HT Thích Quảng Ðộ trả lời phỏng vấn về đề nghị dân chủ hóa đất nước (phần 1)
2005.02.13
Ỷ Lan, phóng viên đài RFA
Nhân dịp Tết Ất Dậu và cũng là thời điểm kỷ niệm 30 năm chiến tranh Việt Nam chấm dứt, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, lên tiếng kêu gọi dân chủ đa nguyên tại Việt Nam như một giải pháp duy nhất để tái thiết đất nước.
Sau nhiều thập kỷ, Việt Nam lâm vào tình trạng phân hóa, tranh chấp, khủng hoảng, và tụt hậu so với các sứ láng giềng. Theo lời Hòa thượng, dân chủ đa nguyên là giải pháp mà muôn dân đang trông đợi.
Ỷ Lan, đặc phái viên đài Á Châu Tự Do, đã liên lạc với Hòa thượng Thích Quảng Ðộ tại Thanh Minh Thiền Viện ở Sài Gòn để tìm hiểu về lý do khiến Hòa thượng lên tiếng cho công cuộc dân chủ hóa Việt Nam.
Ỷ Lan : Kính bạch Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, trước hết xin kính chúc Hòa thượng một Năm Mới pháp thể khinh an, vạn sự cát tường. Bạch Hòa thượng, dư luận quốc tế đang chú tâm đến lời kêu gọi cho Dân chủ đa nguyên tại Việt Nam, mà Hòa thượng công bố trong dịp Tết Ất Dậu và gửi đến quý vị nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, và đồng bào các giới trong và ngoài nước. Xin Hòa thượng cho biết lý do, vì sao Hòa thượng lên tiếng cho dân chủ?
Hòa thượng Thích Quảng Ðộ : Vâng, trước hết đầu năm mới tôi có lời chúc đạo hữu Ỷ Lan và toàn thể anh chị em ở Cơ sở Quê Mẹ năm nay được mạnh khỏe cả năm và thành đạt nhiều công việc. Thứ hai, tôi xin trả lời câu hỏi của Ỷ Lan : Bản thân tôi thì đây là thực tế tôi đã kinh nghiệm suốt 30 năm qua, tôi sống dưới chế độ độc tài toàn trị. Tôi thấy về mặt tinh thần, nhân quyền bị chà đạp, phẩm giá con người bị coi thường. Về mặt vật chất, thì nhân dân phần nhiều đói khổ, tụt hậu, kinh tế không phát triển được.
So sánh với các nước chung quanh đây, thì mình bị tụt hậu ít ra cũng là 20 năm. Tất cả mọi vấn đề về xã hội sinh ra nhiều vấn đề tiêu cực. Chẳng hạn như tham ô, nhũng lạm... những tệ nạn xã hội mỗi ngày một tăng lên. Tất cả đều đi vào ngõ cụt. Do đó cho nên không thể kéo dài tình trạng này được. Hãy thử so sánh như nước Ðại Hàn cũng như Việt Nam, là bị chia đôi Bắc Nam như thế. Nhưng mà người Nam Hàn trong nửa thế kỷ họ đã phát triển như thế nào thì chúng ta đã thấy, rồi đem so sánh với Bắc Hàn là một chế độ độc tài toàn trị cũng như Việt Nam, thì đời sống của nhân dân họ và nền kinh tế cũng như xã hội của họ như thế nào toàn thế giới đều biết.
Hãy thử so sánh như nước Ðại Hàn cũng như Việt Nam, là bị chia đôi Bắc Nam như thế. Nhưng mà người Nam Hàn trong nửa thế kỷ họ đã phát triển như thế nào thì chúng ta đã thấy, rồi đem so sánh với Bắc Hàn là một chế độ độc tài toàn trị cũng như Việt Nam, thì đời sống của nhân dân họ và nền kinh tế cũng như xã hội của họ như thế nào toàn thế giới đều biết.
Cứ so sánh như thế thì ta thấy rằng, tất cả mấu chốt để giải quyết mọi vấn đề ở Việt Nam này, về tinh thần cũng như vật chất, nhân dân còn bị đàn áp, còn bị chà đạp, giá trị con người không được tôn trọng là bởi vì không có dân chủ. Do đó, dân chủ là một cái gì rất cần thiết để giải quyết mọi vấn đề của Việt Nam ngày nay. Bởi vậy cho nên tôi thấy dân chủ rất cần. Thực hiện sớm được ngày nào hay ngày ấy. Bởi vậy mà tôi lên tiếng kêu gọi cho một nền dân chủ thật sự mau được thực hiện ở Việt Nam.
