Tại đây, ông cũng được hướng-dẫn đi xem trung-tâm triển lãm ghi lại quá-trình xây cất cây cầu này, từ vẽ kiểu đến những đồ vật khảo-cổ-học mà người ta tìm ra khi đào móng cho cây cầu, rồi đến các chặng xây cất, gia công để trông thấy khả-năng xây cất rất tối-tân của Đan-mạch. Sau đó, ông và phái-đoàn được đưa lên tàu đi một vòng chung quanh bến tàu Kastrup trước khi được đưa về Tòa Đô-sảnh nhận chìa khóa thành-phố từ tay ông Hans Thustrup Hansen, đô-trưởng Kobenhavn. Sau đây, là diễn-tiến cuộc họp báo của thủ-tướng hai nước Việt-nam và Đan-mạch do Tâm Việt gởi về.Cuộc họp báo bắt đầu hơi trễ ở phòng họp nội-các thuộc Dinh Thủ-tướng bên cạnh Quốc-hội Đan-mạch, và người ta đã thấy tề tựu khá đủ các đài truyền hình, truyền thanh Đan-mạch cũng như đại diện của hãng thông tấn Reuter và mấy tờ báo lớn ở địa-phương. Bước vào phòng, Thủ-tướng Đan-mạch, ông Poul Nyrup Rasmussen, giới-thiệu ông Phan Văn Khải và nêu ra những điều mà hai bên đã thảo-luận, trong đó có các chương-trình viện-trợ của Đan-mạch liên-hệ đến phát triển nông-thôn, vấn-đề nước uống, ngư-nghiệp và môi-trường. Ông Rasmussen cũng khẳng-định là trong tinh-thần tương-kính, chính ông cũng đã nêu ra "những lo âu của Đan-mạch về vấn-đề nhân-quyền Việt-nam" mà ông nói nguyên-văn như sau: "Confidence is of such a kind that we also could discuss all political issues such as human rights. I express the Danish worries."Câu hỏi đầu tiên dành cho ông Phan Văn Khải đến từ một nữ-phóng-viên của Đài Phát thanh Đan-mạch: Ông nghĩ gì về tình-hình Đông Timor và ông quan-niệm vai trò của ASEAN trong đó ra làm sao? Ông Khải trả lời là ông ủng-hộ sự can-dự của một số nước ASEAN trong lực-lượng Liên-hiệp-quốc ở Đông Timor nhưng ông nhấn mạnh là sự hiện-diện của Liên-hiệp-quốc phải có sự đồng-ý của nước sở-tại, trường-hợp ở đây là In-đô-nê-xia. Ông Phan Văn Khải lúng túng và quanh co hơn khi ông phải trả lời câu hỏi về một chế-độ đa đảng trong tương-lai cho Việt-nam. Ông cho rằng sở dĩ Việt-nam không chọn đa nguyên đa đảng là vì Việt-nam cũng như các nước phải có con đường đi riêng của mình, dựa vào những điều-kiện đặc-thù của chính mình chứ không thể mù quáng đi theo một mẫu-hình nào. Ông cho rằng dù như Việt-nam "có học tập kinh nghiệm của nước ngoài nhưng mà chúng ta giáo điều, chúng ta bắt chước thì hoàn toàn bị thất bại. Và trong lịch sử của Việt-nam chúng tôi, khi nào phạm sai lầm về giáo-điều là lúc đó chúng tôi, đất nước của chúng tôi gặp khó khăn... Còn hiện nay thì chúng tôi chưa có đa đảng, điều đó chưa có nhu cầu ở Việt-nam chúng tôi ngày hôm nay."Bắt ngay vào câu trả lời này, Đài Á-châu Tự do đã nêu ra khả-năng là ông Khải mâu thuẫn với chính ông khi một đằng ông lên án giáo-điều song đằng khác ông và chính-phủ ông lại không chấp nhận cho tư-nhân ra báo, bắt bỏ tù những người bất đồng chính-kiến, giữ độc-quyền cai trị cho Đảng Cộng-sản. Được hỏi ông nghĩ sao về nhận-định đó, ông Khải đã nổi nóng đến độ thiếu mạch lạc: "Giáo điều nghĩa là hoàn toàn, điều kiện đất nước mình khác, con người lịch-sử khác nhưng lại đi bắt chước người ta hoàn toàn, cái đó là sai lầm. Còn vấn đề ông Trần Độ thì luật báo chí của chúng tôi trong điều kiện lịch sử của Việt-nam hiện nay chưa cho báo tư nhân ra đời. Thủ tướng và chính phủ Việt-nam không dám làm sai luật."Ông Phan Văn Khải lại còn tỏ ra thiếu cả thông tin khi ông phủ-nhận tin Hòa-thượng Thích Quảng Độ đã có đơn xin ra báo: "Còn ông Thích Quảng Độ thì chắc là các ông biết, ông ấy là, không phải là một cái tổ chức chánh trị gì. Ổng vi phạm pháp luật đối với Việt-nam chúng tôi, ổng lợi dụng tín ngưỡng. Báo chí chỉ có ông Trần Độ chứ ông Thích Quảng Độ thì có chuyện gì báo chí!"Nói thế chưa đủ, ông còn quay ra đả kích luôn cả cá-nhân người hỏi: "Còn ông bạn thì mấy bữa nay, chúng ta gặp nhau nhiều lần. Tôi đi bốn nước đều gặp ông cả, và dường như tôi đã gặp ông từ năm 91 ở Bruxelles." Rõ ràng là vì nóng nên ông Khải đã vu vạ vì thứ nhất, năm 91 tôi không hề có mặt ở Bruxelles và thứ hai, Đài Á-châu Tự do mới chỉ bắt đầu phát thanh về Việt-nam từ năm 97 mà thôi. Dầu sao cũng ngay sau đó, ông Khải đã giận dỗi cắt ngang buổi họp báo dù đang có những bàn tay khác giơ lên xin đặt câu hỏi. Một ký-giả Âu-châu đã giơ tay lên chán nản: "I don't like that. Tôi không thích kiểu ấy!"Tâm Việt tường-trình từ thủ-đô Đan-mạch.