Hòa thượng Thích Quảng Độ trả lời phỏng vấn RFA về thực trạng tôn giáo tại Việt Nam

0:00 / 0:00

By: Ỷ Lan, đặc phái viên đài RFA từ Âu Châu

Lời Giới Thiệu: Hôm thứ Hai 22-11, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ cầm đầu Phái đoàn Viện Hóa Ðạo lên đường ra Quy Nhơn thăm bệnh Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang, nhưng công an Sài Gòn đã chận xe không cho phái đoàn đi. Để tìm hiểu thêm sự việc, Đài Á Châu Tự Do đã liên lạc về Việt Nam và được Hòa thượng Quảng Độ dành cho một cuộc phỏng vấn riêng.

quangdo_110.jpg
Hoà Thượng Thích Quảng Độ.

Ðây là lần đầu tiên Hòa thượng Thích Quảng Ðộ lên tiếng sau hơn một năm im lặng. Ngoài những thông tin về cuộc gặp gỡ với Phái đoàn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Hòa thượng còn đề cập đến tình hình Phật giáo trong nước, công cuộc dân chủ hóa đất nước, Pháp lệnh tôn giáo mà chính quyền Việt Nam vừa ban hành.

Cuộc phỏng vấn do thông tín viên Ỷ Lan thực hiện qua điện thoại viễn liên.

Ỷ Lan : Bạch Hòa thượng, Quốc hội Việt Nam mới thông qua Pháp lệnh về tôn giáo và được áp dụng kể từ ngày 15.11 này. Nếu có thể xin Hòa thượng cho biết ý kiến ?

HT. Thích Quảng Ðộ : Cái đó thì có những 6 chương và 41 điều, nó dài lắm. Nói nhiều, nhưng tôi xin tóm tắt như thế này, cái đó nó chẳng nới lỏng tự do tín ngưỡng gì hết, mà thắt chặt thêm. Thắt chặt những người có tôn giáo, có tín ngưỡng thêm nữa.

Thứ nhất, chẳng hạn như trước đây chưa có quyết định đó thì, không nói các tôn giáo khác mà riêng Phật giáo thôi, tín đồ Phật giáo, các Phật tử muốn làm lễ cầu an, cầu siêu ở nhà, thì đến chùa thỉnh các Thầy về tụng kinh, niệm Phật ở nhà. Nhưng bây giờ không được. Bây giờ những hoạt động như thế chỉ được thực hiện trong các cơ sở thờ tự tôn giáo, tức là chùa chiền, nhà thờ, thánh thất. Như vậy là bây giờ ở tại gia muốn mời sư đến tụng kinh, niệm Phật, cầu an, cầu siêu như tôi nói, là phải xin phép. Bởi vì cái chế độ ở đây là chế độ xin - cho, mà mình xin thì tùy quyền người cho. Họ cho mới được, không cho thì thôi. Mà cái vấn đề xin - cho ở đây rất là phiền hà.

Có cái Pháp lệnh tôn giáo mới này thì lại càng thắt chặt hơn nữa. Tôi bảo đó là cái thòng lọng treo cổ, muốn siết lúc nào cũng được. Chứ có tự do, hay mở rộng, hay nới gì đâu.

Tôi lấy thí dụ ngay bản thân Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một thành viên là Thượng tọa Thích Hải Tạng ngoài tỉnh Quảng Trị. Bây giờ các sư Giáo hội Nhà nước có cán bộ Mặt trận đi theo vào từng nhà dân ở tại xã đó cấm họ không được mời Thầy Hải Tạng đến tụng kinh, làm lễ. Ðấy là chuyện trước đây. Rồi họ bảo không được đến chùa Thầy mà tu. Ai muốn cho con đi tu thì phải đến chùa Nhà nước, chùa các sư nhà nước, chứ không đến chùa đó. Ðó cũng là chuyện thời trước. Chứ bây giờ càng thắt chặt hơn nữa. Có cái Pháp lệnh tôn giáo mới này thì lại càng thắt chặt hơn nữa. Tôi bảo đó là cái thòng lọng treo cổ, muốn siết lúc nào cũng được. Chứ có tự do, hay mở rộng, hay nới gì đâu.

Ỷ Lan : Hòa thượng có điều gì muốn nói thêm hay nhắn nhủ điều gì với Phật giáo đồ và đồng bào trong và ngoài nước ?