Ỷ Lan : Như thế, phải chăng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất dự tính tham gia chính trị, khi kêu gọi thiết lập thể chế dân chủ đa nguyên?
HT. Thích Quảng Ðộ : Thực nhà cửa sự ra Giáo hội không bao giờ tham gia trực tiếp vào chính trị. Ðúng nghĩa thì chính trị không phải là một cái xấu. Theo quan niệm của Ðức Khổng Tử thì ngài nói chính giả chính giã. Người làm chính trị là những người sửa sang việc nước, cái gì bất công thì sửa lại cho công bằng, cái gì cong queo thì uốn cho nó thẳng thắn, thì chính trị ấy là chính trị đạo đức. Nhưng mà ngày nay chính trị họ dùng thủ đoạn đê tiện, rồi tranh quyền, đoạt lợi với nhau.
Thậm chí dẫn đến con giết cha để đoạt quyền, cha giết con để đoạt quyền, vợ giết chồng... những cái ấy ta thấy thường xẩy ra trong giới chính trị. Rồi người cùng một đảng phái giết nhau, hãm hại nhau. Thành ra ngài Gandhi của Ấn độ đã cố đem đạo đức vào để thanh lọc chính trị. Bản thân chính trị không phải là một cái xấu. Nhưng con người làm nó xấu. Do đó cho nên Giáo hội không bao giờ chủ trương trực tiếp tham gia chính trị. Bởi vì bây giờ người ta đã đê tiện hóa chính trị rồi, nó không còn gì cao cả nữa. Cho nên mình mà dấn thân vào chính trị thì cũng dấn thân vào cái vòng tranh chấp, đê tiện thôi. Cho nên Giáo hội không bao giờ làm chính trị. Nhưng mà Giáo hội có thái độ chính trị, có quan niệm về chính trị.
Thái độ chính trị của Giáo hội là cái chính trị nào là chính trị lợi dân lợi nước, thì Giáo hội ủng hộ. Chính trị nào là chính trị hại dân hại nước thì Giáo hội không ủng hộ. Ðó là một "thái độ chính trị" chứ không phải "làm chính trị". Cho nên Giáo hội không tham gia trực tiếp nhưng Giáo hội có trách nhiệm ủng hộ về mặt tinh thần những đảng phái nào, những đoàn thể chính trị nào, mà làm theo một nền chính trị trong sạch, mang lại hạnh phúc, an vui, no ấm cho dân tộc, không phải sống nơm nớp lo sợ như là cái chế độ độc tài hiện tại.
Chúng tôi luôn luôn sống trong tình trạng lo sợ, không biết mình bị bắt lúc nào, bị tống giam lúc nào. Người ta có Hiến pháp, luật pháp tốt đẹp hết, nhưng người ta không thực hiện. Muốn bắt ai thì bắt, muốn bỏ tù ai thì bỏ tù, tùy hứng thế thôi. Thế cho nên phải có nền chính trị nào mà mang lại thực sự an vui, hạnh phúc, no ấm cho đồng bào thì Giáo hội triệt để ủng hộ cái chính trị đó. Còn đi ngược lại nguyện vọng của toàn dân thì Giáo hội không thể ủng hộ được.
Giáo hội xác định là chúng tôi không trực tiếp làm chính trị. Nhưng thái độ chính trị chúng tôi phải có. Như ngày xưa, Ðức Phật nếu Ngài ở nhà thì ngài lên làm vua trị nước đấy. Nhưng Ngài đã bỏ đi tu. Ði tu mà Ngài dạy các ông vua làm chính trị. Như vua Asoka của Ấn Ðộ ngày xưa sinh sau Ðức Phật 300 năm, ông theo giáo lý của Ðức Phật mà từ bỏ chiến tranh. Sau cuộc chinh phục nước Kalinga miền Nam nước Ấn Ðộ, ông giết 200 nghìn người, để lại 300 nghìn cô nhi quả phụ, thấy thế ông rất đau lòng. Từ đó, ông bẻ thanh gươm thề từ nay không bao giờ làm chiến tranh nữa. Và ông tận tâm theo tinh thần của đạo Phật mang lại nền an vui, hạnh phúc cho toàn dân Ấn độ. Thì đấy, làm chính trị ấy là cái tốt, hy sinh cả cuộc đời chăm lo hạnh phúc cho toàn dân Ấn Ðộ thuở đó.
