Bấm vào đây để nghe bản tin này
Rightclick to download this audio
Nguyễn KhanhKhông có dấu hiệu cho thấy vòng hai của cuộc đàm phán 6 nước đang diễn ra ở Bắc Kinh sẽ đạt được tiến bộ như mong đợi. Thay vì chấm dứt vào chiều hôm qua, các phái đoàn đồng ý sẽ gặp lại nhau thêm 1 ngày nữa với hy vọng tháo gỡ được những bất đồng.
Sẽ làm gì và cần làm những gì trong những giờ đồng hồ sắp đến? Ðó là câu hỏi được những người quan tâm đến tình hình Ðông Á và cuộc đàm phán 6 nước diễn ra tại Bắc Kinh đang đặt ra.
Câu hỏi đầy khó khăn này được nói đến sau khi các phái đoàn dự hội nghị đồng ý gặp lại nhau ngày hôm nay, thay vì trên nguyên tắc, đã chia tay với nhau từ chiều hôm qua. Thông thường trong những cuộc đàm phán ngoại giao, quyết định kéo dài thêm thời gian thảo luận chỉ xảy ra với hai trường hợp, hoặc tích cực hoặc tiêu cực. Rất tiếc ở trường hợp này, câu trả lời không may lại rơi vào trường hợp tiêu cực.
Related Stories - Đã có dấu hiệu khai thông tại Hội Nghị 6 nước về bán đảo Triều Tiên? - Buổi hội đàm đầu tiên của 6 nước về vấn đề hạch nhân tại Bắc Hàn - Các nỗ lực giờ chót trước cuộc đàm phán 6 bên tại Bắc Kinh
Chỉ một ngày trước đây, tin tức phát xuất từ Bắc Kinh cho thấy cuộc đàm phán sẽ đưa đến những kết quả đầy khích lệ, từ chuyện Bắc Hàn nói sẵn sàng hủy bỏ các chương trình hạt nhân dành cho quân sự, nếu Hoa Kỳ hứa không tiếp tục chính sách cứng rắn đối với họ, không sử dụng võ lực để lật đổ nhà cầm quyền đường thời và bắt đầu nói chuyện viện trợ phát triển kinh tế cũng như trao đổi quan hệ ngoại giao.
Không phải chỉ có Bình Nhưỡng thôi, mà ngay cả một số nước khác cũng lên tiếng bày tỏ thiện chí, điển hình là Nam Hàn, Trung Quốc và Nga cho biết sẽ viện trợ nhiên liệu cho Bắc Hàn, nếu quốc gia cộng sản này ngưng các chương trình hạt nhân và sau đó, sẽ nói đến chuyện bỏ hẳn chương trình vừa kể. Các biến chuyển xảy ra còn phần khởi đến độ đại diện các nước gặp nhau để soạn thảo bản thông cáo chung mà trên nguyên tắc, sẽ cho phổ biến hồi chiều hôm qua.
Rất tiếc, những biến chuyển tích cực đó chỉ như ngọn sóng thủy triều, bỗng dưng vụt dâng cao và sau đó tan mất. Tan nhanh đến độ những nguồn tin ngoại giao phát xuất từ Bắc Kinh nói rằng hy vọng một bản thông cáo chung thành hình hầu như không còn nữa, kể cả chuyện bản thông cáo được chờ đợi này chỉ cho biết là các bên đồng ý gặp lại nhau trong tương lai. Cho đến khuya hôm qua, các phái đoàn vẫn tích cực làm việc với nhau và nói như lời ông Lee Soo-hyuck, trưởng phái đoàn Nam Hàn thì bản thông cáo chung chỉ có thể thành hình nếu các nước đồng ý với nhau về ngôn từ được ghi trong văn kiện. (audio clip)
Ông Lưu Kiện Siêu, người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói rõ hơn là trở ngại xảy ra vì vẫn còn những bất đồng, những khác biệt mà các nước đang cố gắng giải quyết, nhưng ông từ chối không đi sâu vào chi tiết. (audio clip)
Tân Hoa Xã trích dẫn lời của trưởng phái đoàn Nga là ông Alexander Lusyukov nói rằng trở ngại đến từ phái Mỹ, vì Washington nhất quyết không thay đổi lập trường đối với Bắc Hàn. Theo ông Lusyukov, Hoa Kỳ vẫn giữ nguyên lập trường buộc Bắc Hàn phải hủy bỏ chương trình hạt nhân trước khi Washington đưa ra những biện pháp để đáp ứng. Phía Bắc Hàn thì đòi Hoa Kỳ phải đưa ra những lời cam kết cụ thể trước khi Bình Nhưỡng loan báo hủy bỏ kế hoạch chế tạo võ khí mà họ đang theo đuổi.
Các nhà ngoại giao Trung Quốc cho biết có lẽ, Hoa Kỳ muốn nhanh chóng tiến đến chỗ biến báo đảo Triều Tiên thành khu vực phi nguyên tử, nhưng quan tâm của Bình Nhưỡng về vấn đề an ninh lãnh thổ cũng cần phải được nói đến.
Liệu chuyện gì sẽ xảy ra trong những giờ sắp tới? Câu trả lời mà nhiều người nói đến là giả sử có bản thông cáo chung, thì điều đáng chú ý nhất là các nước đồng ý sẽ gặp lại nhau cũng tại Bắc Kinh, vì phía Trung Quốc đã bắn tiếng nói nếu được yêu cầu, sẵn sàng đứng ra tổ chức vòng đàm phán thứ ba. Trong thời gian chờ đợi cuộc gặp gỡ kế tiếp, có thể các nước cũng tán thành giải pháp sẽ có những cuộc thảo luận ở cấp thấp hơn.
Ðiều đáng chú ý là cho đến bây giờ, phái đoàn Hoa Kỳ chưa lên tiếng nói gì về cuộc đàm phán. Khi được hỏi, người phát ngôn của tòa đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh cho biết rất tiếc không thể tuyên bố hay đưa ra dự đoán trong lúc này vì cuộc đàm phán vẫn tiếp tục cho đến ít nhất chiều hôm nay mới kết thúc.