Bấm vào đây để nghe bản tin này
Rightclick to download this audio
Thy NgaVào 5 giờ 15 chiều thứ Bảy, giờ miền Đông Hoa Kỳ, tức là 4 giờ 15 sáng Chủ Nhật nếu tính theo giờ Việt Nam, tòa Nhà Trắng xác nhận tin cựu Tổng thống Ronald Reagan từ trần, và Tổng thống đương nhiệm George W. Bush đã được thông báo tin đó khi ông đang ở Paris trong chuyến công du vinh danh các anh hùng của Thế Chiến Thứ Hai, vào dịp đánh dấu 60 năm sự kiện quân lực đồng minh đổ bộ lên bờ biển Normandie tại Pháp.
Nữ phát ngôn nhân tòa Nhà Trắng cho hay là chánh văn phòng của cựu Tổng thống Reagan tại Los Angeles thuộc bang California đã điện thoại tới tòa Nhà Trắng, loan tin buồn đó. Tòa Nhà Trắng đã treo cờ rũ ngay sau khi nghe tin.
Tin từ gia đình cựu Tổng thống cho biết rằng ngay sau khi ông Ronald Reagan trút hơi thở cuối cùng, người con trai tên Michael phát biểu là: Nước Mỹ sẽ nhớ đến thân phụ anh như một người thanh liêm chính trực, chiếm được lòng tín phục của mọi người, đồng thời lại nói năng duyên dáng, dễ gây cảm tình, người mà đã làm cho nước Mỹ và cả thế giới khả quan hơn tuy thế, thân phụ anh lại nói rằng đó là công của những người khác, nhưng anh tin rằng ông chỉ khiêm nhường đó thôi.
Về bệnh tình của cựu Tổng thống Reagan vào những ngày cuối cùng: tháng trước, vợ ông là bà Nancy nói rằng chồng bà đã tới mức độ mà ngay cả bà, cũng không còn thể nào với tới được nữa. Tuy vậy, bà cương quyết chu toàn bất cứ điều gì có thể làm được để ở bên cạnh ông, dù rằng ông nào còn nhận ra ai nữa.
Vào tháng 11 năm 1994, cựu Tổng thống Ronald Reagan tiết lộ tin ông bị bệnh Alzheimer cho dân chúng Mỹ biết, qua một bức thư đầy tình thắm thiết.
Chỉ ít lâu sau, người ta dần dần không còn thấy ông ra khỏi tư gia nữa. Đến năm 1999 thì cựu Tổng thống Reagan không tới văn phòng của ông tại Century City nữa tuy nhiên, ông vẫn đi dạo trong công viên, hay dọc theo bờ biển Venice với sự tháp tùng của đoàn cận vệ. Như vậy là sau 10 năm bị bệnh Alzheimer, cựu Tổng thống Ronald Reagan đã lìa trần vào ngày thứ Bảy 5 tháng Sáu 2004, thọ 93 tuổi.
Dân chúng Mỹ nhớ đến ông như là nhân vật đã dẫn đầu cuộc cách mạng đặt nền tảng cho nền kinh tế và văn hóa Mỹ khởi sắc vào các năm 1980, người đã xúc tiến việc chấm dứt Chiến Tranh Lạnh, và cũng là người làm cho đảng Cộng Hòa của ông phục hồi sinh khí.
Ông Ronald Reagan đắc cử Tổng thống ở tuổi 69 - như thế trong lịch sử Hoa Kỳ, ông là người cao tuổi nhất khi nhậm chức vụ lãnh đạo nước Mỹ vào ngày 4 tháng 11 năm 1980.
Trong nhiệm kỳ, ông đã suýt bị nguy hiểm tới tính mạng sự kiện này xảy ra ngày 30 tháng Ba năm 1981, Tổng thống Reagan vừa ra khỏi khách sạn, nơi họp với các viên chức công đoàn lao động, thì bị bắn 6 phát súng vào người, một phát chỉ cách tim ông ngoài 2 phân tây. Thủ phạm tên là John Hinchkley bị bắt tại chỗ.
Tổng thống Reagan bình phục nhanh chóng, nhanh hơn là mọi người từng lo ngại, chỉ một tuần sau, người ta đã thấy ông xuất hiện trước công chúng.
Nhưng về vấn đề sức khỏe, ông Ronald Reagan từng trải qua những chuyện như vào năm 1985, mổ ung thư ruột già; và năm 87, mổ ung thư tuyến tiền liệt. Ông còn bị ung thư da; tới năm 2001 thì bị té gẫy xương hông.
Trên chính trường của các năm 1980, khi mà khối Liên Xô dần sụp đổ, có thể nói là nhà lãnh đạo Hoa Kỳ Ronald Reagan, và nhà lãnh đạo Anh quốc là bà Margaret Thatcher rất ăn ý với nhau. Song song với quãng thời gian 11 năm, bà Thatcher làm thủ tướng ở Anh, thì bên này bờ Đại Tây Dương, ông Ronald Reagan làm Tổng thống hai nhiệm kỳ, tức là 8 năm.
Sự liên kết chặt chẽ của hai vị này đã giúp thay đổi cục diện thế giới hồi đó. Bà Thatcher đã là vị quốc khách đầu tiên đến thăm ông Reagan sau khi ông nhậm chức Tổng thống vào năm 1981.
Trong cuốn hồi ký “Các năm ở phủ thủ tướng trên đường Downing” bà Margaret Thatcher viết là bà nhớ lại cuộc gặp mặt đầu tiên với ông Reagan vào năm 1975, khi ấy bà lãnh đạo phe đối lập tại Anh quốc, ông Reagan thì là thống đốc bang Califonia bên Hoa Kỳ. Bà nói là đã bị chinh phục ngay bởi sự duyên dáng nồng ấm của ông.