WB: Các Nền Kinh Tế Á Châu Vẫn Rất Đáng Lo Ngại

Trần Xuân VănNgân Hàng Thế Giới vừa lên tiếng bày tỏ mối quan tâm đối với tình trạng phát triển của Châu Á, cho dù phần lớn các quốc gia trong vùng đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế.Theo lời ông Jean-Michel Severino, Phó chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới đặc trách Châu Á-Thái Bình Dương thì mức phát triển của Á Châu trong thập niên tới sẽ tuỳ thuộc vào chính sách mà các quốc gia trong vùng cho áp dụng.Lên tiếng trong bài nói chuyện đọc trước một buổi hội thảo bàn về những kinh nghiệm học hỏi được từ cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chánh Châu Á, ông Severino nói là Ngân Hàng hiện vẫn rất lo ngại cho tình hình kinh tế và phát triển của toàn vùng, cho dù hầu hết các quốc gia đều đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất mà cuộc khủng hoảng gây nên. Theo lời ông, các thành quả mà những nước trong khu vực Đông Á đạt được không đảm bảo là các quốc gia này sẽ tiếp tục tăng trưởng về kinh tế.Ông Phó chủ tịch đặc trách Châu Á-Thái Bình Dương của Ngân Hàng Thế Giới cũng cho rằng hiện nay, giới lãnh đạo của nhiều nước trong vùng đang đứng trước ngã ba đường, không biết nên áp dụng mô thức nào cho quốc gia của họ trong những ngày tháng tới. Ông nói với đại ý là các cuộc tranh cãi mang nặng mầu sắc chính trị này phải chấm dứt càng sớm càng tốt, và các nước liên hệ nên bắt đầu đưa ra những chính sách kinh tế tài chánh sao cho hữu hiệu hơn.Một trong những đề nghị mà ông Severino đưa ra là đẩy mạnh kế hoạch giải tư, vì theo lời ông, tình trạng xí nghiệp quốc doanh bị lỗ lã hiện vẫn còn là gánh nặng cho nhiều quốc gia trong vùng. Ông tin rằng kế hoạch này nếu được thực hiện một cách quy mô, sẽ dẫn tới điều mà nhiều người đang mong đợi là thị trường mở rộng, chính sách của nhà nước cũng được thực thi minh bạch, rõ ràng hơn trước, giúp các quốc gia trong vùng cơ hội cân bằng ngân sách, và có thêm tiền thực hiện những dự án phát triển, để có thể thăng tiến cùng với cộng đồng thế giới. Ông cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc phải quyết tâm thực thi chính sách phát triển, cải cách một cách liên tục và rõ ràng, nếu muốn được sự trợ giúp của các định chế tài chánh quốc tế. Ông Phó chủ tịch Đặc Trách Châu Á-Thái Bình Dương của Ngân Hàng Thế Giới cũng nhấn mạnh là Ngân Hàng không có ý đưa ra một mô hình kinh tế cho các quốc gia trong vùng, và nói thêm là ngay cả chủ thuyết tư bản kiểu Mỹ cũng không thể đem ra áp dụng cho khu vực này. Nhưng điều đó không có nghĩa là Ngân Hàng ủng hộ hay chấp nhận những chính sách mà ông gọi là sai lầm, không phù hợp với thực tế, chẳng hạn như chính sách mà nhà cầm quyền Hà Nội đang cho thực hiện, vì theo lời ông, chính sách này chỉ đưa đến thất bại.