Đọc báo trong nước trên mạng Internet (Ngày 21-2-2004)

Bấm vào đây để nghe tiết mục này

Rightclick to download this audio

Thưa quí thính giả, trong tuần các báo online của Việt Nam đưa lên mạng nhiều bài viết liên quan tới các vấn đề được bạn đọc chú ý. Đại họa cúm gà, vụ kiện tôm hẳn nhiên là thời sự ảnh hưởng tới nhiều triệu người VN, nhưng có một câu chuyện chỉ liên quan tới 3 người, một nhân vật ngang hàng thứ trưởng, một người môi giới và một bé gái 13 tuổi, lại được hầu hết các báo săn tin tường thuật và cập nhật sôi nổi trên mạng.

Mục đọc báo online tuần này chúng tôi sẽ điểm lại các đề tài thời sự vừa nói hầu quí thính giả, thông qua các trang web của Vietnam net, Tin nhanh Việt Nam, Tuổi Trẻ, Lao Động và Thanh Niên Online

Thưa quí giả, mục điểm báo mạng tuần này khởi sự bằng vụ án ông Lương Quốc Dũng, nhân vật số 2 của ủy ban thể dục thể thao quốc gia cấp bậc ngang hàng thứ trưởng, bị cáo buộc xâm hại tình dục một bé gái 13 tuổi. Suốt tuần tất cả các báo online của ViệtNam, hàng ngày đều có thông tin hoặc mở phóng sự điều tra vụ việc.

Đến trưa thứ năm 19/2 thì sở công an Hà Nội đã tiến hành bắt tạm giam ông Dũng tại trụ sở ủy ban thể dục thể thao, đồng thời khám xét văn phòng và nhà riêng của ông này. Ông Lương Quốc Dũng, 51 tuổi tiến sĩ kinh tế học từng giữ nhiều chức vụ cao cấp trong khu vực kinh tế nhà nước, trứơc khi đảm nhận vị trí phó chủ nhiệm ủy ban thể dục thể thao từ năm 1998 cho tới hôm bị bắt.

Chúng tôi không trở lại chi tiết về trường hợp phạm tội của ông Lương Quốc Dũng, mà các báo nói rằng xảy ra từ ngày 30/12 năm ngoái. Vụ việc được tóm tắt là qua một phụ nữ trung gian, ông Dũng đã có hành động xâm phạm tình dục một bé gái 13 tuổi tại một khách sạn ở Hà Nội. Vấn đề đặt ra ở đây, như bài viết ngày 19/2 của Tin Nhanh Việt Nam, bà Trần Thị Tâm Đan, chủ nhiệm ủy ban văn hoá giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng quốc hội VN tuyên bố theo nguyên văn, việc ông Dũng bị cáo buộc xâm phạm tình dục trẻ em là hồi chuông báo động về đạo đức cán bộ nhà nước.

Còn ông Nguyễn Thiết, vụ trưởng vụ trẻ em ủy ban dân số gia đình và trẻ em VN phát biểu với đài chúng tôi: (audio clip)

Trở lại đại dịch cúm gà, các báo mạng cũng đưa nhiều tin đáng chú ý. Chẳng hạn như chuyện nhà nước cho phép tiêu thụ sản phẩm gia cầm ở vùng an tòan kể từ ngày 20/2, tuy rằng có 3 ổ dịch mới phát sinh trong hai ngày 18 và 19/2, 2 ổ cấp thôn thuộc địa bàn Đồng Tháp và Đắc Lắc, trường hợp còn lại ở xã Chương Dương Huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình. Ngay chính tại huyện Đông Hưng này, cách ổ dịch mới phát sinh không xa, người dân địa phương từ lâu nay vẫn trao đổi gà vịt trứng ngoài vòng kiểm soát: (audio clip)

Chính phủ mở cửa lại thị trường gia cầm với văn bản do bộ trưởng Lê Huy Ngọ, chủ tịch ban chỉ đạo quốc gia chống dịch ký ban hành chiều 19/2. Văn bản này mang tên qui định tạm thời về giết mổ gia cầm, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gia cầm tại vùng không có dịch. Báo chí cho rằng đây là lối thoát cho người chăn nuôi gia cầm. Từ ngày 20/2, gia cầm các lọai như gà vịt ngan ngỗng chim không có bệnh và đã qua chế biến thì được phép lưu hành ngay trong địa phương nơi có trang trại.

