Dịch cúm gà mới bộc phát ở tỉnh Thái Bình

Bấm vào đây để nghe bản tin này

Rightclick to download this audio

Nam NguyênMột ổ dịch mới vừa bộc phát ở tỉnh Thái Bình, vào khi cả nước đang chuẩn bị triển khai việc tiêu thụ sản phẩm gia cầm ở các nơi ngoài vùng dịch. Hôm 18/2 tỉnh Thái Bình ở miền bắc VN báo cáo phát hiện một ổ dịch mới, sau nhiều ngày tình hình dịch bệnh được xem là trong vòng kiểm soát.

Ổ dịch mới xảy ra tại xã Chương Dương Huyện Đông Hưng, hiện tượng này làm các giới chức chuyên môn hết sức lo ngại. Và chính Thủ tướng Phan Văn Khải phải ký công điện khẩn cấp gởi ban chỉ đạo quốc gia chống dịch, ủy ban nhân dân các tỉnh thành, chỉ thị các nơi không được chủ quan lơi là công tác chống dịch.

Trước đó vào ngày 10-2 Thủ tướng Khải đã yêu cầu các bộ ngành và tỉnh thành cả nước nhanh chóng mở cửa lại thị trường gia cầm ở các vùng an toàn. Trong khi chờ đợi các hướng dẫn liên quan đến việc cho giết mổ và tiêu thụ sản phẩm ở địa bàn bên ngoài ổ dịch được thi hành, thì người dân ở nhiều nơi đã tự động trao đổi mua bán tiêu thụ gà vịt và trứng ngoài vòng kiểm soát.

Một người dân ở huyện Đông Hưng, Thái Bình là nơi vừa phát hiện ổ dịch mới cho biết: "Huyện Đông Hưng các chợ chưa bày bán gà vịt nhưng người dân ở các xã trao đổi tiêu thụ với nhau bình thường, dân chúng không sợ ăn uống bình thường, chính phủ đã nói nơi nào có dịch thì khoanh vùng, bên ngoài thì bình thường…" (audio clip)

Tại Hà Nội hôm thứ năm 19/2 Cục Trưởng Thú Y Bùi Quang Anh, người phát ngôn của ban chỉ đạo quốc gia chống dịch cho báo chí biết một số chi tiết của qui định hướng dẫn về giết mổ tiêu thụ gia cầm vùng không có dịch.

Theo sự tiết lộ của ông Bùi Quang Anh, trước tiên sẽ cho tiêu thụ sản phẩm gia cầm ở các trại nuôi tập trung theo hình thức công nghiệp vì dễ kiểm soát. Việc giết mổ và sơ chế thịt gia cầm phải có kiểm nhận của cơ quan thú y, tạm thời nghiêm cấm vận chuyển gia cầm còn sống. Các hộ chăn nuôi gia cầm nếu ký được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cũng sẽ được can bộ thú y đến tận nơi kiểm dịch và cho giết mổ để sơ chế sản phẩm.

Tuy vậy ông Bùi Quang Anh nhấn mạnh rằng, nếu cả nước không sớm dập dịch thành công, thì sản phẩm gia cầm đã chế biến cũng khó tiêu thụ do tâm lý e ngại của người dân. Điển hình cho tâm lý này, một bạn trẻ ở Hà Nội phát biểu là ban hành qui định hay không cũng vậy thôi, bản thân chị và gia đình chưa dám đụng tới thịt gà thịt vịt: Chính phủ có ra lệnh cho tiêu thụ lại thì người dân cũng phải cân nhắc là có nên sử dụng thịt gia cầm hay không, chắc phải mất một thời gian người ta mới ăn lại, riêng gia đình tôi chẳng dám ăn."(audio clip)

Cho đến nay số gia cầm bị tiêu hủy ở 57 tỉnh thành phố có dịch đã vượt hơn 38 triệu con, trong ngày 18/2 số gia cầm bị tiêu hủy khỏang 200 ngàn con.

Trong lúc các giới chức ngành y tế bày tỏ sự quan ngại về việc số bệnh nhân nghi nhiễm cúm A tăng cao tỷ lệ luận với mức tử vong, thì ngành nông nghiệp và thương mại lại mong muốn sớm khôi phục thị trường gia cầm dù là trong phạm vi hạn chế, để tránh đi tới phá sản toàn bộ ngành chăn nuôi gia cầm của VN. Đến lúc này trong tay 8 triệu hộ nông dân Việt Nam vẫn còn duy trì hơn 200 triệu gia cầm, hầu như toàn bộ được cho ăn cầm hơi để duy trì sự sống.