Hãy bấm vào đây để nghe bản tin này
Arin Basu-Việt Long Thể hiện chủ thuyết của ông Giang Trạch Dân, nhiều đảng viên Ðảng Cộng Sản Trung Quốc trở thành chủ nhân doanh nghiệp, trong khi đảng cũng dần dần đưa giới tư sản tham gia chính trường. Liệu những tư sản đỏ có trở thành sứ giả của tự do hay không? Mời quý vị nghe phóng sự một cuộc hội thảo về Trung Quốc, do phóng viên Arin Basu của Ðài Á Châu Tự do thực hiện, Việt-Long chuyển ngữ...
Số lượng đảng viên Ðảng Cộng Sản Trung Quốc trở thành chủ doanh nghiệp tư ngày càng đông, nhưng ít có triển vọng những nhà tư bản đỏ ấy trở thành sứ giả của sự nghiệp dân chủ hóa. Giáo sư Bruce Dickinson dạy chính trị và quốc tế sự vụ ở đại học George Washington xác định như vừa kể, trong buổi giới thiệu cuốn sách của ông mang tựa đề “Tư Sản Ðỏ ở Trung Quốc: đảng, doanh nghiệp tư và viễn ảnh đổi thay chính trị”.
Giáo sư Dickinson ước lượng có từ 20 đến 30% chủ nhân doanh nghiệp tư ở Trung Quốc là đảng viên. Theo ông, hiện xứ này có khoảng 2 triệu doanh gia, nhưng đến nay họ chưa gắn bó lại để đi khác với đường lối của chính phủ.
Quan hệ giữa doanh nghiệp với chính phủ tại Trung Quốc, cũng như ở nhiều nước Ðông Á, có khuynh hướng hợp tác nhiều hơn là chống chỏi. Thực ra các doanh gia tư nhân là thành phần hưởng lợi nhiều nhất trong trào lưu đổi mới tại Trung Quốc, nên họ không có lý do gì lại đi thách thức với chế độ, hay đòi hỏi thêm điều gì mới trong chính sách.
Ðảng Cộng sản đã có những nỗ lực đồng bộ để tuyển mộ đảng viên từ các doanh nghiệp. Giáo sư Dickson cho rằng , Ðảng Cộng Sản sợ là nếu không đưa những doanh gia này vào đảng thì biết đâu họ chẳng lập đảng đối lập khác, khi đã có sẵn những tập thể kinh tế và xã hội như vậy trong tay. Ông nói: “Cho nên thay vì để họ ở bên ngoài guồng máy để mà hợp tác với những người khác, hay đi vào một kế hoạch chống đối chính trị, đòi dân chủ mạnh hơn, thì ông Giang Trạch Dân cùng nhiều người khác trong đảng đã nói rằng kết hợp họ vào đảng thì có lợi cho đảng hơn là loại trừ họ.”
Ðồng giám đốc chương trình về Trung Quốc của trung tâm CacNơGhi ở Washington, nơi ông Dickson thuyết trình, ông Bùi Dân Tân tiên đoán rằng sự giải phóng kinh tế Trung Quốc sẽ cổ vũ cho dân chủ/ đã được chứng tỏ là sai lầm, vì đã đánh giá thấp năng lực sinh tồn của những chế độ toàn trị. Ðảng Cộng Sản Trung Quốc có sự sáng tạo và kiên trì để thích hợp với môi trường thay đổi lớn lao trong nước ngày nay. Ông nói: “Ðảng này từng tỏ ra rất sáng tạo trong việc sử dụng nhiều biện pháp, như xâm nhập, hòa nhập, thích ứng, và cấu kết. Cho nên, họ có thể quyết định chọn ai làm đồng minh , chọn ai là cần phải cho vào tù và ai cần được để yên.”
Giáo sư Dickinson nói, công cuộc nghiên cứu của ông về Trung Quốc cho thấy những hiệp hội trong xứ này gia tăng số lượng. Số đông là những hiệp hội thương mại, cả những hiệp hội có sở thích chung như nhìn ngắm và nuôi dưỡng chim chóc. Những tập thể ấy được thành hình để theo đuổi những mục đích kinh doanh và kinh tế, hay những sở thích chung, không vì động cơ chính trị.
Cuộc thăm dò trình bày trong sách của ông được thực hiện ở tám tỉnh, trong đó có bốn tỉnh phát đạt với số doanh nghiệp đông đảo hơn, và bốn tỉnh nghèo có số lượng doanh nghiệp ít hơn. 600 chủ nhân và 200 viên chức được phỏng vấn.
Cuộc thăm dò cho thấy trình độ phát triển của các địa phương quyết định thái độ của giới doanh nghiệp tư đối với Ðảng Cộng Sản. Daonh gia ở 4 thị trấn giàu có và phát triển hơn, trình độ tư hữu hoá cao hơn, thì có khuynh hướng cho rằng những hiệp hội của họ phản ảnh quan điểm của Nhà nước. Phần các viên chức ở cả những địa phương giàu hay nghèo, thì cho là tất cả các hiệp hội đều biểu thị đường lối của Nhà nước. Mặt khác, giới doanh gia tin rằng họ có thể gây ảnh hưởng vào chính sách một cách đáng kể, trong khi các viên chức Nhà nước nhiều lần khẳng định rằng những hiệp hội thương mại chỉ là những nơi tụ họp, tưởng là mình quan trọng nhưng chẳng có ảnh hưởng gì.
Giáo sư Dickinson cho biết, ở 20 thị trấn trong số 25 thị trấn là đối tượng nghiên cứu, các doanh gia từng ứng cử làm xã trưởng hay hội đồng xã. Lưu ý đến hiện tượng giới doanh nghiệp gia tăng hoạt động chính trị, Ðảng Cộng Sản liền tăng cường nỗ lực tuyển mộ đảng viên. Ðảng Cộng Sản muốn tránh việc giới doanh nghiệp thành lập những đảng chính trị độc lập, một khi họ trở thành xã trưởng hay ủy viên hội đồng xã.
Ông Bùi Dân Tân nói, bản thân Ðảng Cộng Sản Trung Quốc cũng đang được chuyển đổi từ một đảng của quần chúng thành một đảng gồm những thành phần ưu tú. Ông cho rằng: “Ngày nay Ðảng Cộng Sản thực sự đi ngược lại nguồn gốc lịch sử của họ. Ðảng không còn là đảng của số đông, mà trở thành đảng của số ít.”
Tuy đã có 25 năm phát triển kinh tế, nền kinh tế Trung Quốc chủ yếu vẫn là pha trộn giữa hai nền kinh tế chỉ huy và kinh tế thị trường. Nhà nước vẫn giữ vai trò chi phối về phân phối tài nguyên và kiểm soát những khu vực độc quyền. Khi tình trạng này còn tiếp diễn thì các chủ doanh nghiệp sẽ phải liên kết với Nhà nước nhiều hơn là với các lực lượng khác chính kiến, vì chuyện sách động thường không tốt cho chuyện làm ăn.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Dân Tân, đồng giám đốc chương trình về Trung Quốc của trung tâm Carnegie, thì ta không nên coi các hiệp hội doanh gia mãi mãi không phải là những chất xúc tác cho sự đổi thay về chính trị. Chiều hướng chính trị hiện nay của họ bị lệ thuộc vào những nguồn tài nguyên quý giá do Nhà nước kiểm soát. Một khi sự kiểm soát đó yếu kém đi, thì mâu thuẫn sẽ nảy sinh giữa Nhà nước với giới doanh nghiệp tư, và điều này có thể làm giảm đáng kể quyền lực của Ðảng Cộng Sản Trung Quốc.