Nạn tham nhũng tại Việt Nam theo quan điểm của cựu Đại tá Phạm Quế Dương

0:00 / 0:00

Mới đây tại Hội Thảo Quốc Tế mang tên “Việt Nam với công ước Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng” khai mạc sáng ngày 24.11 tại Hà Nội, ông Quách Lê Thanh, Tổng thanh tra nhà nước nhấn mạnh: “Việt Nam cần phải có một chiến lược tập trung vào việc hình thành các thể chế phòng ngừa tham nhũng”.

By line: Phạm Việt Hùng

Tham nhũng tại Việt Nam theo các nhà lãnh đạo là nạn nội xâm, là quốc nạn, thế nhưng chống tham nhũng thì phải chống từ trên xuống dưới chứ không thể đi từ dưới lên trên, đó là điều mà cựu đại tá Phạm Quế Dương, đã bức xúc và trăn trở trong cuộc trao đổi với Việt Hùng của Ban Việt Ngữ - Ðài Á Châu Tự Do.

Mời quí vị theo dõi cuộc nói chuyện giữa Việt Hùng với cựu đại tá Phạm Quế Dương, người từng bị cầm tù 19 tháng về tội muốn giúp nhà nước chống tham nhũng hay nó theo ngôn từ của bản án là: “lợi dụng dân chủ để làm nguy hại đến nền an ninh quốc gia”. Trước tiên ông đưa ra cái nhìn của mình:

Phạm Quế Dương: Tham nhũng ở Việt Nam hiện nay là vấn đề gây nhức nhối của cả Việt Nam. Những nhà lãnh đạo của đảng và nhà nước thường tuyên bố nào là quốc nạn, rồi là nạn nội xâm, rồi họ cũng ra tuyên bố là phải đấu tranh. Tuy nhiên họ cứ nói thế thôi ...., thế còn ai đấu tranh?

Bây giờ tham nhũng là gì? Tham nhũng là ăn cướp và ăn cắp của dân? Thế ai ăn cướp, ăn cắp của dân? Là quan cộng sản ăn cướp ăn cắp của dân phải không?

Việt Hùng: Nhưng mà thưa ông rằng, trong những ngày qua, chính phủ Việt Nam đã bắt một số quan chức có liên quan đến tham nhũng như thứ trưởng Bùi Quốc Huy và gần đây là thứ trưởng Mai Văn Dâu. Với cái nhìn của ông liệu có phải chính phủ bắt đầu muốn chống tham nhũng thực sự?

Phạm Quế Dương: Tôi nhìn vấn đề này với một thực tế, có một đại biểu Quốc Hội phát biểu về vấn đề tham nhũng rằng, " quét cầu thang thì phải quét từ trên quét xuống, chứ không có ai lại quét cầu thang lại quét từ dưới quét lên ..... " (cười..). Bây giờ cứ thử hỏi với những ông to rằng, họ tham nhũng như thế nào? Họ có bao giờ kê khai tài sản không? Chứ còn mới chỉ đánh dăm ba cái anh ở cấp thứ trưởng trở xuống thì ăn nhằm gì đâu

Việt Hùng: Ông có nghĩ là chính phủ Việt Nam đang bắt đầu thực tâm muốn chống tham nhũng?

Phạm Quế Dương: Tôi không tin họ đâu !!!

Việt Hùng: Lý do đâu mà ông lại không tin?

Phạm Quế Dương: Là bởi vì không thể. Là bởi vì nếu mà tôi tin là phải có những tổ chức phi chính phủ, còn bây giờ ở Việt Nam đều phụ thuộc vào điều 4 của Hiến Pháp là đảng ngồi lên trên và đảng lãnh đạo, đảng quyết định tất cả. Bây giờ là các quan cộng sản là ăn cắp, rồi là các quan cộng sản lại xử lý thì làm sao có thể có chuyện đó được? Chỉ có thể giải quyết được vấn đề chống tham nhũng là ở Việt Nam phải có đổi mới về chính trị, chấp nhận đa nguyên đa đảng, chấp nhận có đảng đối trọng thì mới có thể chống được tham nhũng. Ðấy mới là thành tâm và thực tâm muốn chống tham nhũng.

