Bấm vào đây để nghe bài tường trình này
Rightclick to download this audio
Việt LongThưa quý thính giả, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ phổ biến bản báo cáo hằng năm về nhân quyền trên toàn thế giới. Việt-Long tóm lược phần liên quan đến Việt Nam và cùng trình bày với Thanh Quang. Mời quý vị và các bạn theo dõi.
Bản báo cáo vừa kể được phổ biến trong cuộc họp báo tại bộ ngoại giao Hoa Kỳ vào chiều thứ tư. Phần liên quan đến Việt Nam trong văn bản này dài tới 50 trang đánh máy, trong đó nêu ra một số điểm được coi là có tiến bộ về mặt lao động, chống buôn người, và những cải tiến ít ỏi trong một số điểm về nhân quyền, nhưng cũng đề cập đến những điều vi phạm nhân quyền trầm trọng vẫn còn tiếp diễn. Những vi phạm được báo cáo kỹ lưỡng với dẫn chứng cụ thể nhất, là sự đàn áp quyền tự do tôn giáo và các quyền tự do khác của công dân, như quyền phát biểu, hội họp và lập hội, di chuyển, cư trú, cuộc sống riêng tư.
Giới thiệu tổng quát về bản báo cáo tình hình nhân quyền trên tòan thế giới, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Colin Powell nói rằng còn quá nhiều nước trên thế giới vi phạm những quyền hết sức căn bản của công dân. (audio clip)
Ông Powell nói tiếp, Hoa Kỳ khẳng định rằng những nước này không thể mãi mãi kềm chế tự do. Một ngày nào đó, từ những trại tù, những xà lim giam nhốt, từ nơi lưu đày, những lãnh tụ của những nền dân chủ mới sẽ xuất hiện, và Hoa Kỳ sẽ đứng chung với những người dân bị áp bức cho đến ngày mà rốt cuộc tự do sẽ đến.
Trong phần tổng quát liên quan đến Việt Nam, bản báo cáo cho biết thành tích nhân quyền của chính phủ Việt Nam vẫn còn yếu kém, do những hành động tiếp tục vi phạm nhân quyền trầm trọng. Người dân vẫn bị từ chối quyền thay đổi chính quyền, n1oi cách khác là quyền bầu chọn chính quyền theo ý nguỵên. Họ bị tra tấn, bắt giam một cách độc đóan, rất ít quyền tự do hội họp, tự do báo chí .
Phụ tá Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ về dân chủ, nhân quyền và lao động, ông Lorne Craner, nói về điều này trong cuộc họp báo: (audio clip). Và ông gọi đó là tình hình rất đáng buồn về nhân quyền ở Việt Nam.
Bản báo cáo viết tiếp, cảnh sát công an đôi khi đánh đập nghi can khi giam giữ và thẩm vấn, và gây nhiều vụ mất tích trong năm qua. Những người bày tỏ ý kiến ôn hòa về chính trị, tôn giáo vẫn bị bắt giam. Điều kiện giam giữ nhìn chung còn khắc nghiệt, nhất là ở những tỉnh xa xôi. Một số người đã thiệt mạng vì bị hành hạ trong tù. Người tù phải làm việc không lương hay chỉ được đền bù rất ít. Nghi can bị từ chối quyền được xét xử nhanh chóng, công bằng và công khai. Một số người tù chính trị vẫn còn bị giam.
Tuy rằng Nhà Nước Việt Nam có tiếp tục khuynh hướng bớt can thiệp vào cuộc sống hằng ngày của dân, nhưng quyền riêng tư của hầu hết công dân vẫn bị hạn chế. Chính quyền hạn chế nghiêm ngặt các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp và lập hội. Chính quyền vẫn tiếp tục chính sách lâu năm về không dung nhượng những sự khác biệt ý kiến mà bày tỏ công khai, và gia tăng nỗ lực kiểm sóat hệ thống Internet về sự phổ biến những ý kiến khác biệt đó. Lực lượng an ninh tiếp tục thi hành lệnh cấm tụ họp công khai, cấm di chuyển ở một số vùng, nhất là ở Tây nguyên và cao nguyên tây bắc.
Vẫn theo bản báo cáo, Trong khi chính quyền có nới lỏng đôi chút quyền tự do tụ họp và khiếu nại của một số các dân cử và dân thường ở những buổi hội họp được chấp thuận trước, thì các tổ chức chính trị, lao động, xã hội có tính độc lập ngòai chính phủ đều bị cấm đóan; mọi tổ chức đều phải do Nhà Nước kiểm sóat. Chính quyền ngăn cấm quyền tự do tôn giáo và hành đạo ở các tổ chức tôn giáo không do chính quyền lập nên. Các tín đồ Phật giáo, Hòa hảo, Tin lành hoạt động trong các giáo hội không xin phép đó thì bị sách nhiễu, và nhiều khi bị nhà cầm quyền giam nhốt. Những cá nhân bị coi là mối đe doạ cho chế độ thì bị áp dụng những hạn chế về di chuỷên.
