George Soros và huyền thoại khủng hoảng tư bản
1999.01.11
Nhật báo South China Morning Post trong số ra Thứ Năm tuần trước có một bài rất thú vị của ký giả Greg Torode đánh đi từ Hà Nội. Theo bài viết, lý luận của nhà đầu tư và hảo tâm quốc tế George Soros về vụ khủng hoảng hệ thống tài chánh toàn cầu đã được nhiều giới chức Hà Nội sử dụng để biện hộ cho lý luận của Marx về khủng hoảng tư bản chủ nghĩa và đểgiải thích việc trì hoãn cải tổ tại Việt Nam. Diễn đàn Kinh tế xin giới thiệu lại George Soros để người chưa biết về ông ta có thể hiểu rõ hơn nội dung vấn đề, và nhất là để lãnh đạo Hà Nội đừng nhập nhằng lừa gạt dư luận, có khi chỉ là tự lường gạt vì chưa hiểu gì về kinh tế toàn cầu hóa lẫn George Soros. Bài phân tách của Nguyễn An Phú sẽ do Tâm Việt trình bày hầu quý thính giả. Sinh năm 1930 tại Hung Gia Lợi, George Soros đã có tuổi trẻ khá đặc biệt vì được chứng kiến hai hiện tượng kinh tởm nhất của nhân loại trong thế kỷ này, là sự vận hành thực tế của chủ nghĩa phát xít và cộng sản khi quê hương ông bị Đức quốc xã chiếm đóng rồi được Liên xô giải phóng. Qua tỵ nạn tại Anh khi còn vị thành niên, ông vừa làm nghề tay chân kiếm sống vừa học kinh tế tại đại học lừng danh London School of Economics. Không khí tự do phóng khoáng của một xứ dân chủ đã giúp ông tiếp cận với các tư tưởng mới, và, như ông kể về sau, chịu ảnh hưởng của triết gia về khoa học Karl Popper và nhà kinh tế tự do Frederik Hayek, cũng đều tỵ nạn từ Đông Âu như ông. Do kinh nghiệm bản thân kiểm chứng bởi lý luận về triết học lẫn kinh tế, George Soros là con người kết hợp cả hành động lẫn tư tưởng. Ông đề ra thuyết phản chiếu trong kinh tế đồng thời đề cao xã hội cởi mở, là hai nền tảng trong hệ thống tư duy và hành xử của ông. Với tựa đề Gánh nặng của Ý thức và xuất phát từ tư tưởng Karl Popper, tiểu luận triết học của ông tung ra đầu thập niên 60 không được ai để ý nhưng ông không nản chí mà cố áp dụng triết lý đó trong đầu tư tài chánh, bắt đầu từ cuối thập niên 60, với Quỹ đầu tư Soros, sau đổi tên thành quỹ Quantum Fund. Với mức lời kỷ lục của quỹ đầu tư, Ông nổi danh từ đó, và trở thành tỷ phú từ thập niên 80 trở đi. Lý luận căn bản của Soros có thể được tóm lược ở hai vế. Thứ nhất, kinh tế không là khoa học chính xác vì phản ứng tâm lý con người bị chi phối bởi quy luật kinh tế cũng lại tác động vào quy luật đó. Con người vừa là chủ thể vừa là khách thể trong vận hành kinh tế, và điều đó có ảnh hưởng tới quy luật cung cầu. Tự nó, lý luận này không chỉ phản bác ý niệm quân bình tự nhiên của trường phái kinh tế cổ điển mà còn phê bình óc duy lý và chủ quan của người mác-xít về sự vận hành của quy luật lịch sử hay kinh tế. Vế lý luận thứ hai của Soros còn quan trọng hơn. Đó là con người hiểu biết có hạn nên có thể sai lầm. Vì vậy, Soros mới đề nghị là ta cần cởi mở tư duy để tiếp nhận ý kiến tư tưởng khác, hầu giảm thiểu lầm lẫn. Tinh thần cởi mở khiến ông chủ trương phát triển một xã hội cởi mở. Ông lập ra một quỹ từ thiện dưới tên Xã hội Cởi mở để tài trợ các chương trình cải tổ giáo dục và khai phóng tư tưởng tại Đông Âu và nước Nga, trước và sau khi chế độ Xô viết xụp đổ. Áp dụng lý luận của