Vấn đề đa nguyên đa đảng không phải là mới. Năm 1990 ông Trần Xuân Bách ( lúc đó là Ủy viên Bộ Chính Trị ) chủ trì ở cuộc Hội Thảo ở Liên Hiệp Hội Khoa Học Việt Nam đã đề nghị đa nguyên đa đảng. Sau khi có những đề nghị đó, ông Trần Xuân Bách ngay lập tức mất hết chức, (cho về ngồi chơi xơi nước ngay). Lúc đó tôi là người phụ trách tờ Khoa Học & Tổ Quốc, tôi cho đăng báo những phát biểu của ông Trần Xuân Bách, lập tức báo của tôi bị tịch thu và tôi bị khởi tố ngay từ năm 90.

Việt Hùng: Vừa rồi họp Quốc Hội, ông Thủ tướng Pham Văn Khải có đưa ra đề nghị là phải thành lập một Ủy Ban Chống Tham Nhũng, là người từng lên tiếng cũng như đã từng viết đơn xin chính phủ cho thành lập Hội Nhân Dân Giúp Nhà Nước Chống Tham Nhũng, ông nghĩ như thế nào về lời kêu gọi của Thủ tướng Phan Văn Khải?

Phạm Quế Dương: Vấn đề ông Phan Văn Khải đưa ra không phải là mới. Chống tham nhũng thì các nhà lãnh đạo nói nhiều lần rồi, thế nhưng vấn đề chính là Ủy Ban Chống Tham Nhũng này có quyền độc lập không? Có quyền tự chủ không? Hay là vẫn phụ thuộc vào điều 4 của Hiến Pháp là cơ chế độc tôn lãnh đạo của Ðảng Cộng Sản Việt Nam. Vấn đề cơ bản là như thế, bởi vì bức xúc trong lòng dân chúng với tham nhũng quá nặng nề rồi, quá trầm trọng rồi, do đó là các nhà lãnh đạo chỉ đưa ra những lời tuyên bố thế thôi....

Việt Hùng: Với ông, chỉ vì biết lòng dân bức xúc, vì muốn xoa dịu đi nên chính phủ đưa ra những lời như vậy, chứ còn ông không tin là chính phủ Việt Nam muốn chống tham nhũng thật sự?

Phạm Quế Dương: Tôi không tin !!! Tôi cho rằng họ muốn cho dân Việt Nam uống thuốc an thần ...... ( cười .... )

Việt Hùng: Có vẻ như ông hơi bi quan?

Phạm Quế Dương: Tôi không bi quan, lúc nào tôi cũng lạc quan, cho nên tôi mới cười với anh như thế chứ? ..... ( cười....)

Bởi vì, qui luật mà nói, sớm muộn thì quân ăn cướp và ăn cắp thì sớm muộn cũng bị dân người ta xử lý.

Việt Hùng: Ðó là về phía nhà nước, thế về phía nhân dân thì ông có nghĩ rằng một Ủy Ban mà cách đây một vài năm ông cùng Giáo sư Trần Khuê xin nhà nước cho thành lập, phải chăng đã đến lúc cần đặt lại vấn đề về Hội Nhân Dân Giúp Nhà Nước Chống Tham Nhũng vào thời điểm này đã được chưa?

Phạm Quế Dương: ( ... cười ...) Cũng có nhiều người đến bàn với tôi và gọi điện trao đổi với tôi .... nhưng lại nói với tôi là không thể được là vì cái cơ chế này người ta không cho phép đâu, làm như vậy rồi cũng lại bị người ta gây sự thôi ....

Việt Hùng: Tức là theo ông phải thay đổi cơ chế hay nói thẳng ra rằng, muốn chống được tham nhũng thì phải chống cái cơ chế đẻ ra tham nhũng. Phải chăng ông muốn nói đến điều đó?

