Kết quả Hội nghị Bảy của Trung ương đảng

Lời Giới Thiệu: Hai tuần sau khi Hội nghị 7 của Ban chấp hành Trung ương đảng bế mạc, người dân trong nước mới biết về Nghị quyết thứ nhất của Hội nghị, được báo chí của đảng long trọng giới thiệu cùng 2 bài diễn văn khai mạc và bế mạc Hội nghị của tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Còn Nghị quyết thứ hai của Hội nghị, liên hệ đến việc chuẩn bị Đại hội đảng khóa IX, như được thông báo tuần trước, thì chưa thấy công bố. Sau các Hội nghị kỳ 5 và 6, người ta hết ngạc nhiên về vịêc Hội nghị bế mạc mà Nghị quyết vẫn chưa được công bố có lẽ vì Trung ương đảng ngày càng phải giải quyết những vấn đề phức tạp và khó đạt được sự nhất trí. Võ Thành Văn sẽ nói về những vấn đề phức tạp đó, được tổng hợp trong các văn kiện về Hội nghị 7, qua bài nhận định sau đây:Nhận xét đầu tiên về đảng Cộng sản Việt Nam 12 năm sau đổi mới, là Trung ương đảng chưa đổi mới quan niệm căn bản của mình về một đảng lãnh đạo. Sau khi chế độ bao cấp đã cáo chung, nếu tinh thần bao cấp vẫn tràn lan trong hệ thống quản lý thì tinh thần bao biện của đảng cũng còn phủ kín lên tổ chức và bộ máy của hệ thống chính trị. Cảm giác đó xuất phát từ thực tế khách quan, là Hội nghị 7 của khóa 8 đã bao biện đề cập tới mọi vấn đề lớn nhỏ, như được đúc kết trong bản Nghị quyết vừa được công bố hôm Thứ Hai. Vì sao lại có sự bao biện mang tính chất lạc hậu như vậy cũng là vấn đề đầu tiên cần được tìm hiểu. Khi đoạn 2 của Nghị quyết phê bình các yếu kém về tổ chức và bộ máy của hệ thống chính trị, nhất là của bộ máy hành chính nhà nước, người ta chờ đợi đảng sẽ nói về nguyên nhân, nhưng, chờ đợi hoài công, vì ở đoạn ba, Nghị quyết ghi là chúng tôi xin trích dẫn "Tình hình trên đây do nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chủ yếu là chưa quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về hệ thống chính trị trong điều kiện một Đảng cầm quyền". Câu hỏi mọi người muốn nêu lên, là AI chưa quán triệt sâu sắc quan điểm của đảng, nếu không phải là chính đảng? Đó là về quan niệm cơ bản, nghĩa là về tinh thần hiện đại chưa thấy có ở một đảng đã lãnh đạo và thực tế cầm quyền từ gần nửa thế kỷ. Về nội dung, Nghị quyết đề ra hai hướng, vừa lớn vừa nhỏụ, thứ nhất về tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị; thứ hai, về Tiền lương và trợ cấp xã hội thuộc ngân sách nhà nước. Sau cùng, ở phần ba, Nghị quyết đề ra phương hướng tổ chức chỉ đạo thực hiện việc "Củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị và cải tiến tiền lương". Các nước văn minh trên thế giới sẽ ngạc nhiên khi thấy một đảng tự xưng là trí tuệ của một xã hội lại có thể đề cập tới các vấn đề từ triết lý chính trị đến tổ chức hệ thống cai trị xuống tới vấn đề lương bổng, trợ cấp... kể cả thực hiện chế độ thuê, khoán hoặc hợp đồng một số loại dịch vụ trong cơ quan hành chính, như, chúng tôi xin trích nguyên văn: " vệ sinh, ăn uống, sửa chữa nhà cửa, điện, nước, lái xe, v.v..." Nhưng, nếu hiểu rõ bản chất toàn trị của chế độ, ta không ngạc nhiên về sự bao biện của đảng. Điều đó được tổng bí thư Lê Khả Phiêu khẳng định ở bài diễn văn bế mạc, khi nói về nhiệm vụ tư tưởng và công việc mà các đảng viên phải làm sau Hội nghị 7. Đó là "Tăng cường bản chất giai cấp công nhân của đảng, tăng cường vai trò lãnh đạo bền vững của đảng trong mọi tình huống và trên mọi lãnh vực của đời sống xã hội, bảo đảm cho đảng làm tròn nhiệm vụ là đảng lãnh đạo, thống nhất, toàn diện mọi mặt của đời sống xã hội mà lịch sử và dân tộc đã giao phó... " Cũng với tinh thần tự phấn khích bất kể thực tế, người lãnh đạo đảng đã khẳng định, rằng "Nhân dân Việt Nam chỉ có một ý chí, một con đường là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội". Như chưa đủ tin vào điều đó, ông Phiêu khẳng định thêm, là "Nhân dân hiểu sâu sắc rằng chỉ dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam thì mới có thể thực hiện được mục tiêu cao cả đó".Vì vậy, ta chả ngạc nhiên khi thấy đảng cúi xuống lo toan mọi việc lớn nhỏ, từ trong đảng tới nhà nước, tới Quốc hội và chính phủ rồi Mặt trận, từ việc xem xét doanh nghiệp kinh tài cho đảng tới việc bù mức trượt giá vào lương. Và cũng vì vậy mà đảng chẳng chu toàn được nhiệm vụ nào do tinh thần bao biện này. Một yếu tố được Nghị quyết gián tiếp nói tới là tinh thần phẩm hơn lượng, quý hồ tinh bất quý hồ đa khi đề cập tới việc giảm biên chế và tănh lương. Có lẽ Quý hồ tinh bất quý hồ đa là điều đảng Cộng sản chưa hiểu, nên việc gì cũng muốn can thiệp và đem vào nghị quyết, mà chẳng việc gì đạt kết quả. Cho nên tinh thần lủi thủi cầm cờ đi ngược trào lưu của nhân loại để lãnh đạo một mình là hình ảnh rõ nét nhất của Nghị quyết và các bài diễn văn rỗng rang của ông Phiêu./.