Bấm vào đây để nghe bản tin này
Rightclick to download this audio
Lê DânThưa quý thính giả, theo sự ước lượng của Nhà Nước thì với mức tăng trưởng hiện nay, nhu cầu về điện năng của nước ta sẽ tăng gấp mấy lần, từ nay cho đến cuối thập kỷ tới. Làm sao để đáp ứng nhu cầu bức thiết đó trong tương lai, Hà Nội đã chọn câu giải đáp từ Moscow, và sự việc sẽ được biên tập viên Lê Dân của ban Việt ngữ tìm hiểu và trình bày làm 3 kỳ như sau.
Chuyến viếng thăm Việt Nam vừa qua của phó Thủ tướng Nga Viktor Khristenko đã kết thúc với những lời hứa hẹn tốt đẹp là đẩy mạnh sự hợp tác giữa đôi bên thêm nữa, cho xứng với quan hệ truyền thống Việt-Nga.
Các bản tin chính thức của Nhà Nước chỉ cho biết những điểm khái quát trong bản Ghi nhớ mà phó Thủ tướng Vũ Khoan ký kết với đối tác Nga Viktor Khristenko, khẳng định dầu khí và năng lượng là những hướng hợp tác ưu tiên giữa hai nước. Bản tin của Thông tấn Xã Việt Nam viết thêm là ông Khristenko bày tỏ mong muốn cho Nga tham gia phát triển hệ thống điện thoại di động và dự án vệ tinh Vinasart.
Thế nhưng bản tin của hãng thông tấn Nga Itar-Tass cho biết phó Thủ tướng Khristenko nói rằng sẽ phát triển sự hợp tác với Việt Nam trong nhiều hướng mới, một trong những đề mục ưu tiên là năng lượng nguyên tử. Nga sẽ giúp Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.
Hãng thông tấn Pháp AFP cũng cho biết rằng hiện nay thì nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam chỉ mới là kế hoạch của Hà Nội, tuy nhiên một Ủy ban Liên bộ đã được thành lập hồi tháng Ba năm 2002 để nghiên cứu xúc tiến việc này vào trước cuối năm 2020.
Trước hết, làm sao mà nguyên tử có thể phát điện được. Thưa quý vị, sản xuất điện năng đơn giảm là do đynamô như ở xe đạp, và do generator như ở các nhà máy điện.
Ở xe đạp, đynamô quay nhờ cọ xát vào bánh xe. Còn ở các tuộcbin lớn, người ta thường dùng động cơ nổ dùng dầu cặn, hoặc dùng động cơ hơi nước nhờ than đá đốt nóng để quay trục tuộcbin của máy phát điện. Tiện lợi và ít tốn kém nhất là thủy điện, dùng sức nước chảy để quay guồng tuộcbin.
Những máy điện nguyên tử thời kỳ đầu cũng dùng phản ứng nguyên tử để sinh nhiệt biến nước thành dạng hơi và đẩy píttông động cơ hơi nước như ở đầu máy tàu hỏa.
Về sau khi khoa học tiến thêm, người ta dùng phản ứng nguyên tử để sinh nhiệt nung nóng hơi nước và trực tiếp làm trục tuộcbin quay. Một chuyên viên Việt Nam thuộc Ủy ban Nguyên tử Năng Hoa Kỳ là ông Lê Ngọc Bội cho biết: "Tôi là người Việt Nam đầu tiên ở Mỹ được trao cho trách nhiệm đứng ra điều hành một nhà máy điện nguyên tử. Ở tiểu bang Tennessee khi họ mới xây xong, tôi phải xem xét trước khi họ đặt nhiên liệu nguyên tử vào để chạy những máy phát điện mà Mỹ họ gọi là generator". (audio clip)
Related Stories- Nga giúp Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân (Bài 3)- Nga giúp Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân (Bài 2)- Tiến sĩ Vương Hữu Tấn nói về dự án xây nhà máy điện nguyên tử tại VN
Ông cho biết thêm là phản ứng dây chuyền của hạt nhân sinh ra nhiệt lượng rất lớn, nung nóng nhiên liệu, nhiên liệu đó đến lượt lại làm nóng hệ thống nước để sinh ra hơi nước và làm quay guồng tuộcbin: "Máy đó tiếng Mỹ gọi là nuclear reactor được đặt chính giữa trong một lò thép hình tròn, ngoài bọc ximăng cốt sắt ba lớp để bảo vệ phóng xạ trong trường hợp không tốt, phóng xạ có thể bị rò rỉ ra ngoài và làm hại sức khỏe dân chúng." (audio clip)
Tai nạn hạt nhân mà chuyên gia Lê Ngọc Bội vừa nhắc tới khiến người ta liên tưởng ngay tới biến cố Chernobyl hồi năm 1986 ở Liên Xô.
Trên thế giới hiện có 428 nhà máy điện hạt nhân nằm ở hơn 30 quốc gia, sản xuất được 17% tổng sản lượng điện toàn cầu. Pháp là nước dùng điện hạt nhân nhiều nhất, tới 75% sản lượng điện quốc gia.
Tuy nhiên tại các nước tiên tiến như Nhật Bản, Đức, Thụy Điển, Anh, Hoa Kỳ….thì việc xây dựng thêm nhà máy điện hạt nhân mới hầu như không còn được nhắc đến nữa. Một số nước đã lỡ xây thì đã quyết định đình chỉ, như trường hợp Philippines đã bỏ nhà máy hoàn thành đến 90% với hàng tỷ đôla.
Tại nạn Chernobyl ra sao và lý do nào khiến các nước tiên tiến lại quay lưng với điện hạt nhân sẽ được chúng tôi trình bày trong bài kế tiếp. Mời quý vị đón nghe.