Liên Minh Nga-Hoa-Ấn và Cán Cân Thế Giới ở Thế Kỷ 21

Lời giới thiệu: Trong thế kỷ 21 sự phát triển của hai nước Trung-Quốc và Ấn Độ sẽ góp phần tạo hình cho Châu Á, trong khi nước Nga dân chủ sẽ dần dần thoát khỏi những khó khăn để tiến lên đường phát triển. Nga từng gióng tiếng về khối liên minh giữa 3 nước Trung-Quốc, Ấn Độ và Nga, như một đối cực với Hoa-Kỳ.ụ Nhưng liệu liên minh 3 nước đông đảo đó có khả năng thành hình để làm cán cân lực-lượng trên thế-giới nghiêng lệch về phía Á-Châu hay không? Đó là chủ đề của bài viết chung của giáo sư Ramesh Thakur, phó viện trưởng viện đại học Liên Hiệp Quốc tại Tokyo, và giáo sư Zhang Yunling, giám đốc viện nghiên cứu Á-Châu Thái-Bình Dương thuộc Viện Khoa học Xã Hội Trung-Quốc ở Bắc-Kinh. Bài do Việt-Long chuyển ý:Có dư luận ở Hoa-Kỳ lo ngại rằng 3 nước Trung-Quốc, Ấn Độ và Nga sẽ trở thành một khối trục chống Tây phương. Trục liên minh này là từ ngữ của cựu Thủ-tướng Nga Yevgeni Primakov, khi ông viếng thăm Ấn độ tháng 12 năm ngoái. Khối trục ấy sẽ kết hợp 2.5 tỷ dân của ba nước có vũ khí hạch-nhân để chống lại điều thường bị lên án là bá quyền Hoa-Kỳ trên thế-giới. Tuy nhiên liệu liên minh tay ba ấy có khả năng thành hình hay không? Trên thực tế, mỗi quốc gia trong bộ ba này đều cần đến mối quan hệ song phương với Hoa-Kỳ hơn là quan hệ với cả hai nước kia, vì Washington là cánh cửa lớn mở vào nguồn vô tận của kỹ thuật, tín dụng và thị trường. Dù vậy, ba nước đó đều cảnh giác trước những khả năng ưu việt của Hoa-Kỳ về cả ba lãnh vực: sức mạnh quân-sự, nguồn động lực kinh-tế và kỹ thuật tin học. Họ sợ rằng Hoa-Kỳ quá mạnh sau thời kỳ chiến tranh lạnh. Cả ba nước đều lo âu vì sự kiện Kosovo, tuy rằng liên minh NATO không đụng chạm gì đến ba nước này, ngoại trừ vụ ném bom lầm tòa đại sứ Trung-Quốc ở Nam tư. Nhiều người Nga cho rằng hiệp ước Wasaw đã ngăn chặn hành động của NATO trong thời còn chiến tranh lạnh, và ngày nay họ bực tức khi thấy Nga bị mất mặt trước sự tung hoành của khối liên minh đối nghịch trước đây.Trung-Quốc không bao giờ tha thứ hành động của Mỹ ném bom tòa đại sứ của họ, dù Hoa-Kỳ có khẩn khoản xin lỗi và giải thích đến mấy. Ấn Độ luôn luôn chống lại việc Hoa-Kỳ thường phủ nhận luật lệ quốc tế mỗi khi quy luật ấy không phù hợp với quyền lợi của Hoa-Kỳ và đồng minh, điển hình qua sự kiện Kosovo, khi NATO bỏ qua điều kiện phải được Liên Hiệp Quốc cho phép trước khi sử dụng vũ lực trên bình diện quốc tế. Ba nước đều nhìn thấy sức mạnh của Hoa-Kỳ quá cách biệt so với sức mạnh của các nước còn lại trên thế-giới. Họ cũng thấy sự nhân danh nhân quyền để can thiệp đã xé nát quốc gia bị chọn làm mục tiêu.Thế nhưng trong khối trục ba nước do Nga đặt tên, chính Nga lại là nước khó lòng từ chối nhất trước các chính-sách của phương Tây, vì những vấn nạn kinh-tế, nội an cần đến bàn tay cứu giúp của Hoa-Kỳ và châu Âu. Thế kiềng ba chân chỉ còn lại hai nước Trung-Quốc và Ấn độ, nhưng tình trạng xung đột giữa