Quy chế mậu dịch thường trực cho Trung Quốc


2000.05.25

Lời giới thiệu: Hạ Viện Hoa Kỳ vừa biểu quyết cho Trung Quốc tính cách thường trực của quy chế mậu dịch bình thường, xưa kia gọi là quy chế Tối huệ quốc. Đây là một bước quan trọng trong việc bình thường hóa mọi quan hệ giữa hai nước và sẽ ảnh hưởng sâu xa đến cục diện toàn vùng Á Châu Thái Bình Dương, nhưng trước đó lại gây sóng gió trong chính giới Mỹ. Vì sao như vậy, mục "Việt Nam Nhìn từ bên ngoài"có bài nhận định sau đây của Trần Sơn Nam để tìm câu giải đáp... Vốn đã sẵn phức tạp vì bao gồm quá nhiều khía cạnh, từ an ninh chiến lược đến nhân quyền hay quyền lợi kinh tế và thương mại, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã thành một trong những vấn đề luôn được chính giới và Quốc Hội Hoa Kỳ đề cập tới từ mấy tháng gần đây. Vấn đề đặc biệt gây sôi nổi vì theo lịch trình, Hạ Việ Hoa Kỳ tuần này phải thông qua đề nghị của Hành pháp là cho Trung Quốc quy chế tối huệ quốc, gọi là quan hệ thường trực bình thường về mậu dịch mà khỏi tái xét mỗi năm. Từ 20 năm nay, hồ sơ mậu dịch với Trung Quốc vẫn được Quốc Hội cứu xét vào tháng Sáu, để cân nhắc với việc Bắc Kinh có tôn trọng một số điều kiện về chính trị hay không. Với cuộc biểu quyết hôm thứ Tư thì Trung Quốc đã được quy chế này một cách thường trực và khỏi còn lo ngại là sẽ bị xét hỏi hàng năm. Hơn thế nữa, vụ biểu quyết này còn có nghĩa là Mỹ chính thức chấp nhận bản thỏa ước mậu dịch ký kết với Bắc Kinh hồi tháng 11 năm ngoái và tạo cơ hội phát triển quan hệ có lợi cho cả đôi bên về kinh tế và thương mại. Thế nhưng vì sao vấn đề tưởng nhu thuần túy mậu dịch này lại gây sôi nổi trong chính trường Hoa Kỳ? Thực ra thì chính giới Hoa Kỳ và dư luận thế giới lo ngại về hậu quả của cuộc bỏ phiếu tại Quốc Hội Hoa Kỳ đối với cục diện chung trong vùng Á Châu, Thái Bình Dương, hơn là về ảnh hưởng trực tiếp của quy chế mậu dịch. Thực tế, dầu có hay không quy chế mậu dịch này một cách thường trực thì Trung Quốc cũng được gia nhập tổ chức mậu dịch quốc tế WTO, vẫn bán được hàng cho Hoa Kỳ. Khi chấp thuận quy chế này cho Trung Quốc, Hoa Kỳ sẽ đạt những yêu cầu đã thỏa thuận hồi tháng 11 với Bắc Kinh và doanh gia Mỹ sẽ hưởng nhiều dễ dãi hơn về đầu tư và xuất cảng. Ngược lại, nếu quy chế thường trực bị bác bỏ thì vấn đề lại mang tính cách quan trọng khác. Suy luận về sự bác bỏ đó, dư luận quốc tế và nhà cầm quyền Trung Quốc rất có thể nghĩ là Hoa Kỳ đã chọn chính sách đối đầu với họ. Từ đó, tình trạng căng thẳng sẵn có trong thời gian gần đây giữa Hoa Lục và Đài Loan sau khi ông Trần Thủy Biển đắc cử Tổng Thống tại đảo quốc này sẽ có thể trở nên gay gắt hơn, và nền hòa bình trong vùng cũng có thể sẽ bị đe dọa. Riêng về phía Hoa Kỳ thì vấn đề lại còn rắc rối hơn nữa. Trước đây, vào thời kỳ ông Nixon thăm viếng Bắc Kinh năm 1972, mở đường cho một hướng mới của chính sách Hoa Kỳ đối với Trung Quốc thì các phần tử cấp tiến trong chính giới Mỹ chủ trương mở rộng đối thoại với Trung Quốc, trong khi đó thì thành phần bảo thủ lại e ngại, không muốn giao dịch với Cộng Sản Trung Quốc. Bây giờ, gần 30 năm sau, tình trạng gần như đổi ngược. Trong đối sách với Trung Quốc, nói chung và đặc biệt về quy chế mậu dịch, các phần tử thuộc khuynh hướng tự do và cấp tiến trong đảng Dân Chủ lại liên kết với các tổ chức lao động, nhân quyền hay chống toàn cầu hóa để kịch liệt phản đối Trung Quốc. Trong khi đó, bênh vực chính quyền Clinton và quyền lợi của giới doanh gia Mỹ lại là khuynh hướng ôn hòa trong đảng Cộng Hòa. Kết quả là sau nhiều tháng vận động với hàng triệu dollars được cả hai phe thuận và chống đối sử dụng dưới mọi hình thức trên các đài truyền hình, tại Hạ Viện thứ tư vừa qua, hai phần ba dân biểu Cộng Hòa đối lập cùng với một phần ba dân biểu Dân Chủ, vốn là đảng của ông Clinton, đã bỏ phiếu chấp thuận dành quy chế mậu dịch thường trực cho Trung Quốc. Dầu sao thì đây cũng là thắng lợi quan trọng của ông Clinton và phe chủ trương mậu dịch tự do Nhưng nếu nhìn kỹ vào toàn diện vấn đề thì giới quan sát quốc tế cũng ghi nhận rằng tuy chỉ có tính cách rất giới hạn, Vấn đề mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã lôi vào cuộc tất cả các yếu tố phức tạp, có khi đối nghịch, như chính trị nội bộ Mỹ, quyền lợi của doanh giới, cùng với khía cạnh nhân quyền và chính sách Mỹ nói chung đối với Trung Quốc, hay rộng hơn nữa, còn có vấn đề chiến tranh hay hòa bình. Tất nhiên, trường hợp trên đây chỉ là giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đối với Hoa Kỳ, đặt trên bàn cân một bên là một quốc gia có dân số gần bằng một phần tư nhân loại; bên kia là quyền lợi lớn lao của giới doanh thương và thế chiến lược căn bản trong vùng Thái Bình Dương của một siêu cường quốc. Vì vậy cuộc tranh luận trong chính giới mới sôi nổi. Còn về trường hợp những nước nhỏ khác, như Việt Nam chẳng hạn, thì vấn đề lại khác hẳn. Đó cũng là điều mà nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam nên ghi nhận, đặc biệt là trong việc ký kết bản hiệp định thương mại còn đang trong vòng chờ đợi hiện nay.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.