Bãi Rác Đông Thạnh: Thí Dụ Điển Hình cho Việc Quản Lý "Kém" (bài 2)
2004.10.28
Trong buổi hội luận kỳ vừa rồi, Tiến sĩ Mai Thanh Truyết đã nói về tình trạng bãi rác Đông Thạnh ở Hốc Môn đã được thành phố HCM xử dụng như một bãi rác chính của thành phố từ năm 1988. Qua năm 2000, tình trạng quá tải và bể bờ của hồ chứa nước rỉ gây hậu quả nặng nề cho nông dân sống trong vùng, và nước rỉ đã tràn qua sông Rạch Tra, đi vào sông Sàigon.
By line: Mai Thanh Truyết
Trước những vấn nạn trên, Tp HCM đã được ngân hàng Phát tiiển Á Châu trợ giúp 32 triệu Mỹ kim để xây dựng nhà máy xử lý nước rỉ tại đây. Mời quý vị nghe cuộc trao đổi tiếp tục với Tiến sĩ/ Mai Thanh Truyết về vấn đề này.
Hỏi: Tiếp nối câu chuyện kỳ truớc, bây giờ xin Tiến sĩ Mai Thanh Truyết cho biết diễn tiến của công cuộc xây dựng nhà máy xử lý nước rỉ Đông Thạnh.
Đáp: Công cuộc xây cất nhà máy đã được giao phó cho Công ty Xử lý Chất phế thải Thành phố do Ông Lê Đình Mai làm Giám đốc điều hành. Dự án đã được hai công ty Cổ phần Nước và Phát triển và công ty An sinh phối hợp xây dựng và xử lý thành công nước rỉ ở bãi rác Đông Thạnh. Ngày 7 tháng 6 năm 2002 là ngày đầu tiên để xã nước rỉ đã được xử lý từ hai công ty trên ra sông Rạch Tra.
Bạn có ý kiến gì về việc xử lý lượng nước rỉ tồn đọng của Việt Nam hiện nay? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Chi phí của hệ thống xử lý nầy trị giá 500 tỉ đồng Việt Nam tương đương với 32 triệu Mỹ kim. và có công suất trung bình là 1.250 m3/nước rỉ/ngày. Chi phí cho việc xử lý nước rỉ được ước tính từ 2.500 đến 3.000 đồng/m3 nước rỉ. Cũng theo Sở Giao thông Công Chánh thành phố thì từ ngày đó đến cuối năm 2002 sẽ xử lý được khoảng 100.000 m3 nước rỉ. Trong khoảng thời gian nầy, lượng nước rỉ tồn đọng ở bãi rác Đông Thạnh đã lên đến 200.000 m3 cộng thêm với 300 đến 400 m3 nước rỉ phát sinh hàng ngày.
Hỏi: Như vậy với công suất mà ông vừa trình bày, làm thế nào nhà máy có thể xử lý lượng nước rỉ tồn đọng hiện có trong khoảng thời gian nầy của bãi rác?
Đáp: Theo tính toán, khả năng xư lý của nhà máy có thể giải quyết từ ngày 7/6 đến cuối năm 2002 sẽ là 260.000 m3. Thế mà Sở Giao thông chỉ ước tính vào khoảng 100.000 m3, tức chỉ dùng khoảng 38% hiệu năng xử dụng nhà máy. Với các số liệu vừa nêu trên, chúng ta có thể hình dung tức khắc là có nhiều vần đề không ổn trong việc xây dựng và quy trình xử lý của nhà máy mới vừa hoàn thành nầy.
Hỏi: Ông cho rằng những điều không ổn là những điều gì?
Đáp: Chúng tôi muốn nói đến những nghịch lý trên các con số. Dĩ nhiên là ngay cả với hiệu năng 100% của nhà máy, cũng không thể nào giải quyết được lượng nước rỉ sẳn có và lượng nước rỉ mới phát sinh hàng ngày, nhất là trong mùa mưa. Và chuyện phải đến là nhà máy phải chịu chung số phận với những tính toán sai lầm từ ban đầu là chỉ vận hành chưa đến một tháng thì hoàn toàn ngưng hẳn, và 500 tỷ đồng Việt Nam đã biến nước rỉ của bãi rác Đông Thạnh thành ... ra nước rỉ "nguyên thủy".
Hỏi: Nguyên nhân nào đưa đến tình trạng trên thưa Tiến sĩ?
