Nguyễn Khanh, phóng viên RFA
Cuộc bầu cử Quốc Hội Iraq đã hoàn tất. Báo chí thế giới, Hoa Kỳ và đặc biệt nhất là báo chí Trung Ðông nói gì về cuộc bầu cử này? Chúng tôi xin ghi nhận phản ứng của giới truyền thông khắp nơi nói về cuộc bầu cử mới diễn ra hôm Chủ Nhật vừa rồi ở Iraq và gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Tạp Chí Truyền Thông Quốc Tế tuần này.
Báo chí Mỹ
Tại Hoa Kỳ, nhật báo The New York Times cho rằng cuộc bầu cử thành công ở mức không ngờ, và ngay ở một số khu vực phần đông là người theo Hồi Giáo Sunni, số cử tri đi bầu cũng đông hơn dự đoán, trong lúc tập thể người Hồi Giáo Shiite và người Kurds “bất chấp hiểm nguy, b ấtkể đe dọa bị giết, vẫn đi bầu cho một nền dân chủ mới và cho sự ổn định chính trị” của quốc gia. Vì thế cuộc bầu cử “là một thông điệp mà thành phần nổi dậy vô chính phủ phải chấp nhận”.
Bài bình luận của nhật báo The New York Times viết tiếp:
Vẫn còn nhiều thử thách chính trị đầy cam go ở trước mặt. Ðã đến lúc những kẻ vẫn thường tự xưng là nhân danh nhân dân Iraq để chiến đấu phải nhìn nhận rằng, rõ ràng, người dân Iraq muốn các trận chiến diễn ra trong tình thần ôn hòa, theo đúng quy định của hiến pháp.
Nhật báo The Washington Post nhận định cuộc bầu cử “là một hành động thiêng liêng và quả cảm, là câu trả lời cho những ai thắc mắc không biết sứ mệnh của Hoa Kỳ ở Iraq có chính nghĩa hay không”. Dù vậy, tờ The Washington Post cũng nhận xét rằng các phần tử nổi dậy sẽ tiếp tục hành động giết người, nên sự hiện diện của binh sĩ Hoa Kỳ ở Iraq vẫn là điều cần thiết.
Ðể bảo vệ và giúp nền dân chủ phôi thai ở Iraq cơ hội sống còn, binh sĩ Mỹ phải tiếp tục chiến đấu và hy sinh. Có lẽ trong thời gian ngắn sắp tới, cuộc bầu cử chẳng giúp cho công tác mà binh sĩ Mỹ đang thực hiện trở nên dễ dàng hơn, hay cái giá mà các binh sĩ phải trả sẽ nhẹ hơn.
Nhật báo The Wall Street Journal thì cho rằng cuộc bầu cử là “bằng chứng hùng hồn nhất trước những chỉ trích, nghi ngờ chính sách mà Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush đang cho thực hiện ở Iraq”. Bài bình luận có đoạn viết như sau:
Phải đợi cả tuần lễ nữa thế giới mới biết được những ứng cử viên nào chiến thắng trong cuộc bầu cử tại Iraq, nhưng ngay lúc này chúng ta đã biết thành phần gây rối chính là những kẻ thất bại. Bất chấp đe dọa và những vụ đánh bom quyết tử, hàng triệu người dân Iraq đã đi bầu và điều đó chứng tỏ rõ là những kẻ gây rối không đại diện cho tập thể mà chúng thường gọi là tập thể người Iraq yêu nước.
Tương tự như vậy, nhật báo USA Today gọi cuộc bầu cử là “thành công” nhưng đồng thời cũng cảnh báo những thử thách đang chờ đón trước mặt, vì “con đường xây dựng dân chủ vẫn còn dài, thành công ở Iraq chưa đảm bảo và chuyện binh sĩ Hoa Kỳ sớm được đưa về nước vẫn chưa thể xảy ra”. Bài bình luận của tờ The Los Angeles Times còn thực tế hơn nữa, khi đưa ra những điểm mà giới lãnh đạo Iraq phải làm ngay sau khi cuộc bầu cử kết thúc.
Chính Phủ Lâm Thời phải thành công, phải lấp được những lỗ hổng đang có, như làm sao thủ đô Baghdad có điện thường xuyên hơn, làm sao để người dân ở quốc gia dầu hỏa này không phải xếp hàng cả giờ đồng hồ để mua xăng nhớt. Rất nhiều người dân Iraq cho hay họ vui mừng khi thấy cựu lãnh tụ Saddam Hussein bị lật đổ, nhưng đời sống thường nhật của họ bây giờ tệ hơn trước.
