Sang thăm Pháp, ông Phiêu đi không rồi lại về không ?
2000.05.29
Lời giới thiệu : Ông Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã không kèn không trống kết thúc bốn ngày viếng thăm nước Pháp, khác hẳn với lúc ông đến, dù chẳng linh đình thì cũng còn được đối xử tối thiểu với nghi lễ ngoại giao. Ra đi âm thầm không tiễn đưa là một trong nhiều điều thiếu bình thường của chuyến đi của ông Phiêu, mà Ỷ Lan và Tâm Việt đã có dịp tường trình với quý thính giả. Có lẽ tổng thống Pháp thở ra nhẹ nhõm như trút được gánh nặng, khi thấy vị khách " cồng kềnh" của mình rời nước Pháp. Bởi vì nếu ông Phiêu còn nán ở lại nữa thì chắc là khó tránh khỏi chuyện rắc rối. Chuyến đi rất nhiều điều không bình thường của ông Phiêu đang là đề tài cho dư luận bàn tán. Từ Paris, Thiên Trung có bài bình luận sau đây về cuộc viếng thăm này... Trước sự yên lặng gần như tuyệt-đối của báo chí Pháp, trước những kết quả ó thể nói không có gì đáng kể về chuyến viếng thăm chính-thức, không gây được một sự chú ý nào trong dư luận Pháp của ông Lê Khả Phiêu tại Paris, người ta đang bàn tán, vì tò mò, về chuyến viếng thăm vô duyên này. Có một luồng dư luận cho rằng nhân vật số một của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam " đi không rồi lại về không "! Cũng là điều dễ hiểu, bởi vì cá nhân ông Phiêu trước khi xuất hiện trước dư luận Pháp vốn chẳng có gì hấp dẫn. Rồi lúc có mặt tại thủ đô Paris ông cũng chẳng có thành tích đáng kể, huống hồ ông còn bất ngờ vắng mặt trong mấy cuộc gặp gỡ đã dự trù, vì lý do chính thức là tình trạng vì lý do sức khỏe. Âu cũng là điều tự nhiên, nếu người ta đưa ra một bản tổng kết tiêu cực về mọi mặt về cuộc Tây du của ông Phiêu. Sự thực ông Phiêu không ra đi tay không. Trái lại, ông đã xếp đặt kỹ lần xuất ngoại này. Trước khi lên đường, ông dành cho phóng viên thường trú ở Hà Nội của một tờ nhật báo hàng đầu của nước Pháp, một cuộc phỏng vấn trong đó ông chuẩn bị dư luận để chờ đợi được đón tiếp như một lãnh tụ cộng sản, không mặc cảm, mong muốn giao tiếp với các nước công nghiệp tiên tiến và tìm chỗ dựa nơi đó để phát triển nước Việt Nam. Đồng thời ông cũng biết dùng lời lẽ ôn hòa che dấu bộ mặt chuyên chế, đàn áp nhân quyền, của chế độ mà đảng của ông đã thiết lập và còn đang duy trì ở nước này. Có lẽ trong thâm tâm, ông Phiêu tưởng rằng đảng này vẫn còn mang những ánh hào quang của thành tích chiến đấu mà nó tự phong là đã " đánh bại ba đế quốc ". Chính vì vậy mà ông đã mang theo cả một phái đoàn hùng hậu gồm trên 80 người, trong đó có cả con trai và con gái ông. Hơn nữa, ông còn chọn thời điểm viếng thăm nước Pháp, vào dịp hơn nửa thế kỷ trước đây, đã diễn ra tại Điện Biên Phủ, trận giao tranh thư hùng với người Pháp, trong đó đảng của ông là kẻ chiến thắng. Như thế ắt hẳn ông phải được nước chiến bại kính nể. Nếu không nghĩ như thế thì ông đã phải từ chối lời mời đến nước Pháp với tư cách một quốc khách. Vì chẳng có gì bắt buộc ông phải nhận lời cả! Cho nên nói rằng ông Phiêu ra đi tay không thì e rằng sai. Ông đã ra quân với chủ đích đánh chiếm hai mục tiêu. Một mặt là tranh thủ thêm những thắng lợi ngoại giao để mong củng cố cho sự chính thống đã lung lay của chế độ độc tài toàn trị mà đảng cộng sản đang ra sức áp đặt trên nhân dân Việt Nam. Mục tiêu kia là kiếm thêm tiền đầu tư nước ngoài để hà hơi tiếp sức cho nền kinh tế đang thoi thóp của nước này. Nhưng tất cả những gì xảy ra trong bốn ngày ông Phiêu ở Paris cho thấy rằng ông đã không gặt hái được một kết quả nào đáng kể. Về phía Pháp tuy không đến nỗi như truyện ngụ ngôn " cò cáo mời nhau " nhưng rút lại chỉ là chuyện thù tạc, đã giảm thiểu rồi mà lại còn chiếu lệ nữa! Tin hành lang còn cho hay giữa Phủ Tổng thống và Phủ Thủ tướng Pháp đã có căng thẳng về chuyện đón tiếp ông Phiêu. Phủ tổng thống của ông Chirac muốn khoán trắng cho bên thủ tướng Jospin việc này, nhưng bên ông Jospin từ nan, nại cớ ông Phiêu do Tổng thống mời nên là khách của Tổng thống. Do đó, Bộ trưởng ngoại giao không chịu chỉ đạo cuộc tiếp đón, rốt cuộc phải nhờ Bộ trưởng Giao thông, người của Đảng CS Pháp, đứng ra nhận lãnh. Phải chăng vì vậy mà ông Phiêu không có mặt trong buổi họp ký kết hiệp định về vận-tải đường biển giữa bộ-trưởng giao-thông Pháp Grayssot và ông Lê Ngọc Hoàn, bộ-trưởng Giao-thông Việt-Nam? Rồi còn mấy chuyện linh tinh khác nữa như việc Pháp cho Việt Nam mướn một số phương-tiện chuyên chở loại cao-cấp như máy bay Airbus, hoặc Pháp và Việt Nam thắt chặt hơn nữa quan hệ đối tác giữa hai nước. Rút kinh nghiệm đầu tư ở Việt Nam v.v... tất cả cũng chỉ được làm tới mức nửa vời rồi bỏ lửng. Tóm lại một chuyến công du vô ích, giết gà mà dùng dao mổ trâu. Có thể nói chuyến đi của ông Lê Khả Phiêu đã không mang lại cho ông cũng như phe cánh ông những điều mong đợi. Ngoại giao thì tẻ nhạt, đầu tư thì vắng tanh. Nhưng sự thất bại này chỉ là sự thất bại của riêng ông tổng bí thư, của đảng của ông tổng bí thư, không phải của người Việt Nam, cũng không phải của nước Việt Nam. Tổng thống Chirac, người đứùng ra mời ông Phiêu đã không có được một lời nồng nhiệt nào khi đón tiếp khách của mình. Ông cũng không hề nhắc tới đảng Cộng sản Việt Nam nhưng lại tỏ bày cảm tình rất thắm thiết với dân tộc Việt Nam. Hơn thế nữa, nhà cầm quyền Pháp đã trợ lực ngầm cho các tổ chức của cộng đồng người Việt tị nạn công khai phản đối ông Phiêu. Đã đành rằng những vụ bắt bớ tra xét căn cước có xảy ra nơi này nơi kia như trong mọi cuộc biểu tình, nhưng điều nghịch lý là chính vì thế mà cuộc tranh đấu chống cộng nhân chuyến viếng thăm nước Pháp của ông Phiêu, đã đạt được cao điểm chưa từng thấy trước đây. Chẳng qua đây cũng là một hình thức gián tiếp ủng hộ cuộc tranh đấu đòi dân chủ của người Việt Nam. Mong rằng nhờ đi một quãng đàng học một sàng khôn, ông Phiêu cố gắng tiếp thu bài học chính trị nhân chuyến đi Pháp. Một nước dân chủ pháp trị như nước Pháp không thể đứng ra bảo chứng cho một tập đoàn cầm quyền chuyên chế phi nhân quyền, mà người đầu đàn là ông Phiêu. Bởi lẽ ông Phiêu cứ muốn được đón tiếp như một quốc khách nên bề ngoài, nghi lễ quốc khách được áp dụng cho ông Phiêu. Nhưng cách đón tiếp lại đã chứng minh ngược, rằng ông Phiêu không đủ tư cách một quốc khách và rằng chỉ có những người dân chủ mới được coi là có chính thống để cầm quyền. Là cộng sản ông Phiêu chỉ đáng được người cộng sản Grayssot đón tiếp mà thôi. Thiên Trung