Đáp: Tuy không tận mắt quan sát việc xây cất nhà máy xử lý nhà máy, nhưng qua hình ảnh chúng tôi thu thập được trên mạng điện toán VASC Orient và các báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ chúng tôi có thể nhìn thấy được có quá nhiều sơ sót của hệ thống xử lý nầy:
"...Hệ thống được xây dựng với tính cách tạm bợ như các hồ chứa nước rỉ trong tiến trình gạn lọc chỉ được lót bằng những tấm nylon thay vì bằng những hồ chứa hoặc hình trụ hay hình khối bằng betong..."
1- Hệ thống được xây dựng với tính cách tạm bợ như các hồ chứa nước rỉ trong tiến trình gạn lọc chỉ được lót bằng những tấm nylon thay vì bằng những hồ chứa hoặc hình trụ hay hình khối bằng betong.
2- Công nhân phải dùng can nhựa để lấy mẫu nước.
3- Công trình xã nước là những ống nhựa, vài cây cừ tràm và nhiều bao cát be bờ...
4- Các giếng quan trắc được làm bằng những ống tre đã được thông các mắt...
Như vậy, thử hỏi làm thế nào để có một hệ thống xử lý lâu dài được vì theo ước tính của EPA Hoa Kỳ thì một bãi rác tương tự như bãi rác Đông Thạnh, dù đã ngưng hoạt động, cũng cần phải xử lý nước rỉ ít nhất là 30 năm để có thể giải quyết hết tất cả nước rỉ tồn đọng và tránh được ô nhiễm các mạch nước ngầm.
Hỏi: Được biết hiện nay ông đang quản lý một nhà máy xử lý nước rỉ lớn ở Los Angeles, xin Tiến sĩ cho biết một vài thông số xây dựng và xử lý để thính giả có thể so sánh với tình trạng của bãi rác Đông Thạnh.
Đáp: Thưa anh, nhà máy xử lý nước rỉ mà tôi đang quản lý là một nhà máy có công suất 400 m3/ngày đã liên tục hoạt động 24/24 giờ từ năm 1987. Nhà máy nầy xử lý toàn bộ nước rỉ của một bãi rác có diện tích là 260 mẫu và đã chứa hơn 80 triệu tấn rác gia cư và kỹ nghệ. Chi phí xây dựng vào thời đó là 5 triệu Mỹ kim và nhà máy vận hành cùng hệ thống an toàn áp suất và nhiệt độ hoàn toàn tự động.
Nước rỉ được bơm tự động từ 76 giếng quan trắc hàng ngày vào thẳng các bồn chứa trước khi chuyển qua bồn phản ứng. Khí methane thu hồi đồng thời được chuyển qua hệ thống biến thành điện năng có thể phục vụ cho trên 2000 đơn vị gia cư ở Hoa kỳ. Do đó,chúng tôi có thể nói rằng việc thiết lập nhà máy xử lý Đông Thạnh có nhiều vấn đề cần đặt ra.
Hỏi: Đó là những vấn đề gì thưa Tiến sĩ?
"...Có phải vì công nghệ áp dụng cho việc thiết kế nhà máy quá lạc hậu, hay vì thiếu ngân sách xây cất và vận hành, hoặc do cung cách quản lý yếu kém gây ra tình trạng không lối thoát..."
Đáp: Vấn đề được đặt ra là: Có phải vì công nghệ áp dụng cho việc thiết kế nhà máy quá lạc hậu, hay vì thiếu ngân sách xây cất và vận hành, hoặc do cung cách quản lý yếu kém gây ra tình trạng không lối thoát...
Về kỹ thuật xây cất nhà máy, trên mặt lý thuyết chúng tôi tin tưởng rằng các cán bộ chuyên môn của Việt Nam đã từng học hỏi, tham khảo nhiều bãi rác lớn trên thế giới, công thêm sự giúp đỡ của các cố vấn Thụy Điển, Hòa Lan về kỹ thuật. Do đó không thể nói vì thiếu hiểu biết nên đã không thể nào xây dựng một nhà máy xử lý đúng nghĩa.
Về ngân sách, nhà máy đã được chuẩn chi 32 triệu Mỹ kim, là một con số quá lớn so với quy mô xây cất một nhà máy xử lý nước thải.
