Nửa Thế Kỷ Kinh Tế Trung Quốc

Lời Giới Thiệu: Hôm nay, nhà cầm quyền Bắc Kinh kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Dịp này, ông Kenneth S. Courtis kinh tế trưởng và cầm đầu về chiến lược đầu tư của hệ thống ngân hàng Deutsche Bank của Đức đã có một số nhận định được nhật báo International Herald Tribune loan tải và Phạm Điền xin tóm lược như sau:Hôm nay, Đảng Cộng Sản Trung Hoa làm lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Thành tích đáng được nói tới của Hoa Lục trong hậu bán thế kỷ này là đã lo được áo cơm và nơi cư trú cho một phần tư dân số thế giới, điều mà trước đó 50 năm, họ không làm được. Nhưng, cũng những thành quả kinh tế trong 20 năm vừa qua mới tạo ra cơ hội cho nhiều tiến bộ hơn nữa trong thời gian tới, với điều kiện là giới lãnh đạo Trung Quốc có được viễn kiến và ý chí tiến hành những cải cách cần thiết. Nhìn lại quá khứ, thế hệ cầm quyền đầu tiên của Trung Quốc đã gióng được tiếng nói, tạo được bản sắc và đưa ra đường hướng lãnh đạo cho thành phần nông dân từng bị đàn áp trong hàng thế kỷ bị khủng hoảng. Ngày nay, đến lượt thị dân đã đẩy mạnh sự tăng trưởng, đưa ra khuôn khổ của đổi thay, và thúc đẩy xứ này hội nhập vào kinh tế thế giới. Và thách thức lớn nhất của hiện tại là xác định lại vai trò của nhà nước trong nền kinh tế. Thực tế thì hệ thống ngân hàng của Trung Quốc là tàn dư của thời cũ, nó chuyển hóa phần lớn tiết kiệm của dân vào khu vực quốc doanh để xuất ngày càng nhiều loại hẩm vật càng ít người muốn mua. Khi doanh thu của các xí nghiệp đa số là quốc doanh đó càng sút giảm thì nhà nước lại càng cần nhiều tiền mặt hơn chỉ để giúp chúng khỏi vỡ nợ. Cho nên, không có biện pháp cải tổ triệt để thì rất ít hy vọng sửa sai việc sử dụng tài nguyên lầm lẫn như vậy. Điều đó làm nổi bật hiện tượng giảm phát, là hàng bán không chạy dù đã xuống giá, hiện đang làm kinh tế Hoa lục bị ngộp. Việc cải tổ doanh nghiệp nhà nước đang được thi hành và cơ hội thành công, cùng với tốc độ và sự ổn định của tiến trình cải tổ, có thể được khởi sắc nếu người ta sửa sai hệ thống chuyển hóa tài chánh. Hệ thống này nên công khai minh bạch, có cơ sở pháp lý và chủ yếu được thúc đẩy bởi quy luật thị trường. Có sửa sai như vậy thì nguồn tiền tiết kiệm mới chảy mạnh hơn vào các lãnh vực kinh tế có khả năng tạo thêm công việc làm, góp thuế, tăng xuất khẩu và tạo ra sự phồn vinh.Nếu khu vực tư doanh đang phôi thai của Trung Quốc mà được tiếp cận với hệ thống tài chánh có tính thị trường rõ rệt như vậy thì những mối e ngại dễ hiểu của quảng đại quần chúng cơ sở về việc cải cách và nỗi lo về rủi ro động loạn xã hội có lẽ đã tan biến, vì bộ máy tạo thêm công việc làm, là tư doanh, đã có trớn tăng trưởng rất mạnh. Ngược lại, nếu Bắc Kinh không mau cải sửa theo hướng đó, thì rủi ro giảm phát sẽ gia tăng, dù gần đây chính quyền đã có nhiều biện pháp kích thích sản xuất. Hiện thời các khoản nợ khó đòi đã chiếm tới 30% lợi tức quốc dân, và hệ thống tài chánh hiện hành mà không được cải sửa thì Trung Quốc sẽ gặp khủng hoảng tài chánh còn nguy kịch hơn những gì đang làm kinh tế Nhật bị tê liệt.Lãnh đạo Trung Hoa từng cho thấy khả năng đặt quan điểm thực tiễn và lương tri lên trên ý thức hệ giáo điều. Vậy thì cách hay nhất cần tiến hành ngay là tạo thị trường chứng khoán và trái phiếu có cơ sở luật lệ thích hợp để qua đó giới tiết kiệm có thể đầu tư vào các công ty năng động của tư doanh Trung Quốc. Dân Trung Hoa tiết kiệm cao hơn nhiều sắc dân khác. Cho nên, khi cả chục triệu người đầu tư tiền tiết kiệm của họ vào sự tăng trưởng của tương lai, điều đó sẽ đó sẽ tạo ra sự thịnh vượng nhờ quyền làm chủ thực tế của người dân.Và những thị trường tư bản hữu hiệu hơn còn mở ra nhiều nguồn đầu tư của thế giới vào việc tăng trưởng kinh tế của Hoa lục. Các thị trường tài chánh vận hành tốt đẹp hơn cũng còn giúp ích cho việc chuyển các khoản tài sản xấu ra vốn kinh doanh sau khi được chấn chỉnh và giảm bớt áp lực trên hệ thống ngân hàng. Thành quả của 50 năm qua sẽ vững thêm nếu Trung Quốc tiến theo hướng đó. Một Trung Quốc thịnh vượng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong nền tài chánh thế giới và thực sự trở nên một đối tác chiến lược của Nhật bản, Hoa Kỳ và Âu Châu trong việc kiến tạo kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21.