Kinh tế Châu Á sau Khủng hoảng


1999.12.25

Lời giới thiệu: Với nỗ lực tổng kết một số bài học về quản lý và cải tổ kinh tế trong năm 1999 sau vụ khủng hoảng Đông Á, Diễn đàn Kinh tế kỳ này xin nói về lời báo động của Ngân hàng Thế giới đối với các quốc gia vừa hồi phục khỏi cơn khủng hoảng và đặc biệt về những rủi ro có thể xảy ra trong một vài năm tới. Với lời chúc mừng một năm mới được nhiều may mắn và hạnh phúc, Nguyễn An Phú xin làm công việc tổng hợp trên qua bài phân tách sau đây... Nếu hai năm 1997 và 1998 được gọi là năm khủng hoảng thì năm 1999 đang chấm dứt có thể được gọi là năm Ộphục hồi kinh tế của châu ÁỢ. Sở dĩ như vậy vì cả năm nền kinh tế bị khủng hoảng nặng tại Đông Á, là Thái Lan, Indonesia tức là Nam Dương, Mã Lai Á hay Malaysia, Phi Luật Tân hay Philippines và Đại Hàn, đều đã chìm tới đáy vào cuối năm 98 và lần lượt ổn định rồi bắt lại đà tăng trưởng trong năm nay. Tuy nhiên dù khủng hoảng coi như đã dứt, người ta vẫn e rằng châu Á chưa chắc đã tránh được trường hợp tương tự có thể tái diễn trong tương lai, và nhiều người nói tới một số mặt trái của sự phục hồi này. Chúng ta sẽ tìm hiểu những điều đó ở nơi đây. Dùng một thành ngữ thông dụng tại Mỹ, đại ý là "chẵn lẻ gì cũng đòi thắng", trong tuần qua, phó chủ tịch đặc trách Á châu Thái bình dương Jean-Michel Severino của Ngân hàng Thế giới đã báo động, rằng các nước Á châu vừa muốn sớm ra cơn khủng hoảng kinh tế Đông Á lại vừa tránh những biện pháp cải tổ cần thiết. Theo ông Severino, các xứ này chưa chọn lựa dứt khoát về đường lối kinh tế, cụ thể là chưa biết phải cải tổ hệ thống tài chánh, kế toán hay kinh doanh như thế nào, trong khi vẫn muốn thoát được khủng hoảng càng sớm càng hay. Họ muốn dã tật mà không chịu uống thuốc đắng. Một hậu quả được vị đại diện của Ngân hàng Thế giới dự báo là các nước châu Á mới chỉ đi được một phần tư của đoạn đường phục hồi, và có thể lại gặp mức tăng trưởng thấp nếu tình hình ngoại thương bị suy kém đi. Về lời cảnh báo này, giới quan sát kinh tế cho rằng xưa nay, các nước Á châu thường ít coi trọng quan điểm của các tổ chức tài chánh quốc tế, vì tin rằng khi hữu sự, các định chế nói trên vẫn tiếp tục viện trợ để tránh gây tai họa cho người dân. Điều đó có thể được thấy rõ nhất tại Việt Nam, khi từ ba năm nay, để chuẩn bị cho hội nghị của các nhà viện trợ, Ngân hàng Thế giới thường đề nghị Hà Nội đẩy mạnh cải cách hầu tránh khỏi nạn suy thoái sản xuất, mà Hà Nội không chấp hành. Kết quả thì chính quyền Việt Nam vẫn được viện trợ, từ hai tỷ mốt lên hai tỷ tư lên hai tỷ bảy rồi hai tỷ tám vào kỳ họp cách đây hay tuần, trong khi sản lượng kinh tế Việt Nam quả là có sút giảm từ 8% xuống 5% rồi 4,5% và sẽ có thể chưa đầy 3% vào năm 2001 này. Nhưng, dù có được viện trợ như vậy, Việt Nam cũng chỉ dùng được chưa đằy phân nửa và những lời cảnh báo thì vẫn bị gác ngoài tai. Những lãng phí và lầm lẫn trên, dĩ nhiên đã không được thông báo cho dân chúng biết, vì vậy một trong những bài học qúy báu của năm nay cũng cần được nhắc tới ở đây: Đó là nhận định của kinh tế gia được giải Nobel kinh tế năm ngoái, ông Sen nói là các nước có tự do báo chí không bị nạn đói, vì một vấn đề như vậy vừa manh nha là dư luận lập tức được báo động, khiến nhà cầm quyền không thể làm ngơ mà chẳng giải quyết. Điều đó cũng được Ngân hàng Thế giới gián tiếp nhắc tới trong lời cảnh báo tuần qua, là các nước bị khủng