Nga giúp Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân (Bài 2)

Bấm vào đây để nghe bản tin này

Rightclick to download this audio Tiếp theo loạt bài về dự định của Việt Nam nhờ Nga giúp xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, kỳ này chúng tôi xin lược thuật những lý do khiến nhiều nước tiên tiến đang xóa bỏ dần loại hình sản xuất năng lượng bằng nguyên tử.

Trên thế giới hiện có 428 nhà máy điện hạt nhân nằm ở hơn 30 quốc gia, sản xuất được 17% tổng sản lượng điện toàn cầu. Pháp là nước dùng điện hạt nhân nhiều nhất, tới 75% sản lượng điện quốc gia.

Thế nhưng việc xây dựng lò phản ứng nguyên tử để phát điện thường gặp khó khăn do sự phản đối của công chúng và những nhóm bảo vệ môi trường. Họ lo ngại về sự an toàn của nhà máy cũng như vấn đề xử lý chất thải. Ngay cả những người chủ trương xây thêm nhà máy điện nguyên tử cũng không muốn các nhà máy đó tọa lạc gần nhà riêng của họ.

Chuyện Nhà Nước Việt Nam trong những ngày qua không nêu rõ cho công chúng biết việc đã ký kết bản ghi nhớ với phó Thủ tướng Viktor Khristenko để Nga xây giúp cho nhà máy điện nguyên tử đầu tiên còn một lý do khác, đó là sự ám ảnh của tai nạn thảm khốc ở Chernobyl hồi năm 1986 tại nước cộng hòa Ukraine thuộc Liên Xô, có thể khiến dân chúng Việt Nam phản đối mạnh mẽ.Sáng sớm ngày 26 tháng Tư năm 1986, vào lúc 1 giờ 21 phút, lò phản ứng số 4 của Trung tâm Điện Hạt nhân Chernobyl ở nước Cộng hòa Ukraine của Liên Xô phát nổ và phát tán lượng phóng xạ nhiều từ 30 đến 40 lần hai quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki thời Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Moscow theo thông lệ vẫn kín tiếng về mọi tai nạn xảy ra trên không gian, dưới mặt biển và mọi nơi khác của Liên Xô. Thế giới chỉ biết đến tai nạn nguyên tử tệ hại nhất lịch sử này sau khi Thụy Điển và sau đó là những nước Âu châu khác lên tiếng báo động nhờ đo mức phóng xạ bất ngờ tăng cao trên phần đất họ.

Related Stories- Nga giúp Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân (Bài 3)- Nga giúp Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân (Bài 1)- Tiến sĩ Vương Hữu Tấn nói về dự án xây nhà máy điện nguyên tử tại VN

Cho tới nay, con số chính xác về những thiệt hại do tai nạn Chernobyl gây ra vẫn còn là một ẩn số. Không ai có thể biết chắc số nạn nhân nhiễm xạ, ngoài 31 người chết ngay tại chỗ, phần lớn là nhân viên cứu hỏa. Hàng trăm ngàn người Ukraine, Nga và Belorussia đã phải rời bỏ nhửng đô thị và làng mạc quanh khu vực 30 kilômét gần nơi xảy ra tai nạn và bụi phóng xạ đo được tận Trung và Nam châu Âu. Từ đó mỗi năm vẫn có người chết do nhiễm phóng xạ Chernobyl khi trước.

Bản tin của nhật báo Thụy Sĩ Neue Zurcher Zeitung hôm 19 tháng 11 năm 2003 cho biết bộ Y tế xứ họ còn tìm thấy dấu vết chất phóng xạ Caesium 137 ở mức độ như hồi Chernobyl mới nổ ở thịt heo rừng và nhiều loại nấm dại.

Trong khi đó, khi trả lời báo chí, ông Vương Hữu Tấn, viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, nhận rằng vấn đề an toàn hạt nhân đang được thế giới quan tâm. Tuy nhiên những “sợ hãi” đó, theo ông là mang chất “cảm tính” và báo chí quốc tế thường nêu lên là vì “chính trị”.

Trong cuộc phỏng vấn giành cho phái viên Việt Hùng của chúng tôi, ông nói: "Tất nhiên là công chúng bao giờ cũng quan tâm về vấn đề an toàn. Nhưng việc thải chất phóng xạ thì có thể đảm bảo là rất an toàn, không phải lo lắng gì cả, vì thế hệ lò kiểu Chernobyl của Nga do thiết kế có những khiếm khuyết, mà trong quản lý vận hành cũng có những khiếm khuyết, vì thế cho nên mới dẫn đến sự cố." (audio clip)

Một bản phúc trình của viện đại học Nhật Sangyo ở Kyoto mới được công bố cho biết một tai nạn tầm cỡ như ở Chernobyl mà xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Oi trong huyện Fukui có thể giết chết hơn 400 ngàn người Nhật và sẽ cần tới 460 ngàn tỷ Yên trong 50 năm để thanh tẩy.

Bài báo Tuổi Trẻ Chủ nhật hôm 11 tháng Giêng vừa qua, tác giả Phạm Duy Hiển cho biết rằng ngày nhà máy điện hạt nhân vận hành trên bờ biển Ninh Thuận sẽ không còn xa, và ông nêu câu hỏi tại sao phải vội, trong khi những nước tiên tiến như Đức, Thụy Điển, Nhật Bản đang lo đưa chúng xuống nghĩa địa.

Làm sao Việt Nam có thể trang trải nổi chi phí hơn 4 tỷ đôla đó cho nhiên liệu nguyên tử, cho cơ phận nhà máy, cho đội ngũ chuyên gia kỹ thuật.

Một điểm đáng chú ý khác nữa mà tác giả Phạm Duy Hiển đưa lên mặt báo Tuổi Trẻ là hệ thống pháp lý hạt nhân của Việt Nam rất yếu kém, thậm chí bị coi thường. Minh chứng là lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt sắp kỷ niệm 40 năm mà vẫn chưa có giấy phép vận hành ! Chất phóng xạ do lò sản xuất được sử dụng trong các bệnh viện cũng chưa có giấy phép. Chẳng ai cấm, nhưng cũng chưa có ai ký. Như vậy thì do đâu mà vội ?

Chúng tôi xin tạm dừng nơi đây và mời quý vị theo dõi bài thứ 3 kế tiếp, tiến sĩ Lê Mạnh Hùng sẽ tìm cách giải thích những câu hỏi đã được nêu ra trong hai bài qua.