mình trong việc đầu tư, George Soros nghiên cứu và tiên đoán giả thuyết thất quân bình hối đoái để tính trước sự thăng trầm giá cả ngoại tệ. Vì sự tiên đoán sáng suốt lẫn cái thế rất lớn của quỹ đầu tư, Quantum lời ông nói tác động đến giá cả và gây khó chịu cho các chế độ chủ quan hay các ngân hàng trung ương duy ý chí. Trong các năm 92-93, ông thu lợi bạc tỷ và gây sóng gió cho thị trường tiền tệ Tây Âu vì thấy ra mâu thuẫn lẫn sự bấp bênh của đồng bảng Anh. Khi Châu Á bị khủng hoảng, Soros bị thủ tướng Mahathir mạt sát là kẻ đầu cơ xấu xa, dù quỹ đầu tư của ông khi đó chả liên hệ gì tới thị trường Malaysia. Nhưng, Soros cũng có khi nhầm lẫn trong tiên đoán nên có lúc bị lỗ 600 triệu vào năm 94 khi đoán sai sự sụt giá của tiền Yen Nhật; hoặc khi Liên bang Nga bị vỡ nợ vào mùa Thu vừa qua, khiến ông có thể đã bị lỗ hai tỷ đô la trong nghiệp vụ đầu tư. Sau đó chưa đầy hai tháng ông đã viết và xuất bản tác phẩm thứ tư, có tựa đề là Khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản toàn cầu. Tựa đề sôi nổi đó là cám dỗ lớn cho người cộng sản lạc hậu, lười đọc và kém nghĩ. Họ quàng xiên nhảy ngang vào cuốn sách để bênh vực lời tiên đoán trật chìa của Marx. Thực ra, nếu có đọc, hoặc được báo cáo hẳn hoi trước khi phát biểu linh tinh, lãnh đạo Hà Nội tất biết rằng Soros lên tiếng báo động về hai biến chuyển ngược chiều, một hiện tượng ông cho là có thể dẫn tới thất quân bình. Đó là tốc độ toàn cầu hóa của vận hành kinh tế và chánh sách vẫn còn có tính chất quốc gia cục bộ của các chính quyền, cho nên hệ thống tài chánh thế giới còn thiếu một cơ chế điều hợp và giám sát. Có lẽ biết rõ giới hạn của mình, ông không đề nghị giải pháp thần diệu theo kiểu cách mạng hàm hồ của Marx để khắc phục vấn đề trên. Ông chỉ gợi ý về nhu cầu thành lập một cơ chế bảo hiểm rủi ro tài chánh trong một hệ thống tiền tệ toàn cầu. Và lý do chính khiến ông báo động là vì ông lo ngại sự suy xụp tài chánh sẽ dẫn tới phản ứng cực đoan làm thu hẹp quyền tự do của con người. Chủ yếu, Soros e là lý tưởng xã hội cởi mở của ông sẽ bị nguy hại vì khủng hoảng kinh tế. Nói về lý luận khủng hoảng của Soros mà không nói gì về ý niệm xã hội cởi mở là hiểu sai, hoặc cố ý xuyên tạc lý luận của ông ta. Xã hội cởi mở là nơi mà không ai tự cho mình độc quyền chân lý, nghĩa là chỉ có mình duy nhất có lý. Tinh thần cởi mở đó mới là điều kiện cần thiết để có thể xây dựng xã hội dân chủ, công bằng và tiến bộ. Khi nhà cầm quyền Việt Nam cộng sản còn chưa hiểu và chưa dám chấp nhận một xã hội cởi mở về tư tưởng, họ chưa hiểu gì về George Soros. Khi họ mượn vài ba lý luận của Soros về cuộc khủng hoảng tài chánh vừa qua của thế giới để biện hộ cho chủ trương ngoan cố của họ, giới lãnh đạo và lý luận của Hà Nội không chỉ chứng tỏ sự thiếu lương thiện trong tư duy, mà tệ hơn vậy, còn phơi bày kiến thức lạc hậu và nghèo nàn của họ. Dĩ nhiên là George Soros chẳng để ý tới thái độ nhập nhằng xuyên tạc đó của một số lãnh đạo ở Hà Nội, nhưng, ta cũng cần nói ra cho rõ để trong hoàn cảnh chưa có cởi mở về tư duy, chế độ không bảo vệ hệ thống lý luận hẹp hòi của họ bằng cách núp sau một người đề cao tinh thần khai phóng là Soros.