Đỗ Hiếu Nhân dịp kỷ niệm bảy năm ngày Hồng Kông được Anh Quốc trao trả cho Hoa Lục, hôm nay hàng trăm ngàn người dân nơi đây dự định xuống đường biểu tình đòi hỏi dân chủ và cải tổ chính trị.
Bấm vào đây để nghe bản tin này
Rightclick to download this audio
Related Stories - Hàng trăm ngàn người dân Hồng Kông xuống đường đòi dân chủ - Bắc Kinh lo sợ người dân Hồng Kông sẽ biểu tình nhân ngày 1/7
Trước phong trào đấu tranh quy mô đó, nhà nước Trung Quốc đã sử dụng nhiều phương thức khác nhau, hầu vô hiệu hóa sức mạnh tập trung cao độ của dân chúng địa phương, không ngừng đòi hỏi dân chủ và nhân quyền.
Đúng vào ngày mồng một tháng bảy năm ngóai, trên nửa triệu người Hồng Kông đã rầm rộ xuống đường biểu tình yêu cầu chánh quyền trung ương Bắc Kinh cải tiến dân chủ, và triệt để tôn trọng nguyên tắc “một quốc gia, hai hệ thống”, tức là cho phép lãnh thổ này được quyền tự trị trong vòng 50 năm, theo đúng sự cam kết khi tiếp quản từ Liên Hiệp Anh.
Dân chúng Hồng Kông cũng mạnh mẽ chống đối dự thảo luật về chống nổi loạn do chánh quyền đặc khu hành chánh này soạn thảo và ban hành, nhưng theo dư luận thì đây là một hình thức nhằm từng bước thu hẹp và tước đoạt quyền tự do của người dân.
Trước phản ứng vô cùng mạnh mẽ của dân chúng, cuối cùng ông Đổng Kiến Hoa, hành chánh chưỡng quang Hồng Kông đã thu hồi sắc luật chống phản loạn.
Hôm nay, đúng vào ngày mồng một tháng bảy, giới quan sát quốc tế cũng ước tính sẽ có trên dưới 300 ngàn người xuống đường đòi hỏi dân chủ, mà vấn đề then chốt là để cho họ có quyền chọn lựa cấp lãnh đạo và người đại diện cho mình, qua thủ tục phổ thông đầu phiếu.
Đặc biệt năm nay, đối tượng mà dân chúng Hồng Kông muốn nhắm tới không phải là ông Đổng Kiến Hoa, người cầm đầu đặc khu hành chánh mà là chánh quyền trung ương bên Hoa Lục, vì mọi chỉ thị, quyết định đều xuất phát từ lục địa, trong đó có việc tước đoạt của dân chúng Hồng Kông quyền tự do bầu chọn người đại diện cho mình trong chánh quyền cũng như bên lập pháp.
Bà Jackie Ling một thành viên trong mặt trận đấu tranh cho nhân quyền tại Hồng Kông đã ví thân phận của người dân Hồng Kông với cảnh cá chậu chim lồng. Bà khẳng định, Hồng Kông cần tự do, dân chủ, cho nên mọi người không thể nhượng bộ hay bỏ cuộc mà cần phải sát cánh bên nhau và cuơng quyết bày tỏ thái độ của mình.
Trước những đòi hỏi chính đáng của dân chúng Hồng Kông từng gây quan ngại đối với chánh quyền trung ương Bắc Kinh, nhà nước Trung Quốc đã một mặt nâng cao mức sống của dân chúng qua nhiều biện pháp như phát triển thương mại, đầu tư, cắt giảm thuế khóa, tạo thêm công ăn việc làm, xây dựng thêm hạ tầng cơ sở.
Nhưng mặt khác, Bắc Kinh cũng xoa dịu dư luận bằng nhiều chiêu bài khác nhau, như cho phép các nhân vật đấu tranh cho dân chủ Hồng Kông được thăm viếng Hoa Lục. Trước đây những thành phần này đã bị Bắc Kinh xem là những kẻ phản quốc.
Phần phó chủ tịch nhà nước Trung Quốc Tăng Khánh Hồng thì khen ngợi Hồng Kông là một Hòn Ngọc Quý của Viễn Đông và ông tin rằng, nét đẹp lộng lẩy đó sẽ không bao giờ bị mai một. Ông cũng chúc mừng người dân Hồng Kông nhân dịp kỷ niệm bảy năm ngày lãnh thổ này quy hồi Hoa Lục mà ông gọi là một ngày lịch sử hiếm có.
Mặt khác, Bắc Kinh cũng cố gắng thuyết phục và lôi cuốn một số phần tử đấu tranh ôn hòa đứng về phía nhà nước để thảo luận các biện pháp cải tổ chính trị trong tương lai.
Chính sự phân hóa cố ý này đã khiến phe đối lập tại Hồng Kông đi tới chỗ bị ly giáng, tức là có mâu thuẫn, nghi kỵ trong nội bộ nhóm đấu tranh vì dân chủ.
Mới đây, chánh quyền Hồng Kông đã cho thực hiện một cuộc thăm dò dư luận và kết quả phổ biến trên các cơ quan ngôn luận do nhà nước kiểm soát cho thấy, là dân chúng Hồng Kông không mấy thiết tha với chuyện xuống đường rầm rộ chống đối chánh quyền. Theo những người góp ý thì các cuộc tập họp biểu tình chỉ làm trở ngại cho sinh hoạt yên ổn hàng ngày và làm trật tự xã hội bị xáo trộn vô ích.
Ngay sau khi tin tức này được loan báo, ông Trương Ôn Quán, một đại biểu quốc hội Hồng Kông thuộc phe Dân Chủ đối lập đã xác nhận rằng, cuộc thăm dò dư luận ấy thiếu khách quan và trung thực vì do chính các chuyên viên trong chánh quyền Hồng Kông sắp đặt.
Tin tức mới ghi nhận cũng cho hay, phong trào đấu tranh cho dân chủ Hồng Kông tố cáo kẻ lạ mặt đã loan truyền rộng rãi qua email rằng, cuộc tập họp quy mô với hàng trăm ngàn người tham gia, nhân ngày mồng một tháng bảy này đã bị hủy bỏ và dời đến ngày mồng 4 tháng bảy tới, vì lý do thời tiết xấu. Theo Ban Tổ Chức thì cuộc biểu tình vẫn diễn ra hôm nay như đã dự trù.
Hồi tháng tư năm nay Bắc Kinh đã ban hành một số quy định liên quan đến việc bầu chọn người lãnh đạo Hồng Kông vào năm 2007 và bầu cử các đại biểu thuộc hội đồng lập pháp năm 2008. Nói chúng là nhà nước Trung Quốc chưa muốn người dân Hồng Kông tự mình chọn lựa các quan chức hành pháp và lập pháp mà phải tùy thuộc vào sự định đoạt của Bắc Kinh.