hoảng vẫn chưa tiếp nhận hết bài học của khủng hoảng khi chưa chịu cải cách cho hệ thống doanh nghiệp và ngân hàng được công khai minh bạch hơn về sổ sách. Điều đáng lo ngại hơn nữa, và cũng đã được giới đầu tư và nghiên cứu trên thế giới đề cập tới, là tính chất công phạt về dài của các liều thuốc kích cầu và đẩy mạnh sản xuất. Đây là một vấn đề dù khá chuyên môn cũng vẫn phải được nhắc tới, khi tổng kết một số bài học kinh tế của năm vừa qua. Trước đây, các nước Á châu tương đối đều có chánh sách kinh tế vĩ mô tương đối quânbình, với lạm phát thấp, ngân sách không bị bội chi và gánh nặng công trái không quá cao. Nhưng, kể từ khi vụ khủng hoảng bùng nổ vào năm 97, và trở thành nguy ngập hơn vào năm 98, thì nói chung các nước châu Á đã ưu tiên chú trọng tới việc kích thích sản xuất trong suốt năm 99 này, và mặc nhiên lãng quên mất sự khôn ngoan và thận trọng về mặt quản lý vĩ mô, với kết quả có thể sẽ lại là một vụ vỡ nợ dây chuyền như điều đã xảy ra cho các xứ châu Mỹ La tinh, vào đầu thập niên 1980. Lý do là hầu hết các nước bị khủng hoảng đều sử dụng lại lý luận kinh điển của kinh tế gia John Maynard Keynes bằng cách bơm thêm tiền vào kinh tế để kích thích sản xuất và tạo thêm công việc làm. Việc bơm tiền vào kinh tế như vậy được tài trợ bằng công chi ngân sách, với hậu qủa là ngân sách bị bội chi và chính phủ phải phát hành công trái để vay tiền trên thị trường. Nhật Bản là quốc gia bị bội chi tới tỷ lệ10% của tổng sản lượng nội địa GDP, Đại Hàn bị bội chi tới hơn 5% GDP, trong khi các khoản nợ ngoại quốc của chính phủ Thái chẳng hạn đã tăng gấp đôi kể từ giữa năm 97 đến cuối năm nay, dù là nợ ngoại quốc của tư doanh đã giảm đáng kể trong cùng kỳ. Trung Quốc hay Việt Nam là hai xứ chưa ra khỏi khủng hoảng mà sản xuất bị suy thoái và lợi tức sút giảm khiến dân chúng càng không dám tiêu xài nên kinh tế mới bị giảm phát, là hàng xuống giá mà bán vẫn ế. Để đối phó, hay quốc gia này cũng áp dụng những biện pháp kích thích như cắt lãi suất ngân hàng và gia tăng công chi. Tin Việt Nam cho biết là biện pháp đùó chưa kích thích kinh tế mà vẫn gây bội chi ngân sách và khiến 40% các ngân hàng nước ngoài bị lỗ vào năm qua, nên giới đầu tư quốc tế càng ngại thị trường này. Tình hình Trung Quốc thực ra cũng chẳng khả quan hơn, dù về lý thuyết thì họ đạt mức tăng trưởng 7%, là cao gấp đôi tỷ lệ 3,5% của Việt Nam. Lý do là hệ thống ngân hàng của họ cũng bị đục ruỗng bởi những khoản nợ xấu đã cấp phát cho các doanh nghiệp nhà nước lỗ lã. Khi kết hợp hai vấn đề, là các nước chưa dứt khoát cải tổ cơ chế kinh doanh và ngân hàng cho lành mạnh trong sáng hơn, và các nước lại mắc nợ nhiều hơn vì bơm tiền vào kinh tế, người ta thấy ra một nguy cơ khác. Đó là chính phủ đi vay tiền để bơm vào các cơ sở tư doanh chưa cải tổ hoặc quốc doanh đã mục nát, thì kết quả sẽ chẳng khả quan về sản xuất mà chỉ làm kinh tế lẫn chính phủ dễ bị vỡ nợ hơn. Để chống đỡ, nhà nước sẽ lại nghĩ tới giải pháp ở tầm tay, là tăng thuế, trong khi việc vay mượn thả giàn như hiện nay cũng làm tăng lãi suất. Cả thuế và lãi suất ngân hàng mà cùng tăng thì sản xuất sẽ sụp, mức sống dân chúng bị thiệt, trong khi đó nạn vay nợ mà không trả của chính phủ sẽ lại gây khủng hoảng mới, có thể vào cuối năm tới mà thôi. Đây mới là bài học đáng sợ nhất của năm 1999 này, mà nhiều xứ lại chưa thấy./.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.