HT. Thích Quảng Ðộ : Trước sau như một, lúc nào cũng thế, nhân tiện tôi nhờ làn sóng của Ðài gửi đến toàn thể chư Tăng, Ni, Phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong nước cũng như ngoài nước, tùy theo khả năng, tùy theo hoàn cảnh, làm được cái gì để vận động làm sao, góp phần vận động làm sao cho sự phục hoạt của Giáo hội mau được thành tựu. Luôn luôn quan tâm việc đó. Dốc lòng theo đuổi cuộc vận động ấy cho đến cùng, bằng cách này hay cách khác, mà tuyệt đối tuân thủ pháp luật và bất bạo động để mong sao cho Giáo hội được sinh hoạt lại. Thế thôi. Bởi vì đây là Giáo hội truyền thống từ ngàn xưa như thế, chứ mình không đòi hỏi gì quá đáng.

Gần đây, qua Ðại hội III của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ - Văn phòng II Viện Hóa Ðạo, có công bố một "Tài liệu Mật" mà tôi được biết. Ðó là một toan tính của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nhằm xóa sổ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ngay từ 1975 chứ không riêng bây giờ. Như vậy, gần 30 năm qua họ tìm đủ mọi thủ đoạn, mạnh khóe để tiêu diệt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất mà chưa được. Rồi để cho việc làm của họ, họ gọi là "làm theo lẽ phải", họ lên án chúng tôi là cấu kết "những thế lực thù địch bên ngoài" để "làm chính trị", để "mưu đồ lật đổ"... đủ thứ. Nhưng tôi hy vọng rằng, bây giờ công bố tài liệu ấy thì chính Nhà nước này có manh tâm, tìm cách dùng thủ đoạn "vừa đánh vừa kéo", gài những "đặc tình" vào trong Giáo hội. Cái đó rõ ràng quá, không chối cãi gì được. Vậy tất cả những vận động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất gần 30 năm qua, đó chỉ là một cách tự vệ, chứ không có mưu đồ gì ngoài việc đó.

Mà tôi thấy lạ, bây giờ Nhà nước này la làng là nạn tham ô, tham nhũng rất trầm trọng thành một Quốc nạn rồi. Nhưng khi người ta lập hội để giúp Nhà nước, giúp Ðảng giải quyết vấn đề tham ô nhũng lạm thì Nhà nước lại bắt (người ta).

Vậy bây giờ nếu muốn cho tình hình Phật giáo Việt Nam được ổn định và công việc Giáo hội đi vào chiều hướng ổn định, thì yêu cầu Nhà nước CHXHCNVN trả lại pháp lý cho Giáo hội, cho Giáo hội sinh hoạt lại bình thường. Khi ấy Giáo hội sẽ liên lạc với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tìm cách ngồi lại với nhau để giải quyết mọi vấn đề. Nếu Nhà nước có thiện chí, thiện tâm muốn cho Phật giáo nói chung và Giáo hội nói riêng giúp một tay vào những việc giải quyết bao nhiêu vấn đề của xã hội.

Như tôi đã nói trong bản "Nhận định" của tôi, Nhà nước đừng có tưởng rằng có nhà tù, có quân đội, có công an, có đủ thứ, là làm được tất cả mọi việc đâu ! Không có một Nhà nước nào làm được việc đó.

Mà tôi thấy lạ, bây giờ Nhà nước này la làng là nạn tham ô, tham nhũng rất trầm trọng thành một Quốc nạn rồi. Nhưng khi người ta lập hội để giúp Nhà nước, giúp Ðảng giải quyết vấn đề tham ô nhũng lạm thì Nhà nước lại bắt (người ta). Rồi bây giờ đây cái đạo đức xã hội cũng xuống cấp thảm hại, thì vai trò tôn giáo từ ngàn xưa đến giờ luôn giúp phát triển đạo đức luân thường cho đạo lý dân tộc.

Tất cả trên thế giới, tôn giáo đều có vai trò đó, có thể làm được việc đó.

Nhưng mà làm, thì Nhà nước lại không cho làm. La làng như vậy mà rồi để thanh niên nam nữ lâm cảnh trụy lạc này khác. Vai trò tôn giáo cần thiết trong việc đó, như là đoàn Gia Ðình Phật tử chẳng hạn, trước nay chỉ nhằm giáo dục thanh thiếu niên để tránh được chừng nào hay chừng đó những tệ nạn xã hội, thì Nhà nước lại không cho sinh hoạt. Muốn sinh hoạt thì phải gia nhập cái Giáo hội Nhà nước thì mới được sinh hoạt. Tôi nói nôm na nó buồn cười lắm. Thật sự là mâu thuẫn, thấy nhà mình cháy bừng bừng, sợ quá la làng. Nhưng người ta vào ta cứu chữa cháy, thì lại gạt người ta ra, không cho làm : sợ mất nhà ! Buồn cười. Ấy, cái tình trạng như vậy đấy.

