Một bước ngoặt của sự hâm nóng toàn cầu


2004.12.24

Tiến sĩ Mai Thanh Truyết

Kể từ khi đúc kết bản Thông cáo chung cho Hội nghị Thượng Đỉnh về Môi sinh tại Rio de Janeiro (Ba Tây) năm 1992, quy tụ trên 170 nguyên thủ quốc gia trên thế giới để soạn thảo ra một số gợi ý và quy định về tương lai môi sinh của toàn cầu.

Kết quả quan trọng nhất được thể hiện sau đó, ngoài các ký kết về nhiều lãnh vực toàn cầu khác, là Nghị định thư (NĐT) Kyoto vào năm 1997. Đây là một thành quả của thế giới liên quan đến sự hâm nóng toàn cầu.

Hỏi: Xin Tiến sĩ Mai Thanh Truyết vui lòng cho biết sơ lược về các quy định trong nghị định thư Kyoto.

Đáp: Dự thảo nghị định thư Kyoto gồm 26 Điều khoản và 2 Phụ lục được 166 nguyên thủ quốc gia trên thế giới đồng ý trên nguyên tắc. Nghị định thư quy định rằng, cho dến năm 2012, các quốc gia trên thế giới phải giảm thiểu 5,2% các khí phóng thích vào không khí so với định mức của năm 1990, trong đó thán khí CO2 chiếm vai trò quan trọng nhất.

Dự thảo nầy sẽ trở thành quyết định chung cho toàn cầu nếu có trên 55% định mức tỷ lệ của các quốc gia tính theo tỷ lệ năng lượng cần thiết cho các quá trình sản xuất của từng quôc gia một. Hoa Kỳ vào năm 1990, đã sản xuất 36% sản phẩm của toàn thế giới , do đó có trách nhiệm trên 36% lượng khí phóng thích vào bầu khí quyển tạo ra sự hâm nóng toàn cầu. Trong lúc đó Nga Sô chịu trách nhiệm 17,4%.

Tính đến ngày 30/11/03, tổng số các quốc gia đã chuẩn y nghị định thư Kyoto chỉ đạt được 44,2%. Do đó nghị định thư vẫn chưa thành luật được. Việt Nam đã phê chuẩn nghị định thư vào ngày 25/9/2002.

Hỏi: Vào tháng 10 vừa qua, quốc hội Liên bang Nga đã chuẩn y nghị định thư, và cuối tuần qua tại thủ đô Argentina có diễn ra Hội nghị về các quy định của nghị định thư, Tiến sĩ nhận dịnh như thế nào?

Đáp: Vào tháng 10 vừa qua, quốc hội Nga (Sô) đã phê chuẩn nghị định thư nầy với hy vọng được sớm gia nhập vào Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO). Kể từ ngày đó, tỷ lệ các quốc gia chuẩn y nghị định thư thư là 61,6%, tức nhiên nghị định thư Kyoto sẽ biến thành luật cho toàn cầu; và 130 quốc gia trên thế giới đã ký kết sẽ phải bắt đầu chấp hành luật kể từ ngày 16/2/2005 tới đây. Hoa Kỳ vẫn đứng ngoài và không chấp nhận nghị định thư nầy.

Vào cuối tuần vừa qua, 5.400 Đại diện của 159 quốc gia đã nhóm họp tại Buenos Aires, Argentina, để bàn thảo vế các quy dịnh chung cho sự hâm nóng toàn cầu vừa được phê chuẩn.

Hoa Kỳ cũng có cử Đại diện, nhưng vẫn luôn luôn biện bác hiện tượng trên qua quan điểm của nhà khí tượng nổi danh thuộc trường MIT, Richard Lidzen là:"Lý thuyết toàn cầu hóa chỉ là một niềm tin tôn giáo (religious belief) hơn là một tính toán khoa học".

Hỏi: Như vậy là Hoa kỳ không tuân thủ nghị định thư nầy hay sao thưa Tiến sĩ?

Đáp: Vào năm 2001, Tổng thống Bush đã cực lực phản bác nghị định thư nầy với ba lý do chính là:

- Sư phân nhiệm với tỷ lệ 36% cho Hoa Kỳ là không công bằng vì Trung Quốc và Ấn Độ và trên 100 quốc gia đang phát triển khác được miễn (nhiễm trong việc) thi hành nghị định thư;

- Sự suy giảm khí thải sẽ kéo theo sự đình trệ trong phát triển của Hoa Kỳ, do đó sẽ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu và sẽ là mối nguy cơ lớn hơn nguy cơ của sự hâm nóng toàn cầu. Theo ước tính của Hoa Kỳ thì hiện tại Trung Quốc và Ấn Độ phải góp phần trách nhiệm vào hiệu ứng toàn cầu nầy. Và mỗi quốc gia sẽ phải chia xẻ 5% theo tỷ lệ phát triển.

- Thêm nữa, hàng năm nếu tính thêm diện tích rừng được tái tạo ở Hoa Kỳ, lượng thán khí CO2 do rừng hấp thụ lại có thể được khấu trừ lượng khí thải do phát triển kỹ nghệ sinh ra. Hay nói khác đi, tỷ lệ khí mà Hoa Kỳ cần phải giảm theo quy định sẽ ít hơn số lượng ghi trong nghị định thư là 36%.

Hỏi: Trước viễn ảnh nghị định thư biến thành luật, việc thi hành luật sẽ được thực hiện như thế nào?

Đáp: Một bước ngoặt hiện nay sủa nghị định thư Kyoto bắt đầu từ khi Nga (Sô) chuẩn y nghị định thư nầy. Và vấn đề sẽ được 5.400 Đại diện trong kỳ phó hội tại thủ đô của Á Căn Đình đối phó.

Thực tế mà nói, nghị định thư Kyoto dù đã được phê chuẩn và sẽ biến thành luật vào tháng 2/2005, nhưng tương lai của việc thi hành luật thật là mong manh. Trước hết LHQ được chỉ định đứng ra để thúc đẩy việc thi hành luật, nhưng cơ quan nầy là một cơ quan không có thực quyền trên thực tế, cũng như nghị định thư không ghi rõ những biện pháp chế tài đối với những quôc gia vi phạm như thế nào.

Ngay cả nếu có ghi rõ đi nữa, việc chế tài sẽ không được thực thi vì sẽ không có quốc gia nào tuân thủ theo lệnh của LHQ cả.

Hỏi: Nhưng các quốc gia trên thế giới đã tuân thủ như thế nào từ khi có dự thảo của nghị định thư năm 1997?

Đáp: Cũng trên thực tế, nghị định thư đã được phác thảo từ năm 1997, nhưng hầu hết các quốc gia trên thế giới vẫn tiếp tục gia tăng mức khí thải hồi vào bầu khí quyển qua việc phát triển quốc gia. Chỉ có hai ngoại lệ là Anh Quốc đã tuân thủ đúng đắn bằng cách áp dụng nhiều công nghệ sạch và hy vọng đạt được chỉ tiêu vào năm 2012.

Trong lúc đó, quốc gia thứ hai là Nga (Sô) cũng đã giảm thiểu việc phóng thích khí thải nầy vì định mức áp dụng cho Nga (Sô) là định mức cho Liên Xô cũ, có quá nhiều kế hoạch sản xuất công nghệ dùng trong quân sự, và hiện tại các cơ sở sản xuất đó đã bị hạn chế hay hủy bỏ. Đương nhiên là lượng khí thải hồi của Nga Sô bị suy giảm.

Đặc biệt hơn nữa, hai quốc gia Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia đã có nền kinh tế phát triển vượt bực trong khoảng thời gian nghị định thư ra đời đến nay. Hai quốc gia nầy đã sử dụng mức năng lượng chính cho phát triển chính là than đá, nguồn nguyên liệu cho ra thán khí và nhiều khí nhà kính khác nhiều nhất so với các nguồn năng lượng khác. Một thí dụ là Trung Quốc đã tiêu thụ hàng năm 200 triệu tấn than dùng cho việc nấu nướng và sưởi ấm, và chỉ riêng việc thải hồi thán khí nầy đã tương đương với 3% tỷ lệ của tổng số khí thải toàn cầu.

Hỏi: Còn các điều khoản cụ thể trong nghị định thư như thế nào?

Đáp: Những điều khoản ghi trong nghị định thư Kyoto như là làm thế nào để giảm thiểu việc phóng thích thán khí ở các kỹ nghệ như ứng dụng những công nghệ sản xuất sạch; các phương tiện di chuyển như xe cộ, tàu bè, máy bay, xe lửa v. v.. đã được khuyến cáo là phải dùng các loại nguyên liệu tạo ra năng lượng sạch.

Hai yêu cầu căn bản trên, tuy hoàn toàn dúng theo tinh thần của nghị định thư trên lý thuyết, nhưng trên thực tế thì không thể thực hiện được. Nhất là không thế áp dụng cho Trung Quốc và Ấn Độ, cùng hơn 100 quốc gia đang phát triển khác trên thế giới.

Hỏi: Thái độ phủ nhận của Hoa Kỳ có nguy cơ làm phá vỡ việc thi hành nghị định thư hay không thưa Tiến sĩ?

Đáp: Hoa Kỳ tuy cực lực phản bác nghị định thư, nhưng trên thực tế, Hoa Kỳ đã có nhiều đóng góp rất lớn cho việc làm giảm thiểu sự hâm nóng toàn cầu. Hoa Kỳ đã tiêu tốn hơn bất cứ quôc gia nào khác trên thế giới để đầu tư vào công việc nghiên cứu các công nghệ sạch cho phát triển.

Hoa Kỳ có nhiều chương trình giảm thuế cho các đại công ty ứng dụng các công nghệ sạch nầy. Một thí dụ điển hình là, công ty Dow Chemical Co, công ty hóa chất lớn nhất của xứ nầy đã giảm lượng CO2 thải hồi từ 28 triệu m3 xuống còn 26 triệu (mà thôi) tính từ năm 1994 đến 2002; trong lúc đó mức sản phẩm sản xuất tăng gần 50% trong thời gian kể trên.

Từ những lý do trên, hai nhà chiến lược xanh (green strategist) Michael Shellenberger và Ted Norhaus thú nhận là việc giải quyết sự hâm nóng toàn cầu không thể nào đi đến sự thành công được.

Hỏi: Theo nhãn quan của Tiến sĩ thì sự hâm nóng toàn cầu là gì và có thêm sự lý giải nào khác không?

Đáp: Theo thiển ý của chúng tôi, lý thuyết về sự hâm nóng toàn cầu vẫn chưa được những nhà khoa học trên thế giới đồng thuận. Một số vẫn cho là lý thuyết nầy chỉ là một giả thuyết và là sản phẩm của các nhà mô hình toán phát ra trên máy điện toán mà thôi.

Một số nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới vẫn quan niệm rằng hiện tượng nhiệt độ không khí tăng dần trong những thập niên gần đây chỉ là một hiện tượng tự nhiên và có tính cách tuần hòan. Họ đã căn cứ vào sự chuyển vận của trái đất theo chu kỳ ấm-lạnh.

Bằng cớ là vào thời kỳ Vikings ở Greenland vào thế kỷ thứ 3, nơi đây đủ ấm để có những đồng cỏ cho người Vikings chăn nuôi cũng như trồng trọt. Có thể gọi khoảng thời gian nầy là chu kỳ ấm của trái đất. Sau đó Greenland đã biến thành những tảng băng cho đến ngay nay, và người Vikings phải di dân vế Scotland và Ireland (Anh Quốc).

Với lý luận trên, thì hiện tại có thể trái đất đang chuyển mình sang chu kỳ ấm khác và những tảng băng ở cả Bắc cực và Nam cực bắt đầu tan dần do việc nhiệt độ của bầu khí quyển tăng lên. Một yếu tố khác cần được ghi nhận ra đây là sự gia tăng dân số trên địa cầu. Chưa đầy một thế kỷ, dân số toàn cầu đã tăng từ 2 tỷ lên hơn 6 tỷ hiện nay. Chính sự gia tăng nầy đã phóng thích một khối lượng thán khí đáng kể cùng với sư gia tăng thân nhiệt của con người.

Hỏi: Và lòai người chúng ta phải làm gì trước vấn đề nầy thưa Tiến sĩ?

Đáp: Trên đây là một số giả thuyết để giải thích sự gia tăng nhiệt đô trên bầu khí quyển hiện tại. Dù biện dẫn (một lời biện dẫn) thế nào đi nữa, những vấn đề cấp bách vẫn hiện hữu và tồn đọng trên thế giới, thiết nghĩ chúng ta cần phải quan tâm hơn là tìm những lý giải cho sự hâm nóng toàn cầu. Đó là:

- Làm thế nào để giải quyết những dịch tật trên thế giới;

- Làm thế nào để tạo nguồn nước sạch cho 1/3 nhân loại trên địa cầu;

- Và việc làm quan trọng nhất LÀ (để giải quyết sự sự) xóa đói giảm nghèo cho toàn cầu.

Hay nói một cách rốt ráo hơn nữa, sự thoái hóa môi trường đáng kể nhất là ba vấn nạn trên chứ không phải là sự hâm nóng toàn cầu.

Thiết nghĩ 5.400 tham dự viên của kỳ Hội nghị ở Buenos Aires nầy cần lưu tâm đến quan điểm vừa kể hơn là bàn thảo thêm những biện pháp đã được Hoa Kỳ và các quốc gia tân tiến trên thế giới đã thực hiện trong việc truy tìm các nguồn năng lượng sạch như: ánh sáng mặt trời, năng lượng gió, sóng biển và thủy triều v. v...

Kính chào Quý thính giả của Đài ACTD

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.