Bây giờ đây, chúng tôi cũng theo gương đó. Có đoàn thể nào, đảng phái nào làm chính trị như vậy, đem lại an vui, hạnh phúc cho dân thì chúng tôi ủng hộ. Nhưng còn chúng tôi thì không bao giờ tham gia chính trị đâu. Trực tiếp tham gia chính trị là không bao giờ có chuyện đó.
Ỷ Lan : Bạch Hòa thượng, các nước theo cộng sản luôn đề cao lực lượng công nhân và nông dân làm chủ đất nước. Nay Hòa thượng lại hướng tới giới sĩ phu, mà Hòa thượng gọi là lực lượng trí tuệ, điều này mang ý nghĩa gì khác, xin Hòa thượng cho biết tôn ý?
HT. Thích Quảng Ðộ : Thưa thế này, một dân tộc sống trong một đất nước, một lãnh thổ thì coi như bình đẳng, ai cũng như ai. Ai cũng có trách nhiệm, có bổn phận đối với đất nước mình, đối với dân tộc mình. Còn như giới này giới kia, chỉ là phân công ra thế thôi. Công nhân làm việc công nhân, nông dân làm việc nông dân, sĩ phu làm việc sĩ phu. Giới công nhân cũng có thể lãnh đạo được, nông dân cũng lãnh đạo được, với điều kiện là phải có một trình độ nào đó. Hôm nay người ta bảo rằng công nhân lấy cái búa liềm làm tiêu biểu cho công nhân, không lẽ vác búa liềm ngồi đó mà cai trị à ? Thành ra cũng phải có một trình độ về trí tuệ như thế nào thì mới lãnh đạo được. Bởi trí tuệ rất cần. Người có trí tuệ là người có đầu óc nhạy cảm, bén nhạy.
Thế giới ngày nay khác với thế giới ngày xưa. Thế giới ngày nay tiến bộ, tiến rất nhanh, đòi hỏi con người lãnh đạo đất nước phải có đầu óc tỉnh táo, nhạy bén để đương đầu, thích ứng với những biến sự xẩy ra từng giờ, từng phút, chứ không phải từng ngày. Nếu mình không thích ứng được thì mình tụt hậu.
Thế giới ngày nay khác với thế giới ngày xưa. Thế giới ngày nay tiến bộ, tiến rất nhanh, đòi hỏi con người lãnh đạo đất nước phải có đầu óc tỉnh táo, nhạy bén để đương đầu, thích ứng với những biến sự xẩy ra từng giờ, từng phút, chứ không phải từng ngày. Nếu mình không thích ứng được thì mình tụt hậu. Bởi thế cho nên người lãnh đạo ngày nay cần phải có trình độ trí tuệ đáng kể. Như thế là bình đẳng chứ không phải phân chia giai cấp, như kiểu giai cấp đấu tranh của Cộng sản đâu. Bây giờ thực sự cái búa liềm tiêu biểu cho họ, nhưng mấy ông lãnh đạo cộng sản có phải công nhân đâu ? Họ có cầm búa đâu? Cầm bút chứ không cầm búa đâu! Thành ra giới nào cũng cần thiết. Nhưng đã vào giới lãnh đạo là phải tối thiểu có một trình độ trí tuệ.
Ỷ Lan : Kính xin Hòa thượng cho biết những điều kiện cần thiết phải có, để cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam được khởi động và hoàn thành?
