Quốc tế: Bắc Kinh chủ trương vi phạm nhân quyền
2000.03.18
Lời giới thiệu: tình trạng vi phạm quyền con người tại Hoa Lục ngày càng trầm trọng, mà theo các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế thì điều đó do chủ trương của nhà cầm quyền ở Bắc Kinh. Dư luận thế giới nhiều lần lên tiếng khuyến cáo, nhưng Trung Quốc tiếp tục làm ngơ. Hôm thứ Năm vừa qua, Washington cho biết trong tháng này sẽ đệ trình Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc một bản nghị quyết lên án Bắc Kinh vi phạm quyền con người. Lê Dân lược thuật diễn biến đó như sau... Phát biểu tại Câu lạc bộ Báo chí Ngoại quốc ở thủ đô Washington hôm thứ Năm, ông Harold Koh, phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ, đặc trách Dân Chủ, Nhân quyền và Lao động, cho biết rằng thế giới quan tâm đến những vụ nhân quyền bị chà đạp tại Trung Quốc ngày càng nhiều. Vì thế, chính phủ Hoa Kỳ dự định đệ trình Hội nghị của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, được tổ chức vào cuối tháng tại Genève, một quyết nghị lên án Bắc Kinh về những hành vi đó. Theo ông, quyết nghị về vấn đề này năm nay có nhiều khả năng được hội nghị Nhân quyền thông qua. Ông nói: "Chúng tôi nghĩ sẽ có nhiều nước hỗ trợ và đứng ra đồng bảo trợ Nghị quyết này. Con số chính xác các quốc gia đó chưa rõ cho đến khi Nghị quyết được đặt lên bàn hội nghị vào vài tuần tới...". Phụ tá Ngoại trưởng Harold Koh cho biết Hoa Kỳ từng đệ trình Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc một Nghị quyết tương tự hồi năm 1995, nhưng chỉ vì thiếu 1 phiếu thuận, nên không được thông qua. Đầu năm ngoái, Bắc Kinh đã gia tăng tiêu diệt các chính kiến khác biệt với họ, cụ thể là bắt giam hàng loạt thành viên của đảng Dân chủ Trung Hoa. Sau đó, các quyền con người căn bản như quyền tự do tư tưởng, tự do tôn giáo tiếp tục bị Bắc Kinh trấn áp một cách có hệ thống. Tín đồ các tôn giáo Tin Lành, Công giáo, cùng các người Uighur Hồi giáo và Phật giáo Tây Tạng đều không được nhà cầm quyền tôn trọng đúng mức. Hoạt động tôn giáo của họ bị ngăn trở, nhiều người bị phạt tù giam vì niềm Tin. Môn phái Pháp Luân Công bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Nhiều nhà hoạt động bảo vệ nữ quyền và giới lao động cũng bị Bắc Kinh ngược đãi. Các chiến dịch gọi là "cải tạo" vẫn còn được tiếp tục phát động tại Tây Tạng. Thêm vào đó, quyền tự do thông tin và ngôn luận cũng bị Bắc Kinh giới hạn tới tối đa, bằng cách kiểm soát các luồng thông tin trên hệ thống tin học toàn cầu Internet, không cho người dân của họ được biết những gì thực sự đang diễn ra trên thế giới. Đối với thái độ ù lì cố hữu của Bắc Kinh mỗi khi phải đương đầu với sự chỉ trích của quốc tế về tội vi phạm nhân quyền, phụ tá Ngoại trưởng Harold Koh cho biết: "Quốc gia nào trên thế giới cũng tự nguyện trao Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc quyền thẩm định về thành quả bảo vệ quyền con người của mình. Trong khi đó, dù Trung Quốc là một cường quốc, một nước quan trọng, cũng không thể tự đặt ra biệt lệ cho chính họ được".