Lời giới thiệu: Tân chính phủ Indonesia được thành lập chỉ mới hơn một tháng, đã phải dành suốt 30 ngày qua để cố giữ quốc gia khỏi tan rã vì bạo động và những phong trào ly khai. Hôm thứ Ba, Jakarta lại bị thêm một cuộc khủng hoảng mới, lần này do tình trạng tham nhũng trong hệ thống ngân hàng gây ra. Dựa trên bản tin liên quan do phái viên Jonathan Thatcher của hãng thông tấn Reuters gởi đi từ Jakarta, Lê Dân lược thuật:Tổng thống Abdurrahman Wahid hôm thứ Ba đã triệu tập các giới chức cao cấp của Cơ quan Cải tổ Hệ thống Ngân hàng, trong đó có người đứng đầu là ông Glenn Yusuf, để thảo luận về những khó khăn mà Cơ quan này đang vấp phải. Nghiêm trọng nhất là những lời cáo buộc tham nhũng và bất lực.Cơ quan Cải tổ Hệ thống Ngân hàng hiện đang nắm giữ trên 60 tỷ đôla, là tài sản tịch thu của các ngân hàng và doanh nghiệp bị phá sản. Cơ quan này được xem là nỗ lực chủ yếu để hồi phục nền kinh tế Indonesia, mà theo các nhà phân tích, nếu hệ thống ngân hàng không được cải tổ, thì toàn bộ nền kinh tế nước này vẫn chìm đắm trong tình trạng suy trầm.Tổng trưởng Kinh tế Kwik Kian Gie cho biết cuộc hội kiến đặc biệt tại dinh Tổng thống với các giới chức cầm đầu Cơ quan Cải tổ Hệ thống Ngân hàng nhằm thảo luận về tệ nạn tham nhũng và sự bất lực của ngành Tư pháp trong việc thu thập bằng chứng tội phạm.Trước đó, cũng trong ngày thứ Ba, ông Glenn Yusuf và các cấp chỉ huy Cơ quan Cải tổ Hệ thống Ngân hàng đã bị triệu đến Bộ Tư Pháp để trình bày về diễn tiến cuộc điều tra ở Ngân hàng Bali. Vụ tai tiếng này đã khiến hy vọng được bầu làm Tổng thống của ông Habibie tan thành mây khói, và các tổ chức cấp viện phải đình chỉ giải ngân. Ngân hàng Bali đã trả tám chục triệu đôla cho một công ty của một nhân vật cao cấp trong đảng Golkar của Tổng thống Habibie đang cầm quyền, với lý do là tiền trả công đòi nợ. Cuộc điều tra cho đến nay chỉ tìm ra vài viên chức cấp thấp bị quy lỗi.Thật ra, cơn lốc ở Jakarta bắt đầu từ hôm thứ Hai, khi ông Laksamana Sukardi, Tổng trưởng Doanh nghiệp Nhà nước và Đầu tư, tố cáo trước Quốc hội rằng cựu Tổng thống Suharto đã dùng ảnh hưởng để buộc Ngân hàng Quốc doanh Negara cho đại tổ hợp vải sợi Texmaco vay một tỷ đôla hồi năm 1997 và 1998. Theo Tổng trưởng Sukardi, việc cấp tín dụng đó hoàn toàn trái với những quy định trong ngành tài chánh ngân hàng.Tổng trưởng Tư pháp Marzuki Darusman cho báo chí biết vì ngân hàng Negara là một cơ sở quốc doanh, nên sự xác nhận của Tổng trưởng Doanh nghiệp Nhà nước đã đủ cơ sở để mở cuộc điều tra tham nhũng, có thể liên quan đến cựu Tổng thống Suharto và phe nhóm của ông.Dưới chế độ độc tài của ông Suharto kéo dài suốt 32 năm, Indonesia đã trở thành một trong những quốc gia tham nhũng nhất thế giới. Các ngân hàng quốc doanh thường bị áp lực phải cấp tín dụng cho gia đình và thân hữu của ông Suharto. Các món nợ đó, dù ít được thế chấp và đáo hạn, nhưng vẫn thường được gia hạn nhiều lần. Cơ quan Cải tổ Hệ thống Ngân hàng hiện nay cho biết nợ tín dụng do ngân hàng quốc doanh cấp thuộc loại khó đòi nhất. Những cáo buộc và điều tra về tài sản của gia đình Suharto đã không đưa lại kết quả nào cụ thể, dù rằng theo một số nguồn tin, số gia sản đó lên tới trên 30 tỷ đôla.Hôm đầu tuần, Tổng thống Wahid hứa sẽ ân xá cho cựu Tổng thống Suharto nếu ông này nhận lỗi và hoàn trả những món tiền bất chính.