Chính quyền Bush và chính sách đối với Châu Á trong bốn năm tới


2005.01.14

Gần đây, mỗi khi nói đến chính sách ngoại giao của Mỹ sau khi Tổng Thống George W. Bush tái đắc cử, giới quan sát quốc tế phần nhiều thường cho rằng một trong những nhu cầu ưu tiên của Mỹ là phải hàn gắn mối liên hệ với các nước Tây Âu bị sứt mẻ nhiều bởi quyết định đơn phương của Mỹ tấn công Irak, trong khi đó thì những vấn đề ở Châu Á thì tương đối ít được đề cập tới.

Thực ra, theo nhận xét của rất nhiều người thì trọng tâm những vấn đề lớn trên chính trường quốc tế đang chuyển dần sang vùng Châu Á. Đài Á Châu Tự Do trao đổi ý kiến với ông Trần Sơn Nam về một số nhận định của những giới này, đặc biệt khi nhìn qua những thành quả của chính quyền Bush trong 4 năm qua ở Châu Á.

Hỏi: Thưa ông Trần Sơn Nam, trong hai tuần vừa qua, một trong những hình ảnh được chú ý sau thiên tai lớn gây tai họa cho một số nước ven bờ Ấn Độ Dương là sự có mặt trở lại của Mỹ ở vùng này, với những người lính chiến và hàng chục trực thăng từ những hàng không mẫu hạm của Mỹ tới giúp những người dân ở nơi xa không có thực phẩm và nước uống.

Nhưng nhìn rộng ra, trong khi giới quan sát quốc tế cho rằng rồi đây trọng tâm của nhiều vấn đề lớn trên chính trường quốc tế sẽ chuyển dần sang vùng Châu Á- Thái Bình Dương, thì liệu sự có mặt cụ thể của Mỹ mà mọi người đang để ý có phải là một sự chuyển hướng mới của Mỹ trong chính sách đối với Châu Á không ?

Đáp: Thưa, quả thật sự có mặt của người Mỹ dưới đủ mọi hình thức (cả một hạm đội với hàng không mẫu hạm và hàng chục trực thăng và hơn 12 ngàn quân lính Mỹ) tại Ấn Độ Dương để giúp vào việc cứu trợ những nạn nhân của thiên tai Tsunami đã được dư luận trên thế giới đặc biệt chú ý.

Do đó mà hơn lúc nào hết, người ta lại đặt câu hỏi : Ông Bush vừa được người dân Mỹ bầu lại để lãnh đạo siêu cường quốc Mỹ thêm một nhiệm kỳ 4 năm nữa, đã đành ông còn phải đối phó với những vấn đề ở Trung Đông, ở Châu Âu và nhiều nơi khác nữa, nhưng riêng đối với miền Châu Á- Thái Bình Dương thì chính sách của Mỹ có gì thay đổi không?

Theo chỗ tôi được biết thì gần đây, tháng 11 vừa qua, sau khi ông Bush đã tái đắc cử, tại một Trung Tâm Nghiên Cứu có tiếng của Mỹ, là Woodrow Wilson International Center for Scholars, đã có một buổi hội thảo về chính sách của chính quyền Bush đối với Châu Á, với sự có mặt đông đủ của nhiều sử gia, học giả và nhiều nhà ngoại giao của Mỹ cũng như của một số nước Châu Á.

Trước khi nhìn vào tương lai, họ có đưa ra một số nhận định sơ khởi về những thành quả của Mỹ trong 4 năm qua. Theo đa số những người tham dự thì những thành quả này cũng tương đối đáng kể.

Hỏi: Xin ông cho biết, những thành quả này thuộc lãnh vực nào?

Đáp: Theo một bản phúc trình của Trung Tâm nói trên, thì một số đông những người tham dự đồng ý với nhận xét của ông James Kelly, Thứ Trưởng Ngoại Giao của Mỹ, phụ trách những vấn đề Châu Á-Thái Bình Dương: Mỹ đã đạt được kết quả cụ thể trong việc tăng cường thế liên minh với các nước Châu Á, ngoại trừ trương hợp đối với Nam Hàn.

Đặc biệt, họ nhìn nhận là đối với Nhật Bản, Mỹ đã củng cố được mối liên hệ với chính phủ của Thủ Tương Koizumi, và riêng đối với trung Quốc, sau những trục trặc lúc đầu, Mỹ đã tạo dựng được với Bắc Kinh một liên hệ trên mức bình thường. Người ta nói rằng thật là hãn hữu, cùng một lúc Mỹ có mối giao hảo với cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc, và đã giữ được thế quân bình giữa Trung Quốc và Đài Loan cũng như giữa Ấn Độ và Pakistan.