Nhận định của gới truyền thông Trung Ðông
Báo chí xuất bản ở Trung Ðông cũng dành rất nhiều giấy mực để viết về cuộc bầu cử được tổ chức và thành công tại Iraq. Một điểm đáng chú ý là ngay chính những tờ báo trước đây từng lớn tiếng chỉ trích Hoa Kỳ và sự hiện diện của quân đội Mỹ, thì sau cuộc bầu cử đã dịu giọng hơn trước.
Trước hết là tờ Arab News ở Ả Rập Saudi. Tờ báo xuất bản bằng Anh Ngữ này viết:
“Chắc chắn là có những sai lầm, thiếu sót, nhưng bầu cử vẫn còn hơn là không bầu cử. Những người được chọn thành lập Chính Phủ mới ở Baghdad sẽ dựa vào sự ủy nhiệm của nhân dân để làm việc.
Tờ Al-Mustaqbal ở Li Băng cũng tin rằng dựa theo mọi tiêu chuẩn bầu cử, cuộc bầu chọn đại biểu Quốc Hội ở Iraq phải được xem là thành công và tương lai Iraq giờ đây “sẽ được định đoạt bởi kết quả của những nỗ lực hòa giải” mà tân Chính Phủ Baghdad sẽ cho thực hiện. Riêng tờ Al-ahram ở Ai Cập lại đặt ra một vấn đề rất đáng được nhắc đến: bầu cử ở Iraq sẽ ảnh hưởng cả khu vực.
Cuộc bầu cử ở Iraq là một cơ hội để tái cấu trúc lại bàn cờ chính trị Trung Ðông, kể cả việc tái cấu trúc lại quan hệ giữa các sắc dân và tôn giáo. Liệu các lực lượng chính trị trong vùng có thể bỏ qua những bất đồng để cùng nhau xây dựng Iraq và giúp Iraq hoàn tất tiến trình đổi mới chính trị?
Nhưng trước khi có thể thấy cuộc bầu cử tại Iraq ảnh hưởng đến toàn khu vực, câu hỏi đang được đặt ra là liệu ổn định có đến với người dân Iraq hay không. Một ngày sau cuộc bầu cử diễn ra tại Iraq, bài bình luận đăng trên nhật báo The Gulf News ở Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất có đoạn viết:
Cuộc bầu cử không đảm bảo được an ninh bà hòa bình. Không có gì chắc chắn là nền dân chủ mới thành hình ngày hôm qua ở Iraq sẽ tồn tại, nhưng việc người dân Iraq nắm bắt lấy cơ hội để dựng xây một Chính Quyền ổn định là điều phải được ngợi khen.
Cùng một quan điểm với tờ The Gulf News, nhật báo Daily Star xuất bản ở Beirut nhắc đến sự thật không thể chối bỏ là số cử tri theo Hồi Giáo Sunni đi bầu không được đông, vì thế đại biểu của 2 thành phần gồm Hồi Giáo Shiite và người Kurds sẽ chiếm đa số ở quốc hội Iraq. Bài bình luận của tờ Daily Star có đoạn viết:
Bất kể vì lý do gì khiến người theo Hồi Giáo Sunni không đi bỏ phiếu, nhưng sự thật vẫn tồn tại: họ là người dân Iraq và kết quả cuộc bầu cử này không hoàn toàn 100% hợp pháp đối với họ.
Vì thế, bài bình luận viết tiếp, việc xây dựng một nước Iraq ổn định là điều còn quá xa vời.
Sự ổn định của Iraq dựa vào tập thể Hồi Giáo Shiite đang chiếm đa số, và quan trọng hơn nữa, là với tư cách cường quốc đang chiếm đóng Iraq, Hoa Kỳ phải đảm bảo quyền lợi và an ninh của người Hồi Giáo Sunni phải được tôn trọng, và trong tương lai, vị thế của tập thể Hồi Giáo Sunni đối với đất nước cũng phải được đảm bảo.
Bầu cử Iraq dưới mắt báo chí Việt Ngữ
Chúng tôi xin được kết thúc Tạp Chí Truyền Thông Quốc Tế tuần này với bài bình luận mang nhan đề Nếu Ðược Chọn, Ai Cũng Muốn Dân Chủ được đăng tải trên Nhật Báo Người Việt xuất bản tại Quận Cam, bang California. Bài bình luận có những đoạn viết như sau.
Qua hành động tham gia bỏ phiếu ngày Chúa Nhật vừa qua, dân Iraq đã chứng minh rằng: nếu được tự do lựa chọn, người dân nước nào cũng sẵn sàng sử dụng quyền dân chủ của mình, quyền chọn người đại biểu để lãnh đạo đất nước.
