WWF: Dịch cúm gà đe dọa đến môi trường sinh thái dưới nước của VN

Bấm vào đây để nghe bản tin này

Rightclick to download this audio

Lê DânTrong khi Việt Nam đang lo đối phó với dịch bệnh cúm gà, thì quỹ bảo vệ đời sống thiên nhiên thế giới WWF lên tiếng cảnh báo rằng tác động của dịch bệnh này có thể đe dọa đến môi trường sinh thái dưới nước của Việt Nam.

Nỗi lo sợ về cúm gà, kèm theo lệnh cấm vận chuyển, buôn bán và tiêu thụ thịt gia cầm, đã khiến nhiều thứ thực phẩm tăng giá.

Hồi tuần trước, giá các loại thịt heo bò và tôm cá đã leo thang đến mức chóng mặt tại nhiều khu chợ lớn ở các thị trường chủ yếu như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Một người dân miền Trung cho biết: "Chẳng có gà mà ăn đâu, toàn lá cá thôi." (audio clip)

Qua tuần này, giá các loại thịt cá đã có phần giảm nhiệt, nhưng các loại rau quả lại trở nên khan hiếm và đắt đỏ. Đó là hệ quả của thị hiếu giới tiêu thụ khi phân vân không biết nên dùng loại thức ăn nào cho an toàn, mà lại rẻ.

Do vậy mà mức tiêu thụ các loại tôm cá đã tăng cao và khiến quỹ bảo vệ đời sống thiên nhiên thế giới WWF lên tiếng quan ngại.

Đây là tổ chức quốc tế từng trợ giúp Việt Nam bảo tồn hệ sinh thái, tư vấn về những phương cách duy trì những chủng loại động vật quý hiếm như rùa Côn Đảo, voi Trường Sơn, hay nai Sao La.

Hôm thứ Tư, ông Nick Cox, điều hợp viên của WWF tại Việt Nam đặc trách môi trường biển, lên tiếng cảnh báo về nguy cơ suy giảm nguồn hải sản, vốn đã không phát triển trong những năm vừa qua.

Bản thông cáo của Quỹ Bảo vệ Đời sống Thiên nhiên Thế giới phổ biến tại hội nghị ở Kuala Lumpur viết rằng nhu cầu đột biến về hải sản tại Việt Nam sẽ tạo hậu quả nghiêm trọng cho các vùng duyên hải vốn đã bị khai thác quá mức.

Việt Nam là nước bị nạn cúm gà hoành hành dữ dội nhất châu Á, với 15 người chết và 37 triệu rưỡi gà vịt bị chết hoặc giết để phòng dịch.

Ông Nick Cox nói rằng dịch cúm gà là tai họa cho Việt Nam trên nhiều mức độ, nghiêm trọng nhất là cho sức khỏe con người. Tuy nhiên về lâu dài thì nó cũng tác hại cho nền kinh tế và môi trường nữa. (audio clip)

Quỹ Bảo vệ Đời sống Thiên nhiên Thế giới cho biết trong 10 năm qua, đội tàu đánh bắt hải sản của Việt Nam đã gia tăng đến 86%, thế nhưng sản lượng mỗi tàu thu được lại sút giảm đáng kể. Hiện tượng đó cho thấy nguồn tài nguyên biển của Việt Nam đã bị khai thác quá mức nên không thể tái tục chu kỳ thiên nhiên, chưa nói tới việc gia tăng thêm.

Việc này lại đưa tới hiện tượng các khu nuôi trồng hải sản nở rộ, các trại nuôi tôm, cua, cá đã phát triển mạnh mẽ, thường là ở những vùng duyên hải có hệ thống sinh thái mong manh.

Dịch cúm gia cầm khiến người tiêu thụ lo lắng, chuyển sang dùng nhiều tôm cá thay thế cho gà vịt. Do đó nguồn tài nguyên biển của Việt Nam càng bị sức ép lớn của nhu cầu khiến hệ sinh thái biển hư hại và không thể khôi phục lại trong tương lai.

Trả lời câu hỏi là Việt Nam nên làm những gì để giữ gìn tài nguyên của mình, ông Nick Cox cho rằng tuy nhà nước đề ra những chỉ tiêu phát triển ngành nuôi trồng thủy sản rất cao, nhưng cũng nên nhìn vấn đề một cách thấu đáo. Nên quy định những vùng nuôi trồng thủy sản thích hợp, đồng thời cũng phải chỉ định những vùng cấm do sinh thái nhạy cảm. (audio clip)

Nhiều nhà quan sát cho rằng không khéo rồi ra khi dịch cúm gà qua đi, Việt Nam không những thiếu gà vịt giống để tái tạo bầy gia cầm, mà ngay cả tôm cá cũng cạn kiệt, nếu ngay từ bây giờ không có kế hoạch dài lâu nào được đưa ra áp dụng.