HT. Thích Quảng Ðộ : Muốn có nền dân chủ thực sự thì điều kiện cần thiết nhất là phải có dân chủ đa nguyên. Ða nguyên tức là đa đảng đấy. Bây giờ đa đảng có một giới hạn nhất định. Tôi kinh nghiệm thấy như nước Ba Lan, sau khi khối Liên Xô tan rã thì nước Ba Lan có đa đảng, nhưng có những hơn bảy mươi mấy đảng. Thành ra một thời gian người ta cũng phải lựa dần dần, thanh lọc dần dần, bây giờ còn được độ mấy chục đảng, chẳng hạn thế. Nhưng nhiều đảng quá cũng không nên. Cho nên thiển ý tôi đề nghị chế độ ba đảng, tức đảng khuynh tả, đảng khuynh hữu và đảng trung dung. Như vậy nó có thể bao gồm tất cả các khuynh hướng của toàn dân.
Ðấy là theo giáo lý nhà Phật thì gọi là Chân đế, Giả đế và Trung đe [1]. Nhà Phật nói cực đoan là không tốt, cái gì chính giữa thì hay hơn. Tránh cái cực đoan này chạy sang cực đoan khác đều xấu cả. Cho nên đứng giữa là hay hơn, theo lý Trung đạo. Bây giờ tôi muốn đem cái ấy áp dụng vào chế độ chính trị. Nhưng đó chỉ là thiển ý riêng của tôi thôi. Cái đó còn tùy thuộc vào toàn dân. Có một chế độ đa đảng, thì ba đảng, năm đảng hay mười đảng là do toàn dân quyết định. Nhưng tiên quyết phải có một chế độ đa đảng đã. Chứ nếu độc đảng như hiện nay, thì trong 30 năm qua rồi, mà mình tính ra mình vẫn cứ tụt hậu. Nếu ông cứ ngồi đấy cai trị đến 30 năm, 50 năm nữa... vị trí của Việt Nam sẽ đứng thứ bao nhiêu ? Vừa rồi trong một trăm hai mươi mấy nước, thì mình đứng thứ chín mươi mấy đấy !
Thành ra như vậy, muốn có nền dân chủ, tự do thực sự thì phải có đa đảng. Nếu không có tự do, dân chủ thì đất nước không thể giải quyết các vấn đề tệ nạn xã hội như tôi vừa nói ở trên. Không bao giờ giải quyết được. Kể cả Pháp nạn của Giáo hội chúng tôi, trừ ra có chế độ đa đảng dân chủ, nếu không thì Giáo hội thường xuyên bị đàn áp, chẳng biết bao giờ được chấm dứt. Còn chế độ độc đảng Cộng sản như thế này, Giáo hội còn bị đàn áp, bởi vì từ bản chất Cộng sản đã không dung chấp tôn giáo, thường xuyên là một chính sách đấu tranh giai cấp, luôn luôn tranh đấu đến khi nào tiêu diệt được tôn giáo mới thôi.
Thành ra cái mấu chốt mà Giáo hội bị đàn áp cũng là vì không có tự do, dân chủ. Chừng nào có tự do, dân chủ là lập tức vấn đề Giáo hội không còn là vấn đề nữa. Ở chế độ tự do, đa nguyên, ai mà đi đàn áp ai đâu ? Bởi vì ai cũng được bảo đảm, ai cũng có quyền. Cái nhân quyền tuyệt đối được tôn trọng.
MC: Thưa Qúi Vị, trong buổi phát thanh tiếp theo, Hòa thượng Thích Quảng Độ sẽ trình bày tiếp về nhận xét của Hòa thượng về việc Đảng và Nhà nước Việt Nam có thể chấp nhận giải pháp Dân chủ Đa nguyên hay không? Cùng một vài lời tâm sự của Hòa thượng gửi tới đồng bào trong và ngoài nước nhân dịp Xuân Ất Dậu. Mong Qúi thính giả đón nghe.
Những bài liên quan
- Phỏng vấn Hòa thượng Thích Quảng Ðộ về đề nghị dân chủ hóa đất nước (phần 2)
- Vợ của Mục sư Nguyễn Hồng Quang cho biết về việc trì hoãn phiên toà phúc thẩm
- Đại diện Hội Thánh Tin Lành nói về chỉ thị mới của chính phủ Việt Nam
- Vì sao có một chỉ thị đặc biệt riêng cho đạo Tin Lành?
- Nhận định của Mục sư Ðoàn Trung Tín về chỉ thị mới của Thủ tướng Phan Văn Khải
- Tình hình GHPGVNTN tại Việt Nam trong năm vừa qua
- Mục sư Phạm Ðình Nhẫn nhận xét về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam trong năm 2004