Chủ nghĩa nước đôi trong kinh tế


1999.03.15

Trong tuần qua, bên cạnh biến động vì vụ bắt giữ giáo sư Nguyễn Thanh Giang, dư luận quốc tế đã để ý tới lời cảnh báo của Ngân hàng Phát triển Châu Á về nguy cơ tụt hậu của kinh tế Việt Nam. Xuất phát từ một định chế từ lâu vẫn có cảm tình và cố vận động viện trợ cả tài chánh lẫn kỹ thuật cho Việt Nam, lời khuyến cáo đó chắc chắn đã được nhiều chuyên gia trong nước để ý và đánh giá cao. Nhưng, quyết định sau đó của chính quyền khiến dư luận tự hỏi là giới lãnh đạo kinh tế và chính trị Hà Nội có thấy nguy cơ này, hay vẫn tiếp tục lối nói nước đôi, lối nói một đàng làm một nẻo? Vì vậy, Diễn đàn Kinh tế kỳ này xin trình bày về chủ nghĩa nước đôi trong kinh tế để vạch ra vài sự thật đáng lo tại Việt Nam, qua bài nhận định của Nguyễn An Phú. Cách đây hai tuần, cuộc hội thảo về triển vọng hồi phục kinh tế Á Châu đã được tổ chức tại Hà Nội, với sự tham dự của ngoại giao đoàn, các nhà kinh tế Việt Nam và cả cựu tổng thống Phi Luật Tân, tướng Fidel Ramos, lẫn Giám đốc chương trình Tây Á của Ngân hàng Phát triển Châu Á, tức là Ngân hàng ADB. Đây là cơ hội trao đổi quý báu giữa những người am hiểu về quy luật kinh tế và cũng là dịp để các giới chức kinh tế Hà Nội tiếp nhận một số thông tin hữu ích. Chẳng hạn như, để thoát khỏi những hậu quả đáng ngại của khủng hoảng kinh tế Đông Á, Việt Nam cần đẩy mạnh công cuộc đổi mới hơn nữa, và tập trung giải quyết hai ưu tiên trước mắt là cải tổ doanh nghiệp nhà nước và chấn chỉnh hệ thống ngân hàng. Vào dịp này, cựu tổng thống Fidel Ramos còn điểm lại kinh nghiệm Phi Luật Tân của ông, là từ bỏ sách lược bảo hộ mậu dịch và thay thế nhập cảng, là chấm dứt nạn độc quyền và phát triển tập trung và nhất là tạo điều kiện cạnh tranh bình đẳng cho tư doanh. Đây là những giải pháp mà chính quyền Manila đã áp dụng và còn đang đẩy mạnh hơn nữa, nhờ vậy mà kinh tế Phi tương đối đã ít bị tác động nặng của khủng hoảng. Thủ đô Manila cũng là nơi Ngân hàng ADB đặt trụ sở, và vào dịp đó vị đại diện của ngân hàng cũng nêu ra nhiều khuyến cáo, được họ nhắc lại tại Hà Nội vài ngày sau. Đó là Hà Nội không nên dụ dự nữa mà phải cải tổ mạnh hơn, đặc biệt là hai lãnh vực ngân hàng và quốc doanh, hầu kinh tế khỏi bị tụt hậu so với các xứ Châu Á. ADB còn nói rõ là liên hệ chồng chéo giữa ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam đang là quả bom nổ chậm, và rằng việc củng cố vai trò xí nghiệp quốc doanh là điều nguy hại. Trong khung cảnh đó, người ta khó nói rằng giới lãnh đạo Hà Nội đã không được giúp đỡ, với lời khuyến cáo xác đáng của những người có thẩm quyền về chuyên môn. Thế nhưng giới lãnh đạo Hà Nội đã tiếp nhận lời khuyến cáo đó ra sao? Nhẹ nhàng ra, ta phải nói rằng Hà Nội đã tiếp tục lối nói nước đôi cố hữu, và điều đó phản ảnh tinh thần láu vặt thâm căn cố đế. Khác với vị thế của các tay lý luận giữa hư vô của ban tư tưởng văn hóa trong đảng, với tư thế của kẻ vừa nói vừa phải làm, thủ tướng Phan Văn Khải đã thể hiện cao độ tinh thần nước đôi này. Ông vừa phê phán, là Ộchế độ độc quyền sinh ra nạn cửa quyền và làm cho những nhân tố