Vậy, ngoài việc có thừa khả năng hiểu biết về công nghệ tiên tiến trên thế giới, có thừa ngân sách xây cất, mà sao nhà máy xử lý nước thải Đông Thạnh lại chết non? Câu hỏi nầy chỉ có một cách lý giải logic nhất là quy trách vào yếu tố thứ ba trong ba vấn đề nêu trên, đó là cung cách quản lý thiếu hiệu quả nếu không nói là quá tệ hại. Nơi đây chúng tôi không đề cập đến yếu tố tham nhũng vì không nằm trong chuyên đề của tạp chi KH &MT.
Hỏi: Trước những bế tắc trên, TpHCM có tìm cách giải quyết nào khác không thưa Tiến sĩ?
Đáp: Theo chỗ chúng tôi được biết thì bãi rác Đông Thạnh và vấn đề nước rỉ được giải quyết tự nhiên...nghĩa là kể từ ngày...hôm ấy... nước rỉ được tự do tràn bờ, tự do đi lại trên sông Rạch Tra và tiếp tục chảy vào sông Sàigon để rồi nhiều ngày ở mùa khô, nước sông Sàigon đã biến thành màu đen và phảng phất mùi không thích hợp với khứu giác những người đi thưởng ngoạn dọc bờ sông.
Hỏi: Bãi rác Đông Thạnh như vậy là đã bị đóng cửa, thì làm thế nào thành phố HCM có thể tiêu thụ rác hàng ngày?
Đáp: Sau khi bãi rác Đông Thạnh đóng cửa, thành phố mở thêm bãi rác mới ở Gò Cát (Bình Chánh) tại xã Bình Hưng Hòa. Bãi rác nầy cũng đã bị quá tải ngay sau đó. Và cũng được chuẩn chi 20 triệu Mỹ kim do chính phủ Hòa Lan viện trợ để xây dựng nhà máy xử ly. Và sau cùng công trình cũng dang dở giống như tình trạng của bãi rác Đông Thạnh. Bãi rác Tam Tân xã Phước Hiệp (Củ Chi) cũng được thiết lập tiếp theo với diện tích 500 mẫu, và cũng hoàn toàn thiếu chuẩn bị về quy trình xử lý nước rỉ.
Được biết, gần đây chính phủ Đan Mạch lại tài trợ xây dựng một nhà máy xử lý tại nơi nầy và thêm nhà máy biến khí methane thành điện năng với chi phí lên đến hàng trăm triệu Mỹ kim. Chúng tôi không rõ nhà máy đã bắt đầu tiến hành thi công hay chưa? Và chỉ mong đừng tái diễn lại như hai dự án nhà máy xử lý ở Đông Thanh và Gò Cát vừa kể trên.
Hỏi: Trước tình trạng rác gia cư ở các thành phố lớn đáng bi quan như Tiến sĩ vừa trình bày ở phần trên, thì ông có dự phóng một giải pháp nào để giải quyết vấn đề rác ở Việt Nam hay không?
Đáp: Thưa anh, nếu theo dõi tin tức trên báo chí ở Việt Nam gần đây, chúng ta vẫn đọc được những tin tức như: rác đã tràn ngập thành phố Hải Phòng, tràn ngập thị xã Đà Lạt v. v... Điều nầy nói lên được tính cách khẩn thiết của vấn đề. Trên các thí dụ điển hình như vậy, một lần nữa chúng ta nhận rõ rằng Việt Nam không thiếu tài chính, Việt Nam không thiếu công nghệ để xây dựng những nhà máy xử lý đúng nghĩa. Thế mà tình trạng rác gia cư ở các thành phố lớn đang là một bế tắc hiện tại. Chúng tôi muốn nói đến trách nhiệm của những người đang quản lý đất nước ngày hôm nay.
Giải quyết một vấn đề kỹ thuật không khó, chính sự chuyển đổi não trạng và tư duy mới là vấn đề cần phải giải quyết trước tiên. Truy tìm một giải pháp cho vấn đề rác và nước rỉ ở Việt Nam chính là trách nhiệm của lãnh đạo Việt Nam hiện tại. Câu giải đáp đã có sẳn, nhưng chỉ cần một con tim và khối óc nhân bản là có thể thực hiện dễ dàng công cuộc xử lý đó.
Hỏi: Cám ơn Tiến sĩ Mai Thanh Truyết. Thưa quý thính giả, tạp chí KH &MT lần tới sẽ nói về quy trình xử lý nước rỉ từ rác và các phế thải kỹ nghệ.