Bấm vào đây để nghe bản tin này
Rightclick to download this audio
Phạm ĐiềnCó lẽ chưa bao giờ vấn đề an ninh lại được đặt nặng như hiện nay trong cuộc họp thường niên của ASEAN cũng như của Diễn Đàn ARF. Các nước chú trọng vào vấn đề chống khủng bố trong vùng Á Châu và toàn cầu. Tuần tới, 10 ngoại trưởng của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á tức ASEAN sẽ tới Jakarta, Indonesia để tham dự cuôc họp thường niên kéo dài trong 2 ngày.
Đề tài chính của cuộc họp năm nay này là về các vấn đề an ninh trong đó có những nỗ lức chống khủng bố toàn cầu. Theo tin của thông tấn Kyodo, các nước đang soạn thảo bản thông cáo chung trong đó bày tỏ lại quyết tâm gia tăng sự hợp tác và điều phối hoạt động với cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến này. Họ nhấn mạnh nhu cầu đối phó với nguồn gốc của nạn khủng bố và bác bỏ các nỗ lực liên hệ với khủng bố bằng bất cứ lý do nào, tôn giáo, chủng tộc, quốc gia hay sắc tộc”.
Bản thảo thông cáo chung của ASEAN không đề cập với vấn đề bán đảo Triều Tiên. Vấn đề này sẽ được thảo luận trong phiên họp bán chính thức giữa các nước hội viên ASEAN vào Thứ Tư theo công thức ASEAN cọng ba với Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn. Phiên họp chính thức của ASEAN cọng ba, chính thức khai diện ngày Thứ Năm. Tuy không mổ xẻ vấn đề, nhưng theo một nhà ngoại giao ASEAN thì bản thông cáo chung sẽ kêu gọi vùng phi nguyên tử hóa ở bán đảo Triều Tiên, khuyến khích hai nước Hàn đối thoại và tiến tới thống nhất đất nước.
Trung Quốc yêu cầu đưa thêm vào thông cáo chung việc nhắc tới chính sách “một nước Trung Hoa”, và điều này có thể được ASEAN chấp nhận, tuy rằng trong cuộc họp cấp ngoại trưởng ASEAN một cách âm thầm ở Việt Nam vào tháng 3, các nước ASEAN đã đồng ý chỉ lên tiếng chứ không đưa vào văn kiện.
Các cuộc thảo luận có dự tính đưa ra một bản Hiến Chương ASEAN để nó trở thành một thực thể pháp lý cho ASEAN. Đề nghị này được Ngoại trưởng Philippine Raul Manglapus trước kia vào năm 1989, được Thư Ký Đoàn ASEAN nhắc lại một lần nữa gần đây.
Trong cuộc họp bắt đầu ngày Thứ Ba, các ngoại trưởng sẽ ký tối thiểu hai văn kiện chống khủng bố, một với Australia và một với Nga, hai xứ thành viên trong Diễn Đàn Vùng của ASEAN được gọi tắt là ARF.
Vào ngày Thứ Sáu tuần tới 23 quốc gia thành viên ARF sẽ họp và các nước hội viên sẽ ký vào một văn kiện nhằm “tăng cường an ninh chuyển vận chống khủng bố quốc tế”.
Tháng trước trong vấn đề này Hoa Kỳ đã đưa ra đề nghị “Khởi động An Ninh Duyên Hải Vùng” trong phiên họp bán chính thức của ARF ở Jakarta, Indonesia nhưng một số thành viên ASEAN , đặc biệt là Malaysia bác bỏ này. Và ASEAN dự tính tổ chức một buổi hội thảo của ARF để phản bác đề nghị của Mỹ.
Mỹ đề nghị tuần tiễu dọc theo eo biển Malacca đễ ngăn chận những hoạt động của hải tặc và khủng bố nhưng Indonesia và Malaysia phản đối, cho rằng hoạt động của hải tặc không liên quan gì đến khủng bố.
Trong các đề tài chính trị khác, Ngoại trưởng các nước trong ASEAN có thể còn thảo luận về những diễn biến mới ở Iraq và tình hình ở Trung Đông.
Trong cuộc hội nghị có mặt Liên Hiệp Âu Châu cũng là thành viên trong Diễn Đàn An Ninh Vùng ARF, các nước ASEAN cũng có ý định kêu nài họ chấp nhận sự hiện diện của ba xứ Miến Điện, Kampuchia, Lào trong cuộp hội nghị Á Âu ASEM đổi lấy việc chấp nhân 10 tân hội viên của Liên Hiệp Âu Châu.
Lập luận của ASEAN trong vấn đề này là EU không công bằng nếu không chấp nhận ba nước vừa kể trong khi lại muốn ASEAN nhìn nhận Cyprus, Cộng Hoà Tiệp, Estonia, Hungari, Latvia, Lithuania, Malta, Ba Lan , Slovakia và Slovenia.
EU không chấp nhận Miến Điện vì xứ này vi phạm nhân quyền. Ngoại trưởng các nước ASEAN muốn thảo luận việc soạn một kế hoạch hành động cụ thể bằng việc thiết lập một cơ năng cho an ninh vùng.
Diễn đàn ARF gồm có 10 xứ ASEAN cùng với Australia, Canada, Trung Quốc, EU, Ấn, Nhật, Mông Cổ, New Zealand, Nam Hàn, Papua New Guinea, Nga và Hoa Kỳ.