tích cực, những người làm ăn giỏi không ngóc đầu dậy đượcỢ, thì lại vừa đòi tăng cường vai trò chủ đạo của các tổng công ty loại 91 và 90, để bảo vệ cái gọi là nền kinh tế phải đạo. Tức là vẫn theo cơ chế thị trường trong ý nghĩa chống độc quyền, nhưng lại theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong ý nghĩa củng cố vai trò nhà nước. Vì sao nhà cầm quyền cứ lý luận đong đưa như vậy là câu hỏi chính trị trước khi là một vấn nạn kinh tế. Lý do là xã hội Việt Nam đã đủ thay đổi để đào thải chế độ tập trung quản lý, nhưng đảng cộng sản chưa đủ thay đổi để dung hợp với thực tế của xã hội và toàn cầu. Cho nên, đảng chưa thể quan niệm nổi cho mình một vai trò nào khác hơn là nắm chặt con dấu và ngồi lên hai tay, để mơ ước rằng kinh tế sẽ khỏi tuột khỏi tay đảng. Chính thức thì chế độ đe dọa rằng cải tổ quá nhanh sẽ đưa tới xáo trộn lớn về xã hội và chính trị, và họ viện dẫn trường hợp khủng hoảng của các xứ khác, bỏng rát bên tai là trường hợp Nam Dương, xa xôi hơn thì có thí dụ Liên bang Nga. Với lý cớ đó, đảng viện ra nguy cơ chệch hướng và diễn biến hòa bình để chặn đà cải cách, mặc dù việc đẩy lui cải cách sẽ đẩy xã hội vào hai nguy cơ còn lại, là tham nhũng và tụt hậu. Thực ra đảng chả sợ nguy cơ tham nhũng vì không thấy hoặc không muốn thấy rằng tham nhũng là thuộc tính của mọi đảng độc quyền. Và rằng các nhân vật có thế giá nhất trong giai tầng lãnh đạo hiện nay cũng là tay cự phách trong nghề tham nhũng. Nghe ông Phạm Thế Duyệt nói về văn hoá tư tưởng, ta thấy mãnh lực và trình độ tham nhũng đã lên tới cấp nào trong đảng, vì ông là người bị tai tiếng nhất về nạn tham ô cửa quyền. Thứ nữa, đảng có lẽ cũng chẳng sợ nguy cơ tụt hậu, vì so với thời đồ đá xưa kia, thì ngày nay lãnh đạo có thể đã vươn ngang tầm cao thời đại, khi được đi ô tô con mặc áo lớn, nói chuyện kinh doanh bạc tỷ với thiên hạ. Lối lý luận nước đôi đượm mùi láu vặt, cứ tưởng như sẽ lừa được thiên hạ và tiếp tục được quốc tế viện trợ, được giới đầu tư o bế, lối lý luận đó chỉ làm kinh tế thêm lụn bại và xã hội thêm nguy cơ động loạn. Nói vậy với lãnh đạo Hà Nội có thể sẽ bị coi là chủ quan hay ác ý. Nhưng vào cái thế đi ô tô con và nói chuyện bạc tỷ để bảo vệ ổn định chính trị cho mình thì có lẽ chẳng ai ở Châu Á có thể qua mặt ông Suharto của Nam Dương. Vậy mà, chính là việc không giải tỏa cơ chế ra khỏi thế độc quyền, và sự chủ quan duy trì vai trò chủ đạo cho tay chân của tập đoàn Suharto mới dẫn tới bạo loạn xảy ra đúng một năm trước... Để khỏi bị chệch hướng và nắm giữ độc tài tới cùng, chế độ Suharto đã bị đổ vì tham nhũng từ thượng tầng và xã hội bị tụt hậu, dân tình đói khổ giờ đây đang lao vào những phản ứng nguy hại nhất. Nhà cầm quyền Hà Nội có thể chưa thấy ra nguy cơ đó. Nhưng các chủ nợ và cơ quan viện trợ là đã thấy, nên họ sẽ không thể tiếp tục lạc quan hào phóng với một chế độ ưa nói nước đôi, vừa ngửa tay xin tiền với lời hứa cải cách vừa thu vét viện trợ để củng cố khu vực nhà nước, mặc cho dân chúng bị trôi vào nạn đói khổ sau 10 năm hy vọng. Nguyễn An Phú

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.