Bãi rác Đông Thạnh: Thí dụ điển hình cho việc quản ký kém (Bài 1)


2004.10.24

Chất thải kỹ nghệ, bịnh viện, và chất thải gia cư là nguyên nhân của hầu hết vấn nạn môi trường của Việt Nam, trong đó cần phải nói chất thải gia cư là một vấn nạn trầm trọng hơn cả, ảnh hưởng lên hầu hết các thành phố lớn trong nước. Tạp chí KH &MT qua trao đổi với Tiến sĩ Mai Thanh Truyết sẽ lần lượt thảo luận về các bãi rác ở Việt Nam trong đó lấy bãi rác Đông Thạnh ở Hốc Môn (TPHCM) làm điển hình.

By line: Mai Thanh Truyết

Việt Long: Trước hết, Tiến sĩ Mai Thanh Truyết vui lòng trình bày sơ luợc với thính giả về lịch sử của bãi rác Đông Thạnh.

Mai Thanh Truyết: Bãi rác Đông Thạnh (Hốc Môn) đã được xử dụng từ năm 1988 để làm bãi rác chính cho hầu hết dân chúng sống trong nội thành Sài gòn và vùng phụ cận.

Bãi rác có diện tích 32 hecta với hệ thống tường bao bọc chung quanh hàng cây số. Bên trong rác được tích tụ từ hơn mười năm qua, cao hơn mười mét và cao hơn tường chắn gấp hơn ba lần. Ở các góc của bãi rác, do còn khoảng trống, nên nước thải từ bãi rác tiết ra, bị các tường chắn bao lại nên hình thành nhiều hồ nước thải rộng từ 300 - 400 m2 và sâu 4 - 5 m. Các hồ nước trên nằm trên cao so với địa hình chung quanh., thậm chí còn cao hơn nóc nhà của các hộ dân sống quanh vùng. Nước trong hồ có màu đen, đặc quánh và tỏa ra nhiều mùi nồng nặc do các khí chứa lưu huỳnh bốc lên.

Bãi rác không được thiết kế theo tiêu chuẩn căn bản của một bãi rác lộ thiên tân tiến là phải có những lớp lót đáy để nước rỉ từ rác không thể thẩm thấu vào đất và xâm phạm hệ thống nước ngầm phía bên dưới. Ở các lớp rác cũ, tuy người ta có lấp đất phủ lên trên bề mặt nên xe chở rác có thể chạy qua đống rác như đi trên đồi đất. Tuy nhiên lớp đất nầy không được nén chặt và đủ dầy để ngăn chặn sự thoát hơi của khí methane và sulfide. Cho nên bãi rác luôn luôn tỏa ra mùi khó ngữi.

Hỏi: Tình trạng này chắc là trầm trọng hơn vào mùa mưa, phải không thưa ông?

Đáp: Vào mùa mưa, nước mưa đổ trên bãi rác. Vì không có ống thoát để dẫn nước ra ngoài phạm vi bãi rác, nên thể tích nước thải của bãi rác ngày càng làm tăng thêm. Do đó các vũng nước mưa còn đọng lại trên các đồi đất luôn sôi sùng sục do các bọt khí methane bốc lên từ nguồn rác bên dưới. Ở những phần đồi khô còn lại, nhiều đám khói bốc lên do rác bị cháy ngầm.

Theo ước tính khoa học và kinh nghiệm thực tế, so với diện tích của bãi rác Đông Thạnh và thời gian đã xử dụng thì dung tích nước thải hay còn gọi là nước rỉ có thể đạt đến mức 500 m3/ngày. Và nước mưa có thể làm tăng thêm tiến trình sinh hóa nhanh hơn nữa. Mặt khác, do lượng nước mưa đổ trên mặt bãi rác (trữ lượng nước mưa trung bình cho vùng Sàigòn là 2000 mm/năm) do đó tổng lượng nước thải vào các tường chắn bao bọc chung quanh bãi rác có thể tăng đến mức 1000 m3/ngày trong những tháng mưa. Những hồ chứa nước thải bên trong các tường chắn là những hồ lộ thiên. Sự bốc hơi tự nhiên do ánh sáng mặt trời là yếu tố duy nhất để làm giảm mực nước của hồ chứa.

Bạn nghĩ gì về vấn nạn môi trường của việt Nam hiện nay? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Hỏi: Đây là một bãi rác lộ thiên, thì theo ông, làm thế nào để giữ lại nước rỉ cùng nước mưa để khỏi làm úng ngập bãi rác cũng như ảnh hưởng đến các khu dân cư chung quanh?

Đáp: Bãi rác Đông Thạnh có tường bao bọc được thiết kế bằng những tấm vỉ sắt dầy độ 1mm và được gắn chặt vào các trụ bêtông. Tường phải chịu một áp lực thật lớn do nước thải dâng lên quá cao theo thời gian. Nước thải từ rác do các phản ứng sinh hóa và sinh hủy lâu ngày ăn mòn làm mục nát các trụ bêtông. Do đó tác dụng ngăn mùi và cản rác không còn nữa vì nhiều đoạn đã vỡ, rác đã đổ ra ngoài. Thậm chí có nhiều đoạn phải đấp đê phía ngoài bờ tường mới có thể chịu nổi áp lực của nước!

Ngày 2/6 và nhất là ngày 17/7/2000, một khoảng tường chắn dài độ 8m bị vỡ ra. Theo ước tính của UBND xã Đông Thạnh, việc nầy đã gây thiệt hại hoàn toàn 14 hecta hoa màu, lúa, sen, cây ăn trái, ao nuôi cá của 45 hộ dân. Mười bốn nhà bị trôi. Ngoài những thiệt hại như vừa kể, còn có dò rỉ hàng ngày ở khắp nơi chung quanh bờ chắn, khiến hơn 50 hecta hoa màu, cây ăn trái của gần 200 hộ dân địa phương trở thành cánh đồng chết.