Những người đang nắm quyền cai trị độc tài thường nói không thể có tự do bầu cử vì những lý do mạnh mẽ, như: dân chúng chưa có thói quen lựa chọn bằng lá phiếu; trình độ giáo dục thấp nên sợ dân sẽ chọn lựa sai lầm; người dân còn nghèo quá, lo ăn nhiều hơn lo bỏ phiếu là chỉ có giới trí thức quan tâm; hoặc đất nước còn hỗn loạn hay bị đe dọa về an ninh, cho đảng phái tranh đấu với nhau sẽ gây chia rẽ.
Tất cả những lý lẽ đem ra để biện hộ cho các chế độ độc tài phải đem vứt vào thùng rác hết. Không có nước nào đang ở trong tình trạng hỗn loạn như Iraq bây giờ. Hơn 30 phần trăm dân lao động thất nghiệp. Dân Iraq chưa bao giờ thí nghiệm chính trị đa đảng, chưa bao giờ được phép đối lập với nhà nước, không có tự do ngôn luận, và chính quyền tàn ác cai trị bằng lòng sợ hãi của dân suốt 30 năm qua.
Người Iraq không được bỏ phiếu tự do trong hàng thế kỷ qua, mặc dù chế độ độc tài của ông Hussein lâu lâu lại bắt người ta đi bầu, cũng nhân danh tinh thần Dân Chủ. Nhưng lần này họ biết họ được tự do thật. Vì có quân Mỹ cầm súng đóng vai bảo đảm không cho một chính quyền nào đàn áp những người đối lập chính trị bất bạo động.
Trong ngày bỏ phiếu, có những người Iraq tuyên bố thẳng là họ tẩy chay bầu cử, nói thêm rằng họ chỉ ủng hộ ông Saddam Hussein. Những lời nói đó được tường thuật tự do, mà người nói không bị bắt, không bị điều tra, hỏi cung, không lo bị trả thù. Riêng chuyện đó cũng cho người Iraq thấy sống tự do dễ chịu hơn sống với một chế độ độc tài.
Những người nổi dậy chống Mỹ đã tạo cảnh hỗn độn trong mấy tháng qua và gia tăng gấp đôi các hành động khủng bố trong ngày bỏ phiếu. Nhưng ở các thành phố mà đa số dân theo giáo phái Shi A, hoặc trong vùng người Kurd sống và nắm quyền, người dân đi bỏ phiếu rất đông mặc dù bị đe dọa tới tính mạng. Ở ngay trong các khu người Shi A hoặc người Kurd, vẫn có những vụ xe đem chất nổ và bắn sẻ, pháo kích. Thái độ của người dân cho thấy họ biết họ đông đảo hơn những nhóm khủng bố và nổi dậy. Họ biết rằng nếu tất cả cùng ra đường, cùng tới thùng phiếu thi hành quyền dân chủ, thì các nhóm khủng bố không đủ quân, không đủ vũ khí để tấn công tất cả mọi người. Nhưng điều đó không có nghĩa là ai cũng được an toàn khi ra đường đi tới phòng phiếu.
Nhưng đại đa số người dân vẫn đi bầu, ai cũng sẵn sàng liều mạng để chứng tỏ họ rất thiết tha với quyền bỏ phiếu. Ðó là một chứng cớ hùng hồn: Nếu được tự do lựa chọn, người dân sẽ sử dụng quyền lựa chọn. Mười năm trước khi chế độ quân phiệt Miến cho phép các đảng đối lập hoạt động, người dân đã hành động ngay. Ða số họ bầu cho Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ, và chính quyền quân phiệt phải nuốt lời, hủy bỏ kết quả đầu phiếu. Người Iraq muốn được sống dân chủ, người Việt Nam hay người Miến Ðiện cũng như vậy.
Tuy nhiên, sau khi chứng kiến khát vọng dân chủ của dân Iraq được biểu lộ trong cuộc bầu cử, chúng ta cũng phải nhớ rằng cuộc bỏ phiếu chỉ là một bước đầu, một thứ tuyên ngôn cụ thể. Chế độ và tinh thần dân chủ chỉ phát triển được ở Iraq nếu những người lãnh đạo đã được bầu lên biết sử dụng quyền hành của mình theo đúng tinh thần dân chủ. Một trong các yếu tố đó là không chấp nhận “độc tài của đa số.”
Người theo phái Shi A chiếm hơn 60 phần trăm dân số, sau hàng thế kỷ bị người Sun Ni thống trị, phải thể hiện tinh thần dân chủ trong việc chia sẻ quyền hành cũng như trong việc soạn thảo bản hiến pháp sắp tới. Ðộc tài của đa số cũng phản dân chủ như độc tài của thiểu số.