Riêng trong trường hợp đối với Trung Quốc, một Khoa Trưởng tại trường Đại Học George Washington, giáo sư Harry Harding, có đưa ra nhận định là chính quyền Bush dường như không còn nhắc tới quan niệm của ứng cử viên Bush mấy năm trước đây theo đó Trung Quốc là một đối tác CẠNH TRANH trong cuộc thi đua chiến lược ("strategic competitor").

Hỏi: Còn về vấn đề chống khủng bố là mối quan tâm hàng đầu của Hoa Kỳ thì châu Á có quan niệm ra sao? Hoa Kỳ có đạt được kết quả nào tại châu Á không ?

Đáp: Ở đây thì người ta phải kể đến ý kiến của những nhà học giả và ngoại giao Châu Á. Theo những người này thì mặc dầu nhiều nước ớ Châu Á cũng là nạn nhân của khủng bố, nhưng họ không quá chú tâm đối với vấn đề này vì dưới con mắt của nhiều người ở Châu Á, cuộc khủng hoảng tiền tệ và kinh tế năm 1997 có thể còn nguy hiểm hơn biến cố ngày 11 tháng 9 ở Mỹ.

Và họ còn đề nghị thêm là trong những năm tới, Mỹ nên để ý nhiều hơn đến những vấn đề của Châu Á, nới rộng tầm nhìn ra khỏi khung cảnh pháp lý và hợp tác quân sự liên hệ tới chiến dịch chống khủng bố. Về phương diện này, người ta cũng để ý đến nhận định của bà Chan Heng Chee, Đại Sứ của Singapore.

Bà nhắc nhở Mỹ nên nhìn vào những quan tâm của khối những người theo Hồi Giáo ở trong vùng Châu Á vì nếu được như vậy thì đây có thể là nhịp cầu mang lại mối giao hảo với khối người Hồi Giáo ở Trung Đông và những nơi khác.

Hỏi: Thưa ông, còn về vấn đề dân chủ tại châu Á thì có được nói đến không?

Đáp: Riêng về vấn đề dân chủ thì ông James Kelly có khẳng định: cổ võ cho dân chủ là một phương cách chống khủng bố, và tiến trình dân chủ trong những năm vừa qua đã được đẩy mạnh. Ông đưa ra trường hợp của nhiều cuộc bầu cử ở Châu Á và nhấn mạnh đến trường hợp 3 cuộc bầu cử với kết quả tốt đẹp ở Indonesia.

Hỏi: Kết quả 4 năm qua đã vậy, thế còn 4 năm tới thì sao?

Đáp: Để trả lời câu hỏi này thì ông Kelly không phủ nhận là dĩ nhiên trong nhiệm kỳ 4 năm tới của Tổng Thống George W. Bush, những nhà ngoại giao sẽ còn phải đối phó với nhiều thử thách quan trọng, trong số đó phải kể một số những vấn đề ưu tiên như: thuyết phục chế độ Bắc Hàn từ bỏ ý định sản xuất và xuất khẩu những vũ khí hạt nhân, làm sao giữ cho tình trạng giữa Hoa Lục và Đài Loan bớt căng thẳng, thuyết phục chế độ quân phiệt Miến Điện nới rộng khung cảnh chính trị để tiến tới một nến dân chủ thực sự cho người dân ở đây, và luôn luôn lưu ý những nước liên hệ về nhựng vụ vi phạm nhân quyền hay tự do tôn giáo,v.v…

Hỏi: Theo ông thì nhìn chung các nước Châu Á có thực sự mong muốn sự có mặt của người Mỹ ở Châu Á không ?

Đáp: Trước hết, về tổng kết cuộc hội thảo tôi vừa đề cập tới trên đây thì phần đông những người tham dự buổi hội thảo không phản bác phần kết luận tương đối lạc quan của ông Kelly về những kết quả mà chính sách ngoại giao của Mỹ đã đạt được trong 4 năm qua.

Nhưng mặc dầu không phản bác, họ cũng tỏ vẻ dè dặt về mức độ những thành quả như đã được ông Kelly trình bầy( như trong vụ điều đình với Bắc Hàn). Cũng có người lại đưa ra nhận xét là có lẽ vì quá chú trọng đến khủng bố và chiến tranh Irak, Mỹ dường như đã vắng mặt ở Châu Á.

Để trả lời sự quan tâm này, ông Kelly nói như sau: " Mỹ là một nước thuộc vùng Châu Á- Thái Bình Dương. Chúng tôi là một thành phần của vùng này và chúng tôi có ý định ở lại đây"

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.