Trung-Quốc và Ấn độ dễ dàng làm mồi cho những chiến thuật chia rẽ và trung lập hóa những thành phần chống lại đường lối của Hoa-Kỳ. Tuy vậy hai nước này vẫn có thể bắt tay tạo nên một thế-giới đa cực, tức là một thế-giới không bị Hoa-Kỳ chi phối hoàn toàn. Trung-Quốc và Ấn độ cùng chống lại nỗ lực nối kết mậu-dịch quốc tế với các luật lệ lao động nghiêm ngặt và với các tiêu chuẩn môi sinh. Sự có mặt của Trung-Quốc trong Tổ-Chức Mậu-Dịch Thế-Giới sẽ giúp Trung-Quốc và Ấn kết hợp lực-lượng để bảo vệ quyền lợi của các nước đang mở mang.Hai nước ấy cũng chống lại hoạt động các lực-lượng tôn giáo và sắc tộc, nhằm bảo vệ sự kết hợp lãnh thổ. Vùng Trung Á vốn dễ qua lại, khiến các hoạt động vũ trang của các lực-lượng Hồi giáo gây bất ổn cho cả Trung-Quốc, Ấn độ lẫn Pakistan. Phần nào cũng vì lý do đó nên Bắc-Kinh không mấy nồng nhiệt bênh vực Pakistan trong cuộc xung đột với Ấn Độ mới đây. Dù vậy Bắc-Kinh và New Delhi vẫn gặp những trở ngại khó vượt qua để trở thành liên minh. Ấn Độ về căn bản theo chế độ dân chủ, dù đó là một nền dân chủ khiếm khuyết và co dãn đầy tính Ấn độ, trong khi Trung-Quốc theo đuổi chủ nghĩa Cộng Sản theo kiểu Trung Hoa. Ấn Độ có mối liên hệ lịch sử và ngôn ngữ với phuơng Tây, cộng với chính-sách thay thế nhập khẩu, bảo hộ kinh-tế và đường lối chính-trị gần gũi Liên Bang NGa, khiến Ấn khó lòng đi với Trung-Quốc. Khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ, Ấn độ mất một đồng minh chiến lược để chống Trung-Quốc; ngược lại, Bắc-Kinh cũng không còn nhu cầu tranh thủ liên minh với New Delhi để chống lại mối đe dọa Liên Xô. Ấn và Trung-Quốc không trao đổi mậu-dịch bao nhiêu, lại là đối thủ cạnh tranh để chiêu dụ đầu tư nước ngoài, tín dụng và thị trường. Nguồn đầu tư nước ngoài vào Ấn độ sẽ giúp công nghiệp Ấn tiến nhanh đến kỹ thuật cao và nền quản trị hiện đại, song song với tài năng tiếp thị, sự kích thích cạnh tranh nội địa, gia tăng tiêu chuẩn kiểm phẩm, tạo thêm công ăn viẹc làm, đưa đến khả năng cạnh tranh mạnh hơn trên thị trường quốc tế. Trung-Quốc chịu thiệt thòi vì những ưu điểm đó của Ấn, nên cũng phải ra sức tranh thủ nguồn đầu tư ngoại quốc. Về mặt an ninh quốc-phòng, Ấn độ coi Trung-Quốc như nước can thiệp vào tình hình Nam Á, trong khi các quốc gia quanh Ấn Độ muốn Trung-Quốc là một yếu tố cân bằng với Ấn Độ, là nước bị họ coi như bá quyền trong tiểu lục địa này. Ấn độ còn gọi Trung-Quốc là nguyên do của cuộc thử nghiệm hạch-nhân năm 1998, trong khi cuộc tranh chấp biên giới hai nước chưa bao giờ chấm dứt hẳn, dù cả hai đã ký kết nhiều hiệp ước tạm duy trì nguyên trạng và ngăn ngừa xung đột vũ trang trên bộ, trên không và trên biển. Nga là nước khua chiêng gõ trống nhiều nhất về liên minh Nga Trung-Quốc, rồi đến khối trục Nga Trung-Quốc Ấn Độ. Nhưng với tình hình nước Nga hiện nay, và trong tình trạng thực tế giữa Trung-Quốc Ấn Độ như vậy, khối trục liên minh tay ba đó có vẻ như chỉ là giả thuyết khó thành sự thực.