi vỡ mặt. Nhưng mà Việt kiều về nước thì chỉ có mang tiền về thôi, dĩ nhiên là đất nước có khá lên cũng có một phần lớn của Việt kiều, đó là chuyện tất yếu.

Nam Nguyên: Thưa ông năm nay báo chí truyền thông trên mạng, người ta ghi nhận nhà nước tỏ ra ưu ái đặc biệt với Việt kiều hơn hẳn thời gian trước kia. Thưa ông nếu nhà nước thực sự muốn thu hút tiềm lực lớn lao đó thì cụ thể phải thực hiện những gì?

Nhà văn Văn Quang: Năm nay những việc như thủ tục ở Tân Sơn Nhất dễ dàng hơn, rồi có thanh niên xung phong giúp đỡ mang giùm hành lý này kia. Phải hiểu đó là cách thu hút Việt kiều rất có hiệu quả, nhưng nếu nó không là một màn trình diễn thì có lẽ hay hơn.

Dù sao chăng nữa phải hiểu đó chỉ là cái mặt ngoài thôi. Nếu nó là một màn trình diễn không thôi thì giá trị nó ít hẳn đi. Theo tôi những điều cụ thể là phải làm thế nào để cho tất cả những luật lệ về thương mại hợp lý hơn…ví dụ một Việt kiều muốn mua một cái nhà ở Việt Nam thì làm sao cho nó dễ dàng. Tôi chẳng thấy có cái lý do gì để cấm Việt kiều mua nhà, cho họ mua nhà càng có lợi có điều gì hại đâu.

Còn hơn là để cho một số người ở đây họ có tiền mua để đó và độc quyền, bán đi bán lại kiếm lời. Tôi cho rằng những người đầu cơ không phải là Việt kiều mà là những người ở đây chứ không phải Việt kiều. Cụ thể nhất đó là vấn đề cần giải quyết trước.

Vấn đề thứ hai là thí dụ về kinh doanh của Việt kiều, sự mở cửa phải thực tế rộng rãi và bình đẳng. Ví dụ như hãng phim của ông Phan (Hoàng Ngọc Phan Việt kiều Mỹ) chẳng hạn, làm phim xong rồi không được chiếu. Người cho phép lập hãng phim nhưng lại có người không cho phép chiếu phim, thì có phải là tròng tréo không? như thế có phải là sự phân biệt đối xử không.

Thế thành ra ông Việt kiều muốn làm phim bây giờ cũng không muốn làm nữa. Đấy là những cái vấn đề thực tế cần phải giải quyết. Theo tôi đó là những thí dụ cụ thể nhất.

Chúc xuân

Nam Nguyên: Xin chúc nhà văn nhà báo Văn Quang và gia đình một mùa xụân an bình, an khang thịnh vương.

Nhà văn Văn Quang: Xin chúc anh và các bạn trong đài và nhờ anh chuyển lời tới thính giả ở các nơi, cho chúng tôi được gởi lời thăm hỏi và chúc năm mới an khang thịnh vượng.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.