Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nền kinh tế toàn cầu


2000.12.30

Lời giới thiệu: Kinh tế của Trung Quốc ảnh hưởng rất lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt nhất là với những quốc gia trong vùng Đông Nam Á. Đó là nhận định mà ông George Yeo, bộ trưởng mậu dịch của Singapore đưa ra. Phương Anh sẽ trình bầy chi tiết hơn trong bài sau đây.... Mặc dù một số quốc gia nằm trong vùng Đông Nam Á đang gặp thử thách, nhưng nhìn chung, mức phát triển về mặt kinh tế của những nước này ít nhiều, vẫn lệ thuộc vào sự phát triển của Trung Quốc. Đó là nhận xét mà ông George Yeo, bộ trưởng mậu dịch của Singapore vừa mới đưa ra. Lên tiếng trong bài diễn văn đọc trước các thương gia người Hoa và người Singapore, ông bộ trưởng George Yeo nói là nếu Hoa Lục tiếp tục phát triển tốt như hiện giờ, nền kinh tế của những nước trong vùng Đông Nam Á cũng có thể nhờ đó mà phát triển theo. Ông cũng nhìn nhận là trong những ngày tới, mức cạnh tranh của vùng Đông Nam Á và Trung Quốc sẽ tăng cao hơn, nhưng tính chung thì tất cả đều có lợi. Mặc dù người cầm đầu bộ đặc trách mậu dịch của Sigapore đưa ra nhận định lạc quan như vậy, nhưng các nước khác thuộc ASEAN đang có thái độ khá dè dặt đối với Trung Quốc về mặt kinh tế. Những quốc gia này lo ngại không thể cạnh tranh được với hàng hóa của Hoa Lục sản xuất, và sau khi Bắc Kinh được thu nhận làm hội viên của Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới, có thể Trung Quốc sẽ lôi kéo được nhiều vốn đầu tư nước ngoài hơn hiện giờ, và nếu điều này xảy ra, chính các nước nhỏ nằm trong khu vực Đông Nam Á là những nước bị thiệt thòi. Trong cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo của ASEAN hồi tháng 11 năm ngoái, Bắc Kinh đã đề nghị bắt đầu nghiên cứu kế hoạch mở rộng khu vực mậu dịch tự do, để tạo dựng thành một khối tiêu thụ cho 1 tỷ 700 triệu người, gồm 1 tỷ 200 triệu người ở Hoa Lục và 500 triệu người ở các nước Đông Nam Á. Cũng trong cuộc thảo luận này, Thủ tướng Chu Dung Cơ của Bắc Kinh còn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc mở các trục giao thông mới, đặc biệt nhất là tuyến đường xe lửa nối từ Sinagpore sang Côn Minh, đi qua nhiều nước thuộc ASEAN. Ông Yeo cũng tiên đoán là kể từ năm 2001, Á Châu sẽ đóng một vai trò rất quan trọng về kinh tế, tương tự như vai trò của Hoa Kỳ và Nhật Bản hiện nay. Dĩ nhiên, điều này chỉ thành tựu với điều kiện tất cả các quốc gia tiếp tục chính sách cải cách, để tránh không gặp phải một cuộc khủng hoảng kinh tế khác. Hồi cuối tuần trước, bản nhận định về tình trạng kinh tế Châu Á năm 2000 do nhà nước Bắc Kinh phổ biến nói rằng hầu hết các quốc gia trong vùng Đông Nam Á đều đã được vượt qua được các khó khăn do cuộc khủng hoảng kinh tế 1997 gây nên, nhưng đàng sau sự hồi phục đáng ngạc nhiên này vẫn còn những yếu kém cần phải giải quyết ngay để bảo đảm tiếp tục phát triển tốt và lâu dài. Bản phúc trình cũng cho thấy trong năm vừa qua, Hồng Kông và Trung Quốc dẫn đầu Tổng sản Lượng Nội Địa tăng tới 11,7%, kế đó là Nam Hàn với 10,5%. Singapore về hạng tư với 9,5%, và Malaysia đứng hạng năm với 9,3%. Bản phúc trình nói là nếu nhìn kỹ, mức tăng trưởng mạnh mẽ này cũng phơi bày một tình trạng yếu kém nhgiêm trọng của Á Châu, là vẫn bị lệ thuộc quá nhiều vào hàng xuất cảng, và hai loại hàng chính là điện tử và kỹ thuật tin học. Hiện giờ, Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ chính, một phần tư hàng ở Á Châu được đưa vào thị trường Hoa Kỳ. Các chuyên gia về kinh tế của Trung Quốc cũng như những nhà phân tích khác đều nói hiện đang có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ đang chậm lại, có thể dẫn đến việc mức tiêu thụ ít hơn, và gây phương hại đến nền kinh tế Á Châu.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.