Bản báo cáo hằng năm của bộ ngoại giao Hoa Kỳ viết tiếp, Nhà Nước Việt Nam có tiếp tục củng cố cơ chế giúp công dân nạp đơn cho chính quyền và giúp các nạn nhân bị bất công đuợc bồi thường. Trong khi đó thì các tổ chức hoạt động cho nhân quyền không được phép thành lập và hoạt động. Một số quyền căn bản của người lao động như quyền tự do lập hội bị cấm đóan, dù chính quyền có hợp tác với tổ chức lao động quốc tế ILO và các nguồn cấp viện quốc tế để cải tiến viêc áp dụng luật lao động. Trẻ em vẫn bị bóc lột lao động, nhưng chính quyền nhìn nhận vấn đề này và có cố gắng cải thiện. Phụ nữ và người thiểu số còn bị kỳ thị, do tập quán lâu năm của người dân hơn là chính sách của chính phủ.
Nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em vào đường mãi dâm vẫn là vấn đề trầm trọng, trong đó có cả những vụ kết hôn trá hình với người Trung Quốc và Đài Loan. Phụ nữ Việt Nam còn bị buôn sang Singapore, Hồng Kông, Macao, Thái Lan, Đài Loan, Anh quốc và cả Hoa Kỳ. Phụ nữ và thiếu nữ ở các vùng quê nghèo đói là thành phần chịu nguy cơ bị buôn bán vào đường mãi dâm nhiều nhất. Chính phủ có cải thiện thành tích xóa đói giảm nghèo, nhưng khỏang cách giàu nghèo giữa thành thị và thôn quê, giữa các giai tầng xã hội còn khá xa.
Sau phần tổng quát là những dẫn chứng về từng lãnh vực vi phạm nhân quyền. Bản báo cáo đưa những dẫn chứng cụ thể, ví dụ như vụ công an đánh chết tín đồ Tin lành Vang SEo Giao ở huyện Xìn Mán tỉnh Hà Giang vì không chịu bỏ đạo, đánh chết cả hai anh em người Tin lành khác là Mua Bua XEng và Mua Xay Xo, tra tấn Nguyễn Ngọc Châu ở Quảng Nam đến chết trong lúc điều tra tội giết người. Một dẫn chứng cụ thễ khác, là hai vụ làm mất tích, một vụ hai ba chục người, một vụ tới 47 người, diễn ra ở tỉnh Đác Lắc sau khi một số đông đồng bào Thượng bị bắt giữ, đến nay người nhà vẫn không biết tung tích. Đại đức Thích Trí Lực bị bắt về từ Cambodia, bị hoãn xử, nay cũng không biết ở đâu.
Các tổ chức tôn giáo được hoạt động cũng bị kiểm sóat chặt chẽ trong mọi lãnh vực, từ in ấn kinh sách, tuyển thâu và chủng sinh, tăng sinh, cho đến việc hành đạo và bổ nhiệm các hàng giáo phẩm.
Ngòai những trừơng hợp của các vị hòa thuợng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ, Thích Thiện Hạnh và một số tu sĩ Phật Giáo, Tin Lành, Hòa hảo khác được nói đến trong phần báo cáo về Việt Nam đàn áp tôn giáo, văn bản còn dẫn chứng tên tuổi 34 nhân vật bất đồng chính kiến nổi bật trong nước, và từng truờng hợp họ bị bắt giam, xét xử và kết án không công bằng, nhưng báo cáo có nêu rõ sự giảm nhẹ cho một số người sau khi xử phúc thẩm.
Phần báo cáo về đàn áp tôn giáo ở Tây nguyên và cao nguyên Tây Bắc kể rõ những vụ bắt người Tin lành uống máu súc vật và thề bỏ đạo, ai không thi hành thì bị đàn áp, nguợc đãi bằng nhiều hình thức, có trường hợp bị đánh đến chết như ở cao nguyên Tây bắc. Đồng bào sắc tộc ở Tây nguyên còn bị chỉ định cư trú, bắt phải bỏ tập quán du canh du cư, nên người Kinh được đem lên có thêm diện tích canh tác và cư trú, gây bất mãn và chống đối trong cộng đồng thiểu số, đưa đến những vụ đàn áp và chế độ kiểm sóat bằng cách cho bộ đội đến ở chung từng nhà, trong từng bản làng của họ.
Báo cáo của bộ ngoại giao Hoa Kỳ còn nêu tên những ký giả trong nước bị rút giấy phép, đổi công tác, trong đó có tổng biên tập tờ Tuổi Trẻ, vì những bài điều tra những vụ phạm luật của Nhà Nước, hay chuyện Năm Cam, chuyện tham nhũng.
Trả lời câu hỏi của Đài Á Châu Tự Do về biện pháp đối phó của Hoa Kỳ trước tình trạng nhân quyền ở Việt Nam, phụ tá Bộ trưởng ngoại giao Lorne Craner cho biết đó là vấn đề mà ông và tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội thuờng đề cập với phía Việt Nam: (audio clip)
Ông nói tiếp, tuy nhiên Việt Nam chưa chọn con đường mà nhiều nước khác đã làm để tỏ ra cởi mở thêm nữa. Ông nói Việt Nam đã mở cửa kinh tế có mức độ, nhưng chưa chịu cởi mở về chính trị. Phụ tá Bộ trưởng Lorne Craner không trả lời thẳng câu hỏi liệu với thành tích nhân quyền yếu kém như vậy, Việt Nam có thể bị đưa vào danh sách những nước cần bị lưu ý đặc biệt hay không. Ông hẹn sẽ nhờ một viên chức khác trả lời việc này trong tương lai.