Qui định ghi rõ là với các trại nuôi công nghiệp, sản phẩm sơ chế tại chỗ nếu có hợp đồng có thể bán cho các nhà máy xí nghiệp chế biến ở nơi khác ngòai địa phương mình. Bộ trưởng Ngọ nhấn mạnh rằng, việc mở lại thị trường gia cầm phải bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường. Nhưng báo chí cho rằng đây là vấn đề rất khó thực hiện, vì các ổ và vùng dịch đan chen với các khu vực an tòan.

Một thực tế được ông Lê Huy Ngọ nhìn nhận, là ngay cả khi đã giải tỏa mở đường cho sản phẩm ra thị trường, nhưng người tiêu thụ có hưởng ứng hay không lại là vấn đề khác. Theo ông Ngọ với thị trường và tâm lý tiêu dùng như hiện nay, việc tìm kiếm đầu ra của các trang trại lớn là một thách thức. Phản ánh tâm lý lo sợ cho an tòan sức khỏe như vừa nói, mời quí thính giả nghe một bạn gái trẻ ở Hà Nội phát biểu: (audio clip)

Còn ông Bùi Quang Anh cục trưởng thú y nói với báo chí rằng, sau quyết định mở cửa thị trường, công tác kiểm soát dịch tễ sắp tới sẽ vô cùng khó khăn . Ông đưa ra một tình huống, theo đó ở những địa phương chưa phát dịch, nay bỗng có vài gia cầm chết bất ngờ, người chăn nuôi sẽ không vội thông báo cho cơ quan chức năng như trước để xin tiêu hủy tòan đàn và nhận tiền hỗ trợ. Thay vào đó họ sẽ lập tức giết mổ và tiêu thụ gấp rút những con khác trước khi cả đàn bị chết vì dịch.

Cùng với thông tin về qui định tạm thời cho tiêu thụ sản phẩm gia cầm, nhiều tỉnh sau nửa tháng không phát thêm ổ dịch mới chuẩn bị công bố hết dịch và khôi phục ngành chăn nuôi gia cầm ở địa phương. Tuy vậy trái với các thông tin lạc quan về việc cho tiêu thụ lại sản phẩm gia cầm vùng ngòai dịch, bộ y tế xác nhận là cho đến chiều ngày 19/2 tổng số bệnh nhân nghi nhiễm cúm gia cầm là 267 trường hợp, số tử vong là 38.

Nằm trong số này có 22 trường hợp xác định dương tính với vi rút H5N1, 15 người đã chết, 7 người đang được điều trị tại bệnh viện. Thứ trưởng y tế Trần Chí Liêm cho rằng dịch viêm phổi cấp tính do vi rút còn diễn biến phức tạp vì vi rút có thể tồn tại trong phân gà rất lâu. Trả lời đài ACTD về quan điểm bảo vệ sức khỏe người dân đối với quyết định mở cửa lại thị trường gia cầm ở vùng an tòan, tiến sĩ Trần Đức Long, phó vụ trưởng vụ pháp chế bộ y tế nói: (audio clip)

Trong tuần các báo của VN đưa lên mạng nhiều thông tin cập nhật về việc ủy ban hiệp thương quốc tế Mỹ USITC đưa ra kết luận sơ bộ vào hôm 17/2, xác nhận rằng có tình trạng xuất khẩu tôm phá giá từ 6 nước Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc Brazil, Ecuador và Ấn Độ vào thị trường Hoa Kỳ. Và như vậy vụ kiện tôm sẽ được xúc tiến theo thủ tục. Vào ngày 8 tháng 6 sắp tới bộ thương mại Mỹ qua kết quả điều tra sẽ đưa ra quyết định sơ bộ về vấn đề có cần áp đặt thêm mức thuế cho tôm nhập khẩu hoặc áp dụng hạn ngạch nhập khẩu cho 6 nứơc vừa nói hay không.

Theo các báo trên mạng, VASEP tức hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam bày tỏ sự thất vọng và lấy làm tiếc về quyết định sơ bộ của ủy ban hiệp thương quốc tế Mỹ. VSAEP khẳng định, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam hòan tòan không bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ, không gây thiệt hại và đe dọa gây thiệt hại vật chất cho ngành công nghiệp tôm của Hoa Kỳ. Được biết 9 tháng đầu năm 2003, Việt Nam xuất qua Mỹ lượng tôm trị giá 418 triệu đô la xếp thứ hai sau Thái Lan với 631 triệu đô la. Bên nguyên đơn liên minh tôm miền nam đòi áp thuế nhập khẩu 93% đối với tôm Việt Nam. Thưa quí thính giả với thông tin về vụ kiện tôm, chúng tôi xin kết thúc mục đọc báo mạng buổi nay.