Dòng nước thải của hai lần vỡ tường chắn đổ ra sông Rạch Tra rồi chảy về sông Sàigòn gây ô nhiễm môi trường. Cơn "lũ" nước thải vừa qua đã cho thấy mức độ độc hại của nó: cá ở sông Rạch Tra bị chết nổi lên mặt nước, và lúa bị chết hàng loạt.

Hỏi: Chính quyền thành phố thời bấy giờ có biện pháp nào để ngăn chặn sau khi xảy ra tai nạn như vậy hay không, thưa Tiến sĩ Mai Thanh Truyết?

Đáp: Có thưa anh. Từ năm 1999, hơn mười năm sau khi bãi rác đi vào hoạt động, công ty Xử lý Chất thải Thành phố có lấp đặt một hệ thống xử lý nước thải của Trung Tâm Bảo vệ Môi trường. Nước thải từ bãi rác được gom xuống hồ nằm ngoài phạm vi của bãi rác. Nước chảy qua một thiết bị xử lý sơ bộ rồi đổ vào hồ chứa có dung tích 50.000m3.

Thiết bị xử lý nơi đây là bước xử lý sơ bộ cơ học, nước thải chảy xuyên qua hệ thống sàng lọc bằng đá và cát, dĩ nhiên không thể loại được các kim loại độc hại như: Arsenic, Thủy ngân, Chrome, Đồng, Cadmium, Nickel, Cobalt...., và các dung môi hữu cơ cùng các chất hữu cơ chứa chlor mầm mống của bịnh ung thư, nhất là không thể loại được vi khuẩn E.Coli, một trong các vi khuẩn gây tác hại đường ruột thường giết hại trẻ em còn nhỏ tuổi. Và hệ thống nầy cũng đã phải tạm vì hồ chứa đã tràn!

Hỏi: Ngoài vi khuẩn E-Coli và các kim loại nặng trong nước rỉ như ông vừa nói, thì còn có thêm hóa chất độc hại nào nữa không?

Đáp: Việc phân tích nước rỉ qua những giếng quan trắc của một bãi rác gia cư tương tự ở Hoa kỳ cho thấy sự hiện diện của rất nhiều hợp chất hữu cơ như benzene, toluene, xylenes, ethylbenzene, napthalene, là những dung môi thông dụng trong quá trình chế biến hóa chất, và rất nhiều hợp chất hữu cơ độc hại khác chứa chlore. Nước rỉ nếu không được xử lý bằng chlore để diệt các vi khuẩn E-Coli và Coliforms vốn đã có sẳn với một hàm lượng rất cao gấp 1000 lần hơn tiêu chuẩn nước uống, là 23 MPN/100mL, MPN hay Most Probable Number, tức số sác xuất cao nhất, thì đây sẽ là một mầm bịnh cho cư dân sống trong vùng.

Thêm nữa, bãi rác Đông Thạnh, ngoài các phế thải của cư dân, còn chứa phế thải bệnh viện trong thành phố do đó lượng vi khuẩn của đủ loại gây mầm bịnh vẫn còn tự do... đi vào nguồn nước, lòng đất và bầu khí quyển... Để rồi sau cùng có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể dân chúng ngụ trong vùng, nhất là những người nghèo khó bần cùng nhất của xã hội đang sống chung quanh bãi rác và lấy những phế phẩm còn sót lại của bãi rác làm nguồn thu hoạch chính của gia đình như thu lượm bao nylon, lon nhựa... và những vật dụng còn có thể bán được (có thể nói trên 1.500 người sống bám vào bãi rác Đông Thạnh trong khoảng thời gian nầy).

Cũng cần phải xác định thêm rằng từ khi bãi rác bắt đầu hoạt động, trong khoảng thời gian từ năm thứ mười đến năm thứ mười lăm, mức ô nhiễm của nước rỉ sẽ đạt đến mức tối đa. Vì lý do đó, ở Hoa Kỳ cơ quan bảo vệ môi trường (USEPA) định mức thời gian xử lý một bãi rác không còn hoạt động nữa là từ 25 đến 30 năm để tránh việc nước rỉ thấm vào mạch nước ngầm.

Hỏi: Việc xử lý sơ bộ cũng như hồ chứa nước rỉ của bãi rác Đông Thạnh đã quá tải, như vậy biện pháp giải quyết tiếp theo của thành phố như thế nào thưa Tiến sĩ?

Mai Thanh Truyết: Theo lời Ông Lê Đình Mai, Giám đốc Công ty Xử lý Chất thải Thành phố thì bãi rác Đông Thạnh đã hoàn thành "sứ mạng" của nó vào cuối năm 2000. Và một nhà máy nước rỉ thật sự đã được chấp thuận qua vốn của Ngân hàng Phát triển Á Châu là 32 triệu Mỹ kim được dự kiến khánh thành vào năm 2002. Nhà máy có thiết kế phần kỹ thuật cho việc lấp đặt các màn chắn không để nước thải xâm nhập vào lòng đất; thiết kế các giếng quan trắc có hệ thống bơm thẳng vào các hồ chứa ở nhà máy xử lý; có hệ thống thu hồi khí thoát ra; hệ thống ống dẫn nước mưa vào các cống hay sông rạch ngoài phạm vi của bãi rác.

Sau cùng, ngày 7/6/2002, một nhà máy xử lý nước rỉ đã được khánh thành.

Việt Long: Cám ơn tiến sĩ Mai Thanh Truyết. Ký tới mong ông sẽ trình bày tiếp về quá trình vận hành của nhà máy vừa kể.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.