Phạm Quế Dương: Phải rồi ! Phải đổi mới chính trị, phải cải cách chính trị. Cho nên không thể dùng cải cách hành chính để thay cho cải cách chính trị được.

Việt Hùng: Thời gian gần đây khi bàn đến Ủy Ban Chống Tham Nhũng, có ý kiến cho rằng, muốn chống được tham nhũng, thành phần trong Ủy Ban đó phải có những người như ông, như Giáo sư Trần Khuê ....., ông nghĩ sao về điều này, trong trường hợp nếu như có lời mời thì cá nhân ông, ông có tham gia không?

Phạm Quế Dương: Nếu như họ mời tôi thì tôi sẵn sàng tham gia. Tôi không xin tiền mà tôi chỉ xin làm việc thôi.

Việt Hùng: Nhưng mà theo ông, cơ cấu của Ủy Ban này phải như thế nào?

Phạm Quế Dương: Cái cơ cấu của Ủy Ban này, thời điểm hiện nay với cái cơ chế này, cơ chế bởi điều 4 của Hiến Pháp về sự độc tôn lãnh đạo của đảng thì không một Ủy Ban nào có thể chống được tham nhũng. Trong cơ chế này vì đã có Tổng thanh tra rồi, rồi đảng lại có ban kiểm tra của Trung ương đảng rồi nhé, thế nhưng tham nhũng càng ngày càng nặng nề, càng ngày càng nhiều. Chính đấy là lời tuyên bố của đảng và lãnh đạo nhà nước này. Càng ra tuyên bố chống thì nạn tham nhũng càng nặng nề hơn. ( cười ....)

Việt Hùng: Nhưng mà trường hợp trong xã hội và người dân không có lên tiếng để đóng góp vào công cuộc chống tham nhũng mà chỉ để cho đảng và nhà nước chống tham nhũng thì người khổ cuối cùng vẫn là dân, vậy thì trong trường hợp có những người dân ngưòi ta quá bức xúc rồi, họ muốn lên tiếng chống tham nhũng thì từ kinh nghiệm của ông, ông sẽ nói điều gì với họ?

Phạm Quế Dương: Thật ra những bức xúc này người dân họ chỉ nói với nhau ở quán hàng nước, hay đi đường, thậm chí ngay cả những người chạy xe ôm cũng hết sức trăn trở về tham nhũng. Từ nông dân cho đến những ngưòi làm ăn ở những vùng xa xôi cho đến thành thị họ đều thấy vấn đề tham nhũng. Vì tham nhũng hiện nay là từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên bao trùm lên cơ chế, bộ máy của nhà nước. Người dân họ chỉ than thở vậy thôi chứ không làm gì xử lý được hết.

Việt Hùng: Nói như ông để mà trước khi chấm dứt cuộc nói nói chuyện thì phải chăng tất cả những việc làm vừa rồi của chính phủ, ông nói chỉ như một viên thuốc an thần, vậy thì đảng vẫn nói, đảng là đầy tớ của nhân dân, vậy thì nhân dân sẽ đóng vai trò gì trong công cuộc chống tham nhũng này thưa ông?

Phạm Quế Dương: Bây giờ tôi xin nói một điều cơ bản như thế này, anh nói là đúng, theo pháp lệnh của nhà nước thì ngày xưa cụ Hồ nói cán bộ là đầy tớ của nhân dân. Trong pháp lệnh về cán bộ & công chức của nhà nước thì gọi là công bộc của nhân dân. Công bộc, cũng là một dạng đầy tớ.

Nhưng mà bây giờ thử để hỏi xem nhà các ông đầy tớ đó như thế nào? Các ông ấy là đảng cộng sản, tức là đảng của giai cấp vô sản, nhưng các ông đó toàn là tổ sư giầu cả ...., vậy thì các ông đó có còn là vô sản không? .... nhưng mà các ông ấy vẫn mang tên là cộng sản. Thế còn người dân là vô sản thì càng ngày càng khổ, càng ngày người ta càng nghèo...

Việt Hùng: Thay mặt quí thính giả, xin cảm ơn ông.