Cho nên bây giờ, Tăng, Ni, Phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, trong nước cũng như ngoài nước, phải một lòng một dạ với nhau vận động cho được cái sự sinh hoạt hồi phục của Giáo hội, làm thế nào góp phần vào những việc ấy, làm cho bớt những tệ nạn xã hội đi. Mà cái đó không thể một mình Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất làm được, mà phải hợp tác với Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Nhà nước lập ra, nếu Nhà nước bây giờ chịu đặt cái Giáo hội Phật giáo, giải phóng Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra khỏi Mặt trận Tổ quốc, ra khỏi cái Ủy ban Tôn giáo Trung ương của Nhà nước. Cho chúng tôi hồi phục lại, nhất định chúng tôi sẽ ngồi lại với nhau một cách êm thắm. Nhà nước đừng can thiệp vào.

Tôi hy vọng Nhà nước nghe cái cuộc phỏng vấn hôm nay, để nghĩ lại xem hành động của mình, thái độ của mình đối với Phật giáo Việt Nam từ 75 đến giờ như thế có đúng đắn không? Mà có lợi không? Có lợi hay có hại?

Cái rắc rối của Phật giáo Việt Nam nói chung, từ 1981 đến giờ, là tại vì Nhà nước can thiệp và chia rẽ chúng tôi ra. Cùng một nhà, cùng một anh em, mà giờ biến thành kẻ thù. Tôi nói kẻ thù, là nói tương tự như từ ngữ ngoài thế gian. Thực là, không ai còn nhìn mặt ai được nữa. Thế mà Nhà nước cứ thường kêu gọi đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, mà sao chính Nhà nước chia rẽ làm mất đoàn kết chứ nhân dân ai làm mất đoàn kết đâu.

Tôi hy vọng Nhà nước nghe cái cuộc phỏng vấn hôm nay, để nghĩ lại xem hành động của mình, thái độ của mình đối với Phật giáo Việt Nam từ 75 đến giờ như thế có đúng đắn không? Mà có lợi không? Có lợi hay có hại? Bây giờ cái lợi cho Nhà nước là Nhà nước dùng cái Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm tay sai, bảo họ cái gì họ phải làm cái đó. Thậm chí cái Ðàn giới thiêng liêng, thanh tịnh như thế, mà biến nó thành cái trường tranh đấu chính trị hoan hô đả đảo. Cái chuyện đó cả thế giới biết rồi. Vừa rồi đây này, cái Ðàn giới tại cái chùa Phổ Quang gọi là Ðàn giới Thiện Hòa mới mấy tháng nay thôi(1).

Thành ra nếu Nhà nước muốn Giáo hội làm tay sai thì chẳng được ích gì cho Nhà nước mà còn hại cả Giáo hội, thì người ta phải xa lánh cái Giáo hội đó. Vậy cho nên, nếu Nhà nước còn có tâm huyết đối với dân tộc trong hiện tại và tương lai, thì phải nghĩ đến điều đó. Tôi đã nói rồi, đừng sợ gì Phật giáo. Từ ngàn xưa Phật giáo không bao giờ có tham vọng chính trị. Trong lịch sử Phật giáo từ hai ngàn năm nay, có ai nghe nói có một chính quyền Phật giáo chưa? Nhà sư ra làm tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng này bộ trưởng khác chưa? Không có chuyện đó. Giáo hội có làm chính trị hay chưa?

Từ đời Lý, Trần, Phật giáo thịnh như thế mà Giáo hội không bao giờ làm chính trị. Các quốc sư là cố vấn của nhà vua. Nhà vua cần gì mời vào hỏi, góp ý kiến với nhà vua xong về chùa, không ăn lương Nhà nước, không có chức vị gì. Ngày nay, Nhà nước phong cho những Thượng tọa, những Ðại đức, những Hòa thượng, ôi, rồi phát huy chương Sao Vàng, Hồ Chí Minh...

Làm thế là nhục cho Sư, chứ không phải vinh đâu. Mà đã nhục cho sư thì sư làm gì giúp Nhà nước được. Cho nên, tôi mong rằng Nhà nước CHXHCNVN nghe được cuộc phỏng vấn hôm nay. Nhờ Ðài, nhờ cuộc phỏng vấn mà tôi nói với Nhà nước, chứ tôi chả có phương tiện gì nói với Nhà nước. Nhà nước cũng chẳng thèm nói chuyện với tôi, coi như kẻ thù, tìm đủ mọi cách để mà loại ra.

Ỷ Lan : Xin cảm ơn Hòa